Lại nói chuyện người tử tế

Nguyễn Thọ

3-10-2020

Gặp gỡ các thầy cô hè 2019. Ảnh: FB tác giả

Ngày bức tường Berlin bị phá bỏ 9.11.1989 và cả ngày thống nhất nước Đức 3.10.1990 tôi đang ở Việt Nam. Thiếu thông tin nên tôi có cảm giác lẫn lộn. Mừng vì đất nước Đức mà tôi đã gắn bó từ năm 1967 nay thống nhất mà không tốn xương máu. Khi còn là cậu thanh niên 16-17 tuổi, tôi đã chứng kiến sự chia ly của các gia đình Đức nên hiểu nỗi đau của họ.

Tuy biết Đức sẽ khác xa Việt Nam sau 1975, nhưng tôi vẫn lo, không biết số phận của thầy cô và bạn bè tôi sẽ ra sao trong tình hình mới.

Ngay từ khi sang Đức định cư 1991, tôi lập tức lần mò tìm lại gần hết những thầy cô, bạn bè xưa. Điều hạnh phúc nhất là không ai trong số đó phải bất hạnh vì số phận, kể cả những người từng hợp tác với STASI để theo giõi đồng nghiệp.

Con người và suộc sống ở CHDC Đức (Đông Đức) trong bốn năm 1967-1971 đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nay tôi hay rủ bạn bè trở về trường cũ ở thị trấn nhỏ Königs Wusterhausen để thăm lại những ông bà giáo già. Mỗi lần như vậy, họ lại có dịp được gặp nhau, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt nam. Người nào không tự đi được, chúng tôi cử nhau đón đưa. Nhiều người trước kia không hề thân nhau, giờ đây trở nên gắn bó, gắn kết với nhau.

Họ bảo: Đám học sinh Việt Nam các em đã trở thành cầu nối của chúng tôi.

Họ đã thành người thân của tôi. Có chuyện gì các ông bà đều gọi cho tôi để tâm sự. Ôn lại chuyện hơn 50 năm trước, chúng tôi vui, cười bò vì những trò ấu trĩ. Các thầy cô thì tự hào về những gì họ đã làm được cho kỹ nghệ điện tử phát thanh truyền hình trong điều kiện bế quan tỏa cảng với phương tây hồi đó.

Hôm nay, trong khi dân cư mạng xôn xao về vụ tranh cử đầy bùn ở Mỹ, về vụ ông Trump bị ám Covid-19, tôi chỉ viết về những người Đông Đức tử tế mà tôi được biết.

Chính những người dân Đông Đức bình dị đã tự tay xóa bỏ bức tường, chính họ là người đã mở đường cho công cuộc thống nhất trong hòa bình chứ không phải thế lực phương tây nào. Điều này được cả nước Đức khẳng định hàng năm, mỗi khi nói đến ngày 9.11, hay 3.10.

Trước mùa thu 1989, những người Đông Đức này đều là công nhân, viên chức, bộ đội, cảnh sát, giáo viên, mậu dịch viên v.v. trong một nhà nước mà quyền công dân bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Áp bức, lừa dối, xuyên tạc ngự trị sinh hoạt xã hội. Mọi người dân vẫn sống và thực hiện nghĩa vụ công dân trong cái khuôn đó. Nhưng cái khuôn khổ chật hẹp, đầy rẫy dối trá đó không thể tiệu diệt được hết mầm mống của sự tử tế trong đa số người dân.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 7.5.1989, khi một số sinh viên Leipzig phát hiện ra vài vụ gian lận bầu cử hội đồng địa phương. Các bạn kêu gọi biểu tình và tối hôm đó chỉ có 50 bạn trẻ đến dự ở quảng trường thành phố. Lập tức cảnh sát ra tay đánh đập đám sinh viên. Không ngờ bên cạnh đó có rất đông dân chúng đang dự một lễ hội. Chứng kiến cảnh đông đảo cảnh sát đánh đập một nhóm thanh niên nhỏ ôn hòa, dân chúng bỗng thịnh nộ đứng về phía 50 sinh viên. Sự áp đảo của dân chúng khiến cảnh sát phải lùi bước. Ngay tối hôm sau 8.5, sự việc tái diễn. Lần này dân chúng không ai bảo ai kéo đến bảo vệ những người làm lễ thánh trong nhà thờ Nikolai bị công an bao vây. Lý do bao vây vẫn là đề tài “Gian lận bầu cử” được thuyết trình trong nhà thờ.

Ngọn lửa từ những người bất đồng chính kiến ít ỏi đã lây sang đám đông quần chúng xưa nay chẳng quan tâm đến thời cuộc. Cứ như thế làn sóng dâng lên dần, dẫn đến các cuộc “Biểu tình ngày thứ hai” [1].

STASI càng ra tay, sự tức giận càng tăng. Lúc đầu chỉ có 1.200 người đi biểu tình, dần tăng lên đến hàng trăm ngàn người. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 6.11.1989 tại quảng trường Alexander ở Berlin với gần 1 triệu người tham dự [2].

Ba ngày sau bức tường “sập”.

Bức tường sập, đơn giản chỉ vì có nhiều người Đông Đức bình thường không muốn công an đánh con cháu mình, đơn giản vì nhiều nhà giáo không muốn phải nói dối mãi về lịch sử, đơn giản vì những cô cậu thanh niên không muốn cứ phải nghe kết quả bầu cử 99% năm này qua năm khác, vì có những phóng viên truyền hình đã quyết nói lên sự thật, bất chấp lệnh trên [3].

Trong khi đó, không ít kẻ ác tìm mọi cách phá hoại hạnh phúc của nhân dân, chỉ để giữ quyền lực. Những kẻ này không tiếc máu.

Nhưng bức tường sập mà không đổ máu vì có những sỹ quan STASI như Harald Jäger, tuy trung thành với đảng SED nhưng chấp hành đúng kỷ luật của Đức. Anh chỉ cho phép nổ súng khi bị tấn công [4]. Ở vào những giây phút quyết định, sự tử tế lương thiện cuối cùng đã thắng. Chỉ cần cái thiện nhỉnh hơn cái ác là van được mở. Đó chính là phẩm chất của một dân tộc.

Phẩm chất đó được hình thành lâu dài qua nếp sống văn minh, có kỷ cương. Ngày nay nước Đức thống nhất ca ngợi 14 cầu thủ Đông Đức đã trung thành với nghĩa vụ công dân đến cùng trong trận đấu ngày 12.9.1990 với Bỉ [5]. Không phải cầu thủ nào của Đức cũng như vậy, nhưng cái chất của dân tộc này đủ tập hợp 14 người con. Ở đâu cũng có người tử tế. Nhưng nếu chỉ có 9 hoặc 10 cầu thủ thì đã không có cuộc đấu lịch sử để chứng tỏ phẩm chất của dân tộc.

Phẩm chất đó không phải của chế độ nào.

Sau ngày 3.10.1990, nước Đức vật vã chuyển mình. Nhưng mối lo của tổng thống Pháp F.Mittrand và thủ tướng Anh M.Thatcher về môt chủ nghĩa Xô-Vanh Đức chỉ dẫn đến một nước Đức hòa bình đến mức nhũn nhặn.

Thiên đường TBCN mà một số người Đông Đức hy vọng đã trở thành hiện thực buồn bã. Nạn thất nghiệp ở Đông Đức tuy nay đã xuống mức 7% (so với 5% ở miền Tây), nhưng trong những năm 1990 đã từng ở mức 23%. “Bức tường trong đầu” phân chia Đông-Tây dần dần thay thế bức tường thép gai.

Tích lũy trung bình của các gia đình Đông và Tây tính theo đơn vị nghìn EUR. Ảnh: internet

Khoảng cách về tích lũy của từng gia đình Đông và Tây Đức hiện tại là 60.000 – 21.000 EURO. Lý do: Tư hữu ở miền Đông bị xóa bỏ suốt 45 năm, nay phải làm lại từ đầu, trong khi quá trình này liên tục từ nhiều thế kỷ ở miền Tây. Nhưng điều đó không cản trở miền Đông vươn lên đạt 76% năng lực công nghiệp của miền Tây. Năm 1990, năng suất lao động miền Đông khoảng 30% của miền Tây, nay đã đạt 86% (quy ra lương). Tuy nhiên do giá sinh hoạt ở miền Đông rẻ hơn nên không có chênh lệch nhiều về mức sống.

Trong khi lương trung bình miền Đông chỉ bằng 86% miền Tây thì lương hưu các cụ ông và cụ bà miền Đông lại cao hơn ở miền Tây. Ảnh: internet

Có một nghịch lý nhỏ là dân Đông Đức lĩnh lương hưu nhiều hơn các cụ phía Tây. Một phần vì trước kia họ làm viên chức nhiều và phụ nữ đa số đi làm.

Trong quá trình cải tạo miền Đông, người dân Tây Đức đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ hàng ngàn tỷ EURO để giúp đỡ đồng bào mình trong suốt 30 năm qua. Thay vào đó, nền quản lý và chính trị miền Tây đã được tạo dựng ở miền Đông. Chỉ có một số ít thành tựu của miền Đông được đưa sang miền Tây.

Tôi có thể đưa ra nhiều con số khác nữa để chứng tỏ bức tường trong đầu dân Đức là có cơ sở.

Màu xanh nhạt là tỷ lệ % người Đức thỏa mãn với chế độ hiện hành, mà xanh đậm là tỷ lệ người phê phán. Ảnh: internet

Nhưng dù sao có đến 75% người Đức coi qua trình thống nhất đất nước là một thành công, chỉ 23% coi đó là thất bại.

Cái đáng nói ở một xã hội dân chủ, tử tế là ở chỗ: Đa số cảm thấy có trách nhiệm phải làm sao hiểu và giúp đỡ 23% kia. Không ai coi họ là phản động hay bất mãn.

_____

[1] Montagsdemonstration https://en.wikipedia.org/…/Monday_demonstrations_in…

[2] Ủy viên bộ chính trị đảng SED Günter Schabowski hôm đó cũng thay mặt đảng SED đến đối thoại với phe đối lâp. Phe đối lập thì chưa hình thành, chẳng có ai lãnh đạo cả

[3] Trung tâm truyền hình Rostock bắt đầu đưa tin về các cuộc biểu tình từ tháng 10.1989, bất chấp lệnh của đài chủ quản từ Berlin.

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904

[5] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4734892423195460

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Một phần của bài này đã chứng minh thực tế “sống trong chăn mới biết chăn
    có rận”.Do đó,khi rận tràn ngập thì người ta phải vùng lên để diệt chúng,nếu
    không thì chúng hút máu hết là chết,là đời tàn trong khổ lụy.
    Bài này cũng rất hay cho những kẻ ngoài cuộc hay những ai chưa sống với CS.
    bao giờ thì nên lấy bài này mà học thuộc,chứ không thì không có cái dại nào
    giống cái dại nào vì kẻ gian manh bịp bợm không hề thiếu thủ đoạn !

  2. Tặng những người yêu thích miền đông nước Dức.

    VỀ MIỀN ĐÔNG

    Về miền đông con đường mới rộng thênh thang
    Sương chưa tan lâu đài cổ Warburg
    Eisenach con đường đá cũ
    Con dốc cao ngược dòng năm tháng
    Tìm lại em
    Tìm lại tuổi đôi mươi
    Thời Lerling những chiều đông tan trường
    Vẫn đâu đây dấu chân em
    Chưa tan vào tuyết trắng…

    Về với miền đông
    Về với dòng kỷ niệm
    Miền đông ơi!
    Ba mươi năm cổng thành rộng mở
    Anh đâu rồi ?
    Anh lính miền đông ơi
    Bao nhiêu năm nay, nơi này chia cắt
    Anh bồng súng hiên ngang
    Anh canh gác cổng thành…

    Cổng thành hôm nay hôm nay thênh thang
    Rộng mở
    Cổng thành hôm nay vang vang
    Khúc nhạc
    Cổng thành hôm nay chiều thu
    Nắng vàng…
    Cùng đón ta về miền đông .

    -TQN-

  3. Khi cái đục cắt đứt tấm thép, thì có thể nào gọi tấm thép đã bị cắt bởi chính một mình cái đục ấy không?

    Dân Đông Đức, và đông Bá linh nói riêng, khổ cực dưới chế độ Erich Honecker, đã khao khát tự do kể từ tháng 8/1961, và thường xuyên bức xúc mặc cảm khi so sánh mình với người anh em phía bên kia bức tường ngăn đôi Bá linh từ nhiều năm trước, chắc chắn luôn khao khát phá bỏ nó bất cứ khi nào có dịp.
    Và trên thực tế đơn giản, chỉ chính họ mới ra tay làm được điều đó.

    Thật lố bịch khi nghĩ rằng những nước tư bản Âu Mỹ với truyền thống dân chủ thượng tôn công pháp quốc tế và các hiệp ước sau WW2…lại đích thân kéo quân vào Đông Bá linh để đục tường khoét vách!

    Tuy thế, Người dân Đông Bá linh, xét cho cùng, chỉ có thể là cái đục thôi. Bản thân cái đục thôi không thể làm được gì nếu không có lực to lớn tác động vào.
    Tại sao họ không phá bức tường Bá linh sớm hơn theo mơ ước tự do da diết của họ đã từ rất lâu rồi? Vì chưa có cơ hội! Tự họ không thể nào có cơ hội.

    Cần phải đến cái ngày một cánh tay rắn chắc mạnh mẽ của một con người dồi dào sức khoẻ cầm cái búa nện lên cái đục đó!

    Đông Đức vốn có sức sống hơn hẳn các chế độ cộng sản Đông Âu khác là nhờ yếu tố bản chất mạnh mẽ của tổ tiên dân tộc Đức qua thời kỳ đô hộ, tôi luyện của người Phổ, một dân tộc mà cả châu Âu phải kiêng dè, cho dù cuối cung nước Phổ cũng đã bị sáp nhập…
    CỘNG VỚI sự hổ trợ đặc biệt của Liên Xô, nước cung cấp cho Đông Đức phần lớn nguồn lực, vì Đông Đức là cửa hàng khoe khoang “bộ mặt văn minh phồn vinh” của Cộng sản Quốc tế vào thời điểm đó..

    Cuộc chạy đua vũ trang giữa LX và Mỹ, do Mỹ tác động, đã bào mòn tiềm lực kinh tế khối liên bang cs nầy. Thêm vào đó là vụ khủng hoảng dầu mỏ ở Trung đông đã giáng đòn nặng nề lên tiềm lực LX.

    Nguyên do sâu xa của tình hình nói trên tóm tắt là…

    Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Ảrập Xêút khỏi các đối thủ Ảrập khác, bảo vệ các giếng dầu của nước này, và bảo vệ họ khỏi sự xâm lược của Israel. Đáp lại, Arap Xêut theo yêu cầu của Mỹ gây biến động thị trường dầu mỏ, làm hạ giá dầu.
    LX, nước có sản lượng dầu mỏ rất lớn, chỉ trông chờ ngoại tệ từ xuất khẩu dầu mỏ, là nguồn chính của ngân sách, nay bị suy thoái kinh tế, cắt viện trợ cho Đông Đức.

    Khi Ronald Reagan vào toà Bạch Ốc năm 1980, cả lực lượng quân sự và nhất là kinh tế của các nước Đông Âu cùng toàn bộ khối Xô viết đã trở nên yếu kém rõ ràng vì thấm đòn công kích của Mỹ.
    Đến khoảng giữa thập niên 1980, Mỹ tập trung đánh mạnh vào việc xuất khẩu dầu mỏ của Liên Xô. Đầu tiên, Mỹ phá giá đồng USD tới gần 30% khiến doanh thu thực tế từ xuất khẩu dầu mỏ của Liên Xô sụt giảm trầm trọng.

    Gorbachev đã thấy nguy cơ đó, bắt đầu cởi mở với phương tây. Ông thấy rằng chế độ cộng sản cần phải thay đổi cách nào đó.
    Bức màn sắt loãng dần. Một khi chính Gorbachev đề xuất chính sách đổi mới glasnost, nới lỏng những dây trói, là tất cả các nước Đông Âu bắt đầu cảm nhận một hình thức phong trào cởi mở từ bên trong giới cầm quyền đảng cộng sản, hoặc từ quần chúng và đảng viên bên dưới lên.
    Tại Đông Âu, sự độc quyền của các đảng cộng sản, được Liên Xô hỗ trợ từ mấy chục năm, đang trên đường bị phá huỷ. Ba Lan và Hungary khởi đầu tiến trình tan chảy này.
    Năm 1989 là một năm quyết định. Sử gia Frederick Taylor nói một quyết định của ông Gorbachev đã có hậu quả tức thời cho Đông Âu – nhất là Đông Đức. Khi mọi sự đã rõ ra là ông Gorbachev, nhà lãnh đạo cải cách mới ở Liên xô, không sẵn sàng sử dụng Hồng Quân để đàn áp giới bất đồng chính kiến, không đàn áp các cuộc biểu tình, đàn áp sức ép đòi cải cách ở bên trong Đông Đức- hậu quả của đòn kinh tế từ Mỹ, thì không ai ở Đông Bá linh còn thiếu dũng cảm lao ra phá bỏ bức tường. Những biến cố vặt tại ngay địa phương chỉ là dư chấn của đòn quyết định của R. Reagan thôi.

    Đấy, chính gã khổng lồ Mỹ, bằng cánh tay đầy sức lực đã tạo động lực và hứng khởi tìm tự do, kích hoạt các cuộc biểu tình khắp Đông Đức trong các tháng 9 và tháng 10 năm 1989. Các cuộc biểu tình đó ôn hoà, biểu tình lớn nhất diễn ra ở thành phố Leipzig.
    Không một lực lượng cs nào còn đủ sắt máu để ngăn chận. Chính Erich Honeker còn ngồi xem các cuộc biểu tình diễn ra trên màn hình tv mà không đưa ra một chỉ thị nào đối phó, và sau đó tuyên bố từ chức.
    Và vụ đập bức tường Đông Bá linh chỉ là biến cố mang tính biểu tượng đánh dấu sự rơi rụng chế độ cs Đông Đưc như một trái cây đã rục thối.

  4. Khác với Việt Nam, nước Đức bị cộng sản xâm lược nên khi có cơ hội là họ tự tìm cách giải thoát mà không hề lưỡng lự. Việt Nam thì bị lũ gian manh tha cộng sản về. Chúng lợi dụng trình độ dân trí thấp để lừa người dân, để cho chúng cái quyền lãnh đạo. Khi lũ gian manh lên nắm quyền, chúng chẳng tội gì buông ra, không cần biết hậu quả cho đất nước ra sao. Nếu người dân tiếp tục cam phận thì lũ gian manh cộng sản sẽ tiếp tục sống mãi trên đầu tren cổ người dân. Chịu vậy thôi!

    • “Việt Nam thì bị lũ gian manh tha cộng sản về”

      Ậy, tại sao bạn lại nặng lời với họ wá zậy ? Lời “Thầy Nguyễn Huệ Chi vừa nhắc thân tình, rằng không nên nặng lời với trí thức, sẽ gieo nghiệp”. Gọi họ là “gian manh”, bạn không sợ gieo nghiệp à ? Trí thức là người biết suy nghĩ chín chắn, nên lúc hành động thì quyết tâm, không áy náy . Tấm lòng trong sáng lúc nào cũng vì Đảng, vì đất nước . Họ cứ như được thần linh hỗ trợ, do khí thiêng sông núi hun đúc, rùi cha mẹ sinh ra -rất quan trọng . Những người khác thường không phải do cha mẹ sinh ra- mà tạo thành . Sinh vi tướng, tử vi thần, ai là người Việt cũng đều kính trọng họ . Nói động vào họ là thần linh quở phạt đấy .

    • “… nước Đức bị cộng sản xâm lược nên khi có cơ hội là họ tự tìm cách giải thoát mà không hề lưỡng lự…”
      Bạn định viết lại lịch sử giai đoạn kết thúc trận Đại chiến Thế giới lần 2 ?

      Sau nhiều chiến dịch lớn của Phe Đồng minh, nước Đức của Hitler bị đè bẹp. Hitler tự sát. Chế độ Quốc xã cáo chung.
      Tại Đông Bắc Á, 2 quả bom A thả xuống 2 thành phố của Quân phiệt Nhật cũng đã khiến kết thúc mặt trận cuối cùng của WW2.
      Phe Đồng minh, mà LX là một thế lực tham gia, đã phân chia quyền lực với nhau bằng biện pháp chia đôi một số nước. Đức và Triều tiên phải chịu cúi đầu trước thoả thuận nầy. Đông Đức và Bắc Triều tiên rơi vào số phận bị xích hoá bởi LX. Vậy thôi. Chẳng ai xâm lược Đức Quốc xã cả, mà phải nói ngược lại: Hitler tung quân đi chiếm hầu hết Châu Âu, kể cả Pháp, Stalingrad của LX, tiến sát cửa ngõ Moscow. London bị ném bom, kể cả bom bay – hoả tiễn đầu tiên của loài người.
      Đừng tội nghiệp cho Hitler!

Leave a Reply to Người Sài Gòn Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây