Nước Mỹ có thể hàn gắn được

Lê Nguyễn Duy Hậu

3-10-2020

Giới trẻ Việt Nam có một câu thành ngữ: “Có không giữ, mất đừng tìm”. Ngẫm ra thì đó là điều rất đúng đắn. Theo dõi những gì diễn ra trên chính trường Mỹ suốt mấy năm vừa qua càng khiến cho những người nghiên cứu chính trị, pháp lý thuần tuý hiểu hơn về giá trị của những truyền thống bất thành văn, nhưng lại là xương sống của cả một thể chế chính trị.

Như chuyện tranh luận tổng thống 4 ngày trước. Có thấy sự chợ búa của buổi tranh luận, người ta mới có động lực tìm lại những cuộc tranh luận trước đó giữa các ứng cử viên tổng thống. Năm 2016, Trump và Clinton bắt tay nhau trong buổi đầu tiên, và sau đó họ còn không thèm nhìn mặt nhau. Nhưng chỉ cần lùi về trước đó không xa là năm 2012, hay đẹp hơn là 2008, người ta sẽ thấy cuộc tranh luận của Obama và Romney, hay của Obama và McCain diễn ra hết sức văn minh, lịch sự. Ở đó, những ứng cử viên ngồi vào thảo luận với nhau về những chính sách mà họ sẽ làm với nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. Không có chỗ cho công kích cá nhân, và chắc chắn không có chỗ cho công kích gia đình nhau. Người Mỹ đã từng đi bầu dựa trên những chính sách, lựa chọn những hướng đi chứ không phải đơn thuần là xem họ ghét ai hơn như cuộc bầu cử năm nay.

Tròn 12 năm trước, cũng vào dịp tháng 10 này, khi John McCain tổ chức buổi vận động tranh cử nước rút trước khi vào cuộc quyết đấu với Barack Obama, ông nhận được một câu hỏi từ một cử tri lớn tuổi. Bà ta run rẩy nói với McCain rằng bà sợ Obama sẽ đắc cử vì Obama là “một tay Arab”. Không đợi bà nói hết câu, McCain giựt lại micro và trấn an bà rằng Obama là một người đàn ông đàng hoàng, có gia đình, và là một chính trị gia tốt. Chỉ là, Obama có quan điểm khác McCain và McCain tin rằng quan điểm của mình có lợi hơn cho nước Mỹ.

Đáp lại ngay lập tức với lời “bênh vực” đó của McCain là tiếng boo của đám đông cử tri. McCain sau đó thua cuộc bầu cử, nhưng ông trở thành một trong những chính khách được quý trọng nhất nước Mỹ. Tất nhiên sẽ có người không thích ông vì ông bị bắt trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng rốt cuộc thì mình tin là thế hệ sau sẽ học được từ ông nhiều hơn. Obama trở thành người đọc tưởng niệm chính trong đám tang của John McCain 10 năm sau đó.

Hay chỉ mới 4 năm trước thôi, trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống Obama, lưỡng viện Hoa Kỳ (và lưỡng đảng nói chung) đã thông qua một đạo luật thành lập các trung tâm nghiên cứu chống bệnh ung thư ở Hoa Kỳ. Khi thượng viện chuẩn bị thông qua, bất ngờ đại diện của Đảng Cộng Hoà lên tiếng nói rằng ông muốn thay đổi thêm một phần của đạo luật này. Theo đó, trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư sẽ được đổi tên thành Beau Biden – theo tên của một sĩ quan Hoa Kỳ từng phục vụ ở Iraq và qua đời vì ung thư. Beau là con trai của Joe Biden, người khi đó là phó Tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời là Chủ tịch Thượng Viện. Joe Biden khi đó ngồi ghế chủ toạ cuộc họp đã xúc động thấy rõ vì sự tri ân này. Người đưa ra lời đề nghị năm ấy là thủ lĩnh phe đa số của Thượng Viện, Mitch McConnell.

Chính những truyền thống dân chủ đó giúp cho nước Mỹ hàn gắn nhanh chóng sau Nội chiến và lớn mạnh dù hai tư tưởng đối lập nhau. Hiến Pháp Mỹ chưa bao giờ bắt hai đảng phải làm việc với nhau, nhưng họ biết họ phải làm như vậy vì đó là cách duy nhất để nước Mỹ phát triển được. Những hình ảnh đó đã dần biến mất sau 4 năm vừa qua. Lỗi thì tại anh tại ả, và cũng không nhất thiết để đi truy cứu nữa khi việc trước mắt chính là hoà giải và hoà hợp được.

Ngày hôm nay, khi tổng thống Trump bị dương tính với Covid-19, có lẽ có rất nhiều người hả hê, và cũng không ít người cầu mong Joe Biden cũng bị lây nhiễm. Nhưng nổi bật hơn cả là cuộc hưu chiến giữa hai phe, hay ít nhất là giữa hai ứng cử viên tổng thống. Joe Biden gửi lời chúc sức khoẻ đến Donald Trump và chiến dịch tranh cử của Joe Biden tuyên bố sẽ (tạm) ngừng các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền có nội dung tiêu cực chống lại tổng thống đương nhiệm.

Chắc chắn những người tin vào điều tiêu cực, hoặc nghĩ rằng nước Mỹ đang trong giai đoạn sống còn, sợ hãi cả nền dân chủ 300 năm rơi vào tay Trung Cộng hay “dân chủ thổ tả” (kì thực là họ hoặc coi thường nền dân chủ đó, hoặc không hiểu gì, hoặc có những mục tiêu chính trị khác) sẽ cho rằng đây chỉ là đóng kịch. Nhưng dẫu cho đó là vở kịch thì nó cũng gợi nhắc lại rằng trước đó không lâu, cái gọi là vở kịch đó đã từng được xem là một tiêu chuẩn, một truyền thống, một thứ quyền lực mềm khiến nước Mỹ được ngưỡng mộ (chứ không sần sùi như bây giờ).

Ở giữa lòng nước Mỹ trong giai đoạn này quả là một trải nghiệm vừa lo sợ, vừa thú vị. Có thể mình ngây thơ nhưng mình tin rằng nước Mỹ có thể hàn gắn được. Đôi lúc mọi thứ cần phải đẩy đến tiêu cực nhất để người ta nhận ra những thứ vô hình tưởng như có sẵn nó quan trọng đến thế nào. Tiếng Anh có cụm từ “don’t take something for granted” mà khi dịch ra tiếng Việt thì thật bất lực để rõ được cái nghĩa của nó.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nước Mỹ chỉ có thể “hàn gắn” được với điều kiện “ắt có và đù” là các phe không
    tìm cách bác bỏ hay lật đổ lẫn nhau mà phải giữ thế cân bằng giữa 2 quan điểm
    bảo thủ (bảo vệ và giữ gìn truyèn thống) và tự do hay cấp tiến.
    Vấn đề ở Mỹ ngày nay có lẽ có một phe cực đoan đang muốn chiếm lĩnh vai trò
    độc tôn để lãnh đạo nước Mỹ đi theo quan điểm qúa khích của họ ?

  2. Ý trời, có lẽ đây là ý trời gọi là God Bless America, mới có một tranh luận mặt đối mặt mà đến Thượng Đế cũng phải hoảng, các ngài ứng cử chức vụ tổng thống bắn nhau như thời Far West. Ông Trump bị nhiễm cúm tàu và Bilden thì lo sốt vó nên đi khám liền tức khắc. Hưu chiến chờ đến ngày..nội chiến.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây