Hiện Trạng Dân Trí, Quan Trí Và Dân Khí Của Người Việt

Viet-studies

Trần Văn Chánh

27-12-2020

Một ngày nọ, tôi có dịp vào một hiệu sách nhỏ (chủ yếu bán theo phương thức online) ở quận Bình Thạnh (TP. HCM), tình cờ gặp một em sinh viên đang học khoảng năm thứ III khoa Sử. Em tìm mua quyển Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (bản dịch của Ban Tu thư Đại học Huế trước 1975) đã được tái bản vài năm gần đây. Em cho biết nhà đã có bản in cũ (trước 1975), giờ muốn mua thêm bản mới.

Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao chịu tốn tiền vô ích vậy, thay vì dùng bản cũ thậm chí còn tốt hơn (vì là ấn bản quý hiếm), thì được em cho biết, đại khái: Cháu đã có bản cũ nhưng không dám dùng nó để trích dẫn trong các bài viết, vì sợ bị “đánh giá” đã dùng cuốn sách liên quan tới chế độ cũ, trong khi lý lịch gia đình cháu không được tốt (hiểu là cha chú có dính tới ngụy quân ngụy quyền sao đó).

Tôi ngạc nhiên thở dài nói với em đó: “Em là sinh viên thuộc lớp trẻ, đại diện cho tương lai của đất nước, mà nhát vậy sao?”. Rồi thôi, không tiếp tục câu chuyện nữa, sợ em buồn, hoặc nói thêm nữa có lẽ cũng không hiểu hết ý, vì em đã “định kiến” như vậy rồi. Thật tội nghiệp!

Về nhà, tôi hỏi lại một bạn trẻ khác đã từng dạy đại học khoa Sử, rằng câu chuyện về em sinh viên kể trên là cá biệt hay có tính phổ biến, thì người bạn cho biết: Hiện tượng đó là có thật, nhưng cũng có phần nào cá biệt.

Tôi ngẫm nghĩ: Tuy không phổ biến, nhưng có thật, và phần nào cá biệt, như thế cũng đủ rầu lắm rồi. Sinh viên là thành phần trí thức trẻ, mà nhếch nhác như vậy, thì còn trông mong gì! Và dân khí (chí khí của dân) tệ hại, là do đâu?

Em sinh viên kể trên, nhờ thông qua bậc đại học, có thể phát triển tri thức khá, nhưng có tri thức mà chí khí tầm thường nhếch nhác quá thì phỏng có thể đóng góp được gì cho xã hội? Khi ra đời làm việc, em có dám phát biểu chính kiến thật của mình về một vấn đề gì đó không? Hay cũng giống như mấy ông cán bộ CS có chức có quyền?

Giới trẻ Việt Nam càng về sau càng được đi học nhiều (toàn quốc có 53.000 trường học, 24 triệu học sinh, 1,4 triệu giáo viên), nhờ thủ đắc các loại kiến thức khoa học về tự nhiên và xã hội nên dân trí nói chung đã có nhiều tiến bộ. Nhưng dân trí này lại bị đặt trong một nền dân khí èo uột thì lợi ích đối với việc phát triển đất nước sẽ bị kém đi.

Một thực tế đau lòng là giới trẻ ngày nay trở nên thực dụng, ít lý tưởng, ham mê của cải vật chất, bị ảnh hưởng xấu bởi tầng lớp lãnh đạo chính trị các cấp đã thối nát đến cùng cực. Về tư tưởng, họ còn bị ép buộc phải học chủ nghĩa Mác-Lênin và những thứ giáo điều khác thông qua nhà trường và các đoàn thể thanh niên (như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ…) nên đầu óc ngày càng tệ hại.

Lại nói về “quan trí”. Hai chữ này tra trong từ điển tiếng Hán và tiếng Việt đều không có. Đây là một từ mới (có ý nghĩa hơi tếu) đặt ra gần đây để chỉ trình độ tri thức, hay còn gọi cái tầm nhìn, của giới quan lại, tức các cán bộ đảng viên CS giữ chức vụ từ tương đối cao đến rất cao trong bộ máy nhà nước.

Quan trí Việt Nam thật sự rất kém, vì phần lớn cán bộ đảng viên đều chỉ tối ngày bận lo hội họp và báo cáo (Maiacopxki có bài thơ “Những người cộng sản loạn họp”, năm 1920), họ không muốn, không ham hoặc không có thì giờ đọc sách. Nếu có học thêm thì họ chỉ học nghị quyết chứa đầy rẫy các thứ giáo điều cũ kỹ xa rời thực tế cuộc sống, nên thường chỉ học thụ động, vừa học vừa ngáp, để trả nợ quỷ thần.

“Quan khí” (dùng đúng chữ hơn, có thể gọi “quan phong”) lại càng tệ hại hơn, vì phần lớn muốn thăng chức giữ ghế kiếm nhiều tiền đều phải nói khác ý mình, sống kiểu hai mặt, đưa đón nịnh bợ, thậm chí phải hối lộ cấp trên để chạy chức chạy quyền.

Quan trí và quan khí kém sinh ra nạn sử dụng bằng giả (dùng phôi bằng giả, đóng dấu giả) hoặc bằng thật nhưng “học giả” (nhờ người học thuê, lo lót tiền bạc cho thầy, mua bằng …), mà người ta cho rằng có thể chiếm đến 70-80% trong số những cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Sự kiện Đại học Đông Đô bán bằng giả rộn lên trong những ngày gần đây là một thí dụ hết sức hùng hồn. Không ít trường hợp học thật, có bằng thật luôn, nhưng lại được đào tạo từ một vài nước xã hội chủ nghĩa mà kiến thức nếu không giáo điều thì cũng lạc hậu. Cuốn sách có tên “Kinh tế chính trị học Mác-Lênin” chẳng hạn, vốn được giảng dạy trong các trường thuộc bậc đại học (phổ thông hoặc chính trị), phải nói thẳng là không còn xài được trong điều kiện nền kinh tế vận động theo hướng thị trường…

Tôi có ông bạn nhà báo, kể lại, anh ta gặp một ông đã nguyên là Thường trực Ban Bí thư trung ương. Trong lúc hàn huyên, bạn tôi hỏi ông này có theo dõi thông tin trên các mạng xã hội không, thì ông cho biết hằng ngày chỉ đọc báo Nhân Dân và xem tivi thôi.

Tôi nghe vậy kêu trời, luận rằng nếu ông ta nói thật thì có nghĩa ông quá kém, trong thời đại bùng nổ thông tin mà ông kém năng động như vậy thì làm sao đủ kiến thức để điều khiển các cấp dưới và quản lý điều hành xã hội (vốn từng bước thay đổi, diễn biến rất nhanh); còn nếu như ông ta nói dối (có đọc báo mạng mà giấu) thì lại là quá hèn! (cần gì phải nói dối?).

Lúc đó, vừa xảy ra vụ Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chừng vài tuần, công an huy động đại quân tấn công vào cánh đồng Sênh, giết chết cụ Lê Đình Kình làm xôn xao dư luận, hỏi ông có nhận định thế nào không thì ông giơ hai tay lên nói: “Cho tôi xin”. Có nghĩa là ông “mũ ni che tay”, vô cảm và vô trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ theo chủ nghĩa sống chết mặc bây, hay còn gọi là “mặc kệ nó” (mackeno).

Ông là đại thần trong triều, mà quan trí và quan khí của ông như vậy, thử hỏi những kẻ cấp dưới làm việc xung quanh ông lúc ông còn đang cầm quyền là thế nào?

Một lần khác, có dịp trò chuyện với một cô có bằng tiến sĩ, giữ chức Phó giám đốc một nhà xuất bản (hiện đã lên Giám đốc), cô hỏi tôi đạo Cao Đài có khác với đạo Hòa Hảo không. Một anh Tổng biên tập một nhà xuất bản khác, khi người ta đưa tập bản thảo có tên là “Đạo uyển” tới để duyệt xin giấy phép xuất bản, anh ta hỏi một nhân viên cấp dưới “Đạo uyển là đạo gì?”, vì tưởng “Uyển” là tên của một tôn giáo! (như đạo Khoai, đạo Dừa…).

Tôi không có thói quen hoặc lấy làm hứng khởi biếm nhẽ chỗ dốt của người khác, dù người đó là ai, trái lại hết sức thông cảm với họ, vì cho rằng hiện trạng quan trí-quan khí kém cỏi như vài thí dụ kể trên không phải do chính bản thân họ, mà chủ yếu do thể chế chính trị độc tài toàn trị mang tính giáo điều và chính sách ngu dân tạo nên. Nó có gốc tận từ bên Liên Xô (cũ) và nhất là bên Tàu, mà các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam đã có thời kỳ cho du nhập vào để làm phương tiện trị dân theo đường lối tập thể hóa trấn áp dân chủ và quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Như chúng ta đều biết, trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, lời nói của Mao luôn được coi là thiên kinh địa nghĩa. Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, ở Trung Quốc lưu hành rộng rãi một cuốn sách nhỏ loại bỏ túi, gọi là Mao Chủ tịch ngữ lục, mà cán bộ tuyên huấn hoặc các chính trị viên Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh cũng có người dùng làm sách cẩm nang, coi là khuôn vàng thước ngọc phải noi theo.

Để hiểu thế nào là chủ nghĩa giáo điều, tưởng cũng nên nhắc lại một định nghĩa lấy từ trong bộ từ điển triết học cũ của Liên Xô (cũ), được biên soạn đồng thời với thời kỳ Mao Trạch Đông làm cách mạng văn hóa, ở mục GIÁO ĐIỀU, CHỦ NGHĨA GIÁO ĐIỀU: “Giáo điều là một nguyên lý mà người ta tiếp thu một cách mù quáng, bằng sự tín ngưỡng, không có phê phán, không chú ý đến những điều kiện ứng dụng nó. Chủ nghĩa giáo điều là đặc điểm của tất cả những hệ thống lý luận bảo vệ cái lỗi thời, cũ kỹ, phản động và chống lại cái mới, cái tiến bộ…” (Từ điển triết học, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr. 312). Nếu hiểu theo nghĩa này, thì Việt Nam trong suốt nhiều chục năm nay vẫn tiếp tục còn giáo điều lắm lắm, tuy mức độ có phần nhạt bớt do thực tế sinh động của cuộc sống bắt buộc phải thay đổi.

Chí khí hèn kém của dân cộng với chí khí bại hoại của quan, hợp chung lại thành “dân khí” Việt Nam trong hiện tại. Còn dân trí thì là nói gộp chung cho cả dân lẫn quan, nhưng dân trí nói chung khá hơn quan trí nhiều, vì dân học tập thật sự, ít cần sử dụng bằng giả như các cán bộ đảng viên trong tầng lớp lãnh đạo; dân có thể đang bị tiêm nhiễm nhiều thói xấu của giới lãnh đạo nhưng vẫn còn trong chừng mực có thể ngăn chặn lại được nếu sớm cảnh báo và mau chóng sửa đổi ngay đường lối giáo dục.

Muốn thay đổi hiện trạng dân trí và dân khí để xây dựng đất nước hiệu quả hơn, thiết nghĩ, cái công thức “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (Mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, chú trọng dân sinh) do cụ Phan Châu Trinh phát biểu một thế kỷ trước đây vẫn còn thích hợp để đem ra áp dụng.

Đại khái, cần bãi bỏ chính sách ngu dân qua việc ép buộc phải học phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin trong các trường đại học và trung học chuyên nghiệp (chỉ giữ lại bộ phận triết học Mác-Lênin như một phần của bộ môn lịch sử triết học thế giới). Phê phán chủ nghĩa giáo điều kiểu Liên Xô cũ và kiểu Mao Trạch Đông. Chống tệ sùng bái cá nhân và “giải thiêng” một vài nhân vật chính trị thuộc thế hệ tiền bối.

Về đường lối xây dựng chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, cần bãi bỏ phương pháp lãnh đạo-chỉ đạo bằng các bản nghị quyết và các bản kế hoạch 5 năm đầy tính giáo điều, rập khuôn theo kiểu Liên Xô, Trung Quốc, trên thực tế là chưa bao giờ được thực hành đúng, và vì những thứ này trước nay đều làm cho sự vận hành của bộ máy hành chính trở nên xơ cứng không đạt hiệu quả thiết thực. Thay vào đó, chỉ cần những chính sách lớn cơ bản đúng là được, linh động thay đổi tùy theo tình hình thực tế của mỗi lúc mỗi thời.

Bãi bỏ một số đoàn thể vô dụng và có hại cho dân trí-dân khí như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Thay vào đó là những tổ chức có tính định hướng và giáo dục, tương tự như hiệu đoàn nhà trường hoặc tổ chức Hướng đạo trước đây.

Thực hiện một cách thực chất dân chủ hóa rộng rãi đời sống xã hội như những điều đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013, đặc biệt về các quyền tự do dân chủ, như tự do bầu cử ứng cử, tự do báo chí, lập hội, biểu tình… Cho phép thành lập báo chí và nhà xuất bản tư nhân hoạt động trong khuôn khổ của Luật Báo chí và Luật Xuất bản (có sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ hơn). Khuyến khích xuất bản nhiều loại sách trong tủ sách tinh hoa nhân loại về chính trị, văn hóa… (như phần nhiều các sách của nhà xuất bản Tri Thức trong thời kỳ ông Chu Hảo làm giám đốc).

Với sự phân tích khách quan về dân trí, quan trí và dân khí cùng vài gợi ý đề nghị sơ lược như trên, các nhà đương cuộc có trách nhiệm hiện nay tất yếu đang phải đứng trước một trong hai lựa chọn quyết định mang tính lịch sử: Hoặc quý vị cứ tiếp tục ngu dân và làm thui chột dân khí bằng tất cả những gì cũ kỹ đã làm từ trước tới nay (như trấn áp dân chủ…) để tiếp tục giữ được chính quyền nhưng dân tộc thì bị lụn bại; hoặc quyết tâm chuyển hướng sang phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, mà trong tình hình hiện nay, “chấn dân khí” là vô cùng quan trọng, để đất nước Việt Nam trở nên hùng cường có thể sánh vai cùng các bè bạn năm châu trên thế giới.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết ” đầu dơi đuôi chuột”
    Ưu diệt của trí thức nước đảng” cứ thằng già chửi thằng trẻ” dù chúng cùng từ một Lỗ đảng ị ra. Chúng toàn đổ lỗi cho xung quanh

  2. Bài viết cho thấy tác giả còn vô vàn “tâm tư”, khó có thể …kết thúc ?! Nói đến “ Dân trí”, nếu có còm để bổ cứu thêm vài điều gì đó, thì có lẽ cần cập nhật một vài yếu tố mới, mang tính… thời đại .

    Còn nhớ, trong “ ban-tin-toi-25-4-2018” –về vấn đề công nghệ AI , từng còm rằng…‘Thủ đoạn Putin’, công nghệ AI và các cuộc bầu cử tự do…là một sự ‘phối ngẫu’ kinh hoàng ! Và rồi đây: “…Trong chính trị ,dần dần ‘Sự thật AI’ sẽ là ‘sự thật tối thượng’ …..Về mặt xã hội, trước mắt , nó chính thức bắt đầu trở thành …’bệ phóng’ mang toàn bộ chủng loại ‘báo lá cải’ lên ngôi ‘đại bảo’ ! ….Và chúng sẽ đến ngay, không để chúng ta kịp bàng hoàng hay tranh luận ! “
    —–
    Mà đúng là “quá nhanh quá nguy hiểm” -Ngày nay quả thật vấn đề của tất cả các quốc gia chính là “Tin giả “ ( riêng VN XHCN chịu 02 làn sóng “tin giả” cùng một lúc: “ Tin chính thống …giả” của Tuyên huấn và đám lề đảng trung kiên, và “Tin ½ giả …đa nguyên “ trên các MXH . Hic ).

    Về mặt “Xã hội… Internet” , nở rộ nhanh và lan truyền mạnh nhất, chính là hiện tượng đeo bám vào “tín ngưỡng” các loại, để tất cả các lứa tuổi ( không chỉ” trẻ trâu” ) tha hồ hư cấu tưởng tượng, nó đáp ứng được một số rất đông “quan chức và quần chúng nhân dân” , vì đâu cũng thế, con người muốn có ngay “ hạnh phúc mì ăn liền “ , không muốn khó nhọc tu tâm dưỡng tánh để hy vọng ở cõi Thiên đường, cõi Tịnh độ …các loại !
    Khi ở VN XHCN bùng lên hiện tượng “Phong thủy, Bói toán,Tử vi, Sao mạng, Sấm ký, Áp vong…vv” mà đỉnh cao là “hiện tượng chùa Ba vàng “với tay Thích Thanh Quyết ( Toán) và “Phật tử” Phạm thị Yến- thì ở Mỹ , cũng bùng lên nhiều loại hình “ tín ngưỡng @ “ , cũng có các loại Giáo sĩ, như tay “Kenneth Copeland “ và mụ “Cố vấn Tâm linh “Paula White…của Trump. tất cả, không gì khác hơn là một lũ Điên thời đại !

    Dường như chúng không còn hoàn toàn nằm trong khái niệm “ Dân trí” nữa? – Mà chúng là một cái gì đó giống như một xu hướng, một sự tự chối bỏ đồng loạt, chối bỏ hoàn toàn cái “thế giới thực”. dịch Covid 19 là một “ trận dịch bệnh ….Vật lý”, còn đây là một trận dịch Tâm lý …toàn cầu ? Không chỉ trẻ trâu mà cả trung niên, già lão, không chỉ giới cần lao ít học mà còn bao gồm không ít những “trí thức, học giả “ Đông tây ? Một dạng “ tâm thần phân liệt” nhưng đang “thiết lập nền móng” như là một hiện tượng Xã hội bình thường ?!
    ——-
    Tỉnh táo mên chuộng một tôn giáo thì tất phải hiểu rõ, những gì chúng ta có được, chỉ là những tư tưởng chân xác và hiền thiện từ các vị Giáo chủ, còn thân xác vật lý vô thường của họ đã từ lâu tan thành bụi rồi …Nhưng việc “suy tư về tư tưởng” của họ thì quá nhọc nhằn, phức tạp, “không mang lại sự “thỏa mãn ngay và luôn” cho khối tham dục chất chứa trong lòng. Vì vậy, thông thường, các “Tín đồ” chỉ lọc lựa thứ nào “ngon miệng nhất” từ họ để “tin” trong khi những gì còn lại, cực quý giá , thì lại thẳng tay quăng bỏ không thương tiếc…“ – Ngày nay, với sự trợ giúp của mạng ảo thời @, các hiện tượng ấy lại càng tiến đến một mức độ kinh hòang hơn nữa.

    Biết rằng có một “ bộ phận không nhỏ” của loài người là như thế nến, trong quá khứ, đôi khi , Chính trị vẫn lợi dụng “Uy tín“ của các “Nhà tiên tri” để sáng tác “Sấm ký ăn theo” dùng cho mục đích của mình…Chẳng hạn gần dây, bỗng có rumor : “Tổng thống cuối cùng của Mỹ là người da màu” ? hoặc “ Vladimir sẽ cứu chuộc thế giới..” ??! ( Ha ha ! Đây chắc chắn là bà… “bà Vanga-Putin” tiên tri đấy ! Cái “bà Vanga Putin” tiên tri về một gã “Vladimir” nào đó ( Hố hố ) , sau này sẽ là “kẻ cứu rỗi , mang lại hòa bình cho thế giới” ?! Nó lan truyền khắp Âu Mỹ đấy nhé ) . Nhưng nêu tay Vladimir Putin kia , muốn “tận dụng” bà già mù Bugary, chơi trò “tiên tri đồng bóng”, “mệnh trời” …vv, kiểu này thì …, Putin phải gọi Lê Lợi-Nguyễn Trãi của VN là các ông Tổ ( Vì “bà Vanga VN “ đời Lê, đã biết lá cây có chữ “Lê lợi vi quân- Nguyễn Trãi vi thần”, mấy trăm năm trước rồi nghen ,cha nội ! )
    Còn ngày nay, các chính trị gia có lẽ đã xem “hiện tượng” này là một yếu tố quan trọng , trong tính toán chiến lược, sách lược cá nhân ! Và đó sẽ là một “đại nạn” nhức nhối, gốc rễ của mọi trạng thái cuồng tín” tiếp theo !
    —————-

    Hãy cho tôi biết bạn thường đọc …trang web nào nhất, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai ! – Ngày xưa, người ta nói: ‘Hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai’ . Thế nhưng, ‘thói quen và phong cách đọc sách’ đúng nghĩa , hiện nay đã’ mai một’, đã khá hiếm hoi dù có thể còn thấy được ở người dân của một số nước châu Âu.
    Cuộc CM thông tin đã làm xuất hiện một câu khác, biết trang web ruột của bạn , tôi sẽ biết bạn là ai, và đang bị ai lừa ! ( Hic)

  3. Khi Phúc tòa tháp nghiêng dẫn đoàn tùy tùng đánh xe vào đường cấm phố cổ, khi Phúc tai trâu vào nghe nhạc thính phòng mở quạt mo quạt phành phạch, khi Phúc tiến sĩ không nói nổi câu từ tiếng Anh thông thường…
    Có phải rằng tiêu chuẩn quan trí không cần phải cao, rằng ngu dốt nhưng trung thành là đủ để lãnh đạo dân đen? nhưng xin thưa dân đen đọ trí quan, trí đảng chưa chắc ai ăn ai. Lại nói về Internet, tác dụng hay phản tác dụng, cả hai vì nếu có học hỏi, tận dụng khai thác thì vô cùng hữu ích, loài cọng sản đang cố gắng biến Internet thành một công cụ để chống lại loài người.
    Nếu cố gắng, ai cũng có thể khống chế được hàng rào thô bạo ngăn chặn mạng, nhưng hầu như sự vô cảm đã là một rào cản lớn hơn đỉnh Thái Sơn. Khi vào xem báo trang Tiếng Dân, có thể bạn phải đổi địa chỉ IP nhiều lần, từ các nguồn VPN các quốc gia khác nhau để coi thông tin đuợc suôn sẻ, thực sự đây là trở lực lớn cho người dân.
    Lại nói về dân trí, thỉnh thoảng trong đời sống chúng ta gặp những con người khác thế giới, họ thuộc về con nhang cuồng tín Hồ giáo, họ quyết rằng ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn tin theo đảng csvn, Có những người xỉ vả dân Đồng Tâm phản động, phung phí nước mắt cho quân đội công an chết tào lao nhưng không bao giờ chia xẻ cho cụ Lê Đình Kình, có những nhà cấp tiến Internet nửa mùa trong đêm Noel cả quyết rằng Trump sẽ lật ngược ván cờ ngoạn mục.
    Không phải chê bai gì tầng lớp học sinh SV, một đất nước mà 100% các em bắt buộc phải vào Đoàn của đảng độc tài thì tương lai đất nước muôn đời vẫn là cọng sản, mà cọng sản là loài cua, đi ngang chứ không thèm đi thẳng.

  4. “hiểu là cha chú có dính tới ngụy quân ngụy quyền sao đó”

    Níu ngôn ngữ là phản ảnh của tư di, tư di của Trần Văn Chánh còn tệ hơn sinh viên “lý lịch gia đình cháu không được tốt”. Nhưng cứ lên mặt dạy đời “Sinh viên là thành phần trí thức trẻ, mà nhếch nhác như vậy, thì còn trông mong gì! Và dân khí (chí khí của dân) tệ hại, là do đâu?”.

Leave a Reply to Kch3lkj6hlj9kxf Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây