Địa ngục xanh Việt Nam – Phần 12: “Helgoland” – “Con tàu của hy vọng”

Tác giả: Helmut P. Müller

Dịch giả: Phan Ba

30-1-2021

Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 —  Phần 8  Phần 9 Phần 10 Phần 11

“Đất nước này đau ốm vì hoàn cảnh sống, không chỉ vì chiến tranh.” Người bác sĩ 38 tuổi, Tiến sĩ Gerhard Freilinger từ Wien, buồn bã nói. Từ khi ông ở Việt Nam – hai tháng nay – như là bác sĩ, ông đã “nhìn và trải nghiệm nhiều hơn là với công việc nhiều năm trời tại Bệnh viện Phẫu thuật Đại học II ở Wien”.

Freilinger, bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, là một trong số ít những người tình nguyện sang Việt Nam sau khi nghe được rằng chuyên viên y khoa đang rất cần ở đó – đặc biệt là những người mà tài nghệ bác sĩ của họ rất cần cho những nạn nhân đáng thương nhất của cuộc chiến này: những người đàn ông, đàn bà, trẻ con vô danh mà gương mặt họ đã bị chiến tranh tàn phá, đốt cháy, làm tan biến nét người. Ông bác sĩ từ Wien biết những gì chờ đợi mình ở Việt Nam. Nhưng hiện thực tồi tệ hơn rất nhiều. “Nó vượt quá mọi khả năng tưởng tượng.”

Freilinger làm việc tại hai bệnh viện, ở bệnh viện quân đội Cộng Hòa cũng như tại bệnh viện dân sự Chợ Rẫy. Hằng ngày, ông nhìn thấy những gương mặt không còn là gương mặt nữa. Ông ấy cần phải chữa lại những dấu vết thật khủng khiếp của cuộc chiến này, những cái nội trong vài giây đồng hồ đã biến dạng những con người lành mạnh nhiều đến mức không còn có thể nhận ra được nữa. “Sáng hôm nay họ mang đến cho tôi một cậu bé mười tuổi”, người bác sĩ nói. “Chiếc xe buýt mà cậu bé đi ở trên đó đã chạy qua một trái mìn.

Cậu bé bị mất một nửa gương mặt bên trái và quai hàm. Hầu như không thể phẩu thuật cho cậu bé ấy được nữa.” Đầu tiên thì thiếu những loại thuốc cần thiết. Rồi trong lúc mổ, người ta còn đẩy vào phòng mổ hai ca còn nặng hơn thế nữa. Sau đó, máy điều hòa bị hỏng. Và do vậy mà ruồi bay vào. “Cả bầy ruồi lao vào gương mặt của cậu bé”, Freilinger nhớ lại, “chúng đẻ trứng ngay vào giữa vết thương còn mới, và điều tồi tệ nhất trong lúc đó là người ta không thể ngăn chặn được điều ấy. Thêm vào đó là cái nóng nực. Tất cả những điều ấy khiến cho ngưởi ta tuyệt vọng…”

Người bác sĩ từ Wien tiến hành phẩu thuật bốn giờ liền cho cậu bé bị trọng thương, rồi em được mang sang một phòng bệnh kế cận trên một cái cáng. “Nhưng phòng bệnh ở Việt Nam ra làm sao kia chứ”, Tiến sĩ Freilinger nói. “Cậu bé ấy phải chia sẻ giường của mình với một người bị thương khác. Và rồi người thân ngồi xung quanh đó: Họ sắp xếp đồ đạc ở lại trong bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh của họ. Và không có khả năng nào để ngăn chận điều đó. Họ nấu nướng ở đó, họ ăn và họ nằm xuống ngủ quanh những chiếc giường bệnh trên sàn nhà. Tôi có còn phải nhấn mạnh rằng sự dơ bẩn không thể tưởng nào đã tụ lại ở đó không? Nhưng tình trạng ấy là không thể thay đổi – vệ sinh là từ ngữ xa lạ ít được biết đến nhất trong những từ ngữ xa lạ.”

Cả sự chăm sóc tiếp theo sau đó cho bệnh nhân – dưới con mắt của một người Âu – cũng thiếu thốn. “Bác sĩ trong các bệnh viện nhận tiền lương tháng 240 Mark. Đó có là bao nhiêu trong một đất nước mà vòng xoáy lạm phát quay tít? Họ khám bệnh thêm ở phòng mạch tư nhân. Cuối cùng thì không còn nhiều thời gian cho công việc ở bệnh viện…”

Y tá thì không thể khám tư để qua đó tự bảo đảm cho mình có một thu nhập cần thiết cho cuộc sống. Tức là họ tìm đường khác. “Khômg hiếm lần tôi nhận thấy rằng bệnh nhân hoàn toàn không nhận được những loại thuốc hậu phẩu thuật theo quy định.” Tiến sĩ Freilinger phẩy tay tỏ vẻ cam chịu. “Vào lúc đầu tôi đã la lối om sòm – nhưng không lâu sau đó tôi đã chịu thua, vì không ai quan tâm đến điều đó cả. Một phần thuốc men được liên tục bán ra chợ đen, và thật ra thì còn một cách để cho thuốc có thể đến được với bệnh nhân: người ta phải kê ra toa liều lượng gấp đôi. Một phần cho chợ đen, phần kia cho bệnh nhân. Người ta phải tính trước điều đó…”

Tình trạng ở đằng sau lưng của cuộc chiến là những cái gây chán nản. Sự suy sụp của đạo đức, hệ quả tất yếu của sự vô vọng: Cuộc chiến này không có kết thúc – tức là người ta phải sống chung với chiến tranh – bằng cách nào cũng được. Người này thì đánh cắp hàng hóa của Mỹ, người kia bán chúng. Người thứ ba lừa đảo lúc đổi tiền lậu, người thứ tư buôn lậu thuốc chữa bệnh và người thứ năm trở nên giàu có bởi những cô gái sống trên vũng bùn của chiến tranh như những con chuột trên đống rác…

13.000 quán bar ở Sài Gòn là nơi chuyển đổi tình yêu, cơn say và đồng dollar. Ai được phép rời khỏi địa ngục vài ngày thì không cảm thấy đó là phiền toái khi bị lột sạch tiền. Ở Sài Gòn, anh ta có thể quên đi – đánh đổi bằng đồng dollar cứng và cho những khoảnh khắc ngắn ngủi. Ở đây, rừng rậm được mạ crôm và có một gương mặt bằng đèn neon. Rồi tình yêu, nhục dục và thói xấu tự trần trụi phơi bày trước những ánh mắt thèm khát, thiếu thốn…

“Hôm qua tôi có gặp một hạ sĩ quan Mỹ”, Tiến sĩ Freilinger nói, “anh ta tiêu tiền dollar theo kiểu vứt ra cửa sổ. Sau khi rượu Whisky làm mềm lưỡi của anh ta, anh ta tiết lộ công thức của mình: ‘Anh phải cưới một cô gái Việt, bác sĩ ạ’, anh ta nói lè nhè, ‘rồi thì tiền tự nó đến thôi.’ Người ta phải làm như thế nào? Hết sức đơn giản: Người ta trở thành một ông chủ quán bar qua hôn nhân. Người Mỹ bị cấm đầu tư như vậy, vì chỉ có người Việt là có thể đầu tư thôi – nhưng ai mà kiểm tra kia chứ. Thế là người hạ sĩ cưới một cô gái Việt, người mở một quán bar với tiền của anh ta. Tiền bắt đầu bay vào từ lúc đó. Một ngày nào đó, người ta sẽ gởi anh ta trở về Mỹ. “Rồi thì sao, hạ sĩ’, tôi hỏi anh ta. ‘Đơn giản lắm’, anh ta trả lời tôi, “tiền thì tôi mang theo, còn con búp bê thì để lại đây. Tôi nghĩ rằng đó là một cuộc kinh doanh tốt cho cả đôi bên…”

Không chỉ người bác sĩ Áo – không, nhiều nhà quan sát cho rằng những vết thương tồi tệ nhất ở Việt Nam là những vết thương lở loét ra ở hậu phương: Sự suy tàn của trật tự, của tinh thần trách nhiện, của sự bình đẳng xã hội, của nhận thức đạo đức. “Ngay cả sự giúp đỡ có ý tốt nhất cũng chỉ còn là sự việc đơn lẻ dưới những khía cạnh đó”, tiến sĩ Freilinger nói. “Điều mà người dân ở đây thiếu, đó là nhận thức rằng họ phải tự giúp mình – vượt ra khỏi tính thụ động nguy hiểm và sự lười nhác, những cái đã để cho các phần còn lại cuối cùng của tinh thần trách nhiệm cũng lụi tàn đi.”

“Những chiến dịch giúp đỡ có hiệu lực nhất trước sau vẫn là những chiến dịch mà sự thành công của nó phụ thuộc trực tiếp vào sự cộng tác của người Việt”, một viên đại tá giải thích trong Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Mỹ. “Trong đất nước bị bùa mê này, giúp đỡ chỉ có ý nghĩa khi nó đòi hỏi tự mình phải nổ lực. Đó là nguyên tắc chung, và ở đó chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ.”

Một trong số đó, viên đại tá nói, là chiếc tàu bệnh viện “Helgoland” – ở đó “người ta làm việc rất tốt”. Chỉ có một điều là viên đại tá không hiểu cho lắm. “Thỉnh thoảng người ta nghe được rằng ở Đức có nhiều sóng gió vì con tàu đó – thật ra thì tại sao kia chứ? Tôi đã không hiểu được vì chiếc ‘Helgoland’ – trước mọi ánh mắt – đã tự chứng tỏ mình một cách xuất sắc. Mọi người đều hưởng lợi từ con tàu ấy – phía bên này cũng như phía bên kia. Cuối cùng thì đó là một truyền thống trên khắp thế giới. Ai mang huy hiệu của Hồng Thập Tự đều không phải là người lính mà là người giúp đỡ – anh ta đứng giữa các chiến tuyến. Điều này cũng đúng ở Việt Nam. Tất nhiên là đã có những khó khăn nào đó”, viên đại tá thừa nhận, “nhưng thứ nhất là: ở đâu mà không có khó khăn? và thứ hai là: một vài mâu thuẫn cá nhân có nghĩ lý gì khi so với những thành tựu đạt được?”

Đây cũng là ý kiến của một luật sư ở Sài Gòn, người mà người Mỹ không thích lắm vì ông ta có đường dây liên lạc với Việt Cộng. “Chiếc tàu ấy là một việc tốt”, ông luật sư nhấn mạnh. “Khi một người đáng thương với một cánh tay bị bắn nát đến đấy thì anh ta có thể chắc chắn rằng sẽ được giúp đỡ – và không hề có những câu hỏi gây bối rối được đặt ra. Tôi nghĩ là điều này cũng đã lan truyền nhanh chóng ở bên Việt Cộng.” Mặc dù vậy, ông luật sư vẫn chỉ ra: “Rất đáng tiếc, ở tại Sài Gòn là con tàu nằm không đúng chỗ. Lẽ ra nó phải ở nơi cuộc chiến gây tác hại nhiều nhất cho người dân – ở cạnh khu phi quân sự, ở gần Đà Nẵng hay Huế. Trong số hơn 34 000 người bị thương trong năm vừa qua, có hơn hai phần ba sống trong vùng này. Một chiếc tàu như thế thuộc về nơi đó, chứ không phải ở Sài Gòn, nơi những người hưởng lợi từ chiến tranh đang tự vỗ béo mình…”

Những khó khăn đầu tiên với con tàu “Helgoland” bắt đầu ngay từ trước khi con tàu nguyên là một con tàu chở khách du lịch tắm biển khởi hành chuyến đi đến Việt Nam cho tổ chức Hồng Thập Tự: Trong giới chính phủ ở Bonn (Hồng Thập Tự Đức trong trường hợp này thì chỉ là cơ quan tiến hành của chính phủ liên bang) người ta ủng hộ quan điểm – “giúp đỡ vật chất vâng – nhưng không gửi người sang Việt Nam!” Nỗi lo sợ, rằng bác sĩ và y tá với huy hiệu Hồng Thập Tự trên tay áo khoác có thể bị nhẩm lẫn với những người tham gia chiến tranh(!), đã làm tê liệt sức lực quyết định của những người có trách nhiệm cả một thời gian dài.

Mãi đến khi Hội Hồng Thập Tự Đức thúc giục ngày càng mạnh mẽ hơn, người ta mới gởi – một ủy quan nghiên cứu sang Việt Nam. Các thám thính viên của Quốc Hội tìm hiểu về điều mà hẳn là không cần đến cả một ủy ban: “Không có sự lo ngại nào về việc gửi một con tàu bệnh viện Đức!” Cuối cùng, đèn xanh được bật lên. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1967, chiếc tàu 3000 tấn tổng trọng tải đăng ký được cải tạo thành bệnh viện đã thả neo ở “Quai de Belgique”, nơi đẹp nhất và đắt tiền nhất ở Cảng Sài Gòn…

Cũng hoàn toàn không phải là mọi cánh cửa đều mở rộng. Còn ngược lại: Những con người đến để giúp đỡ, ít được giảng giải trước về tính cách của người Việt, chẳng bao lâu sau đó đã vấp phải những cạm bẫy và khó khăn hoàn toàn không tương xứng với nhiệm vụ có ý tốt của họ và thật khó hiểu đối với họ cả một thời gian dài. Niềm vui của họ về nơi neo tàu có giá rẻ – họ sớm nhận ra điều ấy – cũng không được tất cả mọi người cùng chia sẻ: Trước hết, dường như quan điểm về con tàu “Helgoland” rất khác nhau trong một phần giới lãnh đạo của Nam Việt Nam. Và điều ấy có những lý do rất thực tế, không có liên quan gì đến Hội Hồng Thập Tự lẫn người Đức…

Ở Sài Gòn, ai cũng biết rằng cái bệnh dịch tồi tệ nhất chính là bệnh dịch của các thu nhập thêm. Người ta nói với nhau rằng ở hậu phương lúc nào cũng có thể hưởng lợi từ chiến tranh – người ta chỉ cần ngồi đúng ghế và có những mối quen biết sinh lợi. Rồi thì người ta nhanh chóng có phần từ cái nguồn thu nhập mà ở Việt Nam được gọi là “thuế”. Ai muốn sống an toàn trong chiến tranh đều sẵn lỏng trả tiền cho sự bảo đảm an ninh này. Vì vậy mà không chỉ khách sạn, siêu thị mua sắm, quán bar và cửa hàng mua bán – mà cả cảng Sài Gòn cũng thuộc vào các nguồn béo bở của những người có quyền lực và ảnh hưởng. Vì mỗi một chiếc tàu neo ở đây một mặt thì muốn nhà chức trách để yên cho mình – mặt khác thì cũng không muốn bị gài mìn đánh bom. Người ta trả tiền bên này cho điều thứ nhất, trả tiền bên kia cho điều thứ hai. Cũng vì vậy mà Việt Cộng cũng biết đánh giá cao Cảng Sài Gòn.

Tất nhiên là chiếc Helgoland không trả “thuế”. Cuối cùng thì chính Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ là người đã để cho “Con tàu Hy vọng” – như chiếc Helgoland được gọi ngay từ đầu – sử dụng “Quai de Belgique” như là một món quà chào mửng. Thế nhưng tiếng nói quyền lực của ông ấy lại làm giảm đáng kể thu nhập của một người ở cận kề ông ta: người phó của ông ta, Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Hữu Có, không còn thu lợi – như tới nay – từ những lệ phí bất hợp pháp ấy cho nơi neo đậu sáng giá nhất Sài Gòn.

Không ai ngạc nhiên khi ông Tổng trưởng Quốc phòng tức giận và trút nỗi bực dọc của mình lên những người thực sự không hề biết gì về các tập tục tham nhũng của Sài Gòn: lên các thành viên của đội ngũ tàu Helgoland. Lời chào mừng của người dân thường tại Sài Gòn nồng ấm cho tới đâu thì sự lạnh lùng vào lúc ban đầu từ một số cơ quan nhất định dành cho đội ngũ giúp đỡ nhân đạo của người Đức hẳn phải có tác động đè nặng tới chừng ấy.

“Một số người đã nghĩ rằng sự việc ở đây dễ dàng hơn”, bác sĩ trưởng, Tiến sĩ Heimfried Nonnemann, nhớ lại công việc làm trong những tháng đầu tiên, “nhưng chúng tôi thường gặp phải những khó khăn không thể hiểu được. Thật là chỉ có thể khen ngợi các thành viên trong đội ngũ, rằng mặc dù vậy nhưng họ vẫn cương quyết tiến hành nhiệm vụ của chúng tôi. Những tháng đầu tiên ấy thật là rất khó khăn.”

Mọi việc chỉ tốt lên khi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ hành động mạnh mẽ: Vào ngày 25 tháng 1 năm 1967, ông thông báo bằng điện tín cho người phó của ông đang trên đường đi công tác ở Đài Loan, rằng ông ta sẽ bị đưa ra xử trước một tòa án quân sự vì tội tham nhũng. Bắt đầu từ đó không còn có cạm bẫy cho “Helgoland” nữa, những cạm bẫy mà đã được đặt xuống trong khu rừng rậm đen tối và không thể hiểu thấu được của những cuộc kinh doanh bẩn thỉu…

“Dù vậy, nhiệm vụ của chúng tôi có vẻ như khó thể hoàn thành được”, Tiến sĩ Nonnemann nhớ lại. “Chúng tôi có tối đa 150 giường bệnh. Điều có có nghĩa lý gì cho thành phố triệu dân Sài Gòn? Trong những tuần đầu tiên,sáng nào cũng có hàng ngàn người bệnh tìm đến tàu. Đó thật sự là một cuộc bao vậy. Người dân đơn giản tin rằng: Chiếc tàu này với chữ thập đỏ – đó là sự cứu vớt cho chúng ta.”

Chậm nhất là đến thời điểm này thì có thể thấy rằng một con tàu bệnh viện ở Việt Nam còn không thể là một giọt nước trên hòn đá nóng – thiếu thốn chăm sóc y tế cho hàng triệu người đã và vẫn là một vấn đề lớn cho tới mức 150 giường bệnh hoàn toàn không có một trọng lượng nào cả. Không ít người đã viện cớ điều này để phê phán “việc làm vô nghĩa của ‘Helgoland'”.

Phải nói rõ với những người phê phán này: Con tàu “Helgoland” đến Việt Nam không phải để giải quyết một vấn đề và thay đổi tình cảnh chỉ qua một đêm – nó đã và vẫn chỉ là biểu tượng cho một hành động nhân đạo và hẳn là đã được người Việt hiểu và bày tỏ lòng kính trọng cũng như đánh giá cao. Ai nghĩ như thế thì đối với người đó sẽ không có ý nghĩ rằng liệu chi phí tài chánh có tương xứng với lợi ích hay không. Những gì mà các bác sĩ, nam nữ y tá và thủy thủ đoàn của “Helgoland” đã đạt được thì không thể mang 7,5 triệu DM chi phí cho con tàu năm 1966 ra để mà cân đo được…

“Vào ngày đầu tiên bắt đầu hoạt động ngay giữa Sài Gòn, chúng tôi đã thành lập một trạm khám”, một trong số tám bác sĩ của con tàu bệnh viện nói. Chỉ qua đó, chúng tôi mới có thể bảo đảm điều trị nội trú cho bất cứ ai thật sự cần đến. Không ai được nhận lên tàu ‘Helgoland’ mà không được khám trước ở trạm khám và rồi được chuyển từ đó vào – ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Hằng ngày chúng tôi khám bệnh cho khoảng 150 bệnh nhân trong trạm khám này. Sau đó mới quyết định ai được nhận lên tàu đề điều trị nội trú.”

Nhờ vậy, sau gần một năm hoạt động, con tàu “Helgoland” đã có thể công bố một tổng kết đáng kể: Cho tới ngày 15 tháng 9 năm 1967 tổng cộng có 27.300 bệnh nhân được điều trị, trong đó là 1620 ca điều trị nội trú. Mỗi tháng một lần, những chiếc giường trong gian phòng khách lớn của con tàu chở khách du lịch ngày xưa có bệnh nhân mới. Gần 40% những bệnh nhân được chuyển vào là những người bị thương vì tai nạn, những người còn lại chủ yếu là người mắc bệnh lao và bệnh nhân với những dấu hiệu tê liệt. “Chúng tôi có đặc biệt nhiều ca mưng mủ xương, được gọi là viêm tủy xương”, bác sĩ trưởng Tiến sĩ Nonnemann tường thuật.

“Căn bệnh này hầu như không được biết đến ở bên chúng ta, nhưng ở Việt Nam thì lại phổ biến, vì nhiều vết thương không lành lại và người dân thường sống với một chế độ ăn uống nằm ở dưới mức cần thiết nhất. Đối với chúng tôi, những bệnh nhân này là một gánh nặng: điều trị cho họ phải cần nhiều tháng, qua đó mà nhiều giường bệnh không trống được, Nhưng – lẽ nào chúng tôi lại từ chối những con người đáng thương không được ai giúp đỡ đó?”

Gần 20% bệnh nhân của tàu “Helgoland” là trẻ em – và không hiếm khi các em bị chiến tranh đánh dấu mãi mãi. “Là bác sĩ thì người ta đã quen với nhiều thứ – nhưng khi nhìn thấy những đứa bé ấy với những vết thương khủng khiếp do mảnh đạn gây ra thì hầu như khi6ng thể chịu đựng được. Có một mảnh đạn bé tí có trọng lượng chừng 1 gram đã rạch tung hết cả vùng bụng của một đứa bé. Có đôi lúc chúng tôi đứng gần như bất lực trước những vết thương như vậy…”

Tiến sĩ Nonnemann, người bác sĩ trưởng 32 tuổi, người được khen ngợi nhiều ở Sài Gòn vì con tàu “Helgoland” được cho là bệnh viện tốt nhất và sạch sẽ nhất của cả nước, nói thêm, không phải là không tự hào: “Nhưng cho đến nay thì chúng tôi đã có thể chữa trị cho tất cả những em đó. Tuy vậy, có đôi lúc người ta phải tự hỏi như là một con người: có phải là tốt hơn không, khi cái chết giải thoát cho các em – những đứa trẻ không có làng mạc, không có quê hương, không có gia đình đó?”

Chỉ cần nghĩ đến em gái Su Chan. Ngày nào đó, một chiếc xe cứu thương mang em đến tàu Helgoland. Phải cần đến ba lần mổ mới có thể khiến cho thân thể bị mảnh đạn tàn phá ấy có khả năng sống tiếp. Cuối cùng, cô bé ấy còn phải chịu đựng một ca phẩu thuật gương mặt kéo dài bốn giờ đồng hồ: một trong các mảnh đạn đã giật đi một phần quai hàm. Không một tiếng ta thán và với sự kiên nhẫn đặc trưng của người Á châu, cô bé Su Chan đã chịu đựng mọi đau đớn. Cô bé đã vui mừng vô bờ bến trong lúc mong chờ trở về nhà…

Nhưng rồi một ngày nào đó chiếc xe cứu thương lại đến. Nó mang đến hai đứa bé đạp phải mìn lúc chơi đùa. “Anh làm ơn”, một trong các bác sĩ nói và chỉ tay vào cô bé Su Chan, “mang cô bé này về gia đình của em ấy đi.” Người tài xế bước tới cô bé và hỏi tên ngôi làng của cô. Su Chan tươi tắn trả lời. Ông tài xế người Việt suy nghĩ trong khoảnh khắc rồi kéo người bác sĩ ra nói riêng: “Xin lỗi, thưa ông”, ông ấy nói, “nhưng tốt nhất là ông nên giữ cô bé ấy lại đây. Không ai trong gia đình em còn sống sót hết. Không còn ai sống ở đó nữa – cả ngôi làng đã bị phá hủy rồi. Chỉ còn là đất hoang thôi.”

“Những trường hợp như vậy hay xảy ra” – Tiến sĩ Nonnemann nói những lời này vớ vẻ gần như là cam chịu. “Đôi lúc chúng tôi nỗ lực nhiều tuần liền vì sinh mạng của một đứa bé để rồi cuối cùng mới biết rằng không còn ai nhận đứa bé về nữa.”

Không hiếm lúc các bác sĩ của tàu “Helgoland” nhận thư từ Đức mà trong đó người gửi viết rằng: “Hãy gửi cho chúng tôi một đứa bé như vậy – chúng tôi chịu toàn bộ chi phí và sẽ nuôi nấng cháu như con ruột của chúng tôi.” Dù cử chỉ nhân đạo này thật đáng ngưỡng mộ – cho tới nay Tiến sĩ Nonnemann đều luôn khuyên không nên làm như thế. “Anh xem đấy – những đứa bé ấy được đặt vào một thế giới hoàn toàn xa lạ với hoàn cảnh sống và khí hậu của các em, đến mức người ta phải lo ngại những gì xấu nhất. Các cháu chỉ có một cơ hội thật sự, khi người ta nhận nuôi các cháu ở đây.

Điều tốt nhất là xây dựng những trại mồ côi hiện đại và ảo đảm cho cuộc sống tiếp tục qua học bổng…” Áp lực mà các bác sĩ, trợ tá, nam nữ y tá phải chịu đựng trong lúc làm việc ở Việt Nam lớn cho tới mức hợp đồng chỉ có hạn sáu tháng. Có thể gia hạn, nhưng chậm nhất là sau một năm thì các thành viên của Hội Hồng Thập Tự sẽ được thay thế. Vì vậy mà vào ngày 1 tháng 7 năm 1967, một bác sĩ trưởng mới đã tiếp nhận con tàu – tiến sĩ Jäger 67 tuổi.

Nhưng một giai đoạn thử thách mới cũng bắt đầu cho chiếc “Helgoland”: Đi đường vòng qua Singapore, nơi con tàu được tu bổ và cung cấp các vật liệu và thuốc chữa bệnh cần thiết nhất, vào đầu tháng Mười nó đã bắt đầu con đường đi đến một trong những điểm nóng của cuộc chiến. Trong tương lai, “Helgoland” sẽ thả neo ở cảng Đà Nẵng, cách Sài Gòn 900 kilômét về phía Bắc. Như thế, nó nằm trong vùng mà chăm sóc y tế còn tệ hơn cả xấu nữa – một bệnh viện cho 800.000 người!

“Chúng tôi rất vui mừng về lần chuyển đổi này”, như Tiến sĩ Jäger nói, “lần đầu tiên, chiếc ‘Helgoland’ được chỉ định đến nơi đang cần nó nhất – tức là trong vùng có chiến tranh. Chúng tôi biết rõ rằng qua đó sẽ có những nhiệm vụ mới, có thể là khó khăn hơn, sẽ đến với chúng tôi. Vì bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ tiếp nhận đặc biệt nhiều người bị thương nặng. Nhưng tuy vậy: Hoạt động của chiếc ‘Helgoland’ sẽ luôn tương xứng với biểu tượng của Hội Hồng Thập Tự – con tàu này không biết bạn hay thù, nó rộng mở cho tất cả những ai cần sự giúp đỡ của chúng tôi…”

“Toàn bộ những biện pháp giúp đỡ ấy, hàng trăm kế hoạch, cuộc chiến tranh tâm lý được vực dậy – cứ tin tôi đi, tất cả đều là vô nghĩa”, Thiếu tá Charles D. Gordon, chỉ huy Tiểu đoàn Hàng không Chiến đấu 13 (13th Combat Aviation Battalion) ở đồng bằng Cửu Long rên lên. “Cho tới khi nào mà những chương trình đó không được mang về một mẫu số chung thì chúng đều vô hiệu quả, bởi vì thường là vẫn còn chưa có tiêu chí cho cả sự giúp đỡ mang ý tốt nhất nữa.

Những gì chúng tôi cần là hệ thống hóa, một cơ quan trung tâm điều phối tất cả – các hoạt động quân sự, chương trình giúp đỡ, công cuộc tái xây dựng và trước hết là quá trình hướng dẫn chậm chạp đưa người dân ở đây đi đến trách nhiệm và tự lập. Chúng tôi vẫn còn chưa hiểu rằng ở đây chúng tôi đang gặp phải một cuộc chiến tổng lực không để cho người ta phân chia nó ra thành những thành phần mà rồi từ đó mỗi phần tiến hành cuộc chiến tranh của nó.”

Charly, như những người lính Mỹ gọi viên chỉ huy chỉ cao 1 m 67, được tặng thưởng huy chương mười bốn lần của họ, không đơn độc với quan điểm của ông ấy. Tại những tâm điểm mặt trận của Nam Việt Nam, những người lính không càu nhàu về chiến đấu và chiến tranh – “giờ đây thì chúng tôi đã tham gia vào cuộc chiến”, như một tướng lãnh Thủy quân Lục chiến nói, “mẹ kiếp, bởi vậy mà chúng tôi cũng phải mang việc này đi đến kết thúc” – không, những gì làm cho họ bực dọc là cái mớ rối rắm của sự lộn xộn thường không có kế hoạch ấy, một bộ máy quản lý cồng kềnh mà cả những người thám thính tài giỏi nhất cũng không còn biết lối đi nữa. Nơi người ta mày mò và mò mẫm hằng ngày – và rất đáng tiếc là thường hay thừa thãi.

“Một ngày nào đó, một ngôi làng trong tỉnh của tôi bị lôi vào vòng”, một đại tá hầm hừ nói. “Tại một thành phố nhỏ ở Arkansas, người ta tổ chức một Tuần Viện Nam. Kết quả là có hai mươi con heo nái giống được quyên tặng và được chở máy bay sang Việt Nam với chi phí rất lớn. Bây giờ thì tôi có nhiệm vụ mang những con vật ấy đến trao cho ngôi làng. Anh nghĩ xem có bao nhiêu sự rùm beng quanh đó chứ: báo chí, truyền hình, quan chức. Vâng, rồi vào sáng ngày hôm sau – những con vật ấy biến mất, 20 con heo nái ấy. Việt Cộng bắt đi 14 con, còn dân làng thì ăn 4 con còn lại. Sau vài ngày, ông trưởng làng đến và than thở: Rất đáng tiếc là VC đã bắt đi 14 con heo nái giống đẹp và béo ấy, và bây giờ thì họ hỏi là khi nào thì có nữa. Chúng tôi chắc chắn là có rất nhiều…”

Không, viên đại tá và nhiều người khác ở Việt Nam có một tưởng tượng khác về giúp đỡ và chương trình hành động: “Mọi biện pháp phải được thắt chặt, điều phối và mang về một mẫu số hiệu quả. Dân sự và quân sự phải cùng chung một khẩu hiệu: Chúng ta phải hành động có hệ thống hơn. Nếu không thì chỉ làm lợi cho Việt Cộng,” Và đó là bóng ma bí mật đáng sợ của người Mỹ: rằng từ việc đánh giá sai lầm tâm tính người Việt mà sẽ đi từ sai lầm thứ một trăm đến sai lầm thứ một ngàn, mặc dù có ý định tốt đẹp. Họ không đau buồn vì cuộc chiến – họ khổ sở với tình trạng nội bộ phức tạp của đất nước hết sức rối rắm này, đất nước mà về cơ bản là vẫn xa lạ đối với họ. Xa lạ cho tới mức họ đầu tư hàng triệu cho tâm lý và tuyên truyền, những thứ thường tắt tiếng dần trong rừng rậm trong khi người cộng sản bị kết tội nói dối rẻ tiền, trắng trợn và mặc dù vậy vẫn tận dụng được nó. Ý muốn nói ở đây là người anh hùng Việt Cộng Nguyễn Văn Bé đang trên đường đạt đến danh tiếng vĩnh cửu ở Việt Nam…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây