Phẫn nộ về việc các chính trị gia chen lên phía trước tiêm chủng

Võ Thu Phương

27-2-2021

Khi một chiếc tàu bị đắm, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi boong tàu. Khi một đất nước trong cơn hoạn nạn, lãnh đạo cao cấp phải là những người được hưởng cơ hội cứu sinh sau chót. Người Đức bầu ra lãnh đạo và đòi hỏi lãnh đạo của họ phải tuân thủ theo quy luật sống còn này. Không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Vi phạm tinh thần người Đức là sự phản bội tồi tệ cần bị trừng phạt.

Chiếc thuyền cứu sinh nằm ở đó. Danh sách những người được bước xuống thuyền do Hội đồng Cố vấn Luân lý nước Đức khuyến nghị và do Ủy ban Thường trực Tiêm chủng soạn thảo. Đây là hai cơ quan nhỏ, bao gồm các nhà khoa học và những chuyên gia nghiên cứu về xã hội, y tế, pháp luật… họ hoạt động độc lập, hoàn toàn đứng ngoài sự chỉ đạo của nhà nước.

Những người này đã đưa ra quyết định tối cao: người bước xuống thuyền cứu sinh phải theo một trật tự và kỷ luật do Hội đồng quy định. Trong cái trật tự và kỷ luật này, thủ tướng và các thành viên cao cấp trong bộ nội các phải xếp hàng ở cuối bảng ưu tiên. Đứng trước các nhân viên chính phủ còn có những người đáng được ưu tiên hơn là: người vô gia cư và người tị nạn sống trong trại tập trung.

Về phương diện y tế, bảng xếp hạng tiêm chủng dựa vào các yếu tố nguy cơ: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, công việc, độ tiếp xúc… Tiêu chuẩn này được xem xét công bằng và minh bạch cho mọi đối tượng công dân. Chính trị gia là ngững người dưới 80 tuổi, có nơi ở và công việc ổn định, không cần phải tiếp xúc với ai. Họ có thể làm việc online, hội họp digital, chỉ đạo telephone. Và như vậy, họ không là đối tượng phải được ưu tiên hàng đầu.

Cho đến bây giờ, thủ tướng Merkel và bộ nội các của bà đều lặng lẽ lùi lại phía sau, nghiêm túc chờ đợi đến phiên mình. Một số quan chức địa phương đứng trước cơn hoạn nạn đã không giữ được sự bình tĩnh và tư cách đạo đức của một người lãnh đạo. Họ hoảng loạn chen chân xuống chiếc thuyền cứu sinh. Cái giá mà họ phải trả sẽ rất tàn khốc: một sự trừng phạt của chính quyền và nhân dân.

Người Đức trong cơn hoạn nạn vẫn không từ bỏ tinh thần kỷ luật sắt đá của mình.

Giới thiệu với các bạn một bài viết trên mạng lưới truyền hình quốc tế DW, do Võ Thu Phương dịch.

***

Phẫn nộ về việc các chính trị gia chen lên phía trước tiêm chủng

Lãnh đạo ngành y tế của Đức đang kêu gọi hình phạt đối với hàng trăm chính trị gia địa phương, cảnh sát và nhân viên hành chính đã được tiêm sớm vaccine chống corona, những người này nằm ngoài danh sách ưu tiên được ban hành.

Bà Angela Merkel đã tỏ ra rất thận trọng. “Tôi cũng sẽ tiêm chủng,” bà nói trong bài phát biểu vào dịp đầu năm của mình. “Khi tôi đến lượt.” Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ Liên bang mong muốn tạo ra một hình ảnh tốt đẹp theo đúng trình tự tiêm chủng vaccine do Hội đồng Cố vấn Luân lý của nước Đức đưa ra. Theo đó, đối tượng được tiêm chủng hàng đầu là: các cụ già trên 80 tuổi cũng như nhân viên điều dưỡng, nhân viên bệnh viện, nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hoặc nhân viên chăm sóc những người đặc biệt bị đe dọa bởi căn bệnh này.

Trong kế hoạch tiêm chủng của Hội đồng Cố vấn Luân lý, thủ tướng và các bộ trưởng được chỉ định đứng vào vị trí thứ ba – còn sau cả những người tị nạn sống trong trại tập trung. Như vậy, “những người có vị trí đặc biệt trong nội các chính phủ” là nhóm ưu tiên sau chót được nhận vaccine, cùng với những đối tượng khác là cảnh sát và lính cứu hỏa.

Mỗi một quốc gia có một kiểu làm gương riêng

Các chính phủ ở những nơi khác nhau trên thế giới có những cách cư xử khác nhau. Chẳng hạn như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai chuyện tiêm vaccine trước ống kính – cũng là một phương thức để trở thành tấm gương cho người dân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã được tiêm chủng. Ngay cả các thành viên của chính phủ ở Thụy Sĩ, từng được biết đến với đức tính khiêm nhường và gần gũi với dân chúng, cũng đã nhận vaccine – họ làm việc đó sau những cánh cửa đóng kín với một chút xấu hổ và một chút che giấu hơn là phô diễn công khai.

Vậy mà, nhiều chính trị gia cấp địa phương của Đức (thuộc các đảng phái khác nhau) đã gây ra sự phẫn nộ vì họ không tuân theo tấm gương của chính phủ liên bang. Họ lợi dụng những sơ hở trong quy trình tiêm chủng để nhận vaccine sớm hơn dự định. Ví dụ, thị trưởng của Halle, Bernd Wiegand: Ông đã nhận được vaccine nhờ vào một “tình huống ngẫu nhiên”, như chính Wiegand giải thích. Thật “ngẫu nhiên” khi ông ấy và mười thành viên trong hội đồng thành phố đã được tiêm phòng không đúng theo thứ tự quy định.

Ông Bernd Wiegand (phải), Thị trưởng của Halle, nói rằng ông đã được chọn để tiêm chủng nhờ vào một “tình huống ngẫu nhiên”.

Ngay cả giám mục xứ Augsburg và người thừa hành của ông, hàng trăm cảnh sát, hàng chục nhân viên hành chính trong bệnh viện, lính cứu hỏa, thậm chí cả thực tập sinh tại các tòa thị chính – tất cả những người này đều nhận được liều thuốc quý giá trong khi hàng triệu người ở Đức đang tuyệt vọng chờ đến phiên của họ.

Chen lấn lên phía trước là phá hủy niềm tin

Sabine Dittmar, phát ngôn viên chính sách y tế của đảng SPD tại hạ viện, cho đài truyền thanh DW biết: “Phải trừng phạt và đưa ra một tín hiệu răn đe đối với những kẻ chích xong rồi còn thoải mái nhún vai. Đây là vấn đề cần cật lực lên án về mặt đạo đức“. Dittmar là bác sĩ và cũng đang làm việc ở trung tâm tiêm chủng và xét nghiệm vùng Tây – Bắc bang Bayern. “Tôi không có một chút xíu cảm thông nào“.

Chính trị gia Erwin Rüddel của đảng CDU cũng tin rằng những kẻ giành giựt vaccine nên bị trừng phạt. Chủ tịch ủy ban y tế tại hạ viện cho DW biết: “Có thể chúng ta phải thực sự can thiệp vào lề thói này. Kiểu chụp giựt như vậy khiến cho người dân vô cùng tức giận và niềm tin cần thiết sẽ bị hủy diệt. Tôi nhận thấy cách cư xử của những người này, đặc biệt các nhân viên chính ngạch, là vô cùng lỗ mãng“.

Lý do phổ biến nhất nhằm biện minh cho việc tiêm chủng ngoài luồng là, các trung tâm tiêm chủng thường có những liều vaccine dư vào cuối ngày. Thực vậy, không phải tất cả những người được mời đi tiêm chủng đều đến. Một số người từ chối vì lý do y tế, chẳng hạn như bị cảm lạnh. Dittmar nói: “Tất nhiên người ta không muốn chất lỏng quý giá này bị lãng phí. Vậy thì họ phải lên một danh sách dự bị gồm những người có thể nhanh chóng liên lạc và phù hợp với thứ tự ưu tiên“.

Trừng phạt “vị giám mục vô liêm sỉ”

Nghị sĩ hạ viện Andrew Ullmann cũng nhìn nhận như vậy. Trả lời phỏng vấn DW, chuyên gia y tế thuộc đảng FDP nhấn mạnh: “Đây là một sai lầm trong khâu quản lý. Người ta có thể lập một danh sách dự phòng bao gồm nhân viên y tế, hoặc thành viên của các đơn vị cứu nạn chẳng hạn“. Ông Ullmann xem “hành vi sai trái trong xã hội” này là “vô liêm sỉ”, người giáo sư bác sĩ về bệnh truyền nhiễm phát biểu. “Tôi nói luôn cả các giám mục, những người đã chen lên phía trước. Đối với tôi, đó là hành vi phi tín ngưỡng“. Viện dẫn lý do những liều vaccine còn thừa sẽ hết hạn là “đạo đức giả”. Ngoài giám mục vùng Augsburg, Bertram Meier và người thừa hành của ông là Harald Heinrich – giám mục phụ tá vùng Osnabrück, Johannes Wübbe, cũng đã được tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã thông báo rằng ông sẽ xem xét các hình phạt đối với những vi phạm luật ưu tiên. Alina Buyx, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Luân lý của nước Đức, cũng đồng ý với quyết định này. “Sắc lệnh tiêm chủng là luật hiện hành trong Quốc gia. Và nếu nó bị xâm phạm một cách trắng trợn, thì cũng nên nghĩ đến các biện pháp trừng phạt“, bà Buyx nói trên đài truyền hình ZDF. Những người chen lấn giành giật sẽ phá hủy “sự tin cậy trong toàn bộ chiến dịch“.

______

Chú thích của người dịch:

* Hội đồng Cố vấn Luân lý nước Đức (Ethikrat): là một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia giám sát các vấn đề đạo đức, xã hội, khoa học, y tế và pháp luật cũng như các hậu quả phát sinh có thể xảy ra đối với các cá nhân và xã hội. Họ gồm 26 thành viên, hoạt động độc lập dựa trên nền tảng pháp lý “cấm các thành viên trong quốc hội và chính phủ tham gia vào Hội đồng”, và dựa vào nguyên tắc “mọi quan điểm đạo đức khác nhau và những ý kiến đa chiều đều cần được quan tâm”.

* Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (STIKO), có tên đầy đủ là Ủy ban Tiêm chủng Thường trực tại Viện Robert Koch: là một nhóm chuyên gia tự nguyện, mỗi năm họp hai lần để giải quyết các câu hỏi về các phương án chính trị quan trọng trong ngành y tế về vấn đề tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm trong nghiên cứu và thực hành – từ đó đưa ra các khuyến nghị tương ứng. Các khuyến cáo STIKO, thường được xuất bản hàng năm trong Bản tin Dịch tễ học của viện Robert Koch, nhằm phục vụ toàn liên bang như một khuôn mẫu cho các khuyến nghị tiêm chủng toàn dân.

*DW (Deutsche Welle): là đài truyền hình quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức, được truyền đi khắp thế giới bằng 30 ngôn ngữ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu các lực lượng công an, quân đội nào tham gia vào các công việc tiếp xúc nhiều gây nguy hiểm cho cộng đồng và bản thân thì được tiêm chủng ưu tiên, thì tôi tin chả ai thắc mắc. Tuy nhiên nếu không hay ít tiếp xúc mà được ưu tiên đại trà do có mác “công an, quân đội” thì Việt Nam lại tiếp tục chính sách ưu tiên 2 lực lượng này – tình hình đã xảy ra từ lâu khi được ưu tiên về lương bổng ….. Và tất nhiên vì sao 2 lực lượng được lãnh đạo ưu ái (việc ưu tiên do chính trị gia quyết định, chứ không do 1 hội đồng độc lập quyết định như các nước) thì chắc ai cũng hiểu lí do!

Leave a Reply to Sóng ngầm Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây