Đại hội toàn quốc tại Việt Nam: Đảng luôn luôn đúng

Tagesschau

Phóng viên Lena Bodewein Holger Senzel, đài truyền thông Đức ARD, Studio Singapore.

Quang Trung, chuyển ngữ

28-1-2021

Lính tráng mặc quân phục trắng xếp hàng dọc đường vào lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội – lời cam kết trung thành với cách mạng, với cha già của nhà nước xã hội chủ nghĩa là điều bắt buộc đối với các đại biểu Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13.

Người thành lập đảng cộng sản được ướp xác và nằm trong một hội trường lạnh ngắt. “Bác Hồ” cũng có mặt ở khắp các khu chợ đường phố, trên áo thun T-shirt, cốc cà phê hay bật lửa, bên cạnh quần jean Levis của Mỹ và giày thể thao Nike.

Việt Nam kiếm được rất nhiều tiền nhờ sản xuất cho Mỹ, kẻ thù thời chiến tranh, nhà nước cộng sản hiện nay là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty Tây phương. Đồng thời, cuộc chiến tranh tạo nên bản sắc nhà nước: Hình ảnh lính Việt Cộng đi dép xăng đan đánh bại kẻ xâm lược Mỹ có vũ trang tân tiến vẫn còn được vinh danh khắp nơi.

Không thể không thấy được ở Hà Nội: Đảng CS đang tổ chức đại hội đảng lần thứ 13. Hình ảnh: LƯƠNG THÁI LINH / EPA-EFE / Shutters

Tự vỗ tay cho các thành quả thay vì thảo luận

Không có mâu thuẫn cho đảng cộng sản đang cầm quyền. Vì đảng không dung thứ mâu thuẫn. Khi đại hội toàn quốc bắt đầu, các đại biểu cùng nhau hát câu “Cờ in máu chiến thắng” trong bài quốc ca. Tượng bán thân Hồ Chí Minh bằng đồng quan sát các đệ tử của mình, hầu hết là đàn ông cao niên và một vài phụ nữ lớn tuổi.

Các bức tường gỗ ở hội trường được trang trí bằng những tấm vải nhung dày, khẩu hiệu của đảng, cờ đỏ búa liềm. Trước mặt 1.600 đại biểu, tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, gửi lời “Chúc đại hội lần này thành công tốt đẹp”. Ở Hà Nội lần này đảng muốn xác định một ban lãnh đạo mới – Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Năm năm một lần, đảng CS Việt Nam họp đại hội đảng – kết quả được chuẩn bị trước. Ảnh: AFP

Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông

Đảng lúc nào cũng luôn luôn đúng, không một lời phê bình nào, không một lời nói ngược lại nào làm xáo trộn được màn kịch tự trình diễn của chế độ. Từ nhiều tháng trước ngày Đại hội, nhà nước đã chặn các đường dây thông tin, xóa các blog, các bài trên Internet hoặc các tài khoản trên mạng xã hội.

Người phê phán chính phủ, blogger hoặc nhà báo bị cảnh sát đe dọa hoặc bỏ tù, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong tù họ bị đánh đập, tra tấn bằng điện giật và biệt giam không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trên bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức “Phóng viên không biên giới”, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trên tổng số 180.

Cũng theo tổ chức này, nhà cầm quyền Việt Nam đang sử dụng một đạo quân chuyên nghề tung tin giả, tin vịt (tiếng Anh: troll army / tiếng Đức: Troll-Armee) mục đich đánh lạc hướng dư luận và làm mất uy tín của các nhà báo phê phán chế độ, đồng thời cảnh cáo: nhà nước sẵn sàng hành động cứng rắn chống lại bất kỳ những ai đi lệch đường.

Ai lên tiếng ở đâu và như thế nào – chế độ nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: AP

Theo cô blogger Phạm Thanh Nghiên, gieo rắc sợ hãi là một vũ khí lợi hại. Cô kể “Chúng tôi thức dậy mỗi sáng với sự sợ hãi. Chúng tôi chấp nhận việc bị bắt, bị đánh đập và ngược đãi là một tiêu chuẩn, nếu ai không giữ im lặng về sự bất công ở đất nước này”.

Tổ chức “Phóng viên không biên giới” còn gọi Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai sau Trung Quốc. Cô Phạm Thanh Nghiên kể tiếp, chỉ một bài phê phán trên mạng xã hội là đủ để bị kết án tù dài hạn và “Rất khó để gặp được những người cùng chí hướng hoặc để hỗ trợ nhau trên mạng. Nếu chúng tôi lên tiếng ở một nơi nào khác sẽ bị ghi vào sổ ngay lập tức và sẽ bị đe dọa tù tội”.

Bị bốn năm tù và bị đánh đập chỉ vì tham gia biểu tình

Người phụ nữ nhỏ nhắn này đã bị giam hơn 4 năm và cho biết, cô đã bị từ chối không được săn sóc y tế dù sức khỏe của cô rất kém. Mùa xuân năm 2016, cô tham gia biểu tình phản đối một công ty hóa chất từ ​​Đài Loan đã xây một nhà máy thép và xả nước thải độc hại ra biển. Cá chết hàng loạt trên hơn 200 km bờ biển, sinh kế của cả chục nghàn ngư dân bị tàn phá. Các nhà hoạt động môi sinh cho rằng đây là “thảm họa môi trường lớn nhất kể từ khi có nạn chất độc da cam,” và nhà nước đàn áp dã man các cuộc biểu tình.

Blogger Phạm Thanh Nghiên có mặt trong cuộc biểu tình, cô kể: “Một cảnh sát mặc thường phục xô tôi ngã xuống đất và đạp giày ống vào mặt tôi. Chúng tôi bị giữ 14 tiếng và tôi đã bị đánh ba lần trong thời gian đó. Cho đến hôm nay, sức khỏe và tinh thần của tôi đều kém, nhưng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu“.

Quan hệ với Trung Quốc sứt mẻ

“Đường vinh quang xây xác quân thù”, là lời bài quốc ca của bộ đội hành quân. Tăng trưởng không có dân chủ – là điều Việt Nam và Trung Quốc gắn bó. Dù vậy, quan hệ với người anh em cộng sản bị sứt mẻ – không ít vì xung đột ở Biển Đông. Lâu lâu lại có những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc.

Do đó, để tránh không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam muốn dựa vào quan hệ kinh tế với kẻ thù giai cấp (Mỹ). Hai tổng thống Hoa Kỳ đã qua Việt Nam. Barack Obama đề cập đến vấn đề nhân quyền và Donald Trump tỏ ra hồ hởi về những thành công của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng năm 2017. Con đường từ sân bay xây mới tinh dẫn đến địa điểm hội nghị, các khu nghèo đói, ổ chuột bên lề đường được che kín bằng những tấm vải màu sắc sặc sỡ.

Chỗ đó là nơi mà những người thua cuộc sinh sống, thua cuộc trong diễn biến tăng trưởng kinh tế mầu nhiệm ở Viêt Nam: họ là những người nghèo bị bác sĩ hất hủi vì không có tiền đút lót.

Nguồn: https://www.tagesschau.de/ausland/asien/vietnam-kp-101.html

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây