Di sản Sáu Tường và bài học Thủ Thiêm

Tâm Chánh

12-12-2020

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (tức Sáu Tường). Ảnh: Thanh Đạm

Món nợ Thủ Thiêm đã phải di dời vào thành phố Thủ Đức.

Câu chuyện bồi thường thiệt hại cho dân vì chủ trương và cách làm sai trái trong thực hiện dự án phát triển bán đảo Thủ Thiêm không thể kéo dài.

Nó phải được tiến hành trên nguyên tắc bồi thường, không chỉ cứ khơi khơi từng dấu sai lầm cũ, đền bù giải phóng mặt bằng.

Nó phải được thảo luận đến đúng độ sâu của nó, vì sao một dự án tốt đẹp lại trở thành một món nợ? Ai đã bẻ lái con đò Thủ Thiêm ra khỏi trời nước nhân dân của nó?

Thế hệ những nhà cách mạng tiếp quản Sài Gòn có những sai lầm nhưng thế hệ ấy đã bàn giao lại cho thế hệ tiếp nối bộ pháp kinh phát triển đô thị.

Ngay ở thời điểm bế tắc nhất về thị trường, khái niệm kinh doanh XHCN chỉ như phương bùa cầu an, thành ủy đã quả cảm thoát khỏi giáo điều, vượt lên cả giới hạn của bầu trời mình, xác định cho phương lược thị trường cái gốc gác vạn đại: Quyền tài sản.

Hoá giá nhà là một cải cách siêu tác động. Nó khiến cho từ ông Tổng Bí thư cho đến người dân thường đều ngấu, thấm, mọi của cải đều có chủ. Chính người chủ đích thực của tài sản ấy mới gắn liền với sinh mệnh phát triển của nó. Một biệt thự được gia đình cán bộ ở, cho thuê chỉ có thể kết thúc vẻ tạm bợ nhàu nát, đắp đổi của nó khi nó có được chủ nhân đích thực của nó. Sài Gòn đã tự chỉnh trang lấy bộ mặt đô thị xuống cấp tìm dần lại vẻ tráng lệ của nó trong những năm 1990 từ chính kế hoạch thực hiện hoá giá nhà mà vị chủ tịch khi ấy, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp quả cảm mà khôn khéo thực hiện.

Cũng sau nhiều dự án phát triển đô thị, thế hệ những nhà lãnh đạo ấy đã để lại một khu đô thị Phú Mỹ Hưng mà sự tồn tại lâu dài của nó là một điểm nhấn trong sự hài lòng của dân chúng với năng lực phát triển của TP.HCM.

Những đứa con bưng biền đã cống hiến một Sài Gòn mới mở ra ở phía nam bằng cách tìm đến và hợp tác chân thành, sòng phẳng với nhà đầu tư. Nó là sự tiến hành của thị trường, không phải bằng hô hào, nghị quyết. Không một chính quyền nào có thể tường tận mọi ngóc ngách của nhu cầu tiêu dùng để dựng lên ở cánh đồng này, ở bưng tráp nọ công trình này, công trình kia. Không nhà lãnh đạo nào từ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí… xía được cụ thể vào bất kì công trình phát triển nào ở khu đô thị ấy.

Một lần nữa, những người cộng sản học lại bài học về căn bệnh kiêu ngạo cộng sản đã nhiều lần vấp phải.

Là dân. Bằng thị trường. Trên môi trường luật pháp và trị an bảo đảm cho quyền tài sản ấy được bảo đảm, được trao đổi tự do để hình thành giá trị.

Thủ Thiêm gần như song hành với khu đô thị Phú Mỹ Hưng 20 năm qua. Nghiền ngẫm hình ảnh của nó trong toàn cục phát triển Sài Gòn thật đáng buồn. Nó cứ như văng ra từng cục ấm ức.

Dân oan ấm ức đã đành. Cán bộ thực thi cũng ấm ức. Cứ loại bỏ những diễn biến tiêu cực, cũng có cán bộ nghĩ rằng lẽ phải của phát triển thuộc về mục đích vì dân, vì nước của nó.

Nhưng không phải vậy, phát triển chỉ là một bản vẽ, thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào việc mỗi ông chủ tài sản đích thực của nó tham gia với sự hiểu biết rõ ràng cả về cách làm và cách đo hiệu quả.

Thế hệ tiền bối đã đặt ra ở Thủ Thiêm bài toán trên nền tảng minh bạch, công khai, khu đô thị mới Thủ Thiêm phải là một hình mẫu từ trong quá trình thai nghén, về việc bảo đảm hài hoà lợi ích phát triển. Công khai qui hoạch của thủ tướng. Thảo luận nhiều phương kế, thậm chí cả phương kế cổ phần hoá khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vậy mà chỉ một tích tắc, chính quyền đã bị ai đó bẻ lái con đò Thủ Thiêm. Thủ Thiêm là đất dữ thật sự, đố ai ve được con đò phát triển ấy.

Sự thất bại của dự án phát triển Thủ Thiêm trước hết là sự thất bại của đạo làm quan ở Sài Gòn. Sài Gòn trong cốt cách tự do của nó không thừa nhận quan lại phụ mẫu, dù là phụ mẫu chi dân. Chăm lo những điều tốt đẹp cho dân ở Sài Gòn là phải làm cho người dân được làm những điều tốt đẹp đó. Nhiệm vụ của chính quyền là tạo ra không gian dân chủ của việc gìn giữ môi trường luật pháp, văn hoá xã hội tôn trọng, bảo vệ thành quả sáng tạo hay công sức của con người.

***

Trở lại với thị trường, lãnh đạo TPHCM đã khởi động bốn cuộc vận động lớn, cũng chính do cố chủ tịch Nguyễn Vĩnh Nghiệp chủ trì, chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí và cải cách hành chính.

Hội đồng nhân dân TP khoá 4, trong bối cảnh chính trị lúc ấy, đã trở thành một diễn đàn quyền lực của nhân dân. Chủ tịch Sáu Tường nhiều phen không dễ dàng thoát hiểm trước các chất vấn của đại biểu. Đại biểu thời đó cũng như bây giờ thôi, phần lớn là thuộc cấp của ông Sáu Tường.

Chính báo chí Sài Gòn đã làm đúng chức phận mình tường thuật thẳng tưng mọi góc phát hiện của nhân dân, biến nó thành nghị sự có trách nhiệm. Phát triển trong bất kì tình huống nào cũng đã không còn như cuộc bảo vệ luận chứng kinh tế kĩ thuật. Nó có sự va đập giữa ý dân và ý muốn của chính quyền.

Nhiều nhiệm kì sau đó, những khi lãnh đạo lơi lỏng yêu cầu và đập này, phát triển buộc phải chọn lựa giữa dân và chính quyền. Thế cuộc Thủ Thiêm là thế cuộc ấy.

Đặt chính quyền thành phố từ trạng thái bộ máy cách mạng sang bộ máy phục vụ phát triển, ở thời điểm đó ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp và thành ủy hiểu rõ hành trình đơn độc của mình. Nó đã vừa là một tài sản, vừa là một di nguyện bàn giao lại cho thế hệ cán bộ tiếp nối. Chính quyền đô thị từ kinh nghiệm đấu tranh đô thị của thế hệ cách mạng ấy, cũng như trong sự trở lại thị trường, chính là vận hành theo qui luật khách quan.

Còn đạo làm quan, thành tích làm quan phải đo được bằng khả năng huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các tầng lớp nhân dân. Làm được gì cho dân chính phải là để dân làm được điều mình muốn.

Ông Sáu Tường không vào được TƯ, lên chủ tịch mà vẫn là ủy viên thường vụ khá lâu mới được bầu là phó bí thư. Khi thực hiện hoá giá nhà, ông cũng ra TƯ mà rồi cũng không có văn bản chấp thuận nào. Trong tay ông chỉ là hơi ấm của một đồng chí, sự ủng hộ của ông Sáu Dân, lúc ấy cũng đang “nín thở” chờ diễn biến đại hội 7 sắp diễn ra.

Thực hiện hoá giá nhà, ông Sáu Tường đã chuẩn bị thay mặt thành ủy chịu kỉ luật với TƯ. Khi đó điều tiếng và cả báo chí đã kêu ra bản án, cuộc chia chác cuối cùng trước ngày tàn chế độ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Hãy xem kỹ những gì tổng bí tịt lú cùng lũ bậu sậu cộng sản Ba đình phát nổ, để thấy rằng chúng không hề rút ra được kinh nghiệm gì từ những cái gọi là kiêu ngạo cộng sản.
    Căn bệnh bẩm sinh này chỉ ngày càng nặng.

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây