Vì sao những nước giàu tài nguyên lại hay có chế độ độc tài?

Dương Quốc Chính

28-12-2020

Chúng ta thấy các nước dầu mỏ phần nhiều vẫn là quân chủ chuyên chế hoặc độc tài hay dân chủ giả cầy, mà những nước nhiều dầu mỏ nhất thì Mỹ cũng khó cà khịa, diễn biến, để dân chủ hóa. Một số nước giàu tài nguyên khác lại mắc căn bệnh Hà Lan, lại sống trong nghèo khổ. Tại sao vậy?

Những nước quá lệ thuộc vào tài nguyên thì hầu hết các mỏ đều là của nhà nước. Vì thế nên nhà nước độc quyền khai thác và phân phối lại thu nhập từ tài nguyên. Điều đó dẫn đến nước đó có một nền kinh tế gần như bao cấp, kinh tế kế hoạch, vì nhà nước nắm toàn bộ nguồn lực kinh tế và có quyền ban phát quyền lợi cho các phe nhóm, ngành kinh tế khác. Khi có quyền lực về kinh tế như vậy thì lãnh tụ sẽ biến thành độc tài dễ dàng và khối tư nhân sẽ rất yếu thế so với nhà nước, không thể tạo được sức ép với chính quyền do không có ưu thế về kinh tế. Kẻ nào nắm được kinh tế, kẻ đó sẽ có quyền lực chính trị.

Ngoài ra, khi có quá nhiều tài nguyên và sự phân phối lại thu nhập tương đối công bằng, tầng lớp bình dân vẫn có thu nhập tương đối cao (khi giai cấp thống trị đã quá giàu) thì chả ai có nhu cầu phản kháng với nhà cầm quyền cho dù mất tự do ngôn luận, không có nhân quyền. Thường người ta đói quá mới có động cơ làm cách mạng. Chính vì vậy mà Mỹ cũng chả thể nào kích động được để Arab Saudi, hay Brunei, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất… từ bỏ chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta dân chủ hóa, tự do kinh tế là để phát triển kinh tế. Đây họ lại đang quá giàu một cách dễ dàng, thì thiếu động cơ để đòi tự do, dân chủ.

Nước Nga hay Venezuela có kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt, thì nếu chế độ độc tài (Dân chủ giả cầy) này sập thì sẽ có chế độ độc tài khác thay thế, trừ khi tư nhân hóa các mỏ (điều ấy khó xảy ra) hoặc khi họ cạn kiệt tài nguyên.

Ngược lại, một số nước có ít tài nguyên như Nhật, Hàn quốc, Israel… họ buộc phải tìm cách phát triển mà không cần nhiều tài nguyên, đó là tự do kinh tế và dân chủ hóa. Đó là con đường phát triển kinh tế duy nhất của các nước nghèo tài nguyên. Khi có tự do kinh tế và dân chủ hóa thì khối tư nhân rất phát triển, bộ máy nhà nước bị thu gọn, vai trò của nhà nước sẽ hạn chế so với tư nhân. Vì vậy mà tự do, dân chủ cũng trở nên bền vững. Lúc đó dân chủ để giàu và càng giàu càng dân chủ. Ở các nước đó sự giàu có là từ dưới lên, dân giàu đóng nhiều thuế thì nước mạnh. Dân nuôi nhà nước, thì nhà nước phải phục vụ nhân dân, quan phải là đầy tớ của dân. Còn ở các nước giàu nhờ tài nguyên thì sự giàu có từ trên xuống, nước giàu (nhờ tài nguyên) rồi mới phân bổ sự giàu có cho người dân. Vì thế mà dân ơn chế độ, ơn lãnh tụ, độc tài từ đó mà ra.

VNCH ngày xưa tuy có thể chế dân chủ trên lý thuyết (Hiến pháp dân chủ) nhưng thực tế vẫn còn độc tài tương đối nhiều. Ngoài lý do chiến tranh cần tập trung nguồn lực ra thì lý do cơ bản nữa là do viện trợ quá nhiều. Viện trợ nhiều cũng giống như nhiều dầu mỏ. Chính quyền được chi tiêu quá nhiều tiền chùa thì sẽ sinh ra kinh tế bao cấp, kế hoạch (nặng hay nhẹ) và tham nhũng. Đó là lực cản để VNCH phát triển bền vững để chiến thắng. Hàn quốc có ít viện trợ hơn nhiều, lại nghèo tài nguyên hơn, nên họ có thể phát triển tốt hơn (tất nhiên còn một số lý do khác đã và sẽ viết ở stt khác).

VN bây giờ thiếu may mắn là có tương đối nhiều tài nguyên, lượng tài nguyên đủ để ngân sách không chết đói, vì thế động lực để canh tân đất nước không đủ mạnh. Nhưng tài nguyên cũng không đủ nhiều để giàu có, vì thế mà nền kinh tế cứ dặt dẹo nghèo bền vững mà không chết hẳn. Rất may là gần đây giá dầu giảm, các tài nguyên khác cũng gần như cạn kiệt, rừng cũng chả còn, lại cộng thêm có đồng chí X và các anh em vay và phá ác liệt, dẫn đất nước vào thế sắp tiến lên CNXH (xuống hố cả nút). Đấy là động cơ lớn nhất để buộc phải tư nhân hóa và tự do hóa nền kinh tế. Điển hình là vụ bán Sabeco vừa rồi. Tốt nhất là bán được càng nhiều càng tốt các doanh nghiệp nhà nước. Vay được nhiều tiền và dễ vay quá khi còn nghèo, cũng như có nhiều viện trợ, sẽ không có động cơ thay đổi.

Bộ máy nhà nước càng nhỏ thì tư nhân càng to và càng dễ dân chủ hóa (Phản động càng nhiều). Bao giờ bán luôn được PVN, EVN, Viettel… (ít ra là tư nhân hóa) thì VN mới có thể có dân chủ được. E rằng người ta chỉ tư nhân hóa nửa vời, vừa đủ để không làm sụp đổ nền kinh tế và cũng không làm sụp đổ chế độ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lối lý luận phân tích xếp loại của tác giả hơi ngộ nghĩnh. Kiểu quy nạp máy móc những gì thấy được, nhìn thực tế trước mắt, rồi tổng kết đẻ ra quy luật, lý thuyết…
    …vũ đoán, phiến diện.
    Hơi giống kiểu lý luận: những con vật nào sống dưới nước thì gọi là loài máu lạnh, rồi kẹt ngay với con gọi là “cá” voi. “Cá” voi thuộc loài máu nóng; nhà khoa học không gọi nó là fish, mà là animal, có vú, đẻ con không đẻ trứng, dù nó không thể rời biển một giờ khắc nào.
    Định nghĩa cũng kẹt cả với hà mã, vì con nầy tuy sống 2/3 cuộc đời lặn dưới đáy sông, nhưng lại thuộc máu nóng, ăn cỏ, không ăn cá, và không biết bơi.

    Hai con lợn “lãnh tụ” trong Trại Gia Súc của George Orwell đã bị “quần chúng” bắt bẻ khi đưa ra luật “4 chân/2 chân” để phân chia giai cấp, và đuối lý phải chỉnh sửa luật lệ…
    …chứng tỏ không phải dễ khái quát sự đời để đặt ra quy luật nầy nọ hòng gói gọn chân lý được đâu.
    Chuyện đó nên để cho bậc thông thái!

    ***
    Theo tác giả,
    Các nước Trung Đông đều có chế độ chính trị độc tài vì họ có quá nhiều mỏ dầu (?)

    Dầu mỏ Trung Đông chỉ mới được khám phá bởi vài cường quốc thực dân Phương Tây từ đầu thế kỷ 20.
    Cuối thế kỷ 19 Thực dân Pháp sáp nhập Algérie (năm 1830) và Tunisia (1878) vào hệ thống thuộc địa của nó, và mở rộng ảnh hưởng tới tận Liban và Syria.
    Năm 1912 Ý chiếm Libya và quần đảo Dodecanese. Còn Đế quốc Anh thì chiếm Ai Cập năm 1882, thiết lập sự kiểm soát trên Vịnh Ba Tư.
    Đế chế Ottoman quay sang cầu cứu Đế chế Đức xin bảo vệ họ khỏi các cường quốc phương Tây, nhưng chỉ là tìm đến miệng hùm, và bị Đức khống chế cả tài chính và quân sự.

    …trong khi đó, lịch sử các quốc gia Trung Đông tính từ thuở “hồng hoang”, thời kỳ Trung Đông Ả rập, xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, với tư cách là những vương quốc, đế chế…dưới sự cai trị của hoàng đế, tiểu vương…thì sao không độc tài được, dù chẳng hề biết dầu mỏ là gì. Nếu dầu mỏ từng đã có mặt thời kỳ nầy thì cũng chỉ dạng thô dùng thắp đèn đuốc, tất nhiên chưa có kỹ nghệ lọc dầu; thế giới bấy giờ cũng chưa có động cơ nổ, còn di chuyển bằng ngựa, buồm, mái chèo…
    Dầu thô chưa tham gia vào nền kinh tế để làm họ giàu có lên rồi sinh độc tài, như tác giả lý luận.
    “Trung Đông lạnh lùng với dầu mỏ” cứ mãi như thế cho đến đầu thế kỷ 20, là thời kỳ thực dân chiếm đóng, họ lại bị cai trị bởi độc tài phương Tây.
    Và sau khi được thực dân trả lại độc lập, dân TĐ lại bị độc tài tiếp bởi vua chúa!

    Quy luật “dầu mỏ>độc tài” của tác giả không có cơ sở.

    Quà dầu mỏ tạo hoá ban cho Trung Đông có thể là nguyên nhân của trì trệ xã hội vì con người ở đây ỷ lại tài nguyên phong phú, thiếu sức phấn đấu để xã hội tiến bộ…thì có thể hiểu được.
    Nhưng trong các chế độ mà kẻ cầm quyền toàn trị bằng cả bạo lực quân đội lẫn tôn giáo, học thuyết… thì người dân chỉ là đám nô lệ, còn làm được gì để đòi dân chủ, dù có đầy tài nguyên!
    Các lực lượng dân chủ Anh, Pháp, Đức, Mỹ…trong quá khứ nếu từng đến những vùng trù phú tài nguyên thiên nhiên nầy…thì cũng chẳng hề nhắm mục đích chuyển hoá dân Ả rập sang dân chủ văn minh gì. Ngược lại, họ chỉ thích giao dịch với đám vua chúa, lãnh tụ độc tài để trục lợi, hơn là ủng hộ các phong trào cải cách vì tiến bộ xã hội, nếu có.

    “…một số nước có ít tài nguyên như Nhật, Hàn quốc, Israel… họ buộc phải tìm cách phát triển mà không cần nhiều tài nguyên, đó là tự do kinh tế và dân chủ hóa.”

    *Có lẽ tác giả nên thay Hàn quốc bằng Singapore thì “luật” của tg tròn hơn chút.
    Nhắc đến Hàn quốc không thể quên một nửa của nó ở phía Bắc.
    Đất nước Đại Hàn, hay Triều tiên, đang diễn ra hiện tượng tương phản cực đoan. Một bán đảo khá nhỏ đồng nghĩa với tính thuần nhất về cấu trúc địa lý và khí chất con người trên đó. Nhưng chỉ cần một vĩ tuyến chia cắt sau vài thập kỷ, đã xảy ra 2 hiện tượng kinh tế, lối sống, tâm thức…của người dân đồng chủng tộc đối nghịch nhau 180 độ;

    thì không phải vì lý do tài nguyên thiên nhiên.

    Nói thẳng ngắn gọn, lý do là bởi chế độ chính trị xã hội trên 2 phần lãnh thổ bị chia cắt quá khác nhau đã quyết định bản chất đối nghịch giàu-nghèo, văn minh-lạc hậu, nhân văn-hận thù, lương tri-cuồng tín…

    Không có chỗ đứng cho luận cứ tài nguyên thiên nhiên ở đây. Mỹ cũng đã viện trợ hậu chiến rất nhiều cho Hàn quốc, và HQ cũng hưởng lợi khổng lồ trong chiến tranh VN. Nhưng nó không hư đốn, cũng không đứng im để hưởng thụ những thuận lợi lớn do Mỹ đem lại.

    Và hiện tượng tương phản nầy là thí dụ điển hình cho nhiều thực trạng khác tương tự, mà chế độ chính trị xã hội là lời giải thích cho hiện tượng tương phản đó, chứ không phải tài nguyên thiên nhiên:
    Đông-Tây Đức trước tháng 10/1990,
    Bắc-Nam VN trước 4/1975.
    Và Trunghoa cộng sản-Trung hoa Dân quốc Đài Loan trước thời Nixon-Kissinger đến gặp Mao, và ngay cả bây giờ, sự đối lập giữa nhân văn-áp bức hận thù… vẫn có thể ngửi thấy được khi du khách đến trải nghiệm thực tế ở 2 vùng đất nầy.

    “VNCH ngày xưa tuy có thể chế dân chủ trên lý thuyết (Hiến pháp dân chủ) nhưng thực tế vẫn còn độc tài tương đối nhiều. Ngoài lý do chiến tranh cần tập trung nguồn lực ra thì lý do cơ bản nữa là do viện trợ quá nhiều…”

    *Xin lỗi tác giả, nếu chỉ nói thế qua sách vở xhcn học hỏi được, mà chưa hề ăn một bát cơm của VNCH trong giai đoạn 1956-1963 của nền Đệ nhất Cộng hoà, thì là hơi ấu trĩ!

    Trong giai đoạn đầu nói trên của miền Nam sau HĐ Geneva, viện trợ Mỹ là chẳng bao, vì cố vấn Mỹ trong phái bộ MAAG (Military Assistance &Advisory Group) chỉ được nâng từ 327 người lên 685 khi hoạt động du kích VC bắt đầu báo động vào năm 1961.
    5 năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng hoà hầu như tự lập với những kế hoạch xây dựng rầm rộ của chính quyền, với viện trợ Mỹ chỉ 28,4 triệu Mỹ kim “cho quân đội miền Nam” tính bằng vũ khí trang thiết bị viện trợ, không phải đô la rót vào cho kinh tế quốc dân.
    Tính đến 1961, toàn bộ viện trợ vũ khí qui ra đô la Mỹ là chỉ $144 million, một con số mỉa mai nếu gọi là “sống nhờ viện trợ”!
    [ “…the number of official US military advisors in the country was increased from 327 to 685 at the request of the South Vietnamese government… Newly elected President John F. Kennedy agreed with MAAG Vietnam’s calls for increases in ARVN troop levels and the U.S. military commitment in both equipment and men. In response, Kennedy provided $28.4 million in funding for ARVN, and overall military aid increased from $50 million per year to $144 million in 1961…” (en.m.wikipedia)]

    Kinh phí chiến tranh chỉ ồ ạt khi quân Mỹ lên đến hơn nửa triệu lính cùng trang thiết bị, hoả lực, hậu cần…sau khi nền Đệ nhất CH bị lật đổ tháng 11/1963.

    Thế nhưng, những ai sống tại miền Nam thời đó, kể cả người đang viết những dòng nầy, đã trải qua những ngày hạnh phúc nhất đời của một thằng bé nạn nhân hồi cư từ cuộc di cư theo lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến, được cho cuộc sống mới, ưu đãi, không kỳ thị dù có 2 anh tập kết ra bắc, một anh bị tử vong trong nhà tù chế độ vì kháng chiến. Vẫn lớn lên trong hạnh phúc học tập, kinh tế dễ chịu, tình người chan hoà, xã hội lành mạnh…mãi cho đến 1965, và rồi có tiếng rockets bay từ đâu đâu rít trên đầu nổ ngay thành phố, và 1975.

    Vậy đừng nên vu vơ như tác giả nói.

    Có những lữ hành hoang tưởng mất gần thế kỷ đi tìm, vẫn còn hoang mang chưa biết thiên đường ở đâu, thì sá gì sự nghiệp chỉ mới khởi dựng đã phải thất bại trong bão táp.

    Cứ hỏi người thợ nề về khả năng anh ta có thể xây được bức tường khi hồ vữa chưa khô đã bị xô đổ. Anh ta thậm chi không thèm trả lời lý do…vì câu hỏi ngu.

    Và về bất cứ gì sụp đổ, kể cả nền cộng hoà chỉ mới lên 5 này.

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây