Hội nghị Trung ương 15, nhân sự đặc biệt và đề cử “tứ trụ” (Phần 1)

Phạm Vũ Hiệp

3-1-2020

Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai thời gian tiến hành Đại hội XIII, từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Hà Nội. Được biết ngày 25/1 họp phiên trù bị, ngày 26/1 sẽ chính thức khai mạc. Số đại biểu tham dự là 1.590 đảng viên.

Đại hội này sẽ bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương khóa mới khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng dự kiến giữ như khóa XII, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.

Thời gian không còn nhiều nhưng đến hội nghị 14 Đảng vẫn lay hoay việc ai ở, ai đi, chưa định hình được bộ khung “tứ trụ”.

Ai trong số này sẽ là “nhân sự đặt biệt”? Từ trái qua, trên xuống Phúc – Vượng – Ngân – Bình – Lịch – Nhân – Phóng

Được biết Bộ Chính trị sẽ nhóm họp vào ngày 9/1/2021 tới đây để quyết định việc đề cử “nhân sự đặc biệt” để trình hội nghị BCH Trung ương 15, dự kiến diễn ra vào ngày 15/1/2021.

Cuộc họp này có tính chất cực kỳ quan trọng, không mở rộng, vì vậy các thành viên Ban Bí thư mà không không có chân trong Bộ Chính trị cũng sẽ không được tham dự.

Chiều 30/12/2020 tất cả báo chí quốc doanh đồng loạt loan tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Quyết định được ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo đó, việc sắp xếp nhân sự “bộ ngũ” chóp bu của Đảng, hồ sơ lý lịch, tài liệu, đơn thư tố cáo… tất tật các thứ liên quan đến cá nhân “bộ ngũ” đều là bí mật quốc gia, cấp độ “Tuyệt mật”.

Thực tế, sau hội nghị 13, quyết định 1722/QĐ-Ttg do ông Nguyễn Xuân Phúc ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 3/11/2020 đã giao cho Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành. Nay chuẩn bị “so găng” trong hội nghị 15, họ bắt đầu răn đe.

Nhiều văn bản đóng dấu “Tuyệt mật” chỉ để phục vụ cho lợi ích nhóm

Các “trường hợp đặc biệt và nhân sự tứ trụ khoá XIII đang vô cùng gay cấn nên cấp cao của Đảng cấm đảng viên, dân chúng luận bàn. Giới bình luận chính trị tại Hà Nội cũng nhận định, động thái này chứng tỏ một sự lúng túng, sự giằng co và căng thẳng trong việc sắp xếp, bầu chọn lãnh đạo cao cấp cho đại hội XIII.

Thượng tầng chính trị Đảng Cộng sản lo sợ sự rò rỉ thông tin, gây ảnh hưởng tới việc dàn xếp, mặc cả nhân sự. Quyết định vừa ký cũng là đòn ngăn chặn mang tính hăm doạ ngay trong nội bộ cấp cao. Họ sợ các thế lực ngầm vận động, tố cáo bôi bẩn và đề phòng kẻ mượn báo chí, mạng xã hội… tấn công cá nhân để giành phiếu trong cuộc đua quyền lực.

Văn bản 1772/QĐ-TTg

Còn nhớ, trước đại hội IX, Lê Đức Anh cùng Đỗ Mười đã công khai vận động Bộ Chính trị, BCH trung ương khoá VIII loại ông Lê Khả Phiêu ra khỏi danh sách đề cử chức Tổng Bí thư khoá IX.

Trở lại chuyện nhân sự đại hội XIII, các quân cờ xem như đã lật ngửa. Nội dung họp Bộ Chính trị sắp tới chắc cũng na ná, không khác trước đại hội XII là mấy, tạm chia làm ba phần:

– Phần một, bản thân từng vị tốt hay xấu, ưu khuyết ra sao, đạo đức lối sống thế nào, lập trường kiên định đến đâu, đơn thư tố cáo những gì, kết quả xác minh… sẽ được đặt lên bàn và các đồng chí sẽ “tính sổ” lần cuối với nhau.

– Phần hai, tổng Trọng xung phong rút lui và đề nghị những người khác rút theo mình để nhường cơ hội cho những người trẻ hơn trong Bộ Chính trị. Bộ tứ được đồn đoán sẽ có nửa già, nửa trẻ nhằm chuyển tiếp. Như vậy phương án “nhân sự đặc biệt” hai người ở lại có vẻ khả thi.

– Phần ba, các Ủy viên Bộ Chính trị sẽ trải lòng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, thảo luận và bỏ phiếu kín để chốt.

Về lý thuyết, theo các văn bản hướng dẫn của đảng, đảng viên đang trong thời hạn thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, vẫn có thể được xem xét, giới thiệu tái cử nhưng không được giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn.

Nhưng trên thực tế, dấu chấm hết đã dành cho hai đồ đệ của 3X là Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên, lá phiếu hai ông này vẫn có giá trị tại các cuộc bầu bán trong Đảng cho đến kết thúc đại hội XIII.

Chỉ tính từ sau năm 1975, những tranh chấp “một mất một còn” đã diễn ra trong cung đình nhà nước cộng sản. Mọi chuyện không “đoàn kết, nhất trí cao và thành công tốt đẹp” như tuyên giáo truyền thông bịp dân chúng. Xin điểm lại một số sự kiện:

– Tháng 12/1986, Lê Đức Thọ doạ sẽ cho đảng “toang”, nếu Trường Chinh không chịu rút lui khỏi ghế Tổng Bí thư. Trong sácg “Bên thắng cuộc”, Huy Đức thuật lời nhân chứng về sự kiện sáng 13/12/1986, họp chốt tứ trụ trước đại hội VI một ngày, như sau: “… kéo đến nhà riêng Trường Chinh gồm một lô một lốc, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Tâm, Võ Chí Công… Lê Đức Thọ ép ông ký vào lá đơn ‘xin không ứng cử’. Khi ông Trường Chinh chưa kịp trả lời, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phạm Hùng nói: ‘Anh không rút thì rất căng’. Ông Trường Chinh đã phải gật đầu, nhưng ông đã không ký vào lá đơn ‘xin rút’ do Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Khánh chuẩn bị“.

Trước đó không lâu, hai đại tướng là ứng viên ghế Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn đã đột tử đầy nghi vấn.

– Tháng 3/1990 một năm trước khi diễn ra đại hội VII, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách (1924-2006), ứng viên Tổng Bí thư đã bị Nguyễn Văn Linh chụp mũ “đa nguyên, đa đảng”, bị loại ra khỏi cuộc đua với án kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

– Tháng 4/1996, chỉ còn ba tháng nữa là khai mạc đại hội VIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Nguyễn Hà Phan (1933-2019) ứng viên Thủ tướng khoá VIII, bị Võ Văn Kiệt hạ know-out, dựa vào đơn thư tố cáo “làm nội gián cho địch”, án khai trừ ra khỏi Đảng và thu xếp rời Hà Nội để về quê ngay tức khắc.

– Tháng 12/2010, khi còn chưa đầy một tháng nữa diễn ra đại hội XI, Hồ Đức Việt (1947-2013) Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương, ứng viên Tổng Bí thư, đã bị liên minh Nông Đức Mạnh – Tô Huy Rứa – Phạm Quang Nghị đánh bay ra khỏi danh sách đề cử Bộ Chính trị khoá XI.

– Tháng 12/2015, chuẩn bị đại hội XII, Nguyễn Tấn Dũng là ứng viên số 1 cho vị trí Tổng Bí thư khi đã kinh qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng, 3X trở thành đích ngắm huỷ diệt của nhiều phe. Vẫn là đơn thư tố cáo, nhưng “nặng ký” ở chỗ, đơn của các cựu Ủy viên Bộ Chính trị đích danh được gởi đến từng Ủy viên Trung ương, những chỉ trích nảy lửa trong các cuộc họp Bộ Chính trị…

Bốn ngày trước khi khai mạc hội nghị 13 khoá XI, hội nghị đề cử Bộ Chính trị, Ban bí thư và bàn “trường hợp” đặc biệt, Nguyễn Tấn Dũng chịu không nổi trước những cú ra đòn liên hoàn của đối phương. Để đảm bảo an toàn cho gia đình mình, phe nhóm mình, 3X buộc phải viết đơn xin “không tái cử”, để khỏi lưu huyết trong các trận thư hùng.

Đơn thư tố cáo và “đơn không tái cử” của Nguyễn Tấn Dũng

Trước đó, khi được quy hoạch vào ghế Thủ tướng khoá XII, ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị thế lực giấu mặt đứng sau trang Chân Dung Quyền Lực đánh “dưới thắt lưng” ròng rã nửa năm trời.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Csvn uống thuốc xổ liều cao, trong nỗ lực phi thường nhằm tìm ra những đứa nửa người nửa ngợm cho cái hệ thống mọi rợ, kỳ sau khốn nạn hơn kỳ trước.

  2. https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/01/0-9.jpg

    Nhìn mặt Tam trụ hay Tứ trụ đều thua cả cái Nhất trụ ta ! ! !
    ************************************

    Nhìn mặt Tứ trụ thua cả Nhất trụ ta
    Thằng thì Đầu niểng đứa mắt quáng gà !
    Con mặc áo dài tim óc cực ngắn
    Thằng tự hoà bình hiếu chiến giết cả cha !
    Thương Thị Phóng bề thế lại không đẹp
    Thằng Ác nhân tên xem Lịch tưởng sa bàn là !
    Điểm mặt Tam trụ thua cả Nhất trụ tớ
    Thôi thì thưởng cho ‘lút cán’ hai Bà bà !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  3. Đội hình Dream Team của tớ:

    Tổng bí thơ kiêm Chủ tịch: Nguyễn Phú Trọng
    Thủ tướng: Nguyễn Thiện Nhân
    Xếp xòng quốc hội: Tô Lâm

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây