Hiệu trưởng – Lãnh chúa trường học hay viễn cảnh thất bại của đổi mới giáo dục

Thái Hạo

14-3-2021

Phải nói ngay, việc trở thành “lãnh chúa” không phải lỗi của hiệu trưởng. Ông ta được bậc đế/vương ban cho quyền lực vô tận trong tay để trở nên độc đoán và chuyên quyền mà không có bất kỳ thế lực nào có thể ngăn cản nổi. Đọc Luật giáo dục và điều lệ trường học sẽ rõ.

Tại sao có sự ân sủng kỳ cục như vậy trong môi trường giáo dục? Có phải chính phủ (và trên chính phủ?) đã lầm lạc hay ngây thơ mà quy định như vậy? Không đâu, cái này hoàn toàn thống nhất nếu chúng ta hiểu biết chút ít về thể chế hiện hành. Chính cái tôn chỉ “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” đã dẫn tới việc thiết định tất cả những “hệ thống con” hoàn toàn nhất quán với nó.

Về cơ bản, hiệu trưởng đồng thời sẽ là bí thư đảng của một trường học, vì đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối để tất cả đều phải đi trên 1 đường ray duy nhất, bất kể cái cái đường ray ấy có dẫn dẫn về đâu, mặc lòng. Và thế là người ta cấp cho hiệu trưởng quyền lực tuyệt đối, đến cả việc tuyển dụng và can thiệp vào chuyên môn của giáo viên.

Ông muốn làm gì thì làm, nhưng chân lý là thứ không thể được định hướng, chân lý là khách quan. Giáo dục có sứ mệnh mang con người tới với sự thật và ánh sáng, từ đó mà nhân cách hình thành và lớn dậy. Anh không thể “dạy người” bằng các bài học giáo điều về đạo đức – đó là một quy trình ngược thể hiện sự thiếu hiểu biết về con người và quy luật tâm lý của con người. Chính vì thế, có một lãnh địa thiêng liêng mà không ai được phép nhân danh bất kỳ thứ gì để xâm phạm: Chuyên môn.

Tuy vậy, hiện tại hiệu trưởng (và Ban giám hiệu) vẫn thò tay vào tất cả. Họ tự cho mình cái quyền yêu cầu người giáo viên phải dạy gì, dạy như thế nào; họ thanh tra, kiểm tra, dự giờ, nhận xét băng băng dù không hề có chuyên môn trong lĩnh vực ấy. Rồi họ đánh giá, phán xét, dán nhãn; họ gây nên sự hoang mang và sự hãi; họ tấn công vào bục giảng của người giáo viên…

Trong bài “Một số việc cần làm ngay đối với ngành giáo dục”, tôi đã nói “cần thay đổi phân cấp/phân quyền quản lý”, bởi quản lý nhà nước về giáo dục đang trở thành bước cản lớn nhất đối với công cuộc đổi mới giáo dục (chứ không phải chương trình và sách giáo khoa đâu!). Không thiết kế lại bộ máy và phân chia quyền lực hợp lý thì cái “công cuộc” kia không bao giờ có thể “thành công” được. Chắc chắn là như thế.

Với một ông trời con một mình một cõi, ngồi chót vót trên tòa nhà cao nhất, lăm lăm búa và bánh mì trong tay; ở dưới là lúc nhúc những chúng sinh thân mềm thì dù đảng có “thiên tài” thật đi chăng nữa, có trăm tay ngàn mắt đi chăng nữa cũng không cách gì thực hiện được những thay đổi, dù nhỏ nhất.

Thay vì đổ xô đi soạn sách giáo khoa, tổ chức tập huấn rình rang với bao nhiêu cái ngàn tỉ đồng tiền mồ hôi và nước mắt của dân đen, những người có trách nhiệm cao nhất hãy làm cái việc nên làm nhất lúc này: Kéo ông hiệu trưởng xuống đất, lấy cây búa trong tay ông ta đi và trao bánh mì cho một kẻ khác giữ.

Dù đã có quy định mới, từ 1/7/2020 hiệu trưởng không còn là công chức mà sẽ trở thành viên chức, nhưng cái điều chỉnh này chưa tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào về chất. Cần một động tác quyết liệt hơn, nếu chính phủ và ngành giáo dục thực tâm đổi mới.

Tôi đã nói cái điều mà tôi cho là cần nói nhất với tư cách một công dân và một người từng lăn lộn trong giáo dục, bởi cái điều ấy là chỗ sống còn.

Đừng tiếp tục bỏ ngoài tai nữa.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

Leave a Reply to Nelson Mandela Nói Về Giáo Dục Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây