Mặt trận tư pháp (Phần 1)

Đinh Từ Thức

26-10-2020

Kiềng ba chân

Người Việt có câu nói từ xưa: “Vững như kiềng ba chân”. Nền dân chủ Mỹ đứng vững trên hai thế kỷ, là nhờ ba chân: Hành pháp, Lập pháp, và Tư pháp. Ba chân đứng riêng, nhưng liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một chân què, kiềng sụp. Hễ có liên hệ, là có dị đồng. Ai cũng muốn đồng, chẳng ai muốn dị, khiến chuyện xung đột, tranh dành ảnh hưởng diễn ra liên tục.

Mặt trận hành pháp và lập pháp thường sôi nổi trong các cuộc đua chính bốn năm một lần và cuộc đua phụ giữa kỳ. Mặt trận tư pháp thường ít sôi nổi hơn, và diễn ra bất kỳ lúc nào có chỗ trống. Đặc biệt năm 2020, cả ba mặt trận sôi động cùng thời gian, cộng thêm chuyện đại dịch, gây tình trạng gần như nghẹt thở; và trên hai trăm ngàn người đã thực sự hết thở, một phần, cũng do vạ lây từ tình trạng đặc biệt này. Bài này chỉ nói về mặt trận Tư Pháp.

Thẩm phán Amy Barrett, trong một buổi nói chuyện do The Federalist Society tổ chức, một trong những nguồn cung cấp dự tuyển tư pháp cho Cộng Hòa. Ảnh: FedSoc.org

Hiến Pháp Mỹ là bộ luật tối cao, quy định việc thành lập cả ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Ngành Tư Pháp được quy định bởi điều III, gồm các toà án liên bang ở ba cấp. Đứng đầu là Tối Cao Pháp Viện (TCPV) – US Supreme Court. Thấp hơn là các toà phúc thẩm vùng (Circuit Courts of Appeals). Thấp nhất là các toà xử án cấp quận (District Courts).

Các thẩm phán được quy định bởi điều III Hiến Pháp đều do tổng thống đề cử, với sự chuẩn thuận của Thượng viện, nên các thẩm phán liên bang đều được gọi chung là Thẩm Phán Điều 3 – The Article 3 Judges.  Điều này chỉ nói về quyền hạn của Toà Tối Cao, còn về nhân sự và cách tổ chức, cũng như các toà cấp dưới, dành cho Quốc hội quy định bằng đạo luật. Quốc Hội Khoá 1 đã thông qua Đạo Luật Tư Pháp 1789 (Judiciary Act of 1789), có tên chính thức là “An Act to Establish the Judicial Courts of the United States” (Đạo Luật thiết lập các Toà Án Tư Pháp của Hoa Kỳ), do Tổng Thống George Washington ký ban hành vào tháng 9, 1790. Tuy đã có nhiều thay đổi trong hơn hai thế kỷ qua, nhưng nét chính vẫn còn tồn tại đến nay.

(Bài này không đề cập tới 4 toà án liên bang chuyên biệt, như toà khiếu nại – Court of Claims; toà phúc thẩm về cư trú và bằng sáng chế – Court of Customs and Patent Appeals; toà thương mại quốc tế – Court of International Trade; và toà thuế vụ – Tax Court. Ở đây cũng không đề cập tới hệ thống tư pháp tiểu bang).

Theo đạo luật trên, TCPV có 6 Thẩm Phán Tối Cao (TPTC – Justice), gồm 1 Chủ Tịch (Chief Justice) và 5 Thẩm Phán Cộng Sự (Associate Justice). Trong 70 năm đầu, con số TPTC đã thay đổi 6 lần: 1790: 6; 1807: 7; 1837: 9, 1863: 10; 1866: 7; 1869: 9. Năm 1937, bất mãn vì nhiều dự án của mình bị TCPV phủ nhận, Tổng Thống Roosevelt đã đề nghị Quốc Hội làm luật quy định lại thành phần Thẩm Phán TCPV, nâng con số 9 lên mức tối đa là 15. Theo đó, mỗi khi có một TPTC đã tại chức 10 năm, và đạt mức 70 tuổi rưỡi, mà không về hưu, tổng thống được đề cử thêm một TPTC, cho đến mức tối đa là 15. Dự định này đã không được Quốc Hội chấp thuận. Con số 9 từ năm 1869 đã không thay đổi cho đến nay. Và đang có dư luận bàn tán, tuỳ theo kết quả cuộc bầu cử 2020, con số này có thể được thay đổi.

Trong cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence (Cộng Hoà) và Kamala Harris (Dân Chủ) vào tối 7 tháng 10, 2020, được hỏi nếu đắc cử, phía Dân Chủ có định tăng thêm TPTC không, bà Harris đã tánh né, không trả lời vào câu hỏi, nói lảng sang chuyện khác. Trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Trump và Biden tối 22 tháng 10, khi được hỏi về chủ trương thay đổi thành phần TCPV, ông Biden đã nói rõ, nếu đắc cử, ông sẽ triệu tập một uỷ ban quốc gia, gồm các học giả về hiến pháp từ cả hai đảng, họp lại, nghiên cứu trong thời gian 180 ngày, sau đó cho đề nghị sửa đổi hệ thống tư pháp.

Từ buổi đầu lập quốc, các nhà soạn thảo Hiến Pháp đã nhìn rõ thế đứng của cái kiềng ba chân. Kiềng chỉ đứng vững, khi ba chân gắn bó với nhau, nhưng mỗi chân phải ở vị thế chống đỡ riêng. Bất cứ chân nào lệ thuộc vào chân khác, sẽ thành kiềng hai chân, vô dụng. Vì thế, Hiến Pháp đã quy định cách lựa chọn nhân sự cho ba ngành khác nhau, để có thể vừa hợp tác, vừa kiểm soát lẫn nhau. Hành Pháp và Lập Pháp do dân bầu, với nhiệm kỳ ngắn hạn; hai, bốn, hay sáu năm. Thẩm phán liên bang do tổng thống đề cử và thượng viện chuẩn thuận, có thể tại chức suốt đời, và không bao giờ bị giảm lương, nhằm mục đích bảo đảm vị thế độc lập và quyết định vô tư của các TP. Nhưng điều này không còn tồn tại, khi tổng thống và thượng viện cấu kết với nhau, coi quyền lợi đảng phái quan trọng hơn quyền lợi chung. Vì thế, phát sinh nhu cầu cải tổ ngành tư pháp.

Đất của tình nhân vốn là đất cấm

Khi gia đình người viết tới cư ngụ ở tiểu bang Virginia vào mùa hè 1975, một trong những điều gây chú ý đầu tiên, nơi đây đã có một khẩu hiệu nổi bật, rất hấp dẫn: “VIRGINIA dành cho NGƯỜI YÊU” (VIRGINIA is for Lovers). Cũng có thể dịch là Virginia, đất của những người yêu nhau, của các tình nhân… Nhưng chỉ tám năm trước đó, nếu những người yêu nhau khác chủng tộc; một người da trắng và một người da màu; cả hai đều bị bắt bỏ tù.

Mildred và Richard Loving năm 1965. Hai người thành hôn tại Washington DC. Nhưng bị bắt bỏ tù khi về sống tại Virginia. Hình: AP

Khẩu hiệu trên đã được chính thức sử dụng từ 1969 và đã được bầu là khẩu hiệu hấp dẫn du lịch tiêu biểu nhất trong nửa thế kỷ qua. Từ năm 1967, những người khác chủng tộc có thể yêu nhau và kết hôn ở Virginia, và từ ngày 6 tháng 10 năm 2014, ngay cả những người cùng phái tính (same sex) cũng có thể yêu nhau và lấy nhau ở đây.

Nhắc lại một vài sự kiện trong quá khứ rất gần, có thể kiểm chứng dễ dàng, để chứng tỏ, xã hội thay đổi không ngừng, và luật pháp quy định sinh hoạt xã hội cũng phải thay đổi. Nói cho dễ hiểu, khi cơ thể một đứa trẻ lớn lên, quần áo che thân nó đương nhiên phải thay đổi kích thước.

Những thay đổi trong xã hội diễn ra một cách tự nhiên, là một tiến trình do ảnh hưởng từ nhiều phía, như văn hoá, khoa học… Nhưng tạo ra luật pháp phù hợp với sự thay đổi của xã hội, không dễ. Bởi nhu cầu thay đổi nào cũng phát sinh phản ứng chống đối. Cho nên, luật phù hợp với nhu cầu xã hội, là kết quả từ những cố gắng không ngừng của mọi người; từ dân thường tới giới trí thức, và giới hoạt động chính trị, cả đang cầm quyền, hay đối lập.

Ở một nước độc tài và đảng trị, luật trong tay kẻ cầm quyền, muốn trị dân thế nào, cứ việc làm luật theo ý mình; nếu có thăm dò ý dân, chỉ là hình thức lấy lệ. Nếu dân bất bình, chống đối, là phạm luật, bị trừng phạt theo luật. Vì thế, tranh đấu trên mặt trận tư pháp ở một nước độc tài, rất khó đạt kết quả; đòi thay đổi luật, bị đồng hoá với chống lại pháp luật.

Tại các xã hội dân chủ có truyền thống thượng tôn pháp luật, tranh đấu trên mặt trận tư pháp, tuy không diễn ra ồn ào và gây nhiều thiệt hại, nhưng có thể đem lại những thành quả vô cùng lớn lao. Bởi vì, dù tranh đấu bằng cách nào, trên mặt trận nào, cuối cùng, được hay thua, đều quy về một mối, do pháp luật quy định.

Các nhân vật lừng danh như Mục Sư Martin Luther King Jr., Dân biểu John Lewis, hay bà Rosa Park, đã bắt đầu cuộc tranh đấu từ mặt trận đường phố, rất vất vả khó nhọc, bị đánh đập, vào tù ra khám nhiều lần, có khi bị ám sát như MS King, cuối cùng, kết qủa tranh đấu của họ được thể hiện qua các đạo luật dân quyền, Civil Rights Act 1964, thời Tổng Thống Johnson.

Trong khi ấy, nhà tranh đấu nhân quyền như Luật Sư Thurgood Marshall, tranh đấu nam nữ bình quyền như Luật Sư Ruth Ginsburg, không dùng mặt trận đường phố, mà dùng mặt trận tư pháp. Họ không tranh đấu từ ngọn, mà tranh đấu từ gốc, cũng đạt được những kết quả to lớn.

Trở lại câu truyện tình yêu ở Virginia. Từ chỗ da màu không được lấy da trắng, đến chỗ chẳng những khác chủng tộc, mà cùng phái tính có thể kết hôn, là một bước khá dài; một thay đổi đảo ngược. Thay đổi này có được, là kết quả tranh đấu trên mặt trận tư pháp.

Lovings khổ vì yêu

Tại Thủ Đô Washington D.C., người khác chủng tộc có thể kết hôn hợp pháp từ ngày 4 tháng 11, 1874. Nhưng tại Virginia, điều này vẫn bị cấm cho đến gần một thế kỷ sau, do quy định bởi luật Racial Integrity Act 1924. Đạo luật này quy định, dù chỉ mang một giọt máu của tổ tiên da màu trong huyết thống, dù thuộc dòng dõi ba bốn đời, da màu đã bạc mầu thành da trắng, cũng vẫn bị liệt kê thuộc thành phần da màu. Thành phần này phải khai báo, mang giấy chứng nhận chủng tộc. Khi kết hôn, phải xuất trình giấy chứng nhận này, mới được cấp giấy giá thú hợp lệ. Cho đến năm 1967, còn tới 16 tiểu bang, hầu hết ở phía Nam, vẫn duy trì luật cấm hôn nhân dị chủng.

Bản tin chính thức về luật mới của Virginia “Bảo tồn Giá trị Chủng tộc”. Hình của Francisco Macias

Năm 1958, anh Richard Loving, 23 tuổi, thợ xây, và cô Mildred Jeter, 17 tuổi, cả hai cùng ở Quận Caroline, Virginia. Họ yêu nhau, nhưng không thể lấy nhau ở đây, vì anh da trắng, chị da màu. Họ vào D.C. để kết hôn ngày 2 tháng 6, 1958, rồi trở về sống ở Virginia. Năm tuần sau, cặp vợ chồng mới đang ngủ trên giường, bị cảnh sát đột nhập phòng ngủ, lúc 2 giờ sáng, ngày 11 tháng 7 năm 1958, rọi đèn pin vào mặt Richard, hỏi, người phụ nữ đang ngủ với anh, là ai? Mildred đáp “tôi là vợ của anh ấy”, đồng thời, tay chỉ lên giấy giá thú treo trên tường. Cảnh sát bảo chuyện này không được công nhận, ở đây. Cả hai cùng bị bắt.

Hai vợ chồng Lovings ra tòa ngày 6 tháng 1 năm 1959, nhận tội đã vi phạm luật cấm hôn nhân dị chủng (antimiscegenation) của Virginia. Họ bị xử phạt mỗi người một năm tù. Để được hưởng án treo, cả hai phải ra khỏi Virginia ngay và không được cùng nhau, hay cùng lúc trở lại, trong thời gian 25 năm. Hai người sống tại Washington D.C., nhưng họ hàng, bạn bè vẫn sống tại Virginia. Với cặp Richard và Mildred Loving, sông Potomac, biên giới giữa Washington D.C. và Virginia, bỗng trở thành sông Bến Hải của Việt Nam cùng thời. Chỉ vì tình yêu đôi lứa mà phải xa cách họ hàng, bạn hữu.

Ngày 6-11-1963, cặp Lovings nạp đơn tại tòa tiểu bang, thỉnh cầu huỷ bản án và bỏ qua vụ xử, vì lý do bản án xử họ phạm Tu Chính Hiến Pháp 14. Gần một năm sau vẫn không được trả lời. Ngày 28-10, 1964, với sự giúp đỡ của Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU), hai luật sư tình nguyện là Bernard Cohen, và Philip Hirschkop đã đại diện vợ chồng Lovings, nộp đơn kiện tại tòa liên bang, United States District Court for the Eastern District of Virginia, yêu cầu một phiên xử gồm nhiều thẩm phán “en banc” (phiên xử quan trọng, không do một thẩm phán quyết định, mà do cả tòa – thường là 3 thẩm phán – cùng dự phiên xử và viết quan điểm riêng), tuyên bố rằng qua bản án xử phạt họ, Virginia đã trái hiến pháp, và ra lệnh cho các viên chức chính quyền chấm dứt buộc họ thi hành bản án.

Ngày 22 tháng 1 năm 1965, vị thẩm phán tại tòa tiểu bang ở Caroline County là Leon M. Bazile, ra quyết định không chấp nhận yêu cầu huỷ bản án và vụ xử trước. Trong phán quyết này, sau khi liệt kê án lệ cấm hôn nhân dị chủng, và những cuộc hôn nhân như vậy tuyệt đối phải huỷ bỏ, Thẩm Phán Bazile đã lập lại quan điểm của ông trong vụ xử trước, có đoạn viết rằng:

“Thiên Chúa Tòan Năng đã tạo ra các chủng tộc trắng, đen, vàng, mã lai và đỏ, và ngài đã đặt họ tại những lục địa khác nhau. Và để khỏi can thiệp vào sự xếp đặt của ngài, sẽ không có lý do cho những cuộc hôn nhân [dị chủng] như vậy. Sự kiện ngài phân biệt các chủng tộc chứng tỏ ngài đã không có ý định pha trộn [nòi giống]”.

(“Almighty God created the races white, black, yellow, malay and red, and he placed them on separate continents. And but for the interference with his arrangement there would be no cause for such marriages. The fact that he separated the races shows that he did not intend for the races to mix” – Trích Quan điểm của thẩm Phán Leon M. Bazile – ngày 22/1/1965. Ghi chép từ bản chính, theo encyclopediavirginia.org)

Ba tuần sau, ngày 11 tháng 2 năm 1965, trong phiên xử “en banc” đã nói trên, ba thẩm phán tòa liên bang (District Court) cho phép vụ án được thượng tố lên TCPV tiểu bang. Tại đây, thẩm phán Harry Carico, đại diện Tòa, viết quan điểm, dựa vào án lệ từ năm 1883, giữ nguyên phán quyết của tòa dưới, với lý do cả hai người trong nội vụ đều bị phạt như nhau, như vậy, không có chuyện kỳ thị, không phạm Tu Chính 14. Tuy nhiên, Tòa nhận thấy phán quyết của tòa dưới có phần không rõ ràng, phải huỷ bỏ, và truyền Tòa Án Quận xử lại.

ACLU vẫn hỗ trợ việc thượng tố lên Tối cao Pháp viện Liên bang. Cặp Lovings không có mặt vào hôm Tòa nghe luận trạng (brief), nhưng luật sư đại điện đã trình bày trước Tòa nguyên văn lời nhắn của Richard Loving: “Ông Cohen, hãy trình với Tòa rằng tôi yêu vợ tôi và thật bất công về việc tôi không thể sống với nàng tại Virginia”. (Mr. Cohen, tell the Court I love my wife, and it is unfair that I can’t live with her in Virginia”).

Tình yêu thắng lớn

Ngày 12 tháng 6 năm 1967, TCPV ra phán quyết với tỉ lệ 9-0, toàn thể đồng ý lật ngược bản án đã phạt vợ chồng Lovings vì lý do hôn nhân dị chủng. Đồng thời, cũng bỏ tất cả các luật lệ cấm hôn nhân dị chủng (anti-miscegenation), tại 16 tiểu bang, kể cả Virginia, với lý do: Vi phạm Equal Protection Clause của Tu Chính 14. Riêng tại Alabama, mãi đến năm 2000 mới chính thức bỏ luật cấm hôn nhân dị chủng trong hiến pháp tiểu bang.

Chính Chủ tịch TCPV Liên bang Earl Warren đã viết quan điểm, thay mặt toàn thể các Thẩm Phán Tối Cao. Trong phán quyết, ông đã nhắc lại nguyên văn đoạn Thẩm phán Bazile nói về việc Thiên Chúa toàn Năng tạo ra và đặt để nơi chốn cho các chủng tộc khác nhau. Sau khi nêu ra những luận cứ bác bỏ quan điểm kỳ thị, vị Chủ tịch TCPV đi tới kết luận sau đây:

“Tự do kết hôn từ lâu đã được công nhận như một trong những tự do quan trọng của cá nhân, cần thiết cho việc theo đuổi trong trật tự để mưu cầu hạnh phúc của những người tự do.

Hôn nhân là một trong ‘những tự do căn bản của con người’, là nền tảng cho chính sự tồn tại và sống còn của chúng ta. Phủ nhận tự do căn bản này trên nền tảng không thể chống đỡ như phân loại chủng tộc dựa trên những quy định này, những phân loại trực tiếp phá bỏ nguyên tắc bình đẳng là tâm điểm của Tu Chính 14, chắc chắn loại bỏ tất cả tự do của người dân mà không theo đúng thủ tục luật định. Tu Chính Án 14 đòi hỏi rằng tự do lựa chọn để kết hôn không được hạn chế bởi sự phân biệt chủng tộc đáng ghét. Dưới Hiến Pháp của chúng ta, tự do kết hôn, hay không kết hôn với một người khác chủng tộc là quyền của cá nhân, và Tiểu Bang không thể phạm tới”.

(The freedom to marry has long been recognized as one of the vital personal rights essential to the orderly pursuit of happiness by free men.

Marriage is one of the “basic civil rights of man”, fundamental to our very existence and survival. To deny this fundamental freedom on so unsupportable a basis as the racial classifications embodies in these statutes, classifications so directly subversive of the principle of equality at the heart of the Fourteen Amendment, is surely to deprive all the State’s citizens of liberty without due process of law. The Fourteenth Amendment requires that the freedom of choice to marry not be restricted by invidious racial discriminations. Under our Constitution, the freedom to marry, or not marry, a person of another race resides with the individual, and can not be infringed by the State)

Ngày 12 tháng 6, ngày vợ chồng Lovings được tự do yêu nhau và chung sống hợp pháp tại Virginia, đã trở thành Loving Day hàng năm, và được đặc biệt kỷ niệm năm 2017, vào dịp 50 năm thắng kiện. Hiện nay, cả hai vợ chồng Lovings đều đã yên nghỉ bên nhau tại nghĩa trang. Richard mất năm 1975 vì tai nạn xe hơi, Mildred không tái giá, qua đời năm 2008.

Vụ án này chỉ có ảnh hưởng tại 16 tiểu bang, không đem lại thay đổi trên tòan quốc, như mấy thắng lợi của luật sư Ginsburg đã đạt được; vì nhiều tiểu bang đã bỏ luật cấm hôn nhân dị chủng từ trước, California bỏ đầu tiên. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng, nếu không có vụ thắng của Lovings, biết bao nhiêu nam nữ gốc Việt sang Mỹ từ năm 1975, đã không thể kết hôn với người da trắng và cư ngụ hợp pháp tại 16 tiểu bang.

Cặp Lovings bên nhau tại nghĩa trang St. Stephen’s Bapist Church, Central Point. Nguồn: Ser Amantio di Nicolao

(Đón xem phần 2)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “…khi tổng thống và thượng viện cấu kết với nhau, coi quyền lợi đảng phái quan trọng hơn quyền lợi chung…”

    là một điều tất yếu…
    khi con người nói chung và người Mỹ, trong trường hợp nầy, vẫn luôn thèm khát quyền lực gắn liền quyền lợi, là thuộc tính muôn đời của nhân loại.
    (Có không con người không ham quyền lợi? May ra có ngoại trừ nào đó trong giới tôn giáo chân chính?)

    Mặt khác, tình thế nầy hình thành từ lòng dân. Vì chính lá phiếu của nền dân chủ đã đưa tới tình thế đảng có đa số trong thượng viện cũng là đảng cầm quyền; tổng thống là của nó. Không phải từ một thủ đoạn nào cả!

    Đâu phải lần nầy mới xảy ra hiện tượng mà tác giả bài viết ngầm muốn nhấn mạnh như là một rủi ro (?), một “bất chính” tiềm ẩn cho nền dân chủ dưới trào Cộng hoà của Tt Trump!
    Nhiệm kỳ đầu của B. Obama thậm chí đảng của ông ta đã nắm trọn lưỡng viện. Bi kịch dân chủ sẽ còn trầm trọng biết chừng nào nếu căn cứ vào lập luận của tác giả?!

    Thật ra, đây chính là cơ hội vàng để bậc nhân tài thi thố hoài bảo lớn, bằng những quốc sách đưa đất nước lên đỉnh cao hùng mạnh, thịnh vượng; vì mọi dự luật, chính sách đều sẽ dễ dàng được thông qua bởi lập pháp trong tay tổng thống. Đối lập chỉ còn trơ mắt nhìn đảng cầm quyền một mình một chợ.

    Nhưng Obama đã làm được gì, trước 2 đối thủ Trung quốc và Nga?
    Nước Mỹ nhu nhược. Tổng thống tân cử đích thân đi chào siêu cường Trung quốc chỉ sau thời gian ngắn ngồi chưa nóng ghế tại WH.
    Crimea bị cưỡng bức chiếm đoạt; hạm đội 7 và căn cứ Guam bị đe doạ vì Biển Đông bị khống chế và Tây Thái bình dương bị uy hiếp bởi đảo nhân tạo; sáng kiến TPP phải chờ chực đến vài tháng cuối nhiệm kỳ mới thập thò đưa ra, để bị chết yểu!

    Một tổng thống được ngưỡng mộ và một phó tổng thống trí thức, cựu ngoại trưởng rành chính trị sáu câu…trong 8 năm trời cũng chỉ làm được từng đó chuyện quản trị hành chánh như những CEO của các công ty!

Leave a Reply to Sakim Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây