Lỗi không phải ở nhà văn

Chu Mộng Long

25-11-2020

Dư luận chửi rủa, đúng hơn là phỉ nhổ vào Hội Nhà văn. Lý do, nhiệm kỳ nào cũng như nhiệm kỳ nào, một đám lổn nhổn, lộn xộn, ồn ào, kể cả thô tục, mất vệ sinh.

Tôi thì thấy bình thường và rất vui. Tôi ghét những đại hội khoa trương khẩu hiệu, cờ hoa, và hình thức trang nghiêm. Những đại hội như vậy thì phải gọi là “đại lễ” chứ không phải “đại hội”. Lễ mới có chuyện báo cáo thành tích để vỗ tay và ngợi ca như ngợi ca thần thánh. Bất cứ sự trang nghiêm nào cũng chỉ là cái vỏ hình thức rỗng tuếch. Cho nên ta hiểu vì sao ở xứ sở gì cũng thần tượng hoá này, các đại hội thường nhạt toẹt, vô vị.

Đại hội Hội Nhà văn đúng nghĩa là hội lớn, ngày hội về thế tục: hội được nói, được ăn, được chơi, được ch*ch và bầu ra chủ ch*ch. Nó phải vui như hội Carnaval của phương Tây mới là đại hội. Tiếc là các quan chức trong Hội Nhà văn vẫn trịnh trọng chào cờ, hát quốc ca và báo cáo thành tích, trong không khí vui nhộn ấy mọi thứ trang nghiêm thành thừa thãi, vì chẳng ai nghe.

Sự bình thường mà tôi nói ở đây là… cái giống nhà văn nó thế! Đòi nhà văn có học, có văn hoá là bất khả. Bởi gốc nhà văn là vô học, vô văn hoá nếu hiểu đầy đủ văn hoá là kiến tạo phản tự nhiên. Nhà văn sống theo bản năng tự nhiên, cho nên thường hồn nhiên đến trần tục. Nhiều nhà văn không có học, thậm chí không cần học, nếu hiểu học là phải đặt chân đến học đường. Thì đấy, giới bình dân có học đâu mà có cả kho tàng văn chương đồ sộ? Đúng nghĩa bình dân phải là thô tục. Tôi dám chắc mảng văn học tục, gồm truyện tiếu lâm, câu đố, ca dao tục có sức sống mạnh mẽ hơn những thể loại trang nghiêm như thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích, anh hùng ca.

Đến lượt nhiều nhà văn tên tuổi cũng có học đâu? M. Gorki, Nguyên Hồng chỉ học ở trường đời. Trần Đăng Khoa làm thơ hay khi chưa đi học, sau đó do học ở Trường Viết văn Nguyễn Du hay Gorki mới làm thơ dở. Còn gọi là tệ nạn thì vô số. Dostoievsky mê cờ bạc và mắc nợ nần, Balzac thì mắc tội loạn luân, Nguyễn Công Trứ hiếp dâm gái quê, Nguyễn Bính bạc tình và nhiều nhà văn Việt Nam trước 1945 nghiện rượu, ma tuý, hát cô đầu và truỵ lạc ở các nhà chứa của phố Khâm Thiên…

Không gì thuộc về con người xa lạ với nhà văn. Lỗi tại các giáo sư, tiến sỹ làm phê bình, do không có đủ tri thức về nhà văn nên cứ tôn vinh nhà văn thành thánh với đủ lời ngợi ca. Học trò và nhiều người tưởng thật, xem nhà văn như là tấm gương về văn hoá nên khi biết sự thật mới sốc. Nhớ năm trước, một giáo sư khoe một đứa học trò viết sách và tặng sách cho mình, rằng “thêm một người nữa bước vào đền thiêng văn học”.

Tôi đọc đến cụm từ “đền thiêng văn học” mà bật cười. Giáo sư gọi văn học rồi phê bình văn học là cái “đền thiêng” để tự phong thánh cho nhà văn và cho mình thì đúng là bị ngáo. Theo tôi, thay vì chê cười Hội Nhà văn, dư luận nên cảm ơn Hội Nhà văn đã có một ngày hội lớn tưng bừng, để phơi mọi thứ trần tục nhất mà hàng ngày nhà văn phải mang chiếc mặt nạ thần thánh để ăn cúng, thực chất là ăn xin…

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Nếu ép nhà văn vào khuôn khổ đạo đức; từ ăn mặc, vệ sinh thân thể, ngôn ngữ, lối sống… đến các quy phạm đào tạo, sinh hoạt ăn ở, giao tiếp, y phục… như trong nhà giòng, tu viện; thì nhân loại chỉ có được toàn những thứ như kinh kệ, sách giáo khoa, tài liệu nghiên cứu, báo cáo, tường trình, diễn văn…

    Thoạt đầu, cứ tưởng ông Chu nói mỉa, cay đắng nửa đùa nửa thật với hội nhà văn xhcn; nhưng đọc hết bài thì ông thật ra đang biện hộ cho nó.
    Mà bản thân tôi cũng thấy ông đúng đến 90%.
    Nghệ thuật cần môi trường tự do tuyệt đối, được phép và tabu. Chất xúc tác cho nghệ thuật là ngẫu hứng, phi quy phạm, phi nguyên tắc và…nhiều thứ “phi” khác…tuỳ theo hoàn cảnh tồn tại của anh/chị “sĩ”: di truyền dòng họ, gia huấn, trình độ văn hoá, bối cảnh xã hội, nhân sinh quan, vũ trụ quan… của cá nhân nhất định.

    Nhà văn, và tất cả các loại “sĩ” như thi, hoạ, kịch và nhất là nhạc…có bao giờ thơm tho nổi; từ quần áo, mồm miệng, tóc tai đến chổ ăn ngủ, ra (drap) giường…kể cả trong các mối quan hệ riêng tư thầm kín, tiền tình…
    Họ bê bối, cẩu thả và buông thả;
    (duy nhất ngoại trừ là ca sĩ, luôn chú trọng bề ngoài, chỉ bề ngoài thôi!)

    Do bản chất công việc không nề nếp, không quy củ; hứng bất chợt và cuốn theo cảm xúc đam mê; kể cả lợi dụng cái đặc trưng đó của nghề nghiệp để tìm khoái cảm, sống bản năng.
    Trà rượu cà phê thuốc lá, và thứ không thể thiếu- đàn bà, là bạn đồng hành của hầu hết các loại “sĩ” nầy.
    (Nhưng nếu vị “sĩ” nầy là một nữ, thì sao?
    Xin bí, và nhường cho cao nhân có ý kiến)

    Tú Xương đã hé phần nào mặt tối dễ thông cảm của đời nghệ sĩ, với bài thơ Ba cái lăng nhăng; và tâm hướng thiện cũng có lúc khiến ông muốn “chừa được cái nào hay cái nấy”, nhưng ý chí thì cũng chỉ “có chăng chừa rượu với chừa trà”.
    Thiên tài âm nhạc Phạm Duy với vấn nạn “đàn bà” như thế nào, ai cũng biết.
    Sự “bất lực” của thiên tài Trịnh lại dẫn đến Rượu, để rồi phải kết thúc đáng tiếc sự nghiệp mới ngoài lục tuần vì bệnh gan.

    Rượu với gan, đàn bà với xì can đan, tiền bạc với lòng tự trọng, chính trị với hèn nhát…luôn là “mùi vị” của loại “dân nghề” nầy.
    Làm sao trách được mắm tôm phải hôi, sầu riêng phải khẳm nếu đem quẹt bôi lên người thay vì cho vào miệng, miễn là “nó” đừng hư hỏng, tha hoá và để cho đời vứt bỏ, khinh miệt vì hư đốn, hết xài nổi!

    (Ngoại lệ có chăng, là nhạc sĩ các bài “Không tên” ở miền Nam trước 1975, vì ông vốn là một tu xuất;
    Trường Sa, Nguyễn văn Đông… là nhạc sĩ nổi tiếng vừa là sĩ quan cấp cao của Quân lực VNCH nên kỷ luật quân nhân có lẽ không cho phép họ sống bê tha (?).
    Và các nhạc sĩ “xhcn, thời chiến tranh 45-75” sống trong cảnh khắc khổ chính trị và kinh tế (?).
    Sản phẩm của họ, do đó, toàn là những hùng ca, tụng ca, tuyên giáo ca, phong trào ca. Bây giờ chỉ có nhà nước xử dụng những tác phẩm đó trong các ngày lễ kỷ niệm chính trị lớn; tuyệt không nghe thấy nữa trên các diễn đàn, sân khấu nghệ thuật. Các vị “sĩ” nầy đã quá cố, hoặc đã là U90, 100… còng lưng mỏi gối, nên họ cũng không thể đua đòi với lũ “sĩ” sau 1975…nay đã bắt chước sống vội đúng mode bốc mùi của chủng loài!)

    • Thật ra,tác giả những bài nhạc “không tên” không phải tu xuất gì cả mà ông ta
      là một tín đồ đạo CG.mới theo sau khi đi tù cải tạo.
      Nhạc sĩ sĩ quan cao cấp ngoài NVĐ.phải kể đại tá Trần Văn Trọng,tức Anh Việt.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây