Liệu Obamacare có hợp hiến hay không?

Lê Hồng Giang

11-11-2020

Hôm qua Tối cao Pháp viện (SCOTUS) bắt đầu xử một vụ kiện vô cùng quan trọng với nước Mỹ. Không, đó không phải vụ kiện liên quan đến bầu cử/kiểm phiếu mà là liệu Obamacare có hợp hiến hay không. Đây không phải lần đầu SCOTUS phán xét vấn đề này, và chắc cũng không phải lần cuối.

Trước hết tôi sẽ tóm tắt lại những nguyên lý căn bản của Obamacare cho những ai chưa thực sự hiểu nó là gì và tại sao phe Cộng Hòa “thù ghét” nó như vậy dù hàng triệu người Mỹ đã có bảo hiểm y tế nhờ nó. Tâm điểm của Obamacare nằm ở 2 từ “pre-existing conditions”.

Trước khi Obamacare ra đời, một nghiên cứu của Kaiser Foundation cho rằng, có trên 50 triệu người trưởng thành ở Mỹ không có bảo hiểm y tế vì “pre-existing conditions”. Nghĩa là các hãng bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho họ, do họ đã mắc một căn bệnh nào đó hoặc chỉ đồng ý bán với phí bảo hiểm quá cao nên họ không có khả năng mua.

Rất nhiều đời tổng thống Mỹ muốn giải quyết vấn đề này nhưng nó không hề dễ trong một xã hội tôn sùng quyền tự do như Mỹ. Ngay cả khi muốn repeal Obamacare, đảng Cộng Hòa vẫn phải hứa sẽ có giải pháp cho “pre-existing condition”, Trump trong lúc tranh cử cũng hứa như vậy dù không thể đưa ra chính sách cụ thể sẽ làm thế nào nếu không áp dụng các nguyên tắc của Obamacare.

Vậy các nguyên tắc đó là gì? Thứ nhất, dễ nhất, là buộc các hãng bảo hiểm phải sử dụng “community rating“. Nghĩa là phí bảo hiểm chỉ được tính dựa vào rủi ro trung bình của một cộng đồng (một khu vực địa lý, một nhóm tuổi, nhóm ngành nghề…) chứ không được dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân trong cộng đồng đó. Một người đầy bệnh tật có thể mua bảo hiểm với giá rẻ nếu anh ta sống trong một cộng đồng khỏe mạnh ít rủi ro. Thực ra đây là nguyên tắc căn bản của ngành bảo hiểm nhưng phe Cộng hòa cho rằng như vậy là can thiệp quá đáng vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng đây chưa phải là điểm mà họ căm ghét nhất.

Nếu bắt buộc các hãng bảo hiểm phải thực hiện “community rating” thì có khả năng họ sẽ bị tình trạng “adverse selection“, nghĩa là chỉ những người nào ốm yếu/ có bệnh sẵn mới đi mua bảo hiểm còn những người khỏe mạnh sẽ không mua. Do vậy trụ cột thứ hai của Obamacare là “individual mandate“, nghĩa là bắt buộc tất cả mọi công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế. Điều này giúp tránh tình trạng “adverse selection” nói trên và cũng là cách để giảm mặt bằng chi phí bảo hiểm. Đây là tâm điểm thù ghét của phe Cộng hòa, rất nhiều người cho rằng như vậy nhà nước đã can thiệp vào quyền tự do cá nhân. Mua hay không mua bảo hiểm y tế là quyền của tôi, tại sao nhà nước lại bắt tôi phải làm một điều tôi có thể không muốn/ không cần? Tôi có quyền được chết vì không có bảo hiểm y tế chứ?

Trụ cột thứ ba của Obamacare là hệ quả của “individual mandate”. Nếu một người không mua bảo hiểm thì sẽ bị phạt, thông qua hệ thống thuế (tax return). Hiển nhiên nếu không có chế tài này thì vấn đề “adverse selection” không thể giải quyết được, sẽ chẳng ai thực hiện “individual mandate” nếu không/ít (có rủi ro) bệnh tật.

Nhưng những người nghèo, thất nghiệp không có tiền mua bảo hiểm dù rẻ thì sao, họ có bị đóng phạt không? Obamacare giải quyết vấn đề này bằng cách mở rộng Medicare và Medicaid, hai hệ thống trợ giúp y tế cho người nghèo/già của Mỹ, để trợ giá cho những ai không đủ tiền mua bảo hiểm. Để có ngân quĩ cho việc trợ giá này, Obamacare đánh thuế thêm lên tầng lớp người giàu. Tất nhiên đây lại là một dạng “income redistribution” mà phe Cộng hòa luôn luôn căm ghét. Rất nhiều người phản đối tại sao tôi lại phải “trả tiền” bảo hiểm y tế cho bọn lười biếng đó.

Ngay sau khi Obamacare có hiệu lực, phe CH đã kiện tính hợp hiến của “individual mandate” ra tòa và cuối cùng lên đến SCOTUS. Năm 2012 John Roberts bỏ lá phiếu “phản thùng” của mình hùa theo 4 thẩm phán liberal để giữ lại Obamacare (Amy Barrett lúc đó đã phê phán quyết định này của Roberts). Năm năm sau John McCain bỏ lá phiếu quyết định chống lại dự luật repeal Obamacare của Trump, cứu nó trong gang tấc. Làn sóng xanh trong kỳ midterm 2018 có nhiều lá phiếu của hơn 20 triệu người có được bảo hiểm y tế nhờ Obamacare. Năm nay phe Biden/Harris cũng được hưởng lợi từ những lá phiếu này, đã vận động tranh cử trên cơ sở giữ và mở rộng Obamacare.

Lần xử này SCOTUS sẽ lại xem xét trụ cột “individual mandate”. Sau khi thất bại trong việc repeal Obamacare, Trump đã dùng quyền tổng thống giảm số tiền phạt xuống $0 để xóa “individual mandate” trên thực tế. Và đây là cơ sở để phe Cộng hòa kiện lần này bởi lần trước John Roberts đã lập luận rằng “individual mandate” với chế tài phạt tiền tương đương với “taxation power” mà hiến pháp Mỹ cho phép chính quyền liên bang thực hiện, bởi vậy nó không vi hiến. Lần này phe Cộng hòa lập luận bởi số tiền phạt là $0 nên nó không còn là tax nữa, cho nên “individual mandate” vi hiến.

Hiện tại Roberts và Kavanagh có thể sẽ ngả theo phe liberal bởi ảnh hưởng hủy bỏ Obamacare sẽ quá lớn. Họ không muốn làm thay việc cho phe Cộng hòa khi mà chính phe này đã không thể repeal được nó khi nắm cả Quốc hội lẫn Chính phủ.

Đến đây tôi để các bạn tự đánh giá về Obamacare, tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét là ở gần như tất cả các nước phương Tây (Anh, Pháp, Canada, Ý, Úc, New Zealand, Nhật) hệ thống y tế và bảo hiểm y tế còn “thiên tả” hơn rất nhiều Obamacare, nhưng không ai nói những nước này ít tự do hơn Mỹ, không ai nói hệ thống y tế của họ kém hơn Mỹ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. -Nhiệm kỳ Tổng thống 2009-2017, Chính phủ Mỹ thi hành chính sách Obamacare từ năm 2010. Nhưng ko hiểu sao, qua cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, dân Mỹ lại chọn Tổng thống đương nhiệm lại là ng ko đồng ý chính sách Obamacare? Hay qua 06 năm thực hiện, chính sách Obamacare bộc lộ có thiếu sót nên dân Mỹ ko còn ủng hộ nhiều nữa? Dân Mỹ muốn Obamacare kiện toàn hơn, hoặc phải thay đổi nếu ko thay thế? Nc Mỹ thiệt đúng là “Lòng dân, ý Đảng”, ko phải như “Ý Đảng, lòng dân” là đúng.

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây