Tội làm lộ bí mật nhà nước

Đặng Đình Mạnh

3-12-2020

Thời gian gần đây, nhân dịp cơ quan tiến hành tố tụng tại Hà Nội truy tố ông Nguyễn Đức Chung, đương kim chủ tịch UBND TP.Hà Nội về “Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, khiến công chúng chú ý hơn về tội danh này.

Theo điều 337 Bộ luật hình sự hiện hành, tên đầy đủ của tội danh là “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước”, có hình phạt nặng nhất lên đến 15 năm tù.

Thông thường, người phạm tội này là cán bộ, công chức nhà nước. Vì lẽ, do đặc điểm công vụ, nên họ có khả năng tiếp cận với các tài liệu mật. Tuy vậy, với nhiều người không phải là cán bộ, công chức nhà nước thì cũng không nên chủ quan. Nhất là những người tham gia các mạng xã hội hoặc các giao thức liên lạc qua mạng.

Cứ thử tưởng tượng vào một ngày xấu trời, chúng ta chợt nhận được file hình ảnh chụp tài liệu của nhà nước qua vài chục giao thức giao tiếp như Facebook, Messenger, Twitter, Weibo, Email, Viber, Skype, Tango, WhatsApp, Telegram, Signal, Line, Zalo, Wechat, Zoom … mà vô tình, ở góc bên trái, phía trên hình ảnh văn bản có đóng dấu “Mật”, “Tối mật” hoặc “Tuyệt mật” trong một khung nhỏ hình chữ nhật. Cho dù, chúng ta vô tình không ý thức được có sự tồn tại của con dấu “Mật”, “Tối mật” hoặc “Tuyệt mật” đi nữa, hoặc ý nghĩa của nó là gì, thì ẩn họa đã bắt đầu từ đó và liệu chúng ta có phải đối diện với sự triệu tập của cơ quan điều tra hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào hành xử của chúng ta ngay sau khi ấy.

Hành xử có thể là:

1. Xóa file ảnh;

2. Cứ để yên đấy;

3. Chuyển cho người (hay nhiều người) khác;

Chọn cách hành xử thứ 1 và thứ 2, chúng ta tạm thời an toàn về phương diện pháp lý. Nhưng nếu vô tình hay hữu ý chọn cách hành xử thứ 3: “Chuyển cho người khác”, thì ẩn họa đã thành tai họa. Hầu như, đối với quan điểm của cơ quan điều tra hiện nay, hành vi ấy đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý (hay vô ý) làm lộ bí mật nhà nước để khởi tố thành vụ án hình sự.

Do đó, đừng tự đánh giá chủ quan cho rằng văn bản chúng ta nhận được chỉ là một file hình ảnh, một bản photocopy trắng đen hoặc văn bản ấy đã phát tán đầy rẫy trên mạng … thì không còn giá trị mật nữa. Vì lẽ, mật không chỉ vì con dấu mật, mà mật còn vì nội dung văn bản nữa. Theo đó, việc phát tán chúng “giúp” chúng ta trở thành “khách mời” làm việc với cơ quan điều tra chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nên, với đặc điểm hiện nay của các trang mạng xã hội hoặc các giao thức giao tiếp qua mạng tương tự, thì việc ai đó trong số những người đã kết bạn gởi đến cho chúng ta các file hình ảnh là điều hết sức bình thường và không thể ngăn chặn được. Nhưng nếu file hình ảnh ấy là văn bản tài liệu của cơ quan nhà nước có đóng dấu “Mật”, “Tối mật” hay “Tuyệt mật” thì phải hết sức cẩn thận và dĩ nhiên, chúng ta phải chọn cách hành xử an toàn về phương diện pháp lý cho chính mình nhất.

Ngày viếng linh hồn của một người bạn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Công hàm phạm văn đồng 1958 có đóng dấu mật không? chắc chắn là không. Vì có cất dấu lên mây, có đóng tuyệt tuyệt mật thì trung quốc cũng trưng ra khắp nơi để đòi chủ quyền.
    Ghi nhận và tán thành một tuyên bố hải phận mà mình không phải chủ sở hữu, tự nguyện triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý, bị buộc phải nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hs và Ts. Tội bán nước sờ sờ nhưng không ai nhận tội.
    Một trùm công an như nguyễn đức chung, một chủ tịch thành thủ đô mà còn làm bậy, thao túng tài liệu mật, thử hỏi cái đế chế thúi này có gì là mật, là tim gan.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây