Truyền thông thời đại Trump

Nhã Duy

7-10-2020

Nữ ký giả kỳ cựu gốc Hoa Connie Chung vừa đưa lên vài clip phim ngắn để vận động người gốc Á bỏ phiếu cho cựu phó tổng thống Joe Biden và Thượng Nghị sĩ Kamala Harris hay cử tri nói chung. Thâm niên trong lãnh vực truyền thông, am hiểu chính trường và từng theo dõi, tường trình vấn đề từ Washington DC., bà bảo ông Biden là một người tử tế, thông minh và chân thật, thật sự quan tâm đến người Á châu và người dân.

Đồng thời bà cũng gọi đích danh tổng thống Donald Trump là người đã làm cộng đồng Á châu phải trả một giá đắt cho sự kỳ thị tràn ngập lòng thù ghét, vì gián tiếp bị xem là nguyên nhân của dịch bệnh từ cách ông gọi tên nó, cũng như các chính sách đầy nguy hại mà ông gây ra cho người dân.

Quả thú vị khi gặp lại bà Connie Chung. Những ai thích theo dõi các chương trình bình luận chính trị, tin tức thế giới vào đầu thập niên 90 trước đây ắt vẫn còn nhớ đến bà. Connie là nữ ký giả truyền hình gốc Á đầu tiên đứng vào hàng những nhà bình luận nổi tiếng của các hệ thống truyền hình quốc gia như NBC, CBS, ABC, CNN… , có những cuộc phỏng vấn khá sắc bén nhưng cũng gây nhiều tranh cãi cho công luận.

Bà từng làm chương trình chung với những tên tuổi truyền thông Hoa Kỳ, từ huyền thoại Walter Cronkite cho đến những cổ thụ truyền thông như Tom Brokaw, Dan Rather… sau này. Một kiểu Barbara Walter châu Á của truyền thông Hoa Kỳ.

Rồi một tai nạn nghề nghiệp, hay đúng hơn một thái độ truyền thông bị xem là thiếu chuyên nghiệp mà sự nghiệp của bà Connie đã chấm dứt. Năm 1995, khi sự nghiệp cùng tên tuổi của bà đang tỏa sáng trên các hệ thống truyền hình quốc gia thì trong một cuộc phỏng vấn với bà Kathleen Gingrich – là mẹ của dân biểu Newt Gingrich thuộc đảng Cộng Hòa và là Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ, bà Connie hỏi rằng “Con trai bà nghĩ gì về bà Hillary Clinton?”. Khi mẹ ông ta từ chối trả lời, Connie bảo, “hãy nói thầm tôi nghe, chỉ giữa tôi và bà”. Nhưng khi bà Kathleen trả lời thì micro được phóng âm để khán giả nghe được mồn một câu trả lời. Đó là một câu nói đầy khiếm nhã, xúc phạm bà Hillary từ con trai của bà, tức Newt Gingrich.

Dù có thể tò mò muốn nghe câu trả lời nhưng thái độ và tình huống đặt bà Kathleen buộc miệng nói ra trước công luận một điều đầy tế nhị như vậy đã làm khán giả cùng giới truyền thông nổi giận. Cho dù họ không thích hay ủng hộ bà Hillary, cho dù họ thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, đơn giản là họ không chấp nhận một thái độ truyền thông bị xem thiếu chân thật và không chuyên nghiệp như vậy. Sự nghiệp truyền thông của bà Connie xem như chấm dứt từ sau đó. Dù có tham gia trở lại với vài đài truyền hình trong một vài năm sau, nhưng bà đã bị mất đi sự theo dõi như xưa.

***

Nhắc lại Connie Chung nhân tình cờ xem các clip vận động bầu cử của bà và cũng để nhắc lại nền truyền thông của một thời mà sự chính trực, trung thực của nó được đặt lên hàng đầu. Nó được khán giả, độc giả ủng hộ với điều đúng đắn và phản đối nếu đi ngược lại các giá trị đó, không có đất cho những sai trái.

Khi tổng thống Donald Trump đắc cử, ông đã đảo lộn giá trị truyền thông này bằng một loại truyền thông thời đại Trump. Bất kể lời nói nào, dẫu đúng sai của ông cũng được người ủng hộ tung hô và bảo vệ. Trump thành công khi khoác lên nền truyền thông lâu đời của nước Mỹ cùng thế giới bỗng trở thành những hệ thống “fake news” và “kẻ thù của người dân”, một khi đưa những tường trình bất lợi về ông ta cùng nội các, bất kể các tường trình này dựa trên dữ liệu và chứng liệu thế nào. Tấn công truyền thông, che giấu sự thật luôn là biện pháp đầu tiên của các thể chế độc tài.

Những kẻ làm truyền thông thời đại “Trump Era” này đã chụp ngay bài học và cơ hội này, cho dù họ ủng hộ Donald Trump có mục đích hay chỉ là thủ lợi tài chính. Những bài viết, mẩu tin, hình ảnh được cắt xén, sửa đổi, ngụy tạo. Những thuyết âm mưu bừa bãi, phi lý. Một số video của các YouTuber gốc Việt lời lẽ dung tục, kém văn minh được đưa lên hàng ngày. Càng dối trá, càng phi lý, lại càng thu hút người nghe, người đọc. Và càng được tặng thưởng.

Khó lòng ngờ được có những trang tin hay kênh truyền hình mạng xã hội như vậy lại có hàng chục ngàn người theo dõi với đầy những những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, được diễn đạt bằng một loại ngôn từ hung bạo, kích động. Chúng tồn tại và phát triển mạnh bởi người xem chỉ cần điều họ muốn nghe, muốn đọc, bất kể nó là thế nào. Những mẩu tin hay hình ảnh bị các hãng truyền thông chính thống hay cá nhân khác kiểm chứng, vạch ra điểm bịa đặt, sai trái hay bị các mạng xã hội gắn nhãn là ngụy tạo, vẫn được họ tiếp tục nhắm mắt chia sẻ, lan truyền.

Không chỉ vậy, một số người quá khích còn tấn công vào những cơ quan truyền thông chỉ đóng vai trò truyền thông, đưa ra những thông tin, sự việc đang thật sự xảy ra như thế nào. Họ tấn công, xúc phạm các tác giả, tòa báo dưới mỗi bài viết, những phân tích có sự khác biệt trong nhìn nhận về chính sách cùng chính trường hiện nay. Họ tự tước đi cái quyền được tiếp nhận thông tin đa chiều, toàn diện để từ đó, tự mình nhận định hay kết luận.

Cho dù có đang nồng nhiệt ủng hộ ứng viên nào, khi để cảm xúc của mình bị chi phối bởi kẻ khác đang muốn dẫn dắt mình bằng thông tin sai lệch là một sự sỉ nhục vào trí tuệ của chính mình. Nhưng nếu vẫn tiếp tục thích thú, tặng thưởng cho một dạng truyền thông đầy tung hứng như vậy, thì những người này lẽ ra vẫn có thể bình tĩnh đọc thêm các thông tin, chứng liệu trên tinh thần báo chí và học thuật, khác với điều được nghe, được đọc và đã tin. Bởi điều này mang lại ích lợi cho chính họ trong vai trò những độc giả có hiểu biết, được thông tin đầy đủ từ một nền truyền thông đóng đúng vai trò thông tin và phản biện của nó trong thể chế dân chủ.

Hy vọng không chỉ cho một nền dân chủ cùng những giá trị của nước Mỹ sẽ được phục hồi, mà cả nền truyền thông thời đại Trump sẽ không còn đất sống để chỉ còn một nền truyền thông trách nhiệm, trung thực và tích cực như nó đã từng hiện diện từ lâu nay.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Khg biết ai, nhà báo, hay bất cứ một trí thức nào có thể có đủ tài liệu, cũng như kiến thức để có thể viết loạt bài để lý giải về hiện tượng cuồng Trump nói chung và hiện tượng cuồng Trump của người Mỹ gốc Việt nói riêng để giúp cho những người như chúng tôi có thể đọc và hiểu một cách đầy đủ về hiện tượng rất kỳ lạ chưa từng có này.

    • Sau khi Trump đắc cử năm 2016, tôi có nói chuyện với một số bạn thân Mỹ để tìm hiểu vì sao họ đã bỏ phiếu cho Trump. Nói chung câu trả lời đều thống nhất là vì họ là người thiên chúa giáo và đối với những người này, phụ nữ chưa bao giờ được quyền đứng ngang hàng với phái nam chứ đừng nói chuyện lên ở vị trí lãnh đạo quốc gia. Người đàn bà khi lấy chồng họ phải đổi tên họ, cũng giống như một tài sản gì đó được sang tên cho chủ mới. Những người lãnh đạo tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy con chiên bỏ phiếu cho phe “bảo thủ” bằng những lý luận phe Dân chủ muốn duy trì luật cho phép phá thai, và đây là hành động giết người hợp pháp. Đối với các con chiên ngoan đạo thì cả đời tin vào đạo để được lên thiên đàng thì việc bỏ phiếu cho đúng bên theo chỉ thị chỉ là chuyện nhỏ để họ đạt được mục đích đó.

      • Vấn đề “cuồng Trump” của người Mỹ phát xuất từ chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Trump khi còn tranh cử lần trước. Người Mỹ từ lâu họ có những bực bội vì vấn đề di dân và nhất là thành phần da màu được ưu đãi hơn họ. Chẳng hạn như họ hay con cái đủ điểm để được nhận vào đại học nhưng bị loại vì phải nhường chỗ cho người da màu có khả năng trình độ thấp hơn. Tương tự trong vấn đề kiếm công ăn việc làm. Nỗi ấm ức này họ đã có từ lâu nhưng không thể nói ra được vì vi phạm luật kỳ thị. Khi Trump đặt vấn đề “nước Mỹ trên hết” thì người Mỹ hiểu đó là “Mỹ trắng trên hết” và vì thế cho nên Trump được ủng hộ một cách nhiệt tình.

Leave a Reply to ViDa Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây