“Biết nghi ngờ, truy nguồn gốc và tự đánh giá” (Phần 2)

Phạm Lê Vương Các

17-11-2020

Tiếp theo Phần 1: Cách kiểm chứng thông tin

Phần 2: Phương pháp đánh giá sự việc gây tranh cãi, khó kiểm chứng thông tin

Trên thế giới thường xuyên có những vấn đề chính trị xã hội gây tranh cãi, nằm ngoài sự chứng kiến thường thấy của các bạn ở Việt Nam, chẳng hạn như phong trào Black Lives Matter (BLM) hay Antifa tại Mỹ, với hai luồng thông tin hoàn toàn trái ngược nhau.

Để đánh giá về các phong trào như vậy là điều rất khó khăn giữa một rừng thông tin hỗn độn. Đồng thời, tiếng nói từ giới chức chính trị về phong trào này cũng đối lập nhau. Hai ông ứng viên tổng thống Mỹ, ông đang đương chức thì nói đây là đám “khủng bố và bạo loạn”. Còn ông kia thì quỳ xuống, thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ cho phong trào này. Vậy bạn nên tiếp cận như thế nào trước những luồng thông tin như vậy, biết tin ai đây?

Tôi rất thận trọng trong việc đưa ra các đánh giá về phong trào này. Tôi lo ngại kiến thức và thông tin hạn hẹp của mình là không đủ để nhận định sáng suốt về một phong trào rộng lớn. Vì vậy, tôi đã xử lý việc này bằng một phương pháp đơn giản, đó là: “Lắng nghe các chuyên gia”.

Tôi chọn các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc, những người mà tôi tin họ có đủ chuyên môn, sự công tâm và tính chính trực. Tôi muốn nghe những chuyên gia nhân quyền hàng đầu của thế giới, đang phục vụ chuyên môn của họ cho Liên Hợp Quốc trong tư cách độc lập và phi chính trị, đánh giá như thế nào về các phong trào này.

Tôi truy cập trang web Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc, tìm đọc những báo cáo và tuyên bố của họ về phong trào này. Rất nhiều tài liệu của LHQ nói đến phong trào này, nhưng đều thống nhất ở điểm, cùng lên án sự quy chụp của chính quyền Donald Trump cho các phong trào này là khủng bố hay bạo loạn.

Theo các chuyên gia LHQ, sự dán nhãn khủng bố của Trump gây ra mối đe dọa lớn về sự an toàn cho những người biểu tình, cũng như làm suy yếu quyền tự do ngôn luận, biểu tình và hội họp. Các chuyên gia khuyến nghị chính quyền Hoa Kỳ cần tách bạch xử lý những người bạo loạn thay cho việc dán nhãn lên cả phong trào.

Chẳng hạn như các tài liệu sau:

– Chuyên gia LHQ về quyền tự do hội họp và lập hội, sau khi thực hiện chuyến thăm Hoa Kỳ vào năm 2016 đã đệ trình báo cáo, nhận định như sau:

Phong trào Black Lives Matter chỉ đơn giản là một sự khẳng định lại rằng, cuộc sống của người da đen thực sự có vấn đề, khi đối mặt với một cấu trúc làm mất giá trị và phá hủy nó một cách có hệ thống, kéo dài hàng trăm năm. Đó không phải là việc đòi cấp cho người Mỹ gốc Phi địa vị hay đặc quyền. Nó nói về một cộng đồng liên tục tìm cách nâng cao vị thế bản thân được ngang bằng như những người khác“.

– Một tuyên bố khác, các chuyên gia Liên Hợp Quốc lên án chính quyền Trump đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa vừa qua ở Mỹ:

Và đây nữa, chuyên gia LHQ chỉ trích chính quyền Mỹ dán nhãn khủng bố lên Antifa và những người biểu tình.

***

Từ một số tài liệu nêu trên để bạn thấy rằng, ở Mỹ cũng như Việt Nam, hãy thật sự cẩn trọng trước các thông tin quy chụp từ giới chức chính trị đương quyền, cũng như các thông tin trôi nổi nhằm đả phá vào các phong trào xã hội đang tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.

Qua đây, điều thứ nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trong phần 2 của loạt bài viết này, khi đứng trước các hiện tượng bất thường của xã hội, mà bạn không đủ thông tin hay chuyên môn để đánh giá, phương pháp đơn giản nhất là lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia độc lập có uy tín. Khi bạn đưa ra quan điểm của mình công khai, cố gắng bám vào các văn bản có sức nặng pháp lý từ các chuyên gia.

Điều thứ hai, khi bạn ủng hộ hay chống đối một chính trị gia, hay một phong trào xã hội, nó cần đảm bảo quyết định này được đưa ra bởi sự soi xét từ lý tính, chứ không phải chạy theo số đông, hay bởi thông tin trôi nổi không thể kiểm chứng từ trên mạng.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói sâu hơn, là thái độ chúng ta đối với các nhà lãnh đạo chính trị. Nếu Trump nói BLM và Antifa là những kẻ khủng bố và bạo loạn, mà bạn không chút hoài nghi, chỉ đơn giản vì bạn là người ủng hộ Trump, thì bạn đang tự biến mình thành một “kẻ bề tôi” chứ không phải là một công dân ở đất nước.

Với thái độ như vậy, bạn sớm trở thành một công cụ chính trị để sai khiến thay vì cần yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị phục vụ và đi theo đường lối của bạn. Nền dân chủ của một quốc gia có thể bị lụi tàn và phải nhường chỗ cho các thế lực độc tài lên ngôi cũng bởi có quá nhiều “kẻ bề tôi” như vậy.

Một sự kiện gần đây phản ánh cho điều này, những người lãnh đạo phong trào BLM gửi thư cho Biden để đề nghị được tham gia vào chương trình nghị sự của nhóm Biden trong việc hoạch định một số chính sách sắp tới. Sự kiện này được những trang tin bất hảo “phò Trump” diễn giải là BLM muốn được “chia phần”, muốn được “trả thưởng” sau khi Biden thắng cử. Cách hiểu như vậy là thể hiện sự mông muội chính trị của những kẻ mang tâm thức bề tôi.

BLM đang làm một điều mà bất kỳ một nhà hoạt động dân chủ hay một phong trào xã hội nào cũng phải cần học hỏi. Đó là, biết chủ động tìm cách tham gia vào các chương trình nghị sự của chính quyền mới để cùng thảo luận và hoạch định chính sách tương lai. Rõ ràng, BLM muốn tham gia xây dựng một đường lối và tác động đến những người lãnh đạo mà họ bầu chọn không được đi chệch hướng trước những cam kết đã đưa ra. Việc làm này không chỉ thể hiện cho sức mạnh của nền dân chủ ở một quốc gia mà còn thể hiện cho sức mạnh của công dân trước chính quyền.

Đáng tiếc là, tôi chỉ thấy “sức mạnh công dân” từ BLM mà chưa thấy được điều này ở những người ủng hộ Trump. Trái lại, sự thụ động này tạo điều kiện cho Trump vẽ ra con đường để những người ủng hộ ông ta chỉ cần đi theo, và cần biết xù lông trước những chỉ trích nhắm vào ông ta. Trump dẫn dắt công chúng cảm tính vào lối suy nghĩ cực đoan và khơi dậy sự thù ghét. Trump muốn làm nhiều hơn nữa bằng cách “Trump hóa” đảng Cộng Hòa. Bất kể ai bất đồng với ông ta, chắc bạn thừa biết ông ta sẽ làm gì.

Trump không quá khó đoán bởi ông ta quá cá nhân và duy ý chí. Ai ủng hộ và làm lợi cho sự nghiệp chính trị của mình thì ông ta sẽ tán thưởng và cổ vũ, còn ai làm điều ngược lại, ông ta không ngần ngại chửi bới một cách công khai, bất kể họ đã từng sát cánh cùng ông ta, bất kể họ đứng trên giá trị gì.

Như hôm qua, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rằng các lãnh đạo đảng Cộng hòa nên giải thích với cử tri của họ rằng, Trump đã thua trong cuộc bầu cử và những tuyên bố gian lận bầu cử của Trump là vô căn cứ, thì ông ta lên Twitter mạt sát nguyên văn thế này:

John Bolton là một trong những người ngu xuẩn nhất trong chính phủ mà tôi ‘hân hạnh’ được làm việc chung. Là một thằng ủ rũ, buồn tẻ và ít nói, anh ta chẳng làm thêm được gì có lợi cho An ninh Quốc gia ngoại trừ nói rằng: ‘Được rồi, hãy bắt đầu chiến tranh’. Ngoài ra, anh ta còn công bố bất hợp pháp nhiều thông tin mật. Thật sự là một thằng đần!

Trump mạt sát ông John Bolton trên twitter. Ảnh: internet

Những lời lẽ như vậy của Trump giờ không còn là bất ngờ đối với công chúng. Rõ ràng, Trump đã bị hỏng về tâm thức và văn hóa chính trị. Đáng tiếc, cái hỏng của Trump được cổ súy và phò trợ bởi một lực lượng truyền thông mạng bất hảo, biến nó thành thế mạnh được xây dựng dựa trên các thông tin sai lệch.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Một người y tá tên Jodi Doering ở một phòng ICU tiểu bang South Dakota cho biết một số bệnh nhân bị covid-19, trong đó có những người sắp chết vì bệnh này, nhưng họ vẫn không tin covid-19 là có thật. Điều này cho ta thấy tâm lý con người không dễ gì thay đổi một khi họ đã tin mạnh mẽ vào một điều gì. Việc “biết nghi ngờ, truy nguồn gốc và tự đánh giá” nguồn tin chỉ thực tế với những người có suy nghĩ, lý luận và quan trọng hơn hết căn bệnh hoang tưởng bẩm sinh của họ không quá mạnh để lấn áp lý trí của họ.

  2. Nước Mỹ giờ đang giống như là Bôn sè vích và Men sê vích, nếu cứ tiếp tục, cuối cùng là XHCN AMERIKAN. Có những điều ông thích nhưng người khác không thich và ngược lại, cũng có những chuyện người này cho rằng không quan trọng, và nói nhẹ hều về nó, nhưng người khác lại quan trọng và quan trọng hoá. Biết làm sao được, phải biết cách tôn trọng người khác và đừng tôn cái tôi của mình lên quá.

  3. Trích: “BLM đang làm một điều mà bất kỳ một nhà hoạt động dân chủ hay một phong trào xã hội nào cũng phải cần học hỏi. Đó là, biết chủ động tìm cách tham gia vào các chương trình nghị sự của chính quyền mới để cùng thảo luận và hoạch định chính sách tương lai. Rõ ràng, BLM muốn tham gia xây dựng một đường lối và tác động đến những người lãnh đạo mà họ bầu chọn không được đi chệch hướng trước những cam kết đã đưa ra. Việc làm này không chỉ thể hiện cho sức mạnh của nền dân chủ ở một quốc gia mà còn thể hiện cho sức mạnh của công dân trước chính quyền.”

    Ý kiến:
    – Cũng có ý kiến nói rằng BLM chỉ “hệ ý tưởng” nào đó mà thôi chứ không phải là mợt tổ chức. Thế mà:
    1- Họ biết chủ động tìm cách tham gia vào chương trinh nghị sự của chính quyền mới.Họ là một phần của chính quyền mới?
    2- BLM muốn tham gia xây dựng một đường lối tác động đến người lãnh đạo đã bầu ra không đi chệch hướng trước những cam kết!
    – Chỉ BLM bầu ra chính quyền mới ư? Ai cam kết với BLM và cam kết những gì?
    3- Hành vi của BLM là thể hiện sức mạnh của công dân trước chính quyền?
    – Hình như có gì đó không rõ ở đây. Nó thể hiện sức mạnh BLM với chính quyền thì rõ hơn. Họ tấn công những người thế cô đơn lẻ ủng hộ Trump. Những người ủng hộ Trump rất hiền hòa không hể tấn công BLM

    Kết luận:
    – BLM không phải là một hệ ý tưởng nào đó mà là một tổ chức rất chặt chẽ. Họ tự cho họ rất nhiều quyền, kể cả quyền “chỉnh” cho những người mà họ bầu ra không đi chệch hướng.Nên nhớ họ rất ít và không chỉ là họ mới bầu ra chính quyền mới.Dân Mỹ bầu tổng thống của họ và chỉ có họ BLM đòi “tham chính”. ” Hệ ý tưởng” gì mà lắm quyền đến thế.
    – Ai là người cam kết với họ BLM cái gì mong ông hay bà tác giả nói thật rõ được không?

Leave a Reply to Giao Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây