Tản mạn chuyện cuối năm Canh Tý (2020)

Nguyễn Thái Nguyên

29-12-2020

Mấy tháng qua, vẫn biết thân phận của kẻ về hưu như tôi đối với chuyện của ông Donald Trump – Joe Biden và chuyện nước Mỹ thì chẳng có chút lợi lộc gì cho bản thân hay vợ con mình. Chuyện đảng và các cấp, các ngành rầm rộ chuẩn bị ĐH 13 thì không mấy ảnh hưởng đối với bọn về hưu như tôi. Vậy mà chuyện của xứ cờ hoa xa xôi ấy lại làm cho tôi mệt mỏi như là chuyện của chính nhà mình vậy. Thế mới kỳ cục cho cái thân chưa già lắm nhưng có lẽ đã lẩm cẩm rồi.

Hôm nay tôi phải quyết định tạm biệt mạng Internet mấy hôm để tránh bớt ô nhiễm cho đầu óc, tìm lại những chuyện văn chương thơ phú vui vui của người xưa, may ra thư giãn được chút ít. Bỗng nhiên thấy có hứng thú đọc lại mấy cuốn sách bàn về chữ nghĩa của các cụ đồ xưa. Thấy nó vui vẻ thì chia sẻ với các cụ đồ ngày nay và bà con trong làng ta.

Lại thêm một dịp thấy dư luận xã hội cũng như các đại biểu QH có ý kiến “bùng phát” về chuyện dạy của nhà trường và chuyện học hành của con trẻ, từ mầm non cho đến đại học, nên cũng xin lạm bàn thêm chút đỉnh về chuyện này. Nếu vị nào thấy chán thì cho Thái Nguyên tôi xin hai chữ lượng thứ vậy.

Thời còn dạy và học chữ Nho ở nước ta kéo dài hàng ngàn năm, không thấy hệ thống giáo dục ấy chia ra cấp nào cả mà chỉ có đi thi thì mới có các cấp khác nhau. Đến thời “Pháp học” thì bắt đầu chia ra các cấp nhưng đó là bản sao của “mẫu quốc” và cũng không phải là hệ thống giáo dục của toàn dân.

Còn thời nhà trường XHCN chia đi chia lại các cấp khác nhau. Lúc tôi còn đi học phổ thông thì chia một cách đơn giản cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Thuở đó, cấp 3 cũng chỉ đến lớp 10 là kết thúc. Sách giáo khoa các cấp học không nhiều như bây giờ và khi kết thúc năm học, tôi lại để các sách giáo khoa đấy cho em tôi học tiếp mà không thay đổi gì. Còn điều kiện kinh tế những năm 50 – 60 thì chắc chắn không cần phải bàn.

Vậy nhưng không vì thế mà các thầy giáo, cô giáo không hết lòng với sự nghiệp trồng người, còn thế hệ học trò chúng tôi không vì thế mà dốt nát không làm nên cơm cháo gì so với các thế hệ ngày nay. Tôi cũng không nhớ từ bao giờ và vì lý do gì lại bỏ cách chia 1,2,3 đổi thành Tiểu học, Trung học… mà đến giờ này, tôi không thể nhớ nổi các cháu nội ngoại tôi nó học cấp gì nữa.

Còn những khó khăn ngày nay cả thầy lẫn trò phải đối mặt về giáo trình phải viết đi viết lại từ năm này sang năm khác; Rồi nói nhiều về điều kiện học tập của trò hay thu nhập của thầy cô…. Những nguyên nhân như thế thì đương nhiên có cả, nhưng cứ loanh quanh với những nguyên nhân kiểu đó thì chắc chắn chưa thỏa đáng và cũng không có lối thoát nào khả dĩ để đưa nền giáo dục nước nhà không nói là “sánh vai” mà chỉ mong đi theo được nền giáo dục của các “cường quốc năm châu” đã là khó lắm!

Ngày xưa, tức là thời phong kiến lạc hậu ấy, ông thầy đồ dạy ở làng xóm nào đó, thậm chí không có trường mà ngồi nhà dân, cứ dạy mãi đến khi thầy này “hết chữ” thì đi học thầy khác. Học cho đến lúc đủ trình độ để đi thi, kể từ thi Hương rồi học thêm để thi Hội, thi Đình. Giáo trình thì dù vẫn là các ông đồ Việt cổ nhưng biên soạn đâu bên xứ Bách Việt từ thời thượng cổ, thái cổ.

Tôi thấy ông nội tôi chỉ có cuốn Tam tự kinh, Ngũ tự kinh và vài cuốn gì đó về Đông y. Khi chúng tôi đem ra phết diều, người lớn bảo mới biết chứ không có “giáo trình” gì nhiều. Các ông thầy nổi tiếng thì cũng loanh quanh Tứ Thư, Ngũ Kinh mà trò lớn phải tự tìm tòi, tự học là chính chứ mấy ai đã được vào những trường danh giá như Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Quốc học Huế. Cũng mấy ai đã có cơ hội để được học với những ông thầy lừng danh như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến…

Ấy thế mà những tài năng xuất chúng, những nhân cách cao quý và chữ nghĩa đầy mình thì thời nào cũng có. Các bậc tiên hiền, đại phu hay tầm cỡ thánh nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp…. đều học hành kiểu như thế cả.

Xin hãy dạo qua vài lớp học, mà gọi là trường cũng được vì không có thứ gì hơn thế ở phố nghèo hay vùng thôn quê.

+ Khi Cao Bá Quát (1809-1872) khoảng 16 tuổi, một hôm đi từ Phú Thị sang Thăng Long chơi, lúc đi qua một ngôi nhà nhỏ, Quát nghe tiếng thầy đồ giảng văn liền ghé vào xem. Có một ông thầy ngồi trên cái chõng tre xiêu vẹo còn khoảng chục học trò nhỏ ngồi bệt xuống mấy chiếc chiếu trải dưới đất. Thầy đồ ấy là Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), lúc đó đã 26 tuổi, mới đỗ cử nhân (Á Nguyên trong cuộc thi Hương) nhưng không theo con đường làm quan mà ở nhà tu luyện chữ nghĩa và dạy trẻ.

Thấy Quát đứng nghe một cách chăm chú, thầy Siêu liền hỏi: Anh kia đi đâu mà cứ thơ thẩn ở đây vậy? Quát thưa, con là học trò, thấy thầy giảng hay nên đứng lại nghe ạ.

Thầy Siêu liền cao hứng nói, nếu là học trò thì anh đối thử vế đối này nhé. Thầy liền đọc cho Quát nghe vế đối: “Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két”.

Một vế đối rất khó, một nửa là chữ Nho, một nửa lại là Nôm. Lại như vịnh cảnh nghèo của cái gọi là trường lớp của thầy. Vậy mà Quát đọc ngay được vế đối: “Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ”.

Thầy Siêu biết mình đang đối thoại với một nhân tài, liền đứng dậy, sửa khăn áo chỉnh tề và mời Quát vào hỏi chuyện mới biết đó là Cao Bá Quát, một trò nhỏ nổi tiếng ở đất Kinh Bắc (thuở đó Phú Thị thuộc Bắc Ninh) và cũng từ đó hai người thường đi lại, giao du gắn bó với nhau như là đôi bạn vong niên với tài năng thơ phú được các bậc Nho học đương thời khen tặng là “Thần Siêu, Thánh Quát”.

+ Chuyện kể rằng một hôm, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đang giảng bài nơi nhà học vùng quê nghèo thì có một tiểu tử tự đi một mình đến xin gặp cụ. Người nhà ra tiếp, thấy người này còn là một đứa trẻ khoảng 12, 13 tuổi, lại xưng là một “khóa sinh” xin gặp, cụ Tam Nguyên thì thấy lạ, liền vào thưa với cụ.

Cụ Nguyễn Khuyến cũng lấy làm lạ, viết ra giấy mấy chữ, bảo người nhà mang ra và nói rằng, nếu là khóa sinh thì bảo cậu ta đối vế đối này, nếu đối được ta sẽ tiếp. Vế đối cụ Nguyễn Khuyến ra cho khách như sau:

Quả ngôn viết khóa nhất nhân khấu mệnh vi thùy?

Nghĩa câu này chỉ là một câu hỏi, “tự xưng là anh khóa, một mình đến xin gặp, ai thế?” Nhưng vế đối này không đơn giản như thế mà là một vế đối “Chiết tự” (折 字), tách một chữ thành nhiều chữ, mà các bộ chữ ấy đều mang nghĩa độc lập, rất khó đối để thử tài khách tự xưng là khóa sinh: Chữ Ngôn(言) ghép với chứ Quả (果) thì thành ra chữ Khóa, viết khóa (曰 課), gọi là Khóa. Khóa ở đây mang nghĩa là khóa sinh, học trò, chỉ người đến xin gặp. Chữ Nhất (一), Nhân (人), Khấu (叩) ghép với nhau thành ra chữ Mệnh (命). Mệnh trong câu này mang nghĩa như đề nghị (gặp). Vi thùy (爲 誰), là ai vậy?

Với trình độ của một ông đồ cấp làng bản như tôi, gặp phải vế đối như thế này của cao nhân nào đó, chỉ gỡ nó ra để hiểu hết ý cũng đã mất bao nhiêu thời gian chứ nói gì đến chuyện nghĩ ra vế đối. Nói như Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi, ra vế đối thì dễ, đối lại mới là khó (Xuất đối dị, đối đối nan…).

Về luật đối mà nói, tuy ở đây cụ Tam Nguyên đặt ra câu hỏi trước, nhưng cụ cũng cài luôn ý tứ ngầm. Đây không phải vế “xuất đối” vì từ cuối câu lại là thanh “bằng” như là một vế đối lại rồi, vì thế khách vừa khó để giải cả chữ lẫn ý vừa phải hoàn thành một vế xuất đối mới chỉn chu (âm cuối phải là thanh “sắc”).

Vậy mà cậu học trò trẻ này đã viết ngay vào giấy vế đối như thế này: Nhập mỗ ngôn công thiên lý hành xung thị ngã (Người xin nói chuyện với cụ đến từ ngàn dặm, là tôi).

Đây cũng là một vế đối chiết tự rất chuẩn cả về luật đối và ý tứ. Chữ Nhập (入) là đến, vào. Chữ Mỗ (厶) cũng gọi là Khư, từ cổ mang nghĩa như chữ Tư (私) là riêng tư. Nhưng chữ Nhập ghép với chữ Mỗ thành chữ Công (公). Chữ Công ở đây là ông, là cụ. Chữ Ngôn (言) nói chuyện. Chữ Thiên (千), Lý (里), Hành (行) ghép lại thành chữ Xung (衝) là đến ngay trước mặt, đến ngay nhà cụ rồi. Thị Ngã (是 我) là tôi.

Nhận lại vế đối từ người nhà, cụ Nguyễn Khuyến biết người khách này dù nhỏ tuổi thế nào nhưng đã là một thiên tài về chữ nghĩa. Cụ liền khăn áo chỉnh tề ra tận cổng đón khách. Khi đó cụ mới biết là mình đã gặp một thiếu sinh tên là Kỳ Đồng, một thần đồng, đã lừng danh về học vấn, quê ở huyện Duyên Hà (nay là Hưng Hà), Thái Bình.

(Theo tài liệu khảo cứu của ông Lê Hoàng Việt, Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm. Lên 6 tuổi đã đọc thông viết thạo, nổi tiếng thông minh nên mọi người gọi là “Kỳ Đồng”, tức đứa trẻ kỳ lạ. Năm 13 tuổi, 1887, Kỳ Đồng bị người Pháp bắt đem sang Angieria để đào tạo riêng, nhưng càng lớn lên Kỳ Đồng càng có tư tưởng chống Pháp quyết liệt nên bị Pháp đày đến đảo Ponilesi và mất tại đảo này năm 1929).

Dù là bậc túc Nho đỗ đạt cao, dù tuổi tác chênh lệch nhau rất lớn, nhưng cụ Nguyễn Khuyến đã hết mực trân trọng tài năng, đối đãi rất lịch lãm với người khách nhỏ tuổi như Kỳ Đồng đến vậy. Như thế mới biết người xưa, tầng lớp chân tài thực học trọng con chữ lắm chứ không nói trọng nhân tài chung chung, khuôn sáo như một số vị lãnh đạo thời nay.

Ngay ở vùng đất học Nghệ Tĩnh, cũng là vùng đất rất nghèo xưa và nay mà thủa xưa thì nghèo khổ lắm. Không kể đến những trường hợp đặc biệt như thầy Nguyễn Thức Tự mà học trò rất nhiều người nổi tiếng như Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu… vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn thầy giáo làng nổi tiếng qua các triều đại.

Nếu không có họ mà chỉ dựa vào mấy trường quốc học, hoặc chờ đợi để có đầy đủ điều kiện trường lớp và lương bổng cao của đội ngũ các thầy đồ thì lấy đâu ra “Nguyên khí quốc gia” cường thịnh để góp phần vào việc “gìn giữ Âu vàng” qua hàng ngàn năm như thế?

***

Nâng lương cho giáo viên ở mức đủ sống để toàn tâm dạy học là cần thiết nhưng tôi không thật tin đội ngũ giáo viên các cấp học được điều chỉnh thang bảng lương cao là sẽ có bước chuyển biến mới của nền giáo dục nước nhà. Cũng giống như lập luận vì “lương không đủ ăn nên đội ngũ công chức viên chức tiêu cực tham nhũng”. Liệu đây có phải là nguyên nhân gốc rễ hay không?

Chắc chắn không, kể cả bọn tham nhũng lớn và hằng hà sa số đám tham nhũng vặt, thì không một ai tham nhũng chỉ để tái sản xuất giản đơn sức lao động (để “đủ ăn”) mà bọn họ trộm cắp, vơ vét để làm giàu, để tậu nhà to, xe sang và đủ loại các tiện nghi, thiết bị đắt tiền, để ăn chơi sành điệu và cho con cái du học khắp các nước Âu Mỹ. Tại sao tuổi trẻ thời nay cứ xoay xở để vào đảng, vào các cơ quan nhà nước hay cơ quan đảng và các đoàn thể? Nếu không đủ ăn thì họ tốn rất nhiều tiền để “mua một suất” vào những cơ quan ấy để làm gì?

Một trong những người học trò của thầy Nguyễn Thức Tự là cụ Phan Bội Châu, lúc còn ở Nhật được tin thầy qua đời, đã làm một bài văn tế gửi về nước trong đó có câu đánh giá thầy mình là người: “Đạo thông Thiên Địa. Học bác cổ kim. Kinh sư dĩ đắc. Nhân sư nam tầm” (Đạo học thông hiểu cả trời đất. Học vấn rộng khắp cổ kim. Thầy dạy chữ thì dễ gặp. [Nhưng] dạy đạo làm người như thầy thật khó tìm).

Đạo làm người mà cụ Phan nói đến ở đây chắc chắn không phải “Tam cương”, “Ngũ thường”, “Tam tòng, Tứ đức”, càng không phải “vừa hồng vừa chuyên” như kiểu Mao hay chủ nghĩa Mác-Lê Nin nào cả… mà là một tấm lòng thương dân hết mực, yêu nước nồng nàn, một nhân cách sống vì nghĩa lớn mà cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh và các thế hệ tiền bối đã nêu gương sáng trong lịch sử nước nhà.

Ngay trong chính thể mới, một thời gian rất dài qua hai cuộc chiến tranh, đội ngũ công chức viên chức, kể cả giáo viên đều có tiền lương thấp, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí còn đứng lớp, còn làm việc dưới mưa bom bão đạn nhưng vì sao không có tình trạng hư hỏng như vài chục năm nay?

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đánh mất, đã không biết trân quý, giữ gìn mà để hư hỏng một cái gì đó thiêng liêng hơn nhiều so với tiền bạc và quyền lực, làm cho tuyệt đại bộ phận các thế hệ trong xã hội ngày nay chạy theo danh lợi, thật sự sùng bái cuộc sống vật chất. Chính điều này đã làm băng hoại trầm trọng đạo đức và truyền thống văn hóa của người Việt từ từng gia đình đến toàn xã hội.

Đây mới là điều cực kỳ nguy hiểm mà để sửa chữa, uốn nắn lại theo quỹ đạo văn minh, lành mạnh là việc không hề dễ dàng. Việc dạy các thế hệ trẻ làm người là một thiên chức cao cả của đội ngũ các thấy cô giáo, nhưng trọng trách ấy đâu chỉ thuộc về các thầy cô giáo.

Ngày nay, quan hệ thầy trò liệu còn được mấy phần thuở các thầy Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thức Tự…? Vì điều kiện vật chất thiếu thốn hay còn vì cái gì mà nên nỗi?

Lác đác ở chỗ này chỗ kia, ngay cả ở Thủ đô, tôi thấy có trường còn lấy câu trong “sách thánh hiền” xưa làm câu khẩu hiệu đặt trang trọng ngay mặt tiền: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chưa bàn tới chuyện Lễ và Văn có phải là hai phạm trù tách bạch đến mức ấy hay không, rồi xã hội chúng ta đang cần “Lễ” hay cần một cái gì rộng lớn hơn, cao hơn, văn minh hơn?

Có thật ngày nay không theo phương châm xưa cũ ấy mà hóa ra hư hỏng thì tôi không dám bàn mà xin nhường lời cho các thầy cô có nhiều tâm huyết với nghề.

Hà Nội, những ngày cuối tháng 12 năm 2020

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Gắn tên Hồ Chí Minh vào sau các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là sự xúc phạm tới hai cụ Phan vậy.
    Cái tâm của hai cụ khác cái tâm của kẻ khấu đầu lòn cúi trước Stalin, Mao Trạch Đông dâng hiến giang sơn cho chủ nghĩa cộng sản.
    Không biết tác giả cố tình hay vô ý ?

  2. VN chịu ảnh hưởng Khổng Nho hơn ngàn năm ( cho đến khi chữ Quốc ngữ ra đời, vẫn còn quán tính âm hưởng “Háng” học ,chưa phải đã thoát hẳn) , nhưng cái số nhân tài mà tác giả nêu ra và ca ngợi , chỉ lác đác đôi ba người nổi danh” đặc biệt” trong lịch sử . Cứ quơ cả vào để tròn số khoảng 100 nhân vật hàng “Nho thánh”, chia đều 1500 năm, thì trung bình mỗi 15 năm có một cụ “Nho khủng” – Công suất” nhân tài” rùa bò ấy thì dẫn đến đất nước rùa bò thôi !

    Các nước theo văn minh phương Tây ( “duy Lý” ngày trước và “duy Thực” ngày nay) không có loại “cổ tích Khổng Nho” như một “ký ức đẹp” của bài này. Họ rất hiếm những “kỳ tích mẹo vặt” nổi tiếng, quẩn quanh các “con chữ tượng hình” thời hồng hoang , cũng chẳng một ai biết quái gì “Tứ thư” ,”Ngũ kinh” với “Khổng viết”…, những thứ “án lệnh vô hình “ như “Tam tòng” ,“Tứ Đức”, “tam Cương , ngũ Thường” …( chỉ nhắc đến mà đã rùng mình đến mấy lượt) .

    Vậy mà họ làm thế nào không biết, Giáo dục của họ lại có “công suất” sinh sản nhân tài gấp hàng ngàn lần, so với tính cả VN lẫn “ông thầy Trung hoa” của nó ? Mà nhân tài của họ là trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ mỗi “lĩnh vực làm quan” ! Chính cách họ “làm Giáo dục” là nguyên nhân gốc đã khiến xã hội họ đột biến về văn minh, gần như một cuộc “đại chúng hóa tri thức” vĩ đại. Rồi từ đó mà ý nghĩa hai chữ “nhân tài” lại tiếp tục đứng trên một cái nền mới , có một “ cao độ” mới …Sản phẩm họ làm ra là những gì khiến cuộc sống đầy đủ dễ dàng hơn, no ấm hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng cao thượng hơn…Sản phẩm Giáo dục của họ không phải chỉ làm ra một vài “ông quan tốt”. ( Chưa nói phụ phẩm và phế phẩm vô cùng nhiều ,cả một bầy Nho sĩ vô dụng cao đạo có cái đống “kiến thức chiết tự” ngắc nghéo , ngày ngày tự hào vặt vãnh quanh chuyện chữ nghĩa, đánh đố nhau một cách vô dụng. Lại còn lấy thứ ấy làm “chuẩn mực tri thức”, bọn ngu Nho cũng tha hồ thi nhau ra vẻ cao đạo, hể hả”áo thụng vái nhau” trong cái ao làng bé bé…không ai thèm biết tới . )

    Cách giáo dục theo văn minh phương Tây ấy khiến họ cứ thế mà tiến mãi…Tuy vậy, nhìn vào họ, xin chớ nói rằng họ không biết “Tôn sư Trọng đạo”, cũng đừng nói “Nhân phẩm” họ thấp hèn, cũng chớ vội bảo họ không biết gì Lễ hay Nghĩa…Nhân cách của họ, nhất là quan chức của họ, cũng cao thượng không kém gì các “thánh Nho” hiếm hoi nổi danh được ca tụng ở VN . Mà cũng không cần so với các nước ấy, chỉ so nền giáo dục thời cố TT Ngô đình Diệm là đủ, thầy cũng nghèo khó đạp xe cọc cạch đi dạy, trò củng đi bộ trong bộ đồng phục nghèo nàn , ai nấy sạch sẽ trong trắng trong cảnh nghèo của mình dấn thân vào Day và Học. …Vậy mà, trong một thời gian ngắn, người ta đã đào tạo nên một lượng “nhân tài thực học” phong phú , nhân phẩm cao , tri kiến thức mang tầm vóc quốc tế trong nhiều lĩnh vực , khiến thế giới phải thực sự ngã mũ nón nể trọng…

    Do đó, nói tới nói lui, cái đại vấn nạn hiện nay không hẳn nằm ở những ưu khuyết khi nhìn lại “ ký ức giáo dục Khổng Nho”, cũng chẳng phải là do nghèo túng hay việc khó tiếp cận các nguồn tri thức ….vv. Vậy thì đâu là nguyên nhân gốc của cái thứ Giáo dục “nát bét, banh càng, banh ta lông” của hôm nay ở VN XHCN ? Học để làm quan nhưng sao sau rốt lại chỉ tạo ra toàn bầy “cán bộ” ăn cắp vô học bất thuật ?
    Muốn giải quyết vấn đề mà không biết ( hoặc không dám biết) vấn đề thực sự nằm ở đâu thì làm sao giải quyết ? Chuyện này, vô số nhân sĩ trên trang đã nói trong vô số bài rồi….nói nữa thêm thừa !
    Chính cái Phong kiến cổ hủ của não trạng dân Việt là một đại nạn gốc rễ . Cứ tự vỗ ngực cao ngạo mà đóng cửa bịt mắt, không cần biết thế giới bên ngoài tiến lên như vũ bão…( Bế quan tỏa cảng trong Kinh tế & Giao thương do đám Ngu Nho ngày xưa chủ trương, cũng không khác gì cái thứ “ bế quan tỏa cảng trong Chính trị ngày nay do đám “Ngu Sản” chủ trương . Bộ óc đặc sệt lạc hậu cố chấp đầy tàn dư Tống Nho , khiến mỗi thời Ngu mỗi kiểu ….)
    ————-

    Nói chuyện nhỏ hơn đi, so với Hán ngữ, nếu mỗi người phải mất gần 50 năm để ôm cho hết 40,000 chữ… phi mẫu tự,trộng chung tượng âm tượng ý …thì , Ôi ! Tôi yêu cái thứ tiếng Quốc ngữ hiện nay biết bao . Đó là thứ mà dân tôi đang dùng …để viết còm và đả kích bọn Việt cộng’bố láo’. Dù tiếng Việt còn quá trẻ trung, gốc cội chưa thật phong phú và đầy đủ, đặc biệt lĩnh vực KH-KT còn phải vay mượn và thiếu thốn rất nhiều…, tuy vậy, nó là một thành quả vĩ đại nhất trong công cuộc ‘thoát Hán’, mở đường cho độc lập tư tưởng, gìn giữ bản sắt dân tộc Việt …( cứ thử nghĩ nếu không có chữ Quốc ngữ và đối diện với sự thâm hiểm của chiến lược ‘tầm ăn dâu’ ngày nay ?! Và nếu, vô phước, có ai đó thấy cái “ký ức Hán học” này hay hay mà “lệnh” cho toàn dân quay về với Hán ngư làm Hán dân hạng hai thêm ngàn năm nữa thì…bỏ mịa . Thật đáng rùng mình …! )

    Ừ thì …cùng tản mạn, cũng chẳng có gì lớn chuyện.. !

  3. @howard. nguyen_/ trang nhà Tiếng Dân “sạch sẽ” hơn trước rất nhiều (nếu như làm vệ sinh triệt để cỏ dại DLV 3 xu).
    Nên động não mà nhận thức đi, tại sao những còm như h.n., TD người ta cứ xuất bản khách quan vô tư, vào trang góc nhìn vnexpres thử coi, bài viết từng cái góc tối tăm của đảng nhà nước này cứ như là bị dân chúng xới tung lên, các còm tung hô thì loạn xạ, nhưng những còm đụng vào dái khỉ đảng thì không bao giờ được hiện.
    Ông Đặng hùng Võ cứ mỗi lần đăng bài “góc nhìn” là nhắc lại cái trò CCRĐ bẩn thỉu dã man của chủ tịch Bacho.
    Anh Nguyễn Hùng và cô Julia Thành khách quan, cho thấy nỗi nhục của bầy đàn csvn bất lực để cho dân tha phương cầu thực, cho thấy nghịch cảnh hầu hết vụ 39 thùng nhân đều là đồng hương xứ Nghệ của chủ tịch Bacho. Chúng gắn huân chương cho công an giết thuê nhưng không tưởng niệm 39 người xấu số.
    Tóm lại vô học vẫn là vô học hỡi các bạn đánh thuê AK47.

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây