Thư tổng thống đắc cử Joe Biden giới thiệu tân nội các

Nhã Duy chuyển ngữ

24-11-2020

Đã vài tuần kể từ lần cuối tôi liên lạc với quý vị. Trong thời gian đó, chúng tôi đã gắng sức làm việc để thành lập một nội các thể hiện các giá trị mà chúng tôi đã đưa ra là, hàn gắn sự chia rẽ quốc gia sâu đậm tại quốc nội và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta ở quốc ngoại. Quý vị là một phần không thể thiếu trong nhóm của chúng tôi, vì vậy tôi muốn chia sẻ tin tức đầy phấn khích là tôi đã chọn được nhóm đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các của tôi.

Những người mà tôi công bố hôm nay sẽ là những thành viên quan trọng trong nhóm an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và pháp lý. Họ có đầy kinh nghiệm và đã được thử thách qua các cuộc khủng hoảng. Họ sẽ giữ an toàn và an ninh cho chúng ta. Họ là những cấp lãnh đạo mang chân dung như nước Mỹ và phản ánh niềm tin cốt lõi của tôi rằng, nước Mỹ đang trở lại. Chúng ta sẽ lãnh đạo không chỉ bằng khuôn mẫu của quyền lực, mà bằng quyền lực qua khuôn mẫu của chúng ta. Tôi rất hân hạnh được giới thiệu sáu nhân vật xuất chúng sau đây:

1. Ngoại trưởng Tony Blinken: Tony là một trong những cố vấn tin cẩn nhất của tôi và không ai được chuẩn bị cho chức vụ này tốt hơn anh. Anh từng là Giám Đốc nhân sự của tôi trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi tôi là Thượng nghị sĩ. Anh tiếp tục giữ chức vụ Cố vấn An ninh Quốc Gia cho tôi khi tôi là Phó Tổng thống và là Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama, tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho quốc gia. Tony được những người biết anh nể trọng với các lý do chính đáng. Anh là một nhà lãnh đạo có nguyên tắc và bác ái, trong vai trò nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, anh sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Bộ Ngoại Giao và thể hiện sự hùng mạnh nhất của nước Mỹ khi lãnh đạo bằng những giá trị của mình.

(Bio: Ngoại trưởng Tony Blinken tốt nghiệp Đại Học Harvard và Luật Khoa Columbia, học giả về Đối Ngoại Cao Cấp tại đại học Johns Hopkins. Ông từng là ký giả, tác giả sách, nhà phân tích, bình luận các vấn đề đối ngoại cho tạp chí The New Republic, New York Times và CNN… trước khi tham gia lãnh vực công quyền trong gần 30 năm qua).

2. Bộ trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas: Là con trai trong một gia đình người tị nạn, Ali sẽ là người gốc Latino và di dân đầu tiên lãnh đạo Bộ Nội An. Trong vai trò Thứ trưởng Bộ Nội An dưới thời Tổng thống Obama, anh đã đảm nhiệm việc thực hiện chương trình DACA, gia tăng an ninh mạng và ứng phó trước các thiên tai cùng các hiểm họa y tế cộng đồng như dịch Ebola và Zika. Anh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa lại hệ thống di dân thất bại của chúng ta trong sự am hiểu rằng, việc sống theo các giá trị nhân bản và bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta không loại trừ lẫn nhau mà dưới sự lãnh đạo của anh, chúng sẽ song hành nhau.

(Bio: Bộ trưởng Mayorkas sinh tại Havana, Cuba, tốt nghiệp đại học Berkeley và ĐH Luật Khoa Loyola Law School, từng là chưởng lý trẻ nhất nước Mỹ khi được bổ nhiệm, trước khi trở thành Giám Đốc Sở Di Trú rồi Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp thời TT Obama)

3. Giám đốc Cơ Quan Tình báo Quốc gia Avril Haines: Là một chuyên gia an ninh quốc gia tài ba, Avril là nữ Phó Giám Đốc đầu tiên của cơ quan CIA và giờ đây sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc Gia. Tôi đã làm việc với cô hơn một thập niên. Cô là người xuất chúng và khiêm cung, sẽ luôn thẳng thắn trong công vụ theo cách thể hiện các giá trị chung của chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của cô, cộng đồng tình báo của chúng ta sẽ được hỗ trợ, được tin cậy và trao quyền để bảo vệ nền an ninh quốc gia mà không bị làm suy yếu đi hoặc bị chính trị hóa. Chúng ta sẽ được an toàn hơn nhờ cô ta.

(Bio: Giám đốc Avril Haines tốt nghiệp đại học Chicago và đại học Luật Khoa Georgetown University, học giả đại học Columbia và Johns Hopkins, Phó Ban Pháp Lý Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, cố vấn pháp lý hội đồng an ninh quốc gia trước khi trở thành phó giám đốc cơ quan CIA và trở thành phó cố vấn an ninh quốc gia thời TT Obama)

4. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield: Là một nhà ngoại giao thâm niên 35 năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Thomas-Greenfield là một nhà ngoại giao xuất sắc, được kính trọng và đã từng phục vụ tại bốn châu lục. Lớn lên từ tiểu bang bị phân biệt Louisiana, bà đi theo truyền thống của những nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi là luôn phá bỏ rào cản, cống hiến cả cuộc đời mình cho công quyền và mang quan điểm quyết định cho một vai trò quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong vai trò Đại sứ Liên Hiệp Quốc, Linda sẽ tái phục các mối quan hệ giao hữu và đồng minh của chúng ta, hồi phục lực lượng viên chức ngoại giao và khôi phục uy tín nước Mỹ trên chính trường thế giới.

(Bio: Đại sứ Linda Thomas-Greenfield tốt nghiệp đại học Louisiana, cao học hành chính công quyền tại đại học Wisconsin và tiến sĩ (danh dự) Luật Khoa Wisconsin cùng các chương trình nghiên cứu Châu Phi Học và Ngoại Giao. Bà là cựu đại sứ tại nhiều quốc gia và tổng giám đốc Ngoại Vụ, Giám Đốc Nhân Sự của Bộ Ngoại Giao, quản trị khoảng 70 ngàn nhân viên).

5. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan: Jake là Cố vấn An ninh Quốc gia của tôi khi là Phó Tổng thống và là cố vấn hàng đầu về chính sách đối nội và đối ngoại trong suốt chiến dịch tranh cử của tôi, bao gồm cả chiến lược kiểm soát đại dịch. Không ai hiểu sâu hơn anh về những thách đố đan chéo mà chúng ta đang đối mặt cũng như phương cách bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy một chính sách đối ngoại phù hợp với tầng lớp trung lưu. Anh sẽ là một trong những Cố vấn An ninh Quốc gia trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một trí tuệ xuất chúng và tư cách đĩnh đạc hiếm có trước áp lực đã khiến anh trở thành một lựa chọn lý tưởng cho một trong những công việc khó khăn bậc nhất thế giới.

(Bio: Cố vấn Jake Sullivan tốt nghiệp chính trị học và đối ngoại tại các đại học Yale, Oxford và tiến sĩ Luật khoa tại ĐH Yale, học giả Rhodes, giáo sư bậc hậu đại học tại các đại học Yale, Dartmouth và University of New Hampshire. Ông từng nắm giữ các vai trò giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại Giao, Phó trưởng văn phòng Ngoại trưởng Hillary Clinton trước khi trở thành cố vấn cho Phó TT Joe Biden thời TT Obama)

6. Đặc sứ Tổng thống về Khí Hậu – John Kerry: Ngoại trưởng Kerry chẳng cần phải giới thiệu. Từ việc thay mặt cho Hoa Kỳ để ký Thỏa ước Paris trong tư cách là Ngoại trưởng, đến việc thành lập một liên minh hành động lưỡng đảng về khí hậu cùng các nhà hoạt động khí hậu thuộc thế hệ tiếp nối, những nỗ lực tập hợp thế giới nhằm chống lại biến đổi khí hậu của ông đã được mở rộng và không ngừng nghỉ. Bây giờ, tôi đã mời ông trở lại nội các để đưa nước Mỹ quay lại đúng hướng nhằm giải quyết một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt là cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là vai trò đầu tiên thuộc loại này: vị trí cấp nội các đầu tiên về khí hậu và lần đầu tiên biến đổi khí hậu có một chiếc ghế trong Hội đồng An ninh Quốc Gia. Không có ai thích hợp hơn ông để đối phó nó vào thời điểm này.

(Bio: Đặc Sứ John Kerry tốt nghiệp Đại Học Yale và ĐH Luật Khoa Boston, cựu Đại Úy Hải Quân Hoa Kỳ. Ông từng nắm vai trò Phó Thống Đốc Massachusetts trước khi đắc cử Thượng Viện sáu nhiệm kỳ và trở thành Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, là ứng viên tổng thống và là Ngoại trưởng thời TT Obama)

Nhóm thành viên nội các này sẽ sẵn sàng đương đầu với các thách thức lớn nhất của quốc gia chúng ta ngay ngày đầu tiên, một điều rất quan trọng vì không thể trì hoãn phút giây nào khi nói đến vấn đề an ninh quốc gia. Khi đưa những nhân vật lỗi lạc này vào nội các của mình, tôi hy vọng thông điệp của tôi to và rõ ràng rằng: Nước Mỹ đang trở lại. Và nước Mỹ sẵn sàng để lãnh đạo.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Bài thấy trên Facebook: Cách hành xử của những người trong chính quyền Trump tệ hơn những đứa con nít!

    Mình xin nhắc lại các mốc thời gian qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để mọi người so sánh với bầu cử 2020 và cuộc chuyển giao quyền lực sau hai kỳ bầu cử.

    BẦU CỬ NĂM 2016: KHI TRUMP THẮNG, ĐÃ ĐƯỢC CLINTON VÀ OBAMA ĐỐI XỬ THẾ NÀO?

    Bầu cử diễn ra hôm thứ Ba, ngày 8/11/2016, giữa hai ứng viên Trump – Clinton. Chỉ vài tiếng sau khi các phòng phiếu đóng cửa, ngay trong đêm 8/11/2016, hãng tin AP đã công bố Trump là tổng thống đắc cử. Trong buổi sáng 9/11/2016, hầu hết các hãng truyền thông đã công bố Trump đắc cử tổng thống.

    Khoảng 2h30′ sáng ngày 9/11/2016, tức chỉ vài tiếng sau khi các phòng phiếu đóng cửa, khi biết Trump thắng bang Wisconsin, đủ 270 phiếu đại cử tri, bà Clinton gọi phone chúc mừng Trump, thừa nhận thất bại. Trump chúc mừng bà Clinton đã có một chiến dịch tranh cử vất vả và ông ta hứa sẽ trở thành “tổng thống cho tất cả người Mỹ”.

    Bà Kellyanne Conway, người phụ trách chiến dịch tranh cử của Trump cho biết sau đó, rằng: “Họ đã có một cuộc trò chuyện khoảng một phút, rất vui vẻ và nồng nhiệt, ông ta khen bà là người thông minh, cứng rắn và đang điều hành một chiến dịch chiến đấu hết mình”. Xem thêm tại đây: https://www.theguardian.com/us-news/2016/nov/08/presidential-election-updates-trump-clinton-news

    Khoảng 11h40′ ngày 9/11/2016, chưa đầy nửa ngày sau khi bầu cử kết thúc, bà Clinton đã có bài phát biểu tại một khách sạn ở Manhattan, thừa nhận thất bại. Bà nói với những người ủng hộ mình: “Chúng ta phải chấp nhận kết quả này … Donald Trump sẽ trở thành tổng thống của chúng ta … chúng ta nợ ông ấy một tư duy cởi mở và cơ hội lãnh đạo”. Toàn văn bài phát biểu khoảng 1.200 từ, chấp nhận thua cuộc của bà Clinton tại đây: https://www.cnn.com/2016/11/09/politics/hillary-clinton-concession-speech/index.html

    Cũng buổi sáng 9/11/2016, tổng thống Obama có bài phát biểu về chiến thắng của Trump, trong đó Obama gọi Trump là “President-elect” và chúc mừng Trump thắng cử. Ông Obama nói sẽ mời Trump vào tòa Bạch Ốc ngày mai (ngày 10/11/2016, tức là chưa tới hai ngày sau khi bầu cử kết thúc) để bảo đảm rằng cuộc chuyển giao quyền lực thành công giữa hai nhiệm kỳ tổng thống.

    Toàn bộ bài nói chuyện của ông Obama ngày 9/11/2016, chúc mừng Trump và nói về việc chuyển giao quyền lực tại đây: https://www.washingtonpost.com/news/the-fix/wp/2016/11/09/transcript-president-obamas-remarks-on-donald-trumps-election/

    Cũng trong ngày 9/11/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong nội các Obama đã chính thức ra lệnh cho nhân viên của ông thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Đây là memorandum của Bộ trưởng Carter gửi cho tất cả nhân viên Bộ Quốc phòng: https://twitter.com/PentagonPresSec/status/796384111363555332

    CBS News đưa tin, trong ngày 9/11/2016, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) đã ra lệnh xuất quỹ chi cho quá trình chuyển đổi tổng thống. Còn đây là thông báo của Văn phòng Báo chí chính phủ Obama ngày 10/11/2016: “Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao suôn sẻ sang cơ quan quản lý tiếp theo”: https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2016/11/10/fact-sheet-facilitating-smooth-transition-next-administration

    Ngày 10/11/2016, chưa đầy hai ngày sau khi bầu cử kết thúc, Tổng thống Obama mời Trump vào tòa Bạch Ốc. Tại đó, Obama và Trump có một buổi họp mặt thân mật, kéo dài 90 phút tại phòng bầu dục. TT Obama nói với Trump: “Tôi muốn nhấn mạnh với ông, Tổng thống đắc cử, rằng chúng tôi hiện muốn làm mọi thứ có thể để giúp ông thành công bởi vì nếu ông thành công, thì đất nước sẽ thành công”. Chi tiết tại đây: https://www.nytimes.com/2016/11/11/us/politics/white-house-transition-obama-trump.html

    Trong ngày 10/11/2016, Phó Tổng thống Joe Biden đã mời Mike Pence vào tòa Bạch Ốc. PTT Biden tweet hôm đó: “Tôi vừa gặp Phó TT đắc cử Pence tại tòa Bạch Ốc và đề nghị hỗ trợ cho quá trình chuyển giao quyền lực êm thắm”. Ông Biden tweet tại đây: https://twitter.com/VP44/status/796853101978390532

    Trong ngày hôm đó, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đã gặp Melania Trump. Đài CBS đưa tin này tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=bux3hGm_wd4

    Ngày 11/11/2016, ba ngày sau bầu cử, ông Obama có chuyến công du ở các nước Hy Lạp, Đức, Peru… Trong chuyến đi này, ông đã giúp chuẩn bị cho các đồng minh sẵn sàng làm việc với Trump. AP đưa tin tại đây: https://apnews.com/article/7759c9d17cf34c2db5ce83102076816d

    Cũng trong ngày 11/11/2016, Trump chỉ định Chris Collins làm người đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực. Thông tin tại đây: https://news.wbfo.org/post/chris-collins-named-trumps-transition-team

    Ngày 13/11/2016, năm ngày sau ngày bầu cử, Trump bổ nhiệm Reince Priebus làm Chánh Văn phòng tòa Bạch Ốc và Steve Bannon làm chiến lược gia trưởng của Trump. Báo Guardian đưa tin tại đây: https://www.theguardian.com/us-news/2016/nov/13/stephen-bannon-reince-priebus-donald-trump-white-house-staff

    Ngày 14/11/2016, sáu ngày sau ngày bầu cử, Trump đòi “security clearance” cho mấy đứa con của ông ta, yêu cầu các quan chức tòa Bạch Ốc xem xét việc cho phép con cái ông ta có được quyền miễn trừ an ninh tối mật: Ivanka, Donald Jr. và Eric… NBC News đưa tin: https://www.cbsnews.com/news/trump-team-seeks-top-secret-security-clearances-for-trump-children/

    Ngày 17/11/2016, chín ngày sau ngày bầu cử, Trump đã gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Trump Tower: https://www.nytimes.com/2016/11/18/us/politics/donald-trump-after-fits-and-starts-focuses-on-foreign-policy.html

    Ngày 18/11/2016, mười ngày sau ngày bầu cử, Trump đã bổ nhiệm Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp. CBS đưa tin: https://twitter.com/CBSThisMorning/status/799584566654607360

    BẦU CỬ NĂM 2020: KHI TRUMP THUA, ÔNG TA ĐÃ ĐỐI XỬ VỚI BIDEN RA SAO?

    Bầu cử năm 2020, diễn ra hôm thứ Ba, ngày 3/11/2020, giữa Biden vs Trump. Do bầu cử diễn ra trong đại dịch, hàng chục triệu cử tri đã bỏ phiếu bằng thư, nên kết quả kiểm phiếu chậm hơn so với những lần bầu cử trước đây.

    Trong khi mỗi bang còn cả triệu phiếu bầu chưa kiểm, khoảng 1h sáng 4/11/2020, Trump tự tuyên bố thắng cử. Đến sáng 7/11/2020, khi đã có kết quả chắc chắn, hầu hết các hãng truyền thông gọi tên người thắng cử là Joe Biden.

    Trump không thừa nhận thất bại, không thực hiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, tuyên bố sẽ kiện tụng lên Tối cao Pháp viện, dù TCPV không phải là nơi phân xử thắng – thua trong cuộc bầu cử tổng thống, mà chỉ có lá phiếu của người dân mới quyết định. Cho tới bây giờ, Trump đã thực hiện hơn 30 vụ kiện ở các cấp tòa án tiểu bang và liên bang, nhưng hầu hết đều thua. Chẳng có vụ kiện nào lên tới TCPV.

    Trump liên tục tweet thông tin sai lệch, rằng ông ta thắng cử và không chịu chuyển giao quyền lực. Sau bầu cử năm ngày, ngày 8/11/2020, Trung tâm Chuyển giao quyền lực Tổng thống phi đảng phái đã đưa ra một tuyên bố, thúc giục Trump thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực. Tin tại đây: https://presidentialtransition.org/publications/message-from-the-center-advisory-board/

    Trong ngày 8/11/2020, Melania Tweet: “Người dân Mỹ xứng đáng được bầu cử công bằng. Mọi phiếu bầu hợp pháp – không phải bất hợp pháp – nên được tính. Chúng ta phải bảo vệ nền dân chủ của mình với sự minh bạch hoàn toàn”: https://twitter.com/FLOTUS/status/1325509832594616328

    Ngày 10/11/2020, một tuần sau ngày bầu cử, Ngoại trưởng Mike Pompeo trong nội các của Trump, tại một cuộc họp báo, ông ta nói về việc chuẩn bị cho “Chính quyền Trump nhiệm kỳ hai”. Bài nói chuyện của Pompeo đã được Trump ca ngợi. Chi tiết tại đây: https://www.businessinsider.com/pompeo-smooth-transition-2nd-trump-administration-joke-video-2020-11

    Ngày 12/11/2020, chín ngày sau ngày bầu cử, Bộ Ngoại giao của Trump vẫn chưa chịu cho Biden tiếp cận các thông điệp chúc mừng từ các nhà lãnh đạo thế giới. CNN đưa tin tại đây: https://edition.cnn.com/2020/11/11/politics/state-department-biden-messages/index.html

    Ngày 16/11/2020, tức 13 ngày sau ngày bầu cử, Biden cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Trump và chính quyền của ông ta tiếp tục từ chối phối hợp với nhóm chuyển tiếp của Biden về đại dịch, kế hoạch phân phối vaccine và chặn các báo cáo thông tin tình báo. Biden nói: “Có thể sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta không phối hợp”. https://www.journalgazette.net/news/politics/20201117/biden-lack-of-transition-could-cost-lives

    Ngày 17/11/2020, đúng hai tuần sau ngày bầu cử, Trump vẫn ngăn cản nhóm chuyển tiếp của chính quyền Biden và Harris tiếp cận thông tin tình báo. Trong ngày này, hai người bắt đầu nhận thông tin tình báo, nhưng không phải từ các quan chức chính quyền Trump, mà từ các chuyên gia ngoại giao, tình báo và quốc phòng: https://www.nbcnews.com/politics/politics-news/biden-harris-receive-national-security-briefing-not-gov-t-officials-n1247970

    Ngày 18/11/2020, các bác sĩ hàng đầu của Mỹ thúc giục Trump hợp tác với Biden, chia sẻ dữ liệu COVID-19 ‘để cứu vô số mạng người’: https://www.businessinsider.com/medics-urge-trump-to-share-covid-19-data-with-biden-2020-11

    Cố vấn về Covid của Biden nói rằng, nhiều người ‘sẽ bị nhiễm bệnh và chết’ nếu Trump trì hoãn quá trình chuyển tiếp lâu hơn: https://www.cnbc.com/2020/11/19/coronavirus-biden-covid-advisor-says-more-people-will-get-infected-and-die-the-longer-trump-delays-transition-.html

    Mãi đến ngày 23/11/2020, tức 20 ngày sau ngày bầu cử, Chính quyền Trump mới chịu chuyển giao quyền lực. Cơ quan GSA thông báo cho Joe Biden, rằng chính quyền Trump sẵn sàng bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông, nhưng Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại: https://www.nytimes.com/live/2020/11/23/us/joe-biden-trump

    Cho đến hôm nay, ngày 24/11/2020, đúng 3 tuần sau ngày bầu cử, Trump vẫn chưa thừa nhận thua cuộc, vẫn chưa gặp mặt hay gọi phone cho Biden. Cả Mike Pence cũng chưa gặp mặt Harris, Melania vẫn không liên lạc với bà Jill. Đến hôm nay, chính quyền chuyển tiếp của Biden – Harris vẫn chưa có được “full access” vào những thứ cần thiết.

    Có thể nói, cách hành xử của Trump và chính quyền Trump tệ hơn những đứa con nít. Dù có thua thì cũng nên thua trong danh dự, thua như những người tiền nhiệm của mình: Hillary Clinton, Mitt Romney, John McCain…

    Họ đã thừa nhận thua cuộc, có bài phát biểu chúc mừng và kêu gọi cử tri của họ ủng hộ đối phương, cùng chung tay lo cho nước Mỹ, thay vì thua cuộc mà hành xử như những đứa con nít, không đáng mặt đàn ông, nói chi tới tổng thống Mỹ.

    Nước Mỹ đang làm trò cười cho thế giới, vì Trump mà hàng trăm triệu người dân Mỹ cảm thấy nhục như thế này. Ông có cảm thấy nhục không Trump?!

    ***
    Rất nhiều “bình luận gia” trong và ngoài nước viết bài bình luận về bầu cử tổng thống Mỹ 2020, về chuyện công bố người thắng cử phải ra sao, quy trình chuyển giao quyền lực phải như thế nào, hay Cơ quan quản lý Dịch vụ (GSA) nên làm gì…

    Đọc các bài viết của họ, có thể nhận ra điều này: Ngoài lần bầu cử này, có lẽ họ chưa từng theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, chưa từng quan sát các cuộc chuyển giao quyền lực trước đó bao giờ. Họ cũng không biết Tối cao Pháp viện có vai trò gì trong trong chuyện bầu cử, nhưng họ phán như thể họ là các chuyên gia pháp lý ở Mỹ.

    Đây là bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân, được một người quen gửi cho mình lúc nãy: https://www.facebook.com/hksanh/posts/3651441984914835

  2. Sao lại phải vội vàng vậy. Sợ vụt bay mất cơ hụi à. Đúng là kẻ tham. Gắng chờ tí xíu chờ phán quyết nhen.

    • Nghiemnv: Nếu không biết thì nên im lặng lắng nghe, thay vì mở miệng ra cho người ta nói mình ngu hoặc vô cảm. Ông có biết nước Mỹ đang bị đại dịch hoành hành, mỗi ngày có 1000-2000 người chết, có ngày hơn 200.000 người bị dính coronavirus? Tên tổng thống đương nhiệm thì bỏ chống dịch mấy tháng, chỉ lo vân động bầu cử, bầu cử xong thì đi đánh golf, nước Mỹ dân chết la liệt, chậm chuyển giao 1 ngày, tức là thêm 1000-2000 người chết vì bệnh dịch, vaccine đã sản xuất, cần sự chỉ đạo, phân phối, vaccine chậm là thêm người chết, ông hiểu chưa?

        • nghiemnv: Chỉ có những người không có não mới nói rằng ai đó có thể “giải quyết cái rụp” coronaviurs. Không ai có thể tiêu diệt virus, cho dù vaccine cũng chỉ có thể ngừa 90-95%, mà vaccine đang được bào chế, chưa người nào được tiếp cận. Đó là lý do cần có người của chính phủ điều hợp, phân phối.

          Với 330 triệu dân Mỹ, rất nhiều việc chính quyền Biden cần làm trước khi vaccine được chuyển tới người dân. Hiện Mỹ chỉ mua 100 triệu liều (vì sản xuất không đủ), trong số này, ai sẽ là người được tiêm trước, tiêm sau? Nhóm first responders như bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện? Người già? Người có sẵn các căn bệnh khác dễ chết hơn? Trẻ em?…

          Hàng trăm việc đang cần chính phủ thực hiện ngay lúc này, mà Trump không làm việc, để cho dân Mỹ chết tràn lan. Hôm qua Mỹ có gần 2.200 người chết, hơn 175 triệu ca nhiễm. Một tổng thống vô trách nhiệm, dân Mỹ phải trả giá bằng mạng sống. Chỉ có hạng người nào mới bênh vực được cho tay tổng thống tồi tệ như thế này.

Leave a Reply to Ít nói Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây