AOC và Ted Cruz, cuộc chiến giành linh hồn “Texas cô đơn”

Joaquin Nguyễn Hòa

20-2-2021

Cơn bão tuyết thế kỷ có tên Uri băng qua nước Mỹ hơn một tuần qua, đã gây ra vụ khủng hoảng điện năng ở các tiểu bang, trong đó bang Texas bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mất điện trên diện rộng ở tiểu bang Texas, làm cho các đường ống nước đóng băng và vỡ ra, dẫn đến hàng triệu người không có điện lẫn nước, giữa mùa đông băng giá.

Cô Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) là dân biểu liên bang trẻ tuổi, từ tiểu bang New York, đã quyên góp được $2 triệu Mỹ kim, bay xuống TP Houston, bang Texas, để cứu giúp nhiều người dân ở đây vẫn còn đang khốn khổ vì thiếu nước, thiếu điện, thiếu thực phẩm,… sau cơn bão mùa đông bất thường tràn xuống miền Nam nước Mỹ.

Cô AOC là thành viên cấp tiến của Đảng Dân chủ, đại diện cho khu vực Bronx và Queens của bang New York. Cô nói rằng, chiến dịch cứu trợ này phải được thực hiện vì không thể quay lưng với hàng triệu người đang khốn khổ như thế, mặc dù chuyện từ thiện không phải là tất cả để một chính quyền vận hành tốt cho dân chúng.

Không ai có thể nghi ngờ ý định tốt đẹp của AOC, cũng như hàng triệu người Mỹ, đa số là giới trẻ ủng hộ cô, chỉ trong vài ngày có thể quyên góp lên đến cả triệu Mỹ kim. Hơn nữa, cô từng làm việc cho một tổ chức nhân đạo ở Texas, giúp đỡ những người gốc Latin như cô.

Thế nhưng chiến dịch của AOC cũng là diễn biến mới nhất của cuộc đấu tranh giữa hai phe xanh (Dân chủ) và đỏ (Cộng hòa) tăng mạnh trong mấy năm gần đây.

Bang đỏ Texas chuyển sang hồng tím

Tiểu bang “ngôi sao cô đơn” Texas, vốn là thành trì của đảng Cộng hòa. Lần cuối cùng tiểu bang này bỏ phiếu cho đảng Dân chủ là ông Jimmy Carter trong cuộc bầu cử năm 1976. Suốt 44 năm qua, Texas đỏ thẫm được xem như là đối trọng với California xanh dương, trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Màu đỏ của Texas là do cử tri ở đây đa số thuộc giới nông dân từ các trang trại mênh mông, giới tài phiệt khai thác dầu mỏ, giới bảo thủ ảnh hưởng lớn từ truyền thống tôn giáo bảo thủ phía Nam nước Mỹ từ xa xưa.

Nhưng sự thể bắt đầu thay đổi trong mấy năm gần đây, khi nhiều dân nhập cư đến tiểu bang này cư trú, bị thu hút vì giá nhà rẻ. Có hai nhóm nhập cư ở đây. Nhóm di dân Latino đến từ phương Nam có vẻ là cử tri của đảng Dân chủ, nhưng không chắc chắn, vì có khá đông theo tôn giáo rất bảo thủ, hơn nữa họ cũng không đi bầu nhiều.

Nhóm thứ hai đáng ngại hơn cho đảng Cộng hòa, đó là các nhân viên kỹ thuật cao đi từ California sang, làm việc tại các thành phố lớn như Houston, Dallas, Austin. Các thành phố này vốn đã là những đốm xanh trên nền đỏ Texas rồi, bây giờ những người trẻ cấp tiến từ California sang, càng làm cho phe đỏ lui vào thế phòng ngự.

Trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, ứng cử viên Beto O’Rourke của đảng Dân chủ chỉ thua thượng nghị sĩ đình đám Ted Cruz của đảng Cộng hòa sát nút (51%). Trong kỳ bầu cử 2020, ông Trump thắng ông Biden ở đây chỉ 5,6%, trong khi năm 2016, ông thắng bà Clinton đến 9%.

Bão Bắc cực và bàn tay vô hình

Nhưng trận bão bắc cực tai quái chưa từng thấy tràn vào Texas gần giữa tháng 2/2021 có khả năng làm thay đổi màu sắc linh hồn của Texas.

Trong mấy ngày liền, hàng triệu người dân Texas sống trong băng giá, không có máy sưởi, trông giống như một nước cộng hòa thời mồ ma Liên Xô nào đó, chứ không phải Texas của Mỹ.

Những dòng người xếp hàng lấy nước, giống như cảnh nguồn nước sông Đà ở Hà Nội bị ô nhiễm, người dân rồng rắn xếp hàng lấy nước. Người ta khó tưởng tượng đó là nước Mỹ, hơn nữa lại là khu vực dồi dào năng lượng nhất trên nước Mỹ.

Nguyên nhân nằm ở chỗ nền kinh tế được gọi là tân bảo thủ của Texas. Tiểu bang này từ chối nối mạng điện với liên bang, để tránh không bị ràng buộc bởi những quy định của liên bang, mà những người tân bảo thủ hay chỉ trích là không theo nguyên tắc bàn tay vô hình của thị trường tự do. Kết quả là khi cơn lạnh tới đột ngột, mạng lưới điện Texas sụp đổ, không tiểu bang nào có thể cứu giúp kịp thời được.

Các công ty điện, chạy bằng khí đốt hay điện gió, được khuyến khích cạnh tranh tối đa, cắt chi phí tận cùng. Điều này đã làm cho họ không bỏ tiền ra đầu tư vào những thiết bị chống giá rét. Kết quả là, trong điều kiện bình thường, dân Texas xài điện rẻ, nhưng khi có chuyện thì giá điện tăng cao cả trăm lần. Một số nơi cho biết, hóa đơn tiền điện tăng lên đến 10.000 Mỹ kim chỉ trong vài ngày.

Bàn tay vô hình của thị trường tự do đã làm cho mọi phương tiện sống còn của người dân Texas trở nên… vô hình nốt. Đó là cơn bão thiên tai, đã kéo theo cơn bão chính trị.

Ngay khi hàng triệu người Texas lâm vào cảnh giá rét, thống đốc Greg Abbott lên TV nói bậy rằng, điện mất là do các quạt gió không chạy được trong mùa đông, tức là lỗi nằm ở bọn thúc đẩy năng lượng sạch chống lại bọn tài phiệt xăng dầu, vốn là bệ đỡ của đảng Cộng hòa tại đây. Mà bọn năng lượng sạch lại về phe với đảng Dân chủ. Dường như ông Abbott không biết rằng, các quạt gió vẫn chạy tốt trong mùa đông giá rét ở Canada và các miền Trung Tây nước Mỹ.

Sau khi người dân mắng trả rằng, điện gió chỉ chiếm khoảng 20% điện năng ở Texas, ông Abbott bèn sửa lại là điện gió chiếm hơn 10%, thành ra khi cánh quạt không chạy được làm cho Texas bị nguy khốn. Ông không đề cập gì đến lực lượng hùng hậu các nhà máy điện chạy khí đốt, chạy dầu của tiểu bang cũng hoàn toàn tê liệt.

AOC và Cruz

Dân biểu AOC và Thượng Nghị sĩ Ted Cruz. Ảnh trên mạng

Nhưng cơn bão chính trị lớn hơn có lẽ liên quan đến thượng nghị sĩ Ted Cruz. Giữa lúc dân chúng mà ông đại diện đang khốn khổ, ông cùng vợ con bay qua Cancun bên Mexico nắng ấm, để tránh rét.

Ngày 15/2/2021, trong chương trình radio “The Joe Pags Show”, Ted Cruz kêu gọi người dân Texas ở nhà, đừng ra ngoài vì rất nguy hiểm, hãy ở nhà để được an toàn, ở nhà ôm hôn con cái. Kêu gọi mọi người ở nhà, hai ngày sau, ngày 17/2/2021, cả nhà Ted Cruz bay đi Cancun.

Khổ nỗi, Thượng nghị sĩ Ted Cruz quên mất rằng ông đang sống trong thời đại thông tin. Ông mới lên máy bay, chỉ vài giây sau, hình ảnh ông trong bộ dạng một anh cao bồi, áo thun, quần jean, hí hửng trong nắng ấm, lan truyền như dịch trên mạng. Báo chí tìm ông nhưng không thấy. Gọi vào văn phòng ông, nhưng không có người trả lời.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz và vợ ông bị cư dân mạng chụp ảnh trong chuyến bay qua Cancun. Nguồn: Twitter/@clarekelly007, Twitter/@GeneforTexas

Ông im lặng suốt cả chục tiếng đồng hồ, rồi sau đó ông thẽ thọt rằng, ông chỉ muốn làm người cha gương mẫu, đưa con sang Mexico chơi rồi về ngay. Bọn báo chí tọc mạch, sục vào các hãng máy bay tìm thông tin, mới biết là ông vội vã đổi vé về sớm trong ngày 18/2/2021, chứ không phải kế hoạch ban đầu của ông như thế. Ông Cruz bèn xuống thang lần nữa, là do ông nghĩ lại nên phải quay về. Rồi ông lại xuống nữa, nói rằng ông sai rồi.

Ted Cruz đã phải đột ngột quay trở về Mỹ, sau khi cư dân mạng phát hiện ông bỏ đi nghỉ mát giữa lúc Texas đang bị khủng hoảng. Nguồn: KVUE

Ông Cruz năm nay 50 tuổi. Hồi năm 2016, ông từng ra tranh cử nội bộ đảng Cộng hòa với ông Trump để ra tranh ghế Tổng thống, nhưng ông bị thua, nên ông có tham vọng ra tranh lần nữa vào năm 2024. Ông Cruz bắt đầu tỏa sáng khi đứng đầu nhóm cực đoan Tea Party trong Đảng Cộng hòa, chống lại những dự án cấp tiến của phe Dân chủ từ khi ông Obama mới lên cầm quyền.

Ông được xem như là người có khả năng hùng biện, một tiếng nói có trọng lượng của giới bảo thủ. Nhưng trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, người ta lại thấy cái gọi là hùng biện của ông Cruz là một loại bẻm mép, nói lấy được, cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Ông Trump từng mắng vợ ông Cruz là đồ xấu xí, ông Cruz vẫn hết mình ủng hộ ông Trump vì không muốn mất nhóm cử tri cuồng nhiệt của ông Trump. Là một luật sư danh tiếng, ông lại dẫn đầu nhóm nghị sĩ a dua với ông Trump chống lại chiến thắng của ông Biden, dẫn tới cuộc bạo loạn tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021, trong đó ông Cruz cũng đã phải chạy trốn bọn phản loạn.

Ông Cruz là người hay mắng cô AOC về những ý tưởng cấp tiến của cô. Sau khi ông Cruz nháo nhào bay về từ Mexico, cô AOC nói rằng, nếu ông Cruz từ chức sau vụ bạo loạn ở Capitol, thì bây giờ ông tha hồ mà nghỉ mát ở Cancun. Cô AOC từng nói rằng, cô suýt mất mạng trong vụ bạo loạn, mà một trong những kẻ chịu trách nhiệm chính là ông Cruz.

Chưa thấy ông Cruz lên tiếng gì về chuyến cứu trợ của cô AOC. Mà có lẽ ông chẳng còn tâm trí nào để làm chuyện đó. Đám cử tri trẻ tuổi ở Houston đón ông Cruz trước cửa nhà ông, đòi ông từ chức, bảo ông là đồ hèn. Trên mạng người ta tạo hashtag FlyingTed (Ted bay đi), nhại câu chửi của ông Trump hồi 2016 là Lying Ted (Ted nói láo); hay là câu “Ted Cruz, Yes We Cancun”, nhại câu của ông Obama, “Yes We Can”…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong lúc dân Texas đang khốn khổ điêu đứng vì thiên tai, Ted Cruz nhà ta đi qua Mexico du hí. Ngược lại OAC vội vã quyên góp được 3.2 triệu đô và rồi từ Newyork bay xuống Houston vào sáng hôm nay (20/2). Bà ta cùng với hai đân biểu Sylvia Garcia và Shelia Jackson-Lee của Texas đã gặp nhau tại Ngân hàng Thực phẩm Houston để đóng gói các hộp đồ ăn và chia sẻ kế hoạch giúp người dân Texas đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn lạnh chưa từng thấy. Thật là đáng mến!

Leave a Reply to Người Sài Gòn Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây