Minh Mạng bỏ qua cơ hội giao thương với Tây phương để thoát Tàu!

Mai Bá Kiếm

3-3-2021

Hôm qua, Vuong Long (thạc sĩ đại gia súc, chuyên gia bò sữa) comment: “Em đọc về Thượng công Lê Văn Duyệt em càng ghét Minh Mạng”. Thật ra, tôi không chỉ ghét Minh Mạng, mà giận cả Gia Long và thù cả đám “Hủ Nho thờ Tàu” dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Chính bọn “Hủ Nho thờ Tàu” mà triều Nguyễn không thoát khỏi sự nô thuộc nhà Thanh – đang mục ruỗng. Nhà Thanh bài các nước phương Tây. Với não trạng thần phục Nhà Thanh, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức bắt chước bài Tây, trong khi chín đời chúa tiên hiền nhà Nguyễn nhờ buôn bán với các thương thuyền của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Anh Cát Lợi, Mỹ, Nhật… mà kinh tế Xứ Đàng Trong sung túc mới dựng được cơ đồ.

Trần Trọng Kim nhận xét về sự học thời nhà Nguyễn: “Người đi học chú trọng thuộc làu Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. Còn sự luyện tập hàng ngày thì cốt tập cho thạo thuộc các lề lối ở chỗ khoa trường là: kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách. Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy, ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh”.

Vì vậy, những võ tướng (Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…) ít học Tứ Thư, Ngũ Kinh nên không có “não trạng thờ Tàu” mà còn đánh bại quân Tàu xâm lăng! Đức Tả Quân, không bài Tây, không cấm truyền đạo Thiên chúa như các “Nho thần góc Vẹt”.

Lê Văn Duyệt được sứ thần người Anh John Crawfurd ca tụng: “Người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cách nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”.

Trong khi, Crawfurd chỉ trích Chưởng Tượng quân kiêm quản lý Thương bạc sự vụ Nguyễn Đức Xuyên: đã điều tra xem ông tự giác dâng thư của Toàn quyền Anh cho Lê Văn Duyệt, hay là Lê Văn Duyệt ép?

Các “Nho thần góc Vẹt” không cho vua Minh Mạng tiếp sứ thần Anh năm 1822. Rồi, 14 năm sau sứ thần Hoa Kỳ E. Roberts mang bức thư của Tổng thống Andrew Jackson (một bản tiếng Anh, một bảng tiếng Pháp) đến xin gặp Minh Mạng. Do trước đó, Roberts có ghé Phú Yên, gặp cha xứ người Việt ở đây nói tiếng Pháp như gió, nên tưởng triều đình có thông ngôn tiếng Pháp.

Ai dè, ngày 17/5/1836, “Nho thần gốc Vẹt” dẫn một người Việt thông ngôn tiếng Mã Lai xuống tàu. Báo hại, Roberts phải cử một người Hà Lan đi trên tàu biết nói tiếng Pháp và tiếng Mã Lai. “Nho thần góc Vẹt” chỉ biết tiếng Hán và viết chữ Nôm nên không thể tiếp xúc ngoại giao với người Tây phương là vậy.

Có lẽ, nếu Minh Mạng viết thư phúc đáp bằng chữ Nôm thì phải chuyển ngữ qua tiếng Mã Lai, rồi chuyển tiếng Pháp, cuối cùng chuyển tiếng Anh nên “Nho thần gốc Vẹt” cứ hẹn lần. Roberts vừa nghe bài “Sao chưa thấy hồi âm?” vừa bị “Tào Tháo rượt” (bệnh kiết lỵ) nên nhổ neo chạy cấp cứu, nhưng không kịp, đành chết trên tàu.

Cơ hội giao thương với Hoa Kỳ không thành được Quốc Sử quán ghi lại: “Năm Bính Dần, Minh Mạng năm thứ 17 (1836), Binh thuyền Ma Li Căn (America) đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua Minh Mạng hỏi Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: “Xem tình ý lời lẽ của họ tỏ ra cung thuận, vậy có nên nhận hay không?”

Đào Trí Phú (Nho thần thờ Tàu) thưa: “Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò cái ý họ đến”.

Thị lang Nội các Hoàng Quýnh (Nho thần thờ Tàu) tâu: “Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau. Người xưa đóng cửa ải Ngọc Quan, tạ tuyệt Tây Vực, thực là chước hay chống cự Nhung Địch”.

Hoàng Quýnh đếch biết địa dư hình thể của Hoa Kỳ thế nào và họ lập quốc ở Tân lục địa ra sao? Hoàng Quýnh chỉ biết “địa dư hình thể” của nước Tàu là trung tâm, các nước chung quanh là Man Di, và coi nhà Thanh là Thiên tử, nên mở miệng ra là dẫn điển tích Tàu!

“Người xưa đóng cửa ải Ngọc Quan” (Tiếng Trung phồn thể: 玉门关; Tiếng Trung giản thể: 玉門關; bính âm: Yumen Guan- là tên của một con đèo nằm ở phía tây Đôn Hoàng, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc).

“Người xưa” của Hoàng Quýnh không phải là Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, mà là Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế… “Người xưa” tạ tuyệt Tây Vực (chữ Hán: 西域, bính âm: Xi-yu hoặc Hsi-yu – là các nước nằm ở phía Tây của Trung Quốc) cho nên Việt Nam cũng tạ tuyệt Tây Vực mới phải đạo phiên thuộc!

Chưa kể “người nay” của bọn “Hủ nho thờ Tàu” bấy giờ là “thiên tử” Đạo Quang (1820-1850) là vua Nhà Thanh bị Anh – Pháp trừng phạt về kinh tế qua chiến tranh Nha Phiến khiến đất nước suy sụp.

Hãy đọc bản ghi chép của Thương thư Bộ Lễ Huỳnh Côn về nghi lễ vua Minh Mạng nhận sắc phong của vua Đạo Quang ban cho: “Tháng 2 âm lịch năm Minh Mạng thứ 2 (tháng1/1822) sứ thần Trung hoa Phan Cung Thy, án sát sứ Quảng Tây mang bằng sắc phong sang điện Kinh Thiên (Thăng Long). Từ Huế, Minh Mạng thân chinh dẫn một đoàn gồm 1.782 quan văn võ triều đình và 5.150 binh lính ra Thăng Long nhận sắc phong.

Sau khi sứ thần nhà Thanh đọc to sắc phong, các quan chủ lễ đồng hô to: “Thỉnh Hoàng thượng nhận sắc phong”. Và sứ thần nhà Thanh trao sắc phong cho Hoàng đế, ngài đón nhận và nâng lên ngang đầu, đoạn trao lại cho viên quan quy nhận; rồi sứ thần trở về chỗ ngồi. Các quan chủ tế hô to: “Thỉnh Hoàng thượng dập đầu lạy tạ”; “Thỉnh Hoàng thượng đứng dậy”; “Thỉnh Hoàng thượng về chỗ ngự”.

Bây giờ kể sang chuyện nhà Thanh, từ năm 1793, vua Càn Long tuyên bố “Trung hoa không cần tới các hàng hóa châu Âu. Vì thế, các lái buôn Trung hoa chỉ chấp nhận dùng bạc làm vật trao đổi cho hàng hóa của họ”. Nhu cầu to lớn của châu Âu đối với các hàng hóa Trung hoa như tơ, trà, và đồ sứ chỉ có thế được đáp ứng khi các công ty châu Âu rót hết số bạc họ có vào Trung hoa.

Tới cuối thập niên 1830 (vua Đạo Quang đang trị vì, mà Minh Mạng đã lạy), Anh và Pháp rất lo ngại về các kho dự trữ kim loại quý của họ và đưa ra một phương thức trao đổi mới với Trung hoa – và cách tốt nhất là đầu độc Trung hoa bằng thuốc phiện. Khi vua Đạo Quang cấm buôn bán thuốc phiện năm 1838, Anh Quốc đã tuyên chiến với Trung Quốc.

Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất phơi bày sự lạc hậu của quân đội Trung hoa. Dù có quân số áp đảo so với Anh, kỹ thuật và chiến thuật của họ không thể so sánh với các cường quốc kỹ thuật. Hải quân nhà Thanh, gồm toàn các tàu gỗ không phải là đối thủ của các tàu chiến bọc thép chạy hơi nước của Hải quân Hoàng gia Anh. Binh sĩ Anh sử dụng súng có đường khương tuyến và pháo binh vượt trội dễ dàng tiêu diệt các lực lượng nhà Thanh.

Việc nhà Thanh đầu hàng năm 1842 đánh dấu một tai họa mang tính quyết định và nhục nhã của Trung hoa. Hiệp ước Nam Kinh, buộc họ phải trả khoản bồi thường 21 triệu lạng bạc và nhượng đảo Hồng Kông cho Anh quốc. Nó cũng cho thấy tình trạng bất ổn định của triều đình nhà Thanh và khiến cho nhiều cuộc khởi nghĩa chống chế độ diễn ra.

Vậy mà lúc đó, Minh Mạng không giao thương với Anh, Mỹ để thoát khỏi nhà Thanh – đang thở oxy. Mãi đến năm 1873, khị Pháp đã chiếm Nam Kỳ, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Mỹ như một “đại sứ đặc mệnh toàn quyền” để cầu viện tìm cách chống Pháp thì mọi việc đã quá trễ!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thời Đinh, Lê, Lý, Trần… tất nhiên phải nhún nhường với Tàu.
    Chuyện chiến đấu chống Tàu xâm lược là bần cùng phải làm. Tránh được chiến tranh mới là thượng sách.
    Tác giả ghét Minh Mạng rồi chửi cả các triều trước nữa.
    Hết biết,

  2. Minh Mạng lúc ấy toàn tâm toàn trí chủ yếu dành cho sex, mông dzú…sau này có Minh Mạng thập toàn đại bổ, Minh Mạng cường dương bổ thận, Minh Mạng thang gồm 33 vị. Chuyên lo về làm cách nào sung sướng tột đỉnh và không hao tổn sức khỏe thì nên bám vào thằng Tàu.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây