Bàn về cơ cấu Đại biểu Quốc hội

Nguyễn Đình Cống

9-2-2021

Thỉnh thoảng một tập thể cần lập ra một nhóm người để làm việc. Thí dụ tổ chức cần lập ban chấp hành hoặc cử đoàn đại biểu tham dự việc gì đó, mitting cần một chủ tịch đoàn đông người v.v… Những lúc này người ta thường nghĩ đến cơ cấu để có được đại diện của các tầng lớp chủ chốt.

Có lần đại hội công nhân viên chức của một trường đại học, chưa đến 200 đại biểu tham dự mà chủ tịch đoàn có 13 người. Hỏi rằng cần nhiều người để làm gì, được giải thích là phải có đủ cơ cấu để đại diện cho đảng ủy, chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, thầy cô giáo, công nhân viên, cấp dưỡng. Phải chăng họ đã quá nhầm chủ tịch đoàn đại hội, chỉ cần vài ba người để điều khiển với chủ tịch đoàn một cuộc mítting với nhiều người đại diện cho nhiều tầng lớp?

Chuẩn bị bầu Quốc hội khóa 15, bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra một cơ cấu như sau: Tổng số 500 người. Thuộc khối trung ương 207 người, thuộc khối địa phương 293 người. Số đại biểu cũ tái đắc cử 160 người (suy ra số mới được bầu là 340 người), đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) là 50 người, đại biểu nữ 165 người, người dân tộc thiểu số 90, người ngoài đảng từ 25 đến 50. Lại phải cơ cấu để có đại diện các tôn giáo.

Khi lập chủ tịch đoàn một cuộc mitting, lập một ban bệ hoặc đoàn đại biểu nào đó có thể do một người hoặc vài người lựa chọn thì có thể tạo ra cơ cấu theo ý muốn. Nhưng khi phải bầu cử mà số người trong danh sách ứng viên nhiều hơn số người cần bầu thì làm sao để cho cử tri bầu chọn đúng cơ cấu (đặc biệt khi số dư khá lớn, thí dụ danh sách có 10 ứng viên, được bầu 4 người). Bầu chọn ai là quyền của cử tri, vậy làm sao để cử tri bầu chọn đúng cơ cấu.

Trước hết xin nêu câu hỏi. Quốc hội có cần cơ cấu hay không. Tôi cho rằng chỉ cần một chỉ tiêu là tại mỗi đơn vị bầu cử được bầu mấy đại biểu. Còn cử tri bầu cho ai là quyền của người ta. Cử tri sẽ bầu cho người họ biết, họ thích, theo tiêu chuẩn do họ đề ra. Không cần ai vạch ra tiêu chuẩn và cơ cấu.

Khi bầu cử, việc đề ra cơ cấu tưởng là đúng, là hay, nhưng về bản chất là ý đồ độc tài, áp đặt. Tôi đề nghị bỏ ý tưởng chọn đại biểu QH theo cơ cấu. Nếu thấy rất cần có ai đó vào QH thì dành riêng một số ghế, không cần bầu. Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã bầu được 333 người và dành 70 ghế không cần bầu cho vài đảng chính trị.

Vậy khi đã đề ra cơ cấu thì phải dùng cách nào để đạt được. Có thể bằng cách khống chế danh sách hoặc gian lận khi kiểm phiếu. Đó là những thủ đoạn hèn kém hoặc xảo trá.

Khống chế danh sách ứng viên bằng hai biện pháp. Một là đưa người được cơ cấu áp đặt vào danh sách của một đơn vị bầu cử rồi chỉ đạo đơn vị ấy bầu cho người đó. Hai là hạn chế số ứng viên trong danh sách (thí dụ cần bầu 5 người thì danh sách ứng viên chỉ hạn chế 6 đến 7 người và trong đó đã cài sẵn 1 đến 2 người chỉ là hình nộm). Hai cách trên chỉ thực hiện được khi độc quyền lập danh sách ứng viên, hạn chế người tự ứng cử.

Dùng trò gian lận trong kiểm phiếu bằng các chỉ đạo ngầm và ngăn cản sự kiểm tra.

Hỏi tại sao lại cần có 25 đến 50 người ngoài đảng vào Quốc hội? Trả lời câu hỏi này sẽ gây ra nhiều oái oăm và tranh cãi. Dân cần người đại diện là người thật sự xứng đáng chứ không phải cần người ngoài đảng. Đại biểu QH là đảng viên mà thật sự có trí tuệ, liêm khiết, thật sự đại diện cho dân, được dân tín nhiệm thì cũng tốt chứ sao. Người ngoài đảng mà được Mặt Trận lựa chọn để làm tăng số “bù nhìn” thì ngoài đảng để làm gì?

Đúng ra nên kêu gọi và có biện pháp để cử tri bầu được những người thật sự tài giỏi, liêm chính vào Quốc hội dù họ là đảng viên hay ngoài đảng. Muốn được như thế thì bỏ ngay phương thức đảng cử dân bầu và Mặt trận giữ toàn quyền lập danh sách ứng viên. Hãy mở rộng việc ứng cử tự do và tổ chức tranh cử. Hãy vận động cử tri thực hiện phương châm không bầu cho những ứng viên xa lạ, không biết. Vắn tắt là “không biết, không bầu”.

Ở Việt Nam, các ủy ban của Mặt trận Tổ quốc được chọn theo hiệp thương mà không bầu, vì thế có thể chọn theo cơ cấu. Tuy vậy, sự tồn tại của Mặt trận là một nghịch lý, có hại nhiều hơn có lợi, nên dẹp bỏ. Còn Quốc hội là kết quả của phổ thông đầu phiếu thì không thể theo cơ cấu, đó là trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử.

Trong Hiến pháp, trong Luật tổ chức Nhà nước không có qui định bầu Quốc hội theo cơ cấu. Nếu quả thật có nhu cầu bầu Quốc hội theo cơ cấu thì phải bổ sung Hiến pháp, sửa Luật và tổ chức bầu Quốc hội theo cách khác chứ không thể theo cách hiện tại.

Ngày 20 tháng 6 năm 2020, Bộ chính trị đảng CSVN ra chỉ thị số 45 về lãnh đạo bầu cử Quốc hội khóa 15. Tôi đã viết bài phản biện chỉ thị ấy, vạch ra một số điểm mập mờ và ngụy biện, đồng thời nhấn mạnh một số điểm cần thiết để có được cuộc bầu cử hợp lòng dân. Tôi rất mong được chia sẻ những ý kiến đã đề xuất.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thủ thuật này để phỉnh người nước ngoài thôi, chẳng có mấy tác dụng đâu, bày đặt làm gì thêm tốn tiền. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, chỉ có 50 người “đại diện” cho dân so với 450 đại diện cho nhúm độc tài, nhìn sơ qua đã thấy thảm, còn tệ hơn.

  2. Đảng cộng sản Việt Nam có một lỗ đen, đủ to để cho ông tổng bí thư ba nhiệm kì chui lọt.
    Người ta không cần tân trang, không cần quảng cáo, chỉ mặc nhiên thừa nhận nó.
    Đó là dân chủ XHCN, cơ và cấu quốc hội cũng thế.

Leave a Reply to vưỡn Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây