Địa ngục xanh Việt Nam – Bối cảnh của cuộc chiến (Phần 2)

Tác giả: Helmut P. Müller

Dịch giả: Phan Ba

8-12-2020

Tiếp theo Phần 1

Hay như trường hợp ông Ngô Đình Diệm. Năm 1963, nhà “độc tài Công giáo” không tranh cãi của Nam Việt Nam – từng được đưa lên chiếc ghế tổng thống với sự hỗ trợ của Mỹ – trong khoảnh khắc quyết định đã nhìn thấy mình bị những người bạn Mỹ của ông bỏ rơi một các ô nhục: Người Mỹ đứng yên khi những người đảo chánh lật đổ Diệm và người em trai Nhu, bắn chết cả hai và qua đó đã mở đường cho một thời kỳ hỗn loạn của những cuộc đảo chánh quân đội, những cuộc tranh giành quyền lực của Phật giáo, những cuộc đảo chánh ngược, những cuộc nổi loạn trên đường phố và nổi loạn của sinh viên.

Đó thật là một trớ trêu của số phận, khi các nhà báo người Mỹ lại chính là những người đã chuẩn bị cho cuộc lật đổ Diệm thời đó! Những bài phóng sự giật gân rẻ tiền của họ về “đàn áp Phật giáo” đã lan truyền đi khắp thế giới – một truyện cổ tích có sức tác động mạnh đã được sinh ra đời. Lúc ấy thì ai có thể nghĩ rằng những cuộc tự thiêu của các nhà sư không gì khác hơn là một vũ khí đấu tranh chính trị của lãnh tụ Phật giáo cực đoan Thích Trí Quang, người không ngần ngại bơi trong luồng nước của cộng sản để chiếm lấy quyền lực?

Nhà sư lãnh đạo cuộc nổi dậy của Phật giáo, Thích Trí Quang, dẫn đầu một cuộc mít tinh tại Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 1 năm 1965. Ảnh: Christian Simonpietri / Sygma / CORBIS

Người Mỹ ở Sài Gòn biết rõ nguyên nhân thật sự – nhưng không hành động. Họ thậm chí phải chịu để cho Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 1280 vào ngày 13 tháng 12 năm 1963 xác nhận điều mà bất cứ quan chức người Mỹ nào ở Sài Gòn cũng biết trước nay: Một sự đàn áp người theo đạo Phật bởi Tổng thống Diệm chưa từng bao giờ xảy ra. Người ta có thể đọc điều này trong bản báo cáo dầy 254 trang mà một ủy ban hỗn hợp được gửi tới Việt Nam riêng cho việc này đã đưa ra. Tài liệu xác thực rõ ràng cho tới mức Liên Hiệp Quốc từ bỏ không theo dõi đề tài này nữa. Liên Hiệp Quốc mà còn như thế!

Người ta có thể nghĩ về Diệm như người ta muốn (và ông ấy mãi mãi sẽ vẫn là một nhân vật gây tranh cãi), nhưng có một điều chắc chắn: Chương trình Ấp Chiến lược của Diệm đã được thiết kế thật tuyệt vời và về lâu dài đưa ra một hy vọng cho an ninh, hòa bình và trật tự trong đất nước Việt Nam. Chương trình này không phát huy được hết tác dụng, điều này có nguyên nhân từ việc tiến hành không đạt yêu cầu, xuất phát từ những thiếu sót mà lẽ ra là phải được xóa bỏ. Ít ra thì Diệm, khi ông ngã xuống dưới làn đạn của những người đảo chánh, cũng có được 25 phần trăm đất nước đứng sau ông – một con số phần trăm đáng kể đối với Việt Nam!

Nhưng như đã nói – Diệm đã chết. Và nước Mỹ cứ ngần ngừ đứng cạnh chiếc giường liệm của ông ấy và trước di sản của ông ấy. Và di sản này là một sự hỗn loạn chính trị chưa từng có. Nó bắt buộc người Mỹ phải làm việc mà họ luôn chùn bước vì hậu quả của nó: leo thang quân sự trong một quy mô phá vỡ mọi sự tưởng tượng.

Hay – nước Mỹ phải rút lui. Vào thời điểm đó thì còn có thể được – ý kiến về điều này khác nhau rất nhiều. Nhưng cái chuỗi đảo chánh và những cuộc rối loạn chính trị ở Sài Gòn đã lấy đi mọi sức sống khỏi chính phủ của Nam Việt Nam, và cả các lực lượng dự bị quân sự cũng đã kiệt quệ. Một cuộc rút lui của người Mỹ trong tình huống đó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn của đất nước này và sẽ mở cửa cho bạo lực vào trong châu Á. Nó sẽ là kết cuộc của “chính sách Thái Bình Dương” của Mỹ.

Vì vậy mà nước Mỹ quyết định leo thang chiến tranh. Và qua đó, đất nước này đã quyết định đi trên một con đường dài, gian khổ, đẫm máu. “Nhưng đối với chúng tôi thì Viễn Đông thực ra là Viễn Tây”, một chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ ở Sài Gòn giải thích. “Chúng tôi không thể nghĩ đến việc đứng nhìn hàng triệu người của các dân tộc châu Á bị kích động chống lại chúng tôi. Việt Nam có liên quan đến lợi ích sống còn của chúng tôi và an ninh của chính chúng tôi. Chúng tôi không hy sinh hàng ngàn người Mỹ chỉ để thân thiện với người Việt.”

Lần lật đổ Diệm là bước ngoặt đầu tiên đi đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, ác liệt. Và lần leo thang này là cái giá đắt mà nước Mỹ phải trả cho những sai lầm nào đó trước đây.

Chỉ vài tháng sau đảo chánh 1-11-1963, tướng Nguyễn Khánh đã “lật đổ” tướng Dương Văn Minh để lên nắm quyền. Ảnh: internet

Một trong những văn kiện quan trọng nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam nằm trong một chiếc két sắt của Tòa Nhà Trắng – bản sao của bức thư mà Tổng thống Eisenhower ngay sau Hội nghị Geneve năm 1954 đã gửi cho Tổng thống Diệm. Trong lá thư này, Hoa Kỳ cam kết giúp Nam Việt Nam, “trong hy vọng, rằng sự giúp đỡ này – cùng với những nỗ lực của Ngài (của Diệm) – có thể góp phần tác động để tạo nên một nước Việt Nam độc lập, vững chắc với một chính phủ mạnh mẽ.”

Eisenhower giữ lời hứa: Ông ấy gửi 685 cố vấn quân sự sang Việt Nam. Nhưng 685 người lính có nghĩa lý gì tại một đất nước mà trong đó hàng ngàn người lính đỏ – những người ngược với các thỏa thuận Geneve đã không rút lui ra miền Bắc – tiến hành một cuộc chiến tranh du kích kiểu Mao Trạch Đông? Diệm thúc giục Eisenhower. Nhưng khi người này trao chức vụ tổng thống lại cho John F. Kennedy năm 1960, thì “lực lượng quân sự” của Mỹ ở Việt Nam bao gồm đúng 785 người. Gần bảy năm liền, Hoa Kỳ đã không vượt quá con số cố vấn quân sự ở Việt Nam đã được ấn định tại Geneve, mặc dù Bắc Việt Nam vi phạm hiệp định liên tục!

Tuy nhiên – Kennedy tiếp nhận một cam kết trên giấy trắng mực đen mà Eisenhower đã còn đưa ra năm 1959: tăng cường con số cố vấn quân sự. Thế là ông ta đã thực hiện những gì người tiền nhiệm đã hứa – con số cố vấn Mỹ được tăng lên 2000 người. Vào thời gian này, có 151.000 người thuộc quân đội Nam Việt Nam, 48.000 người thuộc lực lượng bảo an tỉnh và 40.000 thuộc về lực lượng dân quân làng.

Con số này hoàn toàn không đủ. Nếu như chương trình Ấp Chiến lược muốn hoạt động được, nếu như người ta muốn bảo đảm an ninh cho nông dân, cho kinh tế và cả công nghiệp thì quân số phải được tăng lên. Vì cả Việt Cộng cũng mạnh hơn trước: 15.000 người lính chính quy và tròn 40.000 du kích. Với quân đội đó, họ kiểm soát nhiều phần rộng lớn của đất nước, vì có một quy tắc ước chừng cho cuộc chiến tranh du kích: “Ai muốn chiến thắng du kích thì phải có quân lính nhiều hơn gấp mười lần.” Và Nam Việt Nam không có số quân đó.

Tức là người ta cần thêm ít nhất hai trăm ngàn quân lính – và tất nhiên là nhiều cố vấn quân sự hơn nữa. Cuối năm 1962 đã có 11.000 người Mỹ đóng quân ở Nam Việt Nam.

Năm 1963 mang lại thất vọng tồi tệ nhất. 16.500 người lính Mỹ đóng quân tại Việt Nam khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara táo bạo đưa ra dự đoán: “Tình hình đã bình thường trở lại. Sự can thiệp mạnh mẽ của chúng ta đã mang lại kết quả. Từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ giảm quân số. Trước Giáng Sinh 1965, phần lớn các chàng trai của chúng ta sẽ lại có mặt ở nhà.”

Nhưng ông Bộ trưởng đã không tính đến người cộng sản: trong đồng bằng sông Cửu Long khó đi lại – trước nay là vùng đất được du kích quân ưa chuộng – cũng như trên cao nguyên vắng vẻ ở miền Trung Việt Nam, họ đã bắt đầu thành lập có hệ thống một quân đội du kích.

Mối đe dọa Nam Việt Nam đã trở nên nguy hiểm chết người. Và sự thách thức người Mỹ cũng đã rõ ràng. “Chúng ta đã chiến thắng người Pháp – chúng ta cũng sẽ chiến thắng những tên cướp từ Hoa Kỳ”, Đài Phát thanh Hà Nội tuyên bố. Sự lạc quan này dường như không phải là vô căn cứ: Lực lượng của người Mỹ không bảo đảm được an toàn. Chỉ cố gắng lắm mới giữ được các thành phố – nông thôn thuộc về phiến quân.

Vì quân đội Nam Việt Nam không qua được thử thách: được xây dựng quá nhanh, quá vội, họ không đủ khả năng tạo cho mình sự kính nể. Còn ngược lại nữa: hàng chục ngàn người đào ngũ, đơn giản đi về nhà, vì họ đã chán ngán việc phải chết cho nước Việt Nam. Sự cam chịu đã âm thầm lan đi trên khắp đất nước bị hành hạ này. Không phải Việt Cộng là những người nắm toàn bộ quyền lực hay sao? Tất nhiên – họ thống trị bằng đe dọa, khủng bố và tống tiền. Họ dường như có mặt ở khắp nơi. Quân đội chính phủ thì ngược lại – họ xuất hiện vào ban ngày, nhưng đêm đêm thì họ lại ngồi trong căn cứ của họ và bỏ mặc hàng triệu nông dân lại cho số phận của họ.

Chỉ có thể là một câu hỏi về thời gian, cho tới khi Việt Cộng công khai nắm lấy quyền lực…

Trong tình huống đó, nước Mỹ phải quyết định. Và bắt buộc phải là quyết định của một người – Lydon B. Johnson, giờ đây là tổng thống Hoa Kỳ.

Johnson từ Texas quyết định tăng quân: cho tới cuối 1964, quân đội Mỹ được tăng lên đến 23.000 người, 1965 có thêm 67.000 người nữa. Đó là năm mà quân đội Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử của cuộc chiến này từ vị trí phòng thủ đã chuyển sang thế tấn công.

Giữa tháng 7 năm 1967 – lúc này lực lượng quân đội Mỹ đã tăng lên đến 466.000 người – tổng thống Johnson tuyên bố: “Thêm 80.000 quân nhân sẽ được gửi sang Việt Nam. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là tăng cường cho quân đội chiến đấu.” “Ở đó có từ ngữ leo thang”, Dean Rusk nói, “nhưng nó dường như chỉ được dành riêng cho Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Bắc Việt đã đưa bảy sư đoàn thâm nhập vào miền Nam – nhưng ở đây thì không ai nói về một sự leo thang nào cả. Từ một năm nay, phía bên kia đặt mìn tại Cảng Sài Gòn. Nhưng nếu như chúng tôi làm cùng điều đó với Cảng Hải Phòng – thì tôi có thể tưởng tượng được rằng khắp nơi người ta sẽ đổ tội leo thang cho chúng tôi.”

Dường như là hòa bình không còn có cơ hội nào nữa ở Việt Nam. Vì miền Bắc không muốn biết gì về đàm phán và miền Nam thúc giục Mỹ tăng quân số lên 800.000 người.

Vì vậy mà Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho thời kỳ rối rắm, bất lực của chúng ta. Việt Nam là sự leo thang của tình thế tiến thoái lưỡng nan và của sự tuyệt vọng…

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 1280 vào ngày 13 tháng 12 năm 1963 xác nhận điều mà bất cứ quan chức người Mỹ nào ở Sài Gòn cũng biết trước nay: Một sự đàn áp người theo đạo Phật bởi Tổng thống Diệm chưa từng bao giờ xảy ra. Người ta có thể đọc điều này trong bản báo cáo dầy 254 trang mà một ủy ban hỗn hợp được gửi tới Việt Nam riêng cho việc này đã đưa ra. Tài liệu xác thực rõ ràng cho tới mức Liên Hiệp Quốc từ bỏ không theo dõi đề tài này nữa”

    Thế…LHQ có biết 7 mạng Phật tử đã mất dưới tay viên thiếu tá Đặng Sĩ tại đài phát thanh Tp Huế tháng 4 năm 1963 chỉ vì phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo tại nhà dân Phật tử vào lễ Phật đản năm đó?
    LHQ có biết quân đội cậu Cẩn bao vây hàng tháng trời các chùa Diệu Đế, Từ Đàm tại Huế khi họ chỉ tụng kinh cầu qua pháp nạn?
    Vậy có từng xảy ra đàn áp Phật giáo không?

    LHQ, qua WHO, đã nghĩ gì khi tuyên bố hồi đầu đại dịch Covid 19, 2020, theo giọng Bắc kinh, rằng wuhan corona virus là không lây từ người qua người, và do đó nấn ná không chịu báo động cho thế giới về đại dịch!
    Đừng có dựa hơi cái tổ chức đã bị hết Mỹ đến Trung cộng hớp hồn nầy!

  2. Có thể ví du kích việt cọng là muỗi đói, ấp chiến lược của VNCH là cái mùng. Ví VNCH là chủ nhà và CSMB là khách không mời. Chiến dịch đỉa đói đã biến đổi cục diện chủ nhà và khách, ngày quốc gia đêm cọng sản. “Ai muốn chiến thắng du kích thì phải có quân lính nhiều hơn gấp mười lần.”
    “Một sự đàn áp người theo đạo Phật bởi Tổng thống Diệm chưa từng bao giờ xảy ra. Người ta có thể đọc điều này trong bản báo cáo dầy 254 trang mà một ủy ban hỗn hợp được gửi tới Việt Nam riêng cho việc này đã đưa ra.”

  3. Cả tác giả lẫn người dịch đều quá rỗi hơi. PB ở đâu trong chiến tranh VN. Chắc PB tiếc nuối không được ơn Boác và Đẻng” từ năm 1962, ăn bobo nhọn mỏ và phỏng hai hòn “bijoux de famille”. Nên nhớ khi VC tập kết là đã muốn nhuộm đỏ miền Nam theo lịnh Nga Tàu rồi. Quân Bắc Việt xâm đã vượt tuyến từ năm 1962. Nước Huế và quý thầy chỉ theo voi hít bã mía để sau này mới sáng mắt sáng lòng chạy qua Tây qua Mỹ (chớ không qua Tàu và Ân à nha!).

Leave a Reply to Nguoi Lu thu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây