Một lần nữa anh Công nói: tôi bị oan

LS Phạm Lệ Quyên

26-2-2021

Vụ án Đồng Tâm sẽ được xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vào 8h00 ngày 08 tháng 3 năm 2021. Sáu bị cáo kháng cáo trong phiên phúc thẩm như sau:

1. Bị cáo Lê Đình Công

2. Bị cáo Lê Đình Chức

3. Bị cáo Lê Đình Doanh

4. Bị cáo Bùi Viết Hiểu

5. Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến

6: Bị cáo Bùi Thị Nối.

Một số bị cáo kháng cáo với nội dung kêu oan và xin giảm nhẹ. Anh Công kháng cáo kêu oan nhưng nội dung đơn kháng cáo nộp được viết với nội dung kháng cáo là giảm nhẹ hình phạt. Vì bị cáo được giải thích là phải viết đơn kháng cáo theo mẫu chung của trại tạm giam. Bị cáo Công cho hay đã phải viết tới 4 lần đơn kháng cáo.

Ngày hôm nay, 25 tháng 2 năm 2021, tôi cùng các Luật sư Luân Lê; Ngô Ngọc Trai đã vào trại Tạm giam số 2 – Công an TP Hà Nội để gặp các bị cáo trước phiên xét xử sơ thẩm.

Tôi gặp bị cáo Lê Đình Công, Luật sư Luân Lê gặp bị cáo Nguyễn Quốc Tiến, Luật sư Ngô Ngọc Trai gặp bị cáo Nguyễn Quốc Tiến và bị cáo Lê Đình Doanh.

Chúng tôi đến trại tạm giam số 2 lúc 14h, làm thủ tục đến 15h30 thì được vào gặp. Sở dĩ thủ tục lâu như vậy vì có bị cáo bị kết án tử hình nên lệnh trích xuất phạm nhân cũng khác và nhiều thủ tục hơn, theo quy định của trại tạm giam.

Trong khi ngồi chờ đợi để vào gặp bị cáo Lê Đình Công, đúng thời gian đó là thời gian các phạm nhân chuẩn bị ăn cơm tối, các xe đẩy cơm và đồ ăn được đưa đến những khu vực giam giữ và phân phát tới các buồng giam.

15h30 thì một cán bộ trại Tạm giam mời Luật sư vào phòng để thăm gặp bị cáo.

Bị cáo Công được 2 cán bộ trại tạm giam dẫn giải vào phòng làm việc, 2 tay bị còng và chân bị xiềng (theo chế độ giam giữ của người bị kết án tử hình). Bị cáo Công nói to và rõ chào Luật sư, qua quan sát tôi thấy bị cáo Công sức khỏe tốt hơn và tinh thần thỏa mái. Lần này tóc được cắt gọn gàng.

Lúc này, các cán bộ trại Tạm giam mở khóa tay và chân cho bị cáo Công, như vậy bị cáo Công có thể thỏa mái trong giây lát và tinh thần làm việc cùng Luật sư cũng tốt hơn.

Những vấn đề chính trong cuộc trao đổi giữa Luật sư là về nội dung vụ án và trao đổi thông tin của gia đình cho bị cáo Công được biết.

Tôi hỏi anh Công đã nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/3/2021 này chưa? Và anh có quan điểm như nào?

Vẫn với thái độ bình thản như những lần trước gặp Luật sư, anh Công nói: tôi đã nhận được Quyết định xử vào ngày 8/3/2021 rồi. Quan điểm của tôi từ đầu đến cuối vẫn là như vậy. Tôi kháng cáo kêu oan nhưng do mẫu của Trại tạm giam không cho ghi là kêu oan vậy nên tôi phải ghi là xin giảm nhẹ án. Tôi đã phải viết đi viết lại đến 4 lần Luật sư à.

Tôi luôn tin tưởng các Luật sư đã bào chữa cho tôi và tôi sẽ giữ nguyên quan điểm của mình. Tôi có tội, nhưng chỉ là tội “Chống người thi hành công vụ”, tôi không chỉ đạo ai và phân công ai cũng như bàn bạc với ai. Mọi người đều đến để bảo vệ bố tôi là cụ Kình. Tôi mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét kỹ lưỡng và đúng pháp luật.

Tôi thương các cháu và con tôi, tôi không thể làm được gì giúp con cháu tôi. Tôi muốn gửi lời để Luật sư nhắn với gia đình tôi là: tinh thần của tôi rất tốt và tôi đã chuẩn bị tâm lý cho phiên xét xử ngày 8/3/2021 này. Mong mọi người giữ sức khỏe.

Luật sư nhắn nhủ những lời nhắn của gia đình như sau: anh Công à, em Duyên là con Dâu của anh có nhờ tôi chuyển lời đến anh:

1. Mấy tháng có nhận được tiền Duyên gửi cho bố không? Vì tháng giáp Tết, con có đi gửi thì thấy tiền lưu ký vẫn còn nguyên vẹn, không sử dụng;

2. Bố Công hãy bình tĩnh và cứng rắn… dù kết quả phiên phúc thẩm có như thế nào;

3. Mọi người bên ngoài vẫn lên tiếng và bảo vệ bố.

Tình hình gia đình mình như sau:

1. Hiện tại, mẹ và con dâu vẫn buôn bán, mẹ bán hoa quả, cây cảnh ở nhà… và đến giờ thì đi đón cháu;

2. Con nhà Duyên Uy thì ông bà ngoại đến đón xuống chăm bẵm từ Tết vì bọn trẻ con được nghỉ học do dịch bệnh;

3. Bố mẹ đẻ của Duyên nói: ông Công cứ Yên tâm, giữ vững tinh thần đi xét xử, bởi ông Công là thông gia mà bố mẹ Duyên tin tưởng, tự hào, lạc quan. Ông hãy lạc quan thì mọi người mới yên tâm được.

4. Mẹ chồng và 2 con dâu đang sống chung một mái nhà… động viên nhau làm ăn và luôn lo cho sức khỏe của bố.

5. Cháu trai Chim, Kiến, Hưng và Thùy Dương rất trộm vía và khỏe mạnh, chúng nghịch ngợm lắm bố à, thi thoảng vẫn hỏi ông nội, ông nội!

6. Về phần Uy, Doanh, Chức thì bố yên tâm nhé, tháng nào gia đình cũng tiếp tế. Uy đang ở trại giam trong Thanh Hóa, môi trường ở đó đỡ khắc nghiệt hơn khi tạm giam, được bạn bè trong tù giúp đỡ.

6. Con Duyên nhắn cho bố nữa đây: bố hãy giữ vững tinh thần và tin tưởng vào các Luật sư bào chữa cho bố, bố nhé. Bố phải giữ tinh thần mạnh mẽ đến cùng thì các con mới yên tâm được, dân làng ủng hộ bố Công.

Khi tôi nhắn gửi những lời trên thì anh Công bật khóc, nghẹn lời làm ngắt quãng câu chuyện. Anh nghe đến các con cháu và ông thông gia, nghe về cụ Kình thì cảm xúc của ông dâng trào, nước mắt cứ thế tuôn ra, làm cán bộ trại Tạm giam nhắc là bị cáo nên giữ tinh thần, tránh xúc động mạnh. Nhưng cảm xúc bao ngày kìm nén trong chốn lao tù, cảm xúc kìm nén sau những biến cố xảy với cả gia đình, những tang thương ập đến làm đảo lộn tất cả, những nỗi đau sự mất mát đã xảy ra với gia đình ông: bố chết, hai anh em bị kết án tử, 1 con trai bị kết án chung thân, 1 con trai kết án 6 năm tù… thì làm sao ông có thể ngăn được cảm xúc đó. Phải mất 10phút để ông có thể dần bình tâm trở lại, tiếp tục với câu chuyện cùng Luật sư.

Mọi lần sẽ có 4 cán bộ trại Tạm giam tham gia vào cuộc thăm gặp giữa Luật sư và bị cáo, 2 cán bộ đứng 2 bên, 2 cán bộ khác thì nhấc điện thoại để nghe toàn bộ việc trao đổi giữa Luật sư và bị cáo. Đôi khi họ chen ngang vào câu chuyện của Luật sư!

Nhưng lần này đã có sự thay đổi, chỉ có 2 cán bộ trại tạm giam và họ chỉ ngồi bên cạnh nghe cuộc nói chuyện chứ không nhấc điện thoại lên nghe như lần trước. Có lẽ sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi trước đó chúng tôi đã có Bản kiến nghị gửi đến Trại tạm giam số 2, về việc can thiệp vào cuộc nói chuyện giữa Luật sư và bị cáo. Vậy sự thay đổi theo hướng tích cực hơn có được khi ta hành động. Nếu mọi sự sai trái mà không có tiếng nói phản biện để thay đổi thì những sai trái đó sẽ tiếp tục diễn ra, ở bất kỳ đâu, bất kỳ không gian và thời gian nào…

Câu chuyện đan xen với các chủ đề, và tôi muốn kéo dài hơn nữa. Nhưng thời gian gặp bị cáo đã gần hết. Tôi muốn biết được quan điểm của bị cáo như thế nào trong phiên xét xử phúc thẩm sắp tới vì có như vậy mới bảo vệ được tốt nhất cho thân chủ của mình. Tôi muốn thân chủ của mình có một tinh thần vững vàng nhất. Và cũng nhấn mạnh thêm: trong phiên xét xử này, chỉ có 6 bị cáo, còn nhân chứng hay những người liên quan không được triệu tập. Tuy nhiên, với trách nhiệm nghề nghiệp chúng tôi sẽ làm các Kiến nghị gửi tới HĐXX phúc thẩm trước khi phiên tòa diễn ra.

Một lần nữa anh Công nói: tôi bị oan. Tôi hy vọng pháp luật sẽ công minh. Dù kết quả có như thế nào, tôi vẫn kiên định. Tôi cảm ơn các Luật sư, cảm ơn nhân dân đã ủng hộ tinh thần cho tôi.

Đồng hồ đã điểm, cuộc gặp gỡ kết thúc. Tiếng khóa tay, khóa chân lại vang lên. Tạm biệt anh Công, mong anh giữ vững tinh thần và hẹn gặp anh tại phiên phúc thẩm.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Lại nghĩ về Đồng Tâm, Mỹ Đức

    Thái Bá Tân

    1
    Đất nước bị xâm lược
    Thì tất cả người dân
    Phải quyết tâm giữ đất,
    Sẵn sàng chết, nếu cần.

    Còn người dân có đất,
    Dẫu chỉ một vài sào,
    Bị xâm phạm, thử hỏi,
    Thái độ họ thế nào?

    Tất nhiên phải quyết giữ.
    Luôn vẫn thế xưa nay.
    Dân Đồng Tâm, Mỹ Đức
    Đã làm đúng điều này.

    Sao nhà nước chụp mũ,
    Họ, những người dân oan,
    “Kém hiểu biết”, “manh động”
    Và “gây rối trị an”?

    Mai mốt thằng Trung Quốc
    Cướp đất, cướp Biển Đông,
    Dân chống lại, nhà nước
    Có gọi “manh động” không?

    2
    Đã có nhiều xung đột,
    Nhiều bị kịch đau lòng
    Khi nhà nước lấy đất
    Của người làm nghề nông.

    Với họ, đất và ruộng
    Là tất cả những gì
    Trên đời này họ có.
    Vậy sao nỡ cướp đi?

    Mà lại cướp hợp pháp,
    Cả cần và không cần.
    Vì theo luật, ruộng đất
    Là sở hữu toàn dân.

    Tức là của nhà nước.
    Muốn cho ai thì cho,
    Muốn cướp ai thì cướp.
    Đúng luật nên không lo.

    Một khi thấy có lợi,
    Nhà nước, tức chính quyền,
    Thậm chí ở cấp thấp,
    Đem đất bán lấy tiền.

    Đại gia và nhà nước
    Bắt tay dưới gầm bàn,
    Nghĩ ra trăm nghìn kế
    Để cướp đất dân oan.

    Để bọn đại gia ấy
    Thành tỉ phú đô-la,
    Khiến người dân đã khổ
    Còn mất đất, mất nhà.

    Xưa, cái thời bao cấp,
    Cả nước luôn đói ăn
    Vì luật nói rằng đất
    Là sở hữu toàn dân.

    Nay thì cái luật ấy
    Biến dân thành dân oan.
    Xã hội thành nhiễu loạn,
    Lòng người thành bất an.

    3
    Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức
    Là giọt nước tràn ly.
    Dân bị cướp ruộng đất,
    Tức là chẳng còn gì,

    Nên rất dễ manh động.
    Mong các cấp chính quyền
    Đem cái tâm tâm, cái đức
    Đặt cao hơn đồng tiền.

  2. Nói ra được sự thật trước tòa (bất chấp kết quả ra sao): “TÔI BỊ OAN” là vấn đề cần làm. Cứ nhìn vao những bản khai “xin giảm án” của các nạn nhân Đồng Tâm nói riêng và nhiều vụ án của đất nước nói chung là ta có thể đánh giá được cái hệ thống tòa án/tư pháp/ … của Vn còn khá nhiều những “côn trùng kí sinh” vẫn đang rất mạnh thậm chí chúng còn đang nắm giữ những vị trí quan trọng! Những cảm giác kinh tởm mỗi khi nghĩ tới 2 tư tư pháp Vn.

  3. Vụ này do báo chí bị bịt miệng, bịt mắt nên hầu như không có thông tin khách quan từ báo chí lề phải cho công luận như dân biết như vụ Tiên Lãng, mà chỉ có tin từ cơ quan công an hay phóng viên của họ (có thêm báo quân đội). Dù vậy thì mọi người dân Việt trong hay ngoài nước hiểu biết công lý, lẽ phải luôn đứng về phía những người dân chất phác, bản chất hiền lành, mà do không chấp nhận các hành vi cậy quyền lực đè nén, dồn ép người dân nên đã phản ứng, dù có bạo lực – tuy nhiên như trứng chọi đá, không thể so sánh với những bạo lực chính quyền áp dụng đối với họ! Ông Dũng vụ Tiên Lãng đã tháo được quả bom Tiên Lãng, và câu hỏi đặt ra với bộ máy lãnh đạo hiện nay của Việt nam, đứng đầu là ông Trọng là: Các vị liệu có muốn đối đầu với đa số Nhân dân yêu công lý, bình đẳng, hay là cũng nên học tập ông TT Nguyễn Tấn Dũng vụ Tiên Lãng (không cần nhắc tới quyền con người như các nước dân chủ khác hay các vụ án như vụ Đông Nọc Nạn do “thực dân Pháp” xử) để khôn ngoan tránh tiếng gây ra tội ác Đồng Tâm?!

  4. Loài cầm thú.
    Trong khi luật sư và phạm nhân nói chuyện thì côn an cầm đt nghe và can thiệp trực tiếp vào cuộc nói chuyện.
    Tưởng chỉ có ở thời ăn lông ở lỗ, đảng bảo là đảng quang vinh kkk. Thực ra trong cái đảng này từ cáo già Nguyễn Phú Trọng xuống tới thằng giám thị trại giam toàn là cầm thú, ký sinh trùng dơ bẩn.

Leave a Reply to phan cung Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây