Phản ứng mạnh của người Việt Nam hiện nay

Ngô Huy Cương

3-3-2021

Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao người Việt Nam hiện nay lại phản ứng rất mạnh đối với việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cho người thân trong gia đình của các quan chức cấp cao?

Chắc hẳn nhiều người đang cố gắng tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Nếu có câu trả lời chính xác, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước sẽ có một chính sách cán bộ hợp lòng dân hơn.

Nhân sự kiện, con gái của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc được bổ nhiệm, tôi xin được trình bày mấy lý do chủ yếu sau khiến người dân Việt Nam hiện nay rất “dị ứng” với việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cho người thân trong gia đình của các quan chức cấp cao:

Thứ nhất, tinh thần cách mạng dân tộc và dân chủ đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao nhiêu xương máu để thoát khỏi thực dân, phong kiến. Do đó họ không muốn thấy bóng dáng của một chế độ “phong kiến mới” thể hiện ở phương thức cha truyền con nối để cầm quyền ở đất nước ta.

Thứ hai, sau khi chính sách “đổi mới” bắt đầu có kết quả tốt, khâu quản lý cán bộ bị buông lỏng đã làm quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hóa, biến chất đến mức độ nhục nhã mà một trong những biểu hiện của thoái hóa, biến chất là đưa người nhà vào hệ thống chính trị để cùng nhau vơ vét, đục khoét, ăn trên ngồi trốc nhân dân, xa rời xã hội.

Thứ ba, nhiều con cháu của những quan chức cấp cao khi được bổ nhiệm đã thể hiện ngay thói vô đạo đức, yếu kém, hợm hĩnh, khinh dân mà không phải chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Thứ tư, chúng ta đã không phân tách nổi những vấn đề chính trị và những vấn đề kỹ thuật, chuyên môn đơn thuần trong công tác quản lý dẫn đến những công việc quản lý chuyên môn, kỹ thuật bị những kẻ yếu kém lợi dụng chính trị thâu tóm làm chậm sự phát triển của đất nước.

Thứ năm, chúng ta không có một cơ chế thực thụ tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người tham gia vào công việc của đất nước (như tuyên bố sau Cách mạng Tháng Tám mà Hiến pháp năm 1946 đã từng thể hiện). Do đó những người có tài năng, khả năng thật sự mà gia đình họ không có điều kiện bị đẩy ra bên lề và không có cơ hội để cống hiến đúng với tầm cỡ của họ.

Thứ sáu, người dân rất thiếu tin tưởng vào cái gọi là “qui trình” bổ nhiệm cán bộ bởi nó đều bị lợi dụng và trở thành thứ che đậy cho những ý đồ bổ nhiệm xấu.

Thứ bảy, tiêu chuẩn bổ nhiệm bị “hình thức hóa” như thể những đồ chơi phải có trước khi vào sân chơi chức quyền.

Để người dân tin tưởng hơn vào công tác cán bộ và tránh tệ nạn bổ nhiệm theo kiểu “cha truyền con nối”, bên cạnh nhiều giải pháp khác, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn “tội phạm hóa” hành vi lạm dụng vị thế trong công tác quản lý, lãnh đạo để đưa người thân lên các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước hay hệ thống chính trị, và hành vi lạm dụng qui trình để bổ nhiệm sai trái, có nghĩa là coi các hành vi này là tội phạm và buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là các hành vi vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây