Phản ứng thế giới trước kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Vũ Ngọc Yên

8-11-2020

Ngày 3 tháng 11, cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức tại Mỹ. Cuối ngày, các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước đã đóng cửa và phiếu bầu đang được kiểm tính.

Tính đến cuối ngày 7.11.2020, theo Fox News, ứng viên Joe Biden (77 tuổi) của đảng Dân chủ, đã nhận được hơn 75,1 triệu phiếu phổ thông (50,6%) với 290 phiếu đại cử tri, trong khi Donald Trump (74 tuổi) của đảng Cộng hoà có được 70,8 triệu phiếu (47,7%) với 214 phiếu đại cử tri. Theo thông tin của các kênh truyền hình lớn ở Mỹ, Joe Biden đã có hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng Thống Mỹ.

Song song với cuộc bầu cử Tổng thống là cuộc bầu cử 35 Thượng nghị sĩ và toàn bộ 435 Dân biểu của Hạ nghị viện diễn ra cùng ngày. Trong vòng bầu Thượng viện, đài CNN loan tin đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang ở thế cân bằng với 48 ghế. Để giành quyền kiểm soát Thượng viện đảng Dân chủ cần phải chiếm thêm 3 ghế do đảng Cộng hòa nắm giữ, nếu ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ bước chân vào Nhà Trắng.

Trong cuộc bầu Hạ viện mới, số ghế đảng Dân chủ đã giành được là 214, phía đảng Cộng hòa là 196. Dự đoán trước đó cho thấy, nhiều khả năng đảng Dân chủ vẫn chiếm ưu thế trong vòng bầu cử lần này.

Cuộc bầu tân thống đốc tại 11 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ cũng được tiến hành. Đảng Dân chủ giữ được 23 bang và đảng Cộng hoà với 27 bang.

***

Trước tình thế bất lợi, Donald Trump đã lên tiếng tuyên bố thắng cử và cáo buộc đảng Dân chủ là gian lận bầu cử dù không trưng bày được bằng chứng và dọa sẽ kiện lên Toà án Tối cao. Tổ chức an ninh hợp tác Âu châu (OSCE) quan sát cuộc bầu cử, xác nhận, không có gian lận trong các bầu cử tại Mỹ. Cách hành xử phản dân chủ của Trump đã bị công luận trong và ngoài nước kết án.

Nếu kết quả bầu cử ngày 7.11.2020 không thay đổi, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và bà Kamala Harris, người phụ nữ da màu gốc Nam Á giữ chức Phó Tổng thống.

Quan điểm của một số nước về cụộc bầu cử

Từ 20 năm qua tại Mỹ, các Tổng thống khi nhậm chức đều đề ra một chiến lược an ninh – đối ngoại. George W. Bush chủ trương phát huy Dân chủ và Kinh tế thị trường trên thế giới. Nhưng sau cuộc khủng bố ngày11.9.2001, Bush đã thay đổi trọng tâm chiến lược và khởi động cuộc chiến chống khủnng bố Hồi giáo tại A phú Hãn và Iraq.

Người kế nhiệm Barack Obama tìm cách hạ nhiệt chiến tranh và hoà giải với các quốc gia Hồi giáo. Obama hỗ trợ giải pháp hai quốc gia giữa Do Thái và Palestine. Ông chuyển trọng tâm đối ngoại, hướng về Thái Bình Dương với chiến lược xoay trục về châu Á và hoàn thành ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia trong khu vực.

Rồi đến Donald Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết“ (America first). Đối với Trump, các thoả ước quốc tế do các chính quyền tiền nhiệm ký kết đều phải xét lại vì tất cả chỉ là những thoả thuận không công bằng và bất lợi cho Mỹ.

Trump chỉ trích Liên minh Quân sự (NATO) và các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNO). Trump đã quyết định cho Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Hiệp định nguyên tử Iran, Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) với Nga, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Ủy ban Nhân quyền và Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trump tự phong là chuyên gia môi giới t hoả thuận (Dealmaker). Trump khen tài lãnh đạo của nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong-un nhưng không đạt được thoả thuận ngăn chận Bắc Hàn triển khai chương chương trình nguyên tử. Còn với Trung Cộng, Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại mà kết quả lợi ít, nhưng hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ.

Vì mọi chuyện bất thành, Trump cảm thấy tự ái bị thương tổn, nên thường lên tiếng đổ lỗi cho đảng Dân chủ đối lập và các quốc gia đồng minh. Trong cuộc tranh cử, Trump đã trách móc nhiều quốc gia không muốn ông thắng cử, trong đó có Trung Cộng, Iran và Đức.

Liên minh Âu châu hy vọng

Theo Washington Post, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, họ đang chuẩn bị cho một tương lai khó khăn trong quan hệ với Mỹ. Các nhà lãnh đạo đang theo dõi diễn biến cuộc bầu cử và chờ đợi kết quả chính thức trước khi đưa ra những định hướng mới cho mối bang giao giữa EU và Mỹ. Tất cả hy vọng, cựu phó Tổng thống Dân chủ Biden sẽ thắng cử với một kết quả rõ ràng để tránh một cuộc khủng hoảng pháp lý. Tình huống kinh hoàng cho Liên minh Âu châu (EU) là Trump tái nhiệm. Trump sẽ tiếp tục chiến tranh thương mại với EU cũng như có thể rút Mỹ ra khỏi khối quân sự NATO.

Giữa tháng 10.2020 Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã chấp thuận EU được quyền áp thuế lên hàng nhập cảng của Mỹ vì Mỹ đã tài trợ cho Công ty sản xuất máy bay Boeing. Pháp yêu cầu áp dụng biện pháp trả đũa ngay, nhưng EU muốn chờ kết quả bầu cử chính thức rồi mới phản ứng.

Không có Trump, chính quyền Anh cô đơn

Chính quyền Anh luôn mong Trump tái đắc cử. Trump ủng hộ Brexit và có quan hệ rất tốt với Johnson. Tân tổng thống Biden không quá coi trọng Thủ tướng dân túy Johnson và vai trò đầu cầu cho Mỹ trong Liên minh EU vì Anh đang sửa soạn rời khỏi Liên minh EU.

Đối với Biden, ý thức trách nhiệm và cảm giác danh dự là đức tính Biden được bầu vì ông quảng bá những điều mà các nhà dân túy như Trump và Johnson không có: Tôn trọng Hiến pháp, Pháp luật, các tổ chức đa phương (như WTO) và các thoả thuận quốc tế (như Thoả ước Bảo vệ khí hậu Paris), cũng như Tôn trọng tinh thần cộng đồng và các quy định của EU. Johnson từng được gọi là “Âu châu của Trump“ có lẽ sẽ không nhận được nhiều hậu thuẫn từ chính quyền Biden.

Bang giao Nga – Mỹ không cải thiện nhanh

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga đã phản ánh hy vọng về chiến thắng của đương kim Tổng thống Donald Trump, mặc dù Trump đã có những quyết định làm phật lòng Nga. Mỹ công bố rút khỏi thoả ước tái giảm nguyên tử (INF), đe dọa cấm vận kinh tế để ngăn cản dự án xây dựng đường dẫn khí đốt từ Nga tới Đức (Nord Stream 2). Tuy nhiên, Nga xem việc tái cử của Trump sẽ tiếp tục làm giảm sự đoàn kết và sức mạnh của khối NATO cũng như Trump sẽ để Nga tự do hành động trong cuộc chiến ở Syria và Libya. Ngoài ra, theo Moscow Times một sự hữu ích Trump mang lại cho Putin là đánh bóng vị thế cho Putin trên chính trường thế giới.

Ngược lại, với Biden, Putin đã tính đến một cuộc chiến tranh ý hệ Nga – Mỹ sẽ gia tăng. Biden đã kết án vụ gián điệp Nga đầu độc nhà đối lập Akexej Nawalny… Putin hy vọng Biden sẽ gia hạn thoả ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New-Start).

Trung Đông lo ngại

Tại Trung Đông, giới chính trị rất quan tâm theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống người dân của các quốc gia này. Chẳng hạn, chính quyền Iran lo sợ Trump được bầu lại. Một sự tái cử của Trump sẽ đồng nghĩa Mỹ tiếp tục đường lối “áp lực tối đa“. Chính sách cấm vận của Mỹ trong quá khứ đã gây nhiều đau thương cho nhân dân Iran, người bệnh không tìm được thuốc, sinh viên không thể ra nước ngoài du học. Nếu Biden thắng cử, Mỹ sẽ trở lại Hiệp định nguyên tử đã ký kết trước đây.

Ngược lại, các chế độ độc đoán ở Ai cập, Saudi Arab và Emirate rất mong Trump tái thắng cử vì được Trump ưu đãi. Với tân tổng thống Biden, chính quyền các quốc gia này sẽ bị chỉ trích vì các hành vi độc đoán, coi thường nhân quyền.

Mexico và Ba Tây muốn Trump hơn Biden

Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador khuynh tả và người đổng nhiệm Ba Tây Jair Bolsonaro khuynh hữu, là cặp bài trùng phò Trump.

Bolsonaro có tác phong hành xử chính trị như Trump, đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi cử tri Mỹ bầu lại cho Trump. Chiến thắng Biden sẽ làm Bolsonaro bị cô lập chính trị tại Nam Mỹ. Trong lãnh vực thương mại và môi trường, Biden sẽ gây áp lực đối với Ba Tây để ngưng việc khai thác gỗ ở rừng Amazonas.

Chính quyền Mexico đã nhượng bộ Trump trong chính sách ngăn chận di dân để không bị trừng phạt trong vấn đề thương mại. Tân chính quyền Biden sẽ xét lại mọi chính sách liên hệ đến di dân, thương mại và môi trường. Biden sẽ điều chỉnh lại chính sách di dân, ngưng xây tường dọc theo biên giới và tài trợ 4 tỷ USD cho các quốc gia nghèo ở Trung Mỹ để cải thiện tình trạng kinh tế.

Biden sẽ thương thảo lại với Lopey Obrador về Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên Biden đòi hỏi Mexico phải thay đổi chính sách năng lượng và môi trường. Chính quyền Mexico đặt trọng tâm vào chất đốt hoá thạch, xem khai thác dầu hỏa là ngành công nghiệp chủ yếu của nền kinh tế. Biden ngược lại, muốn thúc đẩy chương trình khai thác năng lượng sạch nên Mỹ sẽ giảm lượng nhập cảng dầu từ Mexico. Biden duy trì hợp tác trong cuộc chiến chống cần sa, ma túy, nhưng đòi hỏi chính quyền Mexico phải tuân thủ những nguyên tắc nhân quyển trong lúc hành xử.

Trung Quốc thất vọng

Về cuộc bầu cử Mỹ, báo Tin tức Bắc Kinh viết rằng: “Bất kể ai thắng cuộc bầu cử năm 2020, xã hội Mỹ sẽ không thể trở lại trạng thái trước đây vì đã bị xé nát bởi cuộc đua gần đây và thời gian Trump tại vị”.

Bang giao Mỹ – Trung chưa bao giờ tồi tệ như dưới thời Trump. Chiến tranh thương mại, Hồng Kông, Huawei, Biển Đông và vụ đàn áp người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương là những điểm tranh chấp giữa hai nước. Người ta phỏng đoán Trung Cộng muốn một Tân tổng thống Mỹ ôn hoà hơn.

Trong cuộc tranh cử, Biden đã vạch ra hướng chiến lược “mạnh mẽ” và “cứng rắn” với Trung cộng. Chíến lược chống Trung Cộng sẽ diễn ra trên hai phương diện: Hợp tác với Liên minh EU trong lãnh vực thương mại và kinh tế; Liên minh với các đối tác Á châu trong lãnh vực quân sự.

Joe Biden cũng nói sẽ duy trì một số biện pháp trừng phạt thương mại của chính quyền Trump, cũng như đòi hỏi Bắc kinh phải tuân thủ nhân quyền.

Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Bắc Kinh, đánh giá: “Trung Quốc thích ông Trump trở thành Tổng thống hơn ông Biden. Ông Biden từng nói rằng, ông ấy sẽ cải thiện quan hệ với các đồng minh và đó là điều mà ông Trump đã không làm được trong 4 năm qua“.

Thay lời kết

Sự thất bại của Trump là sự khởi đầu kết thúc đường lối chính trị quốc gia mỵ dân. Tuy nhiên trào lưu dân túy chưa hẳn đã qua, dù Trump rời khỏi Toà Bạch Ốc. Một khi các nguyên nhân gây phân hóa xã hội vì lý do kinh tế, chủng tộc, cách biệt giầu nghèo không được giải quyết, thì tình trạng đất nước vẫn có nguy cơ trở lại trầm trọng hơn.

Đa số nhân dân Mỹ đã bầu liên danh Dân chủ Biden/ Harris với kỳ vọng nước Mỹ sẽ được cải cách, nền dân chủ pháp quyền được tái lập và nền kinh tế sớm phục hồi. Tổng thống đắc cử Biden đã từng phát biểu là ông hãnh diện làm ứng cử viên của đảng Dân chủ, nhưng ông sẽ là tổng thống của mọi người Mỹ và nước Mỹ dưới quyền của ông sẽ không phân biệt Bang Đỏ (Cộng hoà) hay Bang Xanh (Dân chủ) mà là một Hiệp Chúng quốc.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Tính đến cuối ngày 7.11.2020, theo Fox News, ứng viên Joe Biden (77 tuổi) của đảng Dân chủ, đã nhận được hơn 75,1 triệu phiếu phổ thông (50,6%) với 290 phiếu đại cử tri, trong khi Donald Trump (74 tuổi) của đảng Cộng hoà có được 70,8 triệu phiếu (47,7%) với 214 phiếu đại cử tri.”; “Sự thất bại của Trump là sự khởi đầu kết thúc đường lối chính trị quốc gia mỵ dân.”.
    -Tổng thống Donald Trump sinh năm 1946, nay 2020-1946=74 tuổi, Ông làm Tổng thống năm 2016, lúc đó Ông 2016-1946=70 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, Ông sống trong môi trường kinh doanh, lên tuổi cụ (gọi theo dân Việt) mới bước chân vào chính trường. Thử hỏi có quá khắt khe với 01 ông cụ hay ko? Khi thấy cách hành xử của ông cụ ko đúng với phong cách của 01 chính khách. Đặt trường hợp, nếu hầu hết các đời Tổng thống Mỹ từ xưa đến nay là doanh nhân thì dân Mỹ hẳn sẽ nhìn cách hành xử của Tổng thống Donald Trump cho là điều bình thường? Một kẻ ngoại đạo, sau 04 năm lãnh đạo, vẫn dc 50% dân Mỹ ủng hộ, vẫn dc Đảng CH ủng hộ thì khách quan mà nói, Ông đã thành công rồi (trong chiến dịch tranh cử của Ông, giới truyền thông chỉ xoay quanh chính nói về 02 chủ đề là xử lý dịch bệnh + xử lý biểu tình, liệu có công bằng?). Hãy nghĩ đến việc, Ông là ng mở đường cho giới doanh nhân Mỹ sẽ tham gia nhiều hơn vào chính trường về sau này, làm phong phú thêm các lớp lãnh đạo gồm nhiều giới (Tổng thống Donald Trump thành công trong việc vạch trần & góp phần phát động phong trào chống Đảng CSTQ trên TG). Ko nhất thiết cứ phải giới khoa bảng, giới chính khách mới là điều phải đạo. & thực tế 50% dân Mỹ đã ủng hộ điều này. (sống trong chế độ vua chúa, khi 01 anh nông dân lên làm vua, ng dân lại có cái nhìn cho là nổi loạn? TG bước vào thời đại 4.0 rồi, ko thể còn suy nghĩ đó, cứ như phải là chính khách mói dc làm Tổng thống là sao? Ko hiểu?)
    “Trong cuộc tranh cử, Biden đã vạch ra hướng chiến lược “mạnh mẽ” và “cứng rắn” với Trung cộng. Chíến lược chống Trung Cộng sẽ diễn ra trên hai phương diện: Hợp tác với Liên minh EU trong lãnh vực thương mại và kinh tế; Liên minh với các đối tác Á châu trong lãnh vực quân sự. Joe Biden cũng nói sẽ duy trì một số biện pháp trừng phạt thương mại của chính quyền Trump, cũng như đòi hỏi Bắc kinh phải tuân thủ nhân quyền.”
    -Suy nghĩ giản đơn, chính sách của Tân Tổng thống Joe Biden chỉ là thực hiện tiếp nhiệm kỳ 3 của Cựu Tổng thống Barack Obama. (Ông là Tân Tổng thống 77 tuổi, Ông đã tuyên bố nhiệm kỳ tới sẽ ko ra tranh cử, vậy 04 năm ko phải là dài, chưa đủ thời gian cho 01 Tổng thống hoàn thành các chính sách). Điều này, lãnh đạo Đảng CSTQ bắt bài hết rồi. Cần thay đổi cách tiếp cận, phải là 01 chiến lược làm kẻ thù ko thể phán đoán (CS đa nghi nên phải dùng nghi binh). Chính sách của Tân Tổng thống Joe Biden là dùng “lợi ích KT” “để định hình các quy tắc về đường lối giải quyết mọi vấn đề” đối với ĐCSTQ, nhưng Ông cũng hẳn biết rằng, dùng chiêu “lợi ích KT” đã dc ĐCSTQ áp dụng trên TG trước Ông & lâu rồi, hình như từ lúc Ông bắt đầu tham gia vào chính trường năm 1973?

  2. Họ, dù lá phiếu của họ bầu cho ai, là một nửa nước Mỹ.
    Cho nên, đoàn kết và hàn gắn là cấp thiết.

  3. Donald Trump, dù bất cứ điều gì đã xảy ra, hãy tiếp tục làm cho nước Mỹ vĩ đại.
    Đừng để nước Mỹ phải tủi hờn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây