Thế tiến thoái lưỡng nan của đảng Cộng hòa hậu Trump

Joaquin Nguyễn Hòa

17-1-2021

Ngày 15/1/2021, Wall Street Journal, tờ báo của giới bảo thủ Mỹ, có tường trình những gì xảy ra bên trong tòa Bạch Ốc trong những ngày cuối cùng làm tổng thống của ông Donald Trump.

Theo tường trình này thì ông Trump có thể sẽ rời Nhà Trắng trong buổi sáng thứ Tư, ngày 20/1/2021, để đi Florida. Đúng 12 giờ trưa cùng ngày, ông Joseph Biden tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Như vậy ông Trump, tổng thống đảng Cộng hòa, phá vỡ thông lệ hàng trăm năm nay là tổng thống mãn nhiệm dự lễ tuyên thệ của tổng thống mới. Đến nay ông Trump vẫn không nhận mình thua cuộc, mặc dù có cam kết chuyển giao quyền lực êm thắm.

Những cố gắng vô vọng và kỳ quặc của ông Trump sau ngày bầu cử 3/11/2020, nhằm phủ nhận kết quả thắng cuộc hoàn toàn hợp pháp của ông Biden, và nhất là vụ ông kích động các ủng hộ viên gây bạo loạn, tấn tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, gây ra rất nhiều bối rối cho các thành viên đảng Cộng hòa.

Ngay sau khi vụ bạo loạn kết thúc, nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã rút lại lời phản đối kết quả bầu cử, mà họ đã nghe theo lời ông Trump trước đó.

Một tuần lễ sau vụ bạo loạn, Hạ viện do đảng Dân chủ đối lập nắm đa số, đã bỏ phiếu đồng ý truất phế ông Trump. Quyết định truất phế này sẽ dẫn đến việc mở một phiên tòa ở Thượng viện để luận tội ông Trump. Trong cuộc bầu cử ở Hạ viện, có 10 dân biểu Cộng hòa đồng ý truất phế ông Trump.

Theo báo Wall Street Journal, trong những ngày cuối cùng ở tòa Bạch Ốc, ông Trump rất tức giận với 10 dân biểu này, tìm hiểu xem họ là ai để trừng phạt họ.

Theo ghi nhận của tạp chí Time, sau khi ông Trump lên cầm quyền vào đầu năm 2017, có hơn 50 dân biểu Cộng hòa chấm dứt làm việc ở Quốc hội, và họ được thay thế bởi những dân biểu Cộng hòa trẻ hơn (khi họ thắng ở các địa phương chống lại những ứng viên Dân chủ). Những dân biểu Cộng hòa trẻ tuổi này ủng hộ ông Trump nhiệt tình hơn.

Bên cạnh đó, có những nhóm Cộng hòa chống ông Trump rất quyết liệt, gọi là những nhóm Never Trump, trong đó nổi bật nhất là nhóm Lincoln Project, góp một phần không nhỏ trong việc vận động cử tri Cộng hòa chống lại ông Trump, làm nên chiến thắng của ông Biden vào ngày 3/11/2020.

Sau cuộc bạo loạn, không những các thượng nghị sĩ Cộng hòa có tiếng từ trước đến nay như Mitt Romney (Utah), Ben Sass (Nebraska), Susan Colin (Maine),… lên tiếng chỉ trích ông Trump mà những đồng minh chính trị từ trước đến nay của ông ta như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cũng lên tiếng chỉ trích, thậm chí ông McConnell còn tỏ ý rằng ông ủng hộ bản án ở thượng viện tới đây kết tội ông Trump.

Tuy nhiên lực lượng cứng rắn, ủng hộ ông Trump tới cùng vẫn còn, ít nhất là hơn 100 dân biểu ở Hạ viện, ủng hộ việc phản đối kết quả bầu cử. Ở Thượng viện, đáng kể nhất là hai Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas và Josh Hawley của Missouri.

Tại Hạ viện, sau khi một trong những đảng viên cao cấp của đảng Cộng hòa là bà Liz Cheney (Wyoming) bỏ phiếu ủng hộ truất phế ông Trump, một nhóm dân biểu Cộng hòa đã đòi bà Cheney từ chức. Dân biểu Cheney nói rằng, bà làm đúng theo lương tâm, bà không từ chức gì cả.

Cuộc chiến bên trong đảng Cộng hòa lý thú ở chỗ, họ không biết chắc chắn là nếu họ ủng hộ ông Trump thì có lợi gì trong các cuộc bầu cử sắp tới. Nếu họ chống ông ấy, thì nhóm cử tri “trung kiên” của ông Trump sẽ quay lưng với họ. Nhưng nếu họ ủng hộ ông ấy, mặc kệ những hành động kỳ quái của ông ta, nhất là suốt hai tháng sau bầu cử, tấn công vào các định chế lẫn biểu tượng của nền dân chủ (điện Capitol), thì cử tri độc lập sẽ quay lưng với họ, thậm chí các cử tri của đảng Cộng hòa trung dung, và số cử tri Dân chủ lại rủ nhau đi bầu đông hơn, có lợi cho các ứng viên Dân chủ đối thủ.

Ví dụ rõ ràng cho việc này là lần bầu cử chung cuộc cho hai ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia vào ngày 5/1/2021. Georgia là bang Cộng hòa truyền thống, nhưng cả hai ghế đều mất vào tay đảng Dân chủ. Người ta nói trong thất bại này có “công” lớn của ông Trump, vì ông liên tục đả kích các viên chức Cộng hòa, từ Thống đốc đến Bộ trưởng Hành chánh, vì họ không ủng hộ ông phủ nhận chiến thắng của ông Biden.

Nhưng có một thực tế là, hơn 74 triệu cử tri Mỹ đi bầu cho ông Trump, mặc dù ông thua (số cử tri bầu cho ông Biden hơn 81 triệu), và số cử tri Cộng hòa ghi tên tham gia đi bầu đông nhất từ trước đến nay. Sau ngày bầu cử hơn 1 tháng, theo một số thăm dò, có đến 70% cử tri Cộng hòa tin vào những lời buộc tội không bằng chứng về cái gọi là “gian lận bầu cử” của ông Trump.

Vì thế số phận của phiên tòa tại Thượng viện tới đây vẫn chưa chắc chắn là phe Dân chủ có được thêm ít nhất 17 phiếu của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa để kết tội ông Trump hay không (để có thể ra được bản án kết tội cần ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý, Thượng viện sắp tới tỷ lệ Cộng hòa/ Dân chủ là 50/50).

Nếu ông Trump bị kết tội, ông sẽ vĩnh viễn không thể tranh cử được nữa, đảng Cộng hòa cắt đứt hoàn toàn với ông. Ngược lại, nếu ông vẫn ra tranh cử vào năm 2024 như một số đồn đoán, hoặc ít nhất vẫn còn đại diện cho thương hiệu Trump trong đảng Cộng hòa thì điều đó có lợi cho đảng này hay không?

Ông Zach Wamp, cựu dân biểu liên bang từ Tennessee nói với tạp chí Time rằng, hàng triệu cử tri Cộng hòa đã bị ông Trump tẩy não, đảng Cộng hòa vẫn có tiềm năng rất lớn (với hàng chục triệu cử tri), nhưng không thể hoạt động trên nền móng của sự dối trá được.

Bà Amanda Carpenter, một cố vấn chiến lược của đảng Cộng hòa cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Bà nói rằng, đảng Cộng hòa không thể thắng nếu thiếu những điều xằng bậy kể trên, nhưng họ chắc chắn sẽ thất bại nếu cứ giữ nó.

Bà Carpenter vốn là trợ lý cho ông Ted Cruz trong kỳ bầu cử 2016, trở thành một nhà bình luận chống Trump rất quyết liệt. Bà Carpenter nói với Time rằng: Trump để lại một Đảng Cộng hòa chia rẽ hơn lúc nào hết.

Theo Wall Street Journal, New York Times, Time.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây