Bản tin ngày 3-12-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, khi được hỏi về vụ TQ mở lại tour du lịch hàng hải phi pháp ra Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc triển khai các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nếu không có sự cho phép của VN đều là vi phạm chủ quyền của VN, không có giá trị pháp lý.

Bà Hằng nói: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” và yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này, chấm dứt các tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của VN, cũng như các hành động khác có thể gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình.

VTC có clip về buổi họp báo: Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tổ chức du lịch ra Hoàng Sa.

TQ đã bắt đầu tổ chức các tour du lịch phi pháp ra quần đảo Hoàng Sa từ năm 2013 và VN cũng đã nhiều lần công khai phản đối nhưng không có tác dụng gì. Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở TQ từ đầu năm 2020, TQ mới tạm dừng tổ chức các tour du lịch này. Sau 11 tháng tạm dừng, Bắc Kinh đã mở lại tour ra Hoàng Sa.

Vụ TQ triển khai tàu bệnh viện Nanyi 13 mới chế tạo tại đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại đá Chữ Thập, theo báo Đại Đoàn Kết. Bà Hằng cho rằng, hoạt động của TQ “không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông và quan hệ hai nước”.

Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Đài Loan bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, theo Zing. Bà Hằng nói rằng, cuộc tập trận diễn ra ngày 24/11 “đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông” và rằng, “việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này…”.

Tóm lại, trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao hôm nay, đã có người hỏi đến diễn biến về chủ quyền lãnh hải của VN liên ,quan đến cả CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc, 2 thể chế khác nhau nhưng đều theo đuổi tham vọng bá quyền của người TQ ở Biển Đông, nhưng cũng như mấy lần trước, chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao xuất hiện, trả lời mấy câu hỏi liên quan đến tình hình chủ quyền VN bị xâm phạm, nên VN vẫn chỉ dùng “võ mồm”.

Trên biển, có mỗi tàu hải cảnh TQ là Zhongguo Haijing 5204 mà lực lượng tuần duyên VN đã không làm gì được, để tàu này quấy phá lô khai thác dầu khí 06.01 hơn 30 lần, thì rõ ràng mọi nỗ lực “phản đối” của VN đều vô tác dụng. TQ đã tổ chức tour du lịch ra Hoàng Sa từ năm 2013, chỉ đến đầu năm 2020 mới tạm dừng do Covid-19, giờ dịch bệnh tạm lắng, họ mở tour lại, nghĩa là sự phản đối của VN đối với TQ chỉ có tác dụng như “chó sủa trăng”.

Cũng tin Biển Đông, RFI có bài: Tàu ngầm Pháp cố chinh phục thị trường Đông Nam Á. Naval Group, tập đoàn đóng tàu ngầm của Pháp, trao đổi về khả năng Philippines mua hai tàu ngầm Scorpène. “Naval Group mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới từ nay cho đến năm 2025”. Hiện đội tàu ngầm của TQ có đến 76 chiếc và sử dụng một căn cứ thuộc khu quân sự hải quân Du Lâm, nằm ở vị trí chiến lược trên đảo Hải Nam, hướng ra Biển Đông.

Mời đọc thêm: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật tại Trường Sa (NĐT). – Việt Nam phản ứng trước những động thái mới đây của Trung Quốc trên biển Đông (NLĐ). – Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tổ chức du lịch ở Hoàng Sa (Zing). – Việt Nam phản đối Trung Quốc mở tour đến Hoàng Sa, Đài Loan tập trận ở Ba Bình (TN). – Hải quân Mỹ khôi phục Hạm đội 1 sau 4 thập kỷ, ‘chạy đua’ với Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN).

Chung “con” trước ngày ra tòa

Từ ngày 1 đến ngày 2/12/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỳ họp thứ 50 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú. Hôm nay, UBKTTƯ đề nghị khai trừ Đảng với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Xem xét sai phạm của Chung “con”, cơ quan “đốt lò” nhận định, ông Chung đã “vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước”, vi phạm quy định đảng viên, làm xấu mặt tổ chức đảng.

Theo đó, căn cứ quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKTTƯ đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Chung ra khỏi Đảng. Rõ ràng đây là bước chuẩn bị để Chung “con” ra tòa vào ngày 11/12 sắp tới, tròn 4 tháng kể từ khi ông Chung bị đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng.

Về sức khỏe của Chung “con”, hôm qua, báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định, sức khoẻ ông Nguyễn Đức Chung không ảnh hưởng đến việc ra tòa. Tướng Xô nói: “Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra, trong lần kiểm tra sức khỏe mới đây nhất tại một bệnh viện của Hà Nội, sức khỏe của ông Chung hoàn toàn bình thường, không có gì đặc biệt hay có bệnh gì nghiêm trọng”.

Trước đó, báo chí “lề đảng” hay đề cập đến bệnh “ung thư” của Chung “con”, lưu ý rằng đó có thể là tình tiết giảm nhẹ. Nay tướng Xô nói vậy, rồi thêm vụ khai trừ đảng, là các dấu hiệu cho thấy cũng có khả năng ông Chung sẽ không được nương tay, thậm chí có thể bị thân bại danh liệt như Đinh La Thăng.

Mời đọc thêm: Kỳ họp 50 Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng (Tin Tức).  – Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị khai trừ Đảng do vi phạm rất nghiêm trọng (TQ). – Ông Nguyễn Đức Chung còn bị điều tra hai vụ án khác, sức khỏe bình thường (TT). – ‘Ông Nguyễn Đức Chung không có bệnh nghiêm trọng’ (VNE). – Sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung ‘vẫn bình thường’ trước phiên tòa ngày 11/12 (VNN).

Tin nhân quyền

BBC đưa tin: Nhóm nhân quyền ra sách ‘biện pháp trừng phạt Magnitsky’ do Phạm Đoan Trang thực hiện. Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, họ đã phát hành sách “Hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky” do bà Phạm Đoan Trang dịch và biên tập, với lý do: “Không chỉ vì sự hỗ trợ và hợp tác của cô trong quá trình sản xuất mà còn là sự cống hiến cho tinh thần dũng cảm và nguồn cảm hứng của cô với tư cách là một nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam”.

Trong lời giới thiệu sách, bà Trang viết, bà mong “cẩm nang hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky sẽ trở thành một công cụ tốt mà mỗi người dân Việt Nam, nhất là hàng triệu nạn nhân của bất công, tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đều có thể sử dụng để trừng trị kẻ có tội”. Năm 2012, Mỹ đã thông qua Đạo luật Magnitsky, đưa các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vào danh sách đen.

Trang Báo Sạch viết tiếp về Thủ Thiêm: Số phận 160 ha tái định cư và sự tương phản chua chát. Sự tương phản đó là: “Việc 160 ha đất tái định cư được giao cho doanh nghiệp có đúng quy định, có hợp tình, hợp lý vẫn còn chờ các cơ quan hữu trách vào cuộc rà soát, xử lý. Tuy nhiên lúc này, tại Thủ Thiêm, việc các dự án bất động sản mọc lên như nấm sau mưa, giá tăng phi mã, càng khiến việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân thêm gian khó”.

Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng bình luận vụ TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực: “Việc Trần Huỳnh Duy Thức sẵn sàng tuyệt thực cho đến chết, để yêu cầu nhà nước cộng sản thượng tôn pháp luật, tôi cho là thiếu sáng suốt. Thức đã đi được gần 2/3 quãng đường,  chỉ còn hơn 5 năm nữa là Thức ra tù, vậy sao không ráng đi nốt? Tôi nói điều này có thể sẽ bị chỉ trích, nhưng nhìn vào thực tế ở Việt Nam hiện nay, thì ý nguyện của Thức là không khả thi”.

Mời đọc thêm: Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức ‘tuyệt thực’, gia đình lo lắng (BBC). – Hà Nội chưa đối thoại với 154 nhân viên thú y bị đơn phương chấm dứt hợp đồng (RFA). – Chính sách di dân thời Biden sẽ ‘dễ hơn’ so với thời Trump? (VOA).

Tin môi trường

Hậu quả của đợt mưa lũ chớp nhoáng cuối tuần qua ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: Sạt lở khoảng 5.000 m3 đất ở thủy điện Hương Điền, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận, khoảng 14h ngày 1/12, “do mưa lớn liên tục nhiều ngày nên phía hạ du bên trái đập thủy điện Hương Điện xảy ra sạt lở đất. Vị trí sạt lở cách chân đập thủy điện từ 60-200 m với khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000 m3”.

Lực lượng chức năng kiểm tra vị trí sạt lở. Ảnh: PLTP

Cũng liên quan đến hậu quả mưa lũ ở Tây Nguyên, báo Người Lao Động có bài: Thủy điện xả lũ, 1 phụ nữ “chết đứng” nhìn 5 tỉ đồng trôi sông. Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, trên sông Sêrêpốk, sáng nay “đã xả lũ với lưu lượng rất lớn… nước trên sông dâng cao nhiều mét so với bình thường và cuồn cuộn chảy. Nhiều người dân đứng ngồi thẫn thờ trông theo dòng nước vì tài sản trị giá hàng tỉ đồng bỗng chốc bị nước cuốn trôi”. Một người dân bật khóc vì “20 lồng cá trị giá hơn 5 tỉ đồng bị cuốn trôi trong ít phút”.

Liên quan đến sự việc trên, kênh VN Ngày Nay có clip: Thủy điện xả lũ, 1 phụ nữ “chết đứng” nhìn 5 tỉ đồng trôi sông.

Về tình trạng ấm lên toàn cầu, trang Hành Tinh Titanic dẫn tin từ báo Moscow Times, cho biết: Moscow chứng kiến mùa thu ấm nhất lịch sử. Cơ quan khí tượng quốc gia của Nga xác nhận, “mùa thu năm 2020 ở Moscow sẽ được công bố là ấm nhất kỷ lục đối với thủ đô này. Nhiệt độ trung bình ở Moscow trong tháng 9, 10 và 11 là 3,2°C, cao hơn mức bình thường 4,4°C”.

Hãng thông tấn quốc gia Nga (TASS) dẫn lời trưởng phòng thời tiết Roman Vilfand thừa nhận: “Mùa thu năm nay ở Moscow sẽ là thời tiết ấm áp nhất từ ​​trước đến nay. Tháng 9 rất ấm, tháng 10 là ấm nhất và tất nhiên, tháng 11 ấm hơn bình thường một cách đáng kể”. Bản tin của Nga còn lưu ý vụ Moscow ghi nhận mùa đông ấm nhất từ ​​trước đến nay trong giai đoạn 2019-2020,  năm 2019 là năm Nga có nền khí hậu nóng nhất trên tổng thể.

Xem lại clip của báo The Guardian cách đầy gần một năm về mùa đông ấm nhất trong lịch sử đo đạc khí tượng của Nga, một mùa đông hầu như không có tuyết: Hàng tấn tuyết giả được mang đến Moscow sau khi nơi đây trải qua tháng 12 ấm nhất trong 140 năm qua.

Thông Tấn Xã VN dẫn tin do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ công bố: Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất. WMO xác nhận, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10/2020 cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt trung bình giai đoạn năm 1850-1900. Năm 2020 sẽ là năm nóng thứ 2 sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019.

Báo cáo được công bố hôm qua 2/12 của WMO cho biết “năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển”. Cũng trong hôm qua, đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết, Kiev đã trải qua mùa thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm. “Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát”.

Liên quan đến thông tin trên, hãng tin Reuters có clip: 2020 khả năng trở thành năm nóng thứ 2 trong lịch sử.

Mời đọc thêm: Mưa lớn, thủy điện xả lũ, nhiều nơi ở Quảng Nam ngập lụt (NLĐ). – Lâm Đồng: Mưa lớn, thủy điện xả lũ, hàng trăm ha rau màu ngập trong nước (TN). – Hàng ngàn mét khối đất đá sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền (LĐ). – Trại heo ô nhiễm trên đồi cao làm ‘nóng’ nghị trường Bình Thuận (TT). – Hàng trăm con lợn bệnh, chết bị vứt bỏ ở khu vực giáp ranh Nghệ An – Thanh Hóa (Infonet). – Hàng trăm tấn rác dạt bãi biển Nha Trang (VNE).

Biến đổi khí hậu khiến đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai (TTXVN). – Liên Hợp Quốc khẩn thiết kêu gọi chấm dứt cuộc chiến với thiên nhiên (Zing). – Khí hậu: Tòa án châu Âu ‘‘ưu tiên’’ xem xét vụ kiện của giới trẻ Bồ Đào Nha (RFI). – New Zealand tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu (VTV). – Moscow trải qua mùa thu ấm nhất từng được ghi nhận (Moscow Times). Mời đọc lại: Chuyện kỳ lạ ở nước Nga: Người dân Moskva đón Giáng sinh không tuyết (TT).

***

Thêm một số tin: Tạm ngừng các chuyến bay thương mại đưa người Việt về nước (VOV). – Cận cảnh cao ốc ‘nhấn chìm’ con đường BT Hà Nội (Infonet). – Công an TP.HCM bắt tổng giám đốc Công ty KingLand (TT). – Nam sinh lớp 11 đánh bạn đến tàn phế lĩnh án tù (ANTĐ). – Raisa Gorbacheva: Người phụ nữ Nga khả ái ‘làm Liên Xô sụp đổ’ (BBC).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên sư cha lũ đảng trí đảng trị, một tay cầm công hàm Phạm văn Đồng, một tay cầm loa phường phản đối Trung Quốc triển khai các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
    Năm tỷ đồng của dân mất trắng vì quân xả lũ lú lẫn giờ ai bồi thường.

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây