Thi học sinh giỏi – Một kỳ lạ trong nền Giáo dục Việt Nam

Thái Hạo

18-1-2021

Trưa, kéo Facebook chút, thấy nhiều bạn chia sẻ kết quả thi học sinh giỏi quốc gia trong niềm vui và tự hào, làm mình nhớ những năm qua mình cũng đã lăn lộn với cơ man nào là những kỳ thi. Cái cảm giác còn đọng lại lúc này là… một nỗi ám ảnh.

Căn bệnh thành tích và sự theo đuổi danh vọng hão của người lớn (lãnh đạo trường, phòng, sở) đã đẩy tất cả vào một cuộc chiến rã rời mà thất bại luôn thuộc về người dạy và người học.

Tôi không biết các bạn đồng nghiệp có thật hạnh phúc không, riêng với tôi thì mỗi kỳ thì là một nỗi khổ bi thiết. Đội tuyển được chọn ngay khi các em vừa vào lớp 10. Riêng những học sinh này phải chạy một lúc nhiều chương trình: Học chính khóa, học luyện thi THPT quốc gia, học đội tuyển. Tất nhiên không ai có đủ thời gian để học chừng ấy thứ, và nhà trường buộc phải lách luật bằng cách cho học sinh nghỉ học nhiều môn trong những giai đoạn nước rút, còn điểm thì sẽ được “cấy” vào để tổng kết.

Giáo viên đứng trước áp lực phải đạt thành tích, nếu muốn giữ được danh dự và danh hiệu; bằng không, sự chỉ trích và hăm dọa sẽ làm người ta sợ hãi và chán nản cùng cực.

Cả người dạy và người học cùng lao vào một cuộc chiến ròng rã, triền miên bằng các buổi “luyện thi” quanh năm suốt tháng. Bao nhiêu tiểu xảo, mánh mung đều được trao truyền; việc nhai lại các đơn vị kiến thức từ tháng này qua năm nọ cùng với “bí kíp” giải các dạng đề, học thuộc trích dẫn hay ho, học thuộc mở bài kết luận… đã khiến một đứa trẻ có chút tình yêu và rung cảm với văn chương dần trở nên chai sạn và ngán ngẩm. Như một con thuyền đã bị cuốn ra giữa biển, việc duy nhất lúc này là tiếp tục chèo để vào bờ, dù không biết bờ bến ấy có cây trái gì không. Học sinh và thầy cô của họ đều không được phép ngoái nhìn lại, chỉ có một con đường độc đạo là tiến lên phía trước, không được dao động, không được bỏ cuộc, không được phân tâm.

Dù thừa nhận hay không thì thực tế vẫn là: Kết quả thi học sinh giỏi đang trở thành lý do duy nhất cho sự tồn tại có được tính chính danh của hệ thống trường chuyên trong nền giáo dục VN. Đó là một sự lãng phí và ngu dốt bậc nhất khi nuôi dưỡng một con ma đói như thế.

Khi người ta dùng con số để làm mục tiêu, người ta sẽ quên mất múc đích thật sự và theo thời gian, họ chỉ còn theo đuổi những con số. Khốn cùng là ở chỗ, người ta sẽ dùng mọi cách để đạt được những con số ấy, kể cả việc gian lận. Cứ mỗi lần sắp diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì thầy trò các trường chuyên lại rồng rắn “lên kinh” để “tầm sư học đạo”, hoặc sư sẽ đi tìm đệ tử dọc miền đất nước. “Trao đổi, thỏa thuận, đi đêm, cơ cấu…” đang dần trở thành phổ biến.

Như những cổ máy, họ dồn hết sức lực và thời gian cho một chuyến đi mà mục đích duy nhất là để được an toàn. Tất cả sẽ cùng vuốt mồ hôi và thở phào khi thấy tên mình trong danh sách đậu. Tình yêu đã bị tha hóa thành một món nợ và bây giờ họ từ giã nó như một một cuộc ly dị sau những ngày chung sống không hạnh phúc. Họ gọi đó là sự giải thoát. Không có nhiều học sinh sau khi đậu học sinh giỏi văn mà còn theo nghiệp văn chương.

Tôi từng gọi các kỳ thi này ở VN là những cỗ máy xay hồn người. Đó là một phương cách phi lý nhất mà tôi nghĩ một nền giáo dục có thể nghĩ ra để bao biện cho tính chính đáng của nó. Trong những kỳ thi này, trẻ con đã bị biến thành công cụ/đồ chơi trong tay người lớn để giúp họ thỏa mãn tính háo danh và tham lợi. Mối bận tâm duy nhất của lãnh đạo là “được mấy giải”, còn những vui buồn sướng khổ, ý nghĩa giá trị v.v. thảy đều nằm ngoài trường quan tâm của họ.

Một nền giáo dục đang xô đẩy nhau chạy về một cái đích hư vô mà quên bẵng mục đích của hạnh phúc và thành toàn nhân cách cho người học. Trong lần tập huấn về đổi mới giáo dục cho các trường chuyên năm ngoái tại Đà Nẵng, tôi đã hỏi ông vụ trưởng rằng: Khi nào thì chúng ta bỏ kỳ thi ấy? Nhưng ông quan ấy đã không có câu trả lời cho tôi.

Những kỳ thi bi hài này cần phải bị xóa sổ, hoặc chuyển thành một kỳ thi để trải nghiệm, dựa trên sự tự nguyện và tự túc của học sinh và không mang tính đại diện nữa. Có như thế mới mong bớt đi những nỗi khổ cho cả thầy và trò; có như thế chút tình yêu hiếm hoi với môn học mới không bị hủy hoại hoàn toàn; có như thế may ra người ta mới sực nhớ lại cái mục đích bình thường của việc làm giáo dục.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  3. Bản chất tự nhiên của con người là lười biếng nhưng muốn hưởng thụ, muốn vậy phải có sự trợ giúp của máy móc và khoa học kĩ thuật…. và đây chính là một mục đích của học tập. Những người làm giáo dục Vn ,nếu có khả năng này thì mới có thể đưa ra một chương trình học tập đúng đắn, hiệu quả… ngược lại chỉ là những thứ viển vông vô tác dụng. Những người xuất sắc nhất của một cái chương trình học tập tồi tệ, cuối cùng cũng có làm được cái gì đâu…

  4. “Thi học sinh giỏi” đã thấy có từ rất lâu ở Miền Bắc CS, thời những năm còn chia đôi đất nước và giữa chiến tranh VN 1954-1975.
    Loại thi đua này xuất phát từ chính sách tuyên truyền của khối CS, đứng đầu là Liên bang xô viết, du nhập vào miền Bắc CS ngày xưa( và vẫn duy trì ở VN hiện nay), thường chỉ thấy những quốc gia CS cũ thi với nhau và chạy theo thành tích là chính. Cứ nhìn cách thức họ làm rùm beng ở báo chí, truyền hình, truyền thanh thì thấy các loại thi này chỉ nhằm phục vụ cho bộ máy nhà nước cai trị mà thôi.
    Ở những quốc gia văn minh và giá trị con người được đề cao là chính, người ta cũng thỉnh thoảng tổ chức những thi đua cho học sinh nhưng chủ yếu nhằm khuyến mọi học sinh tham gia để học, chứ không phải để tìm em nào giỏi nhất.

Leave a Reply to Nelson Mandela Nói Về Giáo Dục Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây