Chống dịch ở Việt Nam và việc xâm phạm đời tư của bệnh nhân

BTV Tiếng Dân

Hôm nay dư luận mạng xã hội và báo “lề đảng” ồn ào vụ cô Nguyễn Hồng Nhung, bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 ở VN, phát hiện bị nhiễm bệnh hồi tháng 3, phê phán cách “phòng dịch” kiểu VN đã xâm phạm đời tư cá nhân. Vụ việc bắt đầu khi báo The New Yorker có bài: Dịch bệnh gây hổ thẹn cho cộng đồng.

Bài viết liệt kê một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 bị chính cộng đồng ở đất nước họ bêu xấu, kỳ thị, xem họ như “người gieo bệnh”, trong đó có trường hợp cô Nhung được kể chi tiết nhất. Theo bài báo, cô Nhung đã kể với The New Yorker rằng chị em cô đã cùng bị công kích vào thời điểm khó khăn nhất của họ.

Cô Nhung cũng kể lại một số bình luận ác ý từ người Việt trong nước nhắm vào cô và chị cô với nội dung rất tục tĩu, kể cả được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cô Nhung lưu ý là 2 chị em cô đều nhiễm bệnh nhưng chỉ có cô về nước, trong khi chị cô ở lại và châu Âu rất chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân người nhiễm bệnh.

Lời cô Nhung kể về vụ cư dân mạng VN công kích chị cô Nhung bằng lời lẽ tục tĩu. Ảnh chụp màn hình bài báo của The New Yorker

Chuyện của cô Nhung vốn đã chìm vào im lặng từ cuối tháng 3 năm nay, bây giờ ồn ào trở lại. Các báo “lề đảng” lập tức phản ứng, báo Thanh Niên viết: Dân mạng phẫn nộ với phát ngôn của chị em ‘bệnh nhân số 0 làng mốt’ trên báo Mỹ. Dĩ nhiên là dư luận “lề đảng” VN lại “đánh hội đồng” cô này, với mức độ cay nghiệt hơn hẳn lần trước. Theo báo Thanh Niên liệt kê một số lời bình, thì hầu hết các bình luận có điểm chung cho rằng cô Nhung đã “phản bội Tổ quốc”.

Chị em nhà bệnh nhân số 17 tiếp tục nhận chỉ trích. Ảnh: TN

VTC thì dựng nên câu chuyện: Nói sai về chống COVID-19 ở Việt Nam, bệnh nhân 17 bị độc giả Mỹ ‘ném đá’ tơi tả. Bài báo tìm cách tóm lược tình hình mục bình luận của bài viết nói trên tại trang Facebook The New Yorker. Nhưng nếu so sánh lời bình của người nước ngoài được VTC liệt kê và chuyển ngữ với từ tiếng Anh, thì lời bình của họ có một độ chênh.

Các lời bình trên báo New Yorker không có ý xúc phạm nặng nề, như VTC dẫn chứng lời bình của Justin Friesen. “Tôi không nghĩ mọi người thực sự cho rằng những bệnh nhân siêu lây nhiễm có ý định truyền bệnh. Tôi cho rằng nhận định về bệnh nhân là họ bỏ qua các triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo vì lý do cố ý hoặc thiếu hiểu biết. Họ cố tình tụ tập tại nơi đông người mặc dù được yêu cầu ở nhà. Tất nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ”. Còn lời bình của người VN, nhất là các lời bình viết bằng tiếng Việt, thì đầy ác ý, bôi nhọ, công kích cả chị em cô Nhung và báo The New Yorker.

Một số người kết tội nặng nề cô Nhung vụ nói dối khi khai báo dịch tễ, lây bệnh cho nhiều người, nhà báo Nguyễn Tiêu Quốc Đạt bình luận: “Vào thời dịch, đạo đức nó còn đảo lộn, tổng thống Mỹ nói dối xoen xoét về dịch, góp phần gây chết 200 ngàn người mà vẫn được bưng bê tâng bốc thì những ai chỉ lên án cô thôi lại đạo đức giả. Còn ở thang mức đạo đức công dân, đó là điều sai nhưng không phải cái sai sót nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng ở thời điểm chống dịch là kết quả của tổng hợp các sự lo lắng phẫn nộ thái quá của cộng đồng vốn đang sống trong sự bấp bênh thường trực hàng thập kỷ qua“.

Ông Đạt cho rằng, “cô ta đúng là nạn nhân của 1 đám đông tọc mạch khi sự lo lắng phẫn nộ chuyển thành độc ác. Việc công khai lộ trình có thể có lợi trong chống dịch nhưng ở thang bậc tiêu chuẩn quyền riêng tư thì nó xâm phạm thô bạo. Nhiều trường hợp BN số xxx gặp 1 F1 ở nhà nghỉ cũng trở thành đề tài bàn tán của cả nước. Cô 17 cũng đi kèm với 1 dòng fakenews gây chửi rủa ngay tức thì khi có người lấy hình người khác đi check in ở UniQlo hay có người lấy một cái ảnh fake người phụ nữ nằm máy thở để bú mớm sự hả hê cho cộng đồng phẫn nộ“.

Biếm họa trên báo The New Yorker/ Christine Rösch

Thật ra, vấn đề xâm phạm quyền riêng tư đã được đặt ra từ lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu. Ngày 25/3/2020, VietTimes có bài: Quyền riêng tư cá nhân có đang bị xâm phạm trong cuộc chiến chống virus Corona? Bài báo dẫn lời bà Jennifer King, GĐ quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của ĐH Stanford nói với CNN: “Tôi muốn nghe một lời biện luận rõ ràng tại sao những yêu cầu về dữ liệu cá nhân là bắt buộc. Tại sao chính phủ không chọn những biện pháp khác tốt hơn, không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân”.

Với các nước châu Âu, họ vẫn có cách khống chế dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh, họ không công bố thông tin cá nhân nếu người bệnh không đồng ý. Mà ngay cả khi công bố, cộng đồng các nước văn minh luôn tìm cách an ủi, chia sẻ, thay vì tấn công nạn nhân. Cách “chống dịch” ở VN thì ngược lại, khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm mới, nếu có thông tin riêng, hầu hết báo “lề đảng” sẵn sàng công bố thông tin chi tiết của người bệnh, không cần biết bệnh nhân có cho phép hay không.

Sự xâm phạm quyền riêng tư được thể hiện khá rõ trong vụ bệnh nhân phi công Anh. Báo chí tích cực lăng xê hệ thống “phòng dịch” ở VN sau khi bệnh nhân này qua cơn nguy kịch. Lúc bệnh nhân này đang hồi phục, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thậm chí còn mò đến tận giường bệnh ông này, bắt ông này chụp hình chung.

Khi chuẩn bị về nước, bệnh nhân này đã phản ứng bằng cách, nhờ lãnh sự quán Anh ở Saigon công bố bức thư của ông gửi cho Bệnh viện Chợ Rẫy, với ba yêu cầu, trong đó có yêu cầu không muốn tiếp xúc giới truyền thông trong ngày ra viện, “không muốn tham gia chụp hình, phỏng vấn bởi bất kỳ báo đài nào”.

Người xưa đã dặn, làm việc tốt thì đừng kể công, bộ máy tuyên truyền CSVN thì hoàn toàn làm ngược lại, nên phải nhận trái đắng. Ông phi công người Anh không thể suốt ngày làm “linh vật” cho hệ thống tuyên truyền quảng bá bộ máy “phòng dịch” của VN; cô bệnh nhân số 17 thì bị “đánh hội đồng” lúc cô mới bị bệnh… tiếng xấu đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Nếu những người làm tuyên truyền ở VN chấp nhận hành xử có văn hóa, thì bài viết của The New Yorker có thể nhanh chóng chìm vào quên lãng. Đằng này các tuyên truyền viên VN kéo bè kéo nhóm vào làm loạn mục bình luận trong rất các bài đăng của trang Facebook The New Yorker. Như bài đăng nói về ảnh hưởng của nhà soạn nhạc Wagner đối với Hollywood, chẳng liên quan gì đến bài viết về cô Nhung, các tuyên truyền viên cũng xông vào chửi rủa.

Về lập luận của các tuyên truyền viên VN cho rằng ngành Y tế VN đã “cứu mạng” cô Nhung, thông tin này không có cơ sở. Đúng là cô Nhung đã được nhập viện, nhưng trong quá trình điều trị, không thấy có thông tin cô bị nguy kịch. Nghĩa là cô Nhung cũng như bao người trẻ nhiễm Covid-19 khác, được cách ly có giám sát và tự khỏi. Bằng chứng là chị cô Nhung cũng nhiễm bệnh, không về VN và cũng đã khỏi bệnh.

Từ lúc cả bộ máy tuyên truyền VN rêu rao rằng VN “thắng dịch”, đã có ý kiến cho rằng VN sẽ sớm nhận trái đắng từ chính cách làm quá lố này, bây giờ thì sự việc diễn biến đúng như vậy, bởi cách chống dịch thái quá của VN. Giống như nhiều thách thức xã hội khác, VN đã “chính trị hóa” việc chống dịch, khi so sánh Covid-19 với mấy cựu thù như Pháp, Mỹ rồi cho rằng lần này VN cũng sẽ thắng, trong khi bản chất việc phòng dịch với chiến tranh không giống nhau. Kết quả là, bất cứ khi nào có tin bất lợi về bộ máy “phòng dịch” ở VN là cả hệ thống tuyên truyền lồng lộn lên.

Còn về “hiệu quả” của cách làm ở VN, con số 35 ca tử vong vì Covid-19, cùng với 3 ca tử vong sau khi đã âm tính, đã khiến giọng tuyên truyền rằng VN “thắng dịch” hầu như vắng bóng. Trước mắt bộ máy tuyên truyền vẫn cố rêu rao là VN lại kiểm soát được tình hình sau 20 ngày không có lây nhiễm cộng đồng, phớt lờ sự thật là các ca F0 gây nên ổ dịch Đà Nẵng đều mất dấu, không truy ra được. Lâu lâu lại có trường hợp người từ VN sang nước khác bị phát hiện dương tính, 2 ngày trước là một người từ TP HCM về Sri Lanka, hôm nay có trường hợp từ VN sang Nhật. Nghĩa là mầm bệnh vẫn còn ẩn náu đâu đó ở VN.

_____

Mời đọc thêm: Vì sao câu chuyện về bệnh nhân thứ 17 được quan tâm trở lại (VN Review). – Bệnh nhân 17 lên báo Tây nói bị cộng đồng mạng kỳ thị khi nhiễm Covid-19 (TĐ Plus). – Cộng đồng mạng vạch rõ sự thiếu sót của chị gái N17, so sánh với ‘con gái nhà người ta’ (Infonet).

Hà Nội phát hiện thêm ca dương tính SARS-CoV-2 khi sang Nhật (VNN). – Đi từ Hà Nội, 1 ca nhiễm Covid-19 khi nhập cảnh vào Nhật Bản (ANTT). Mời đọc lại: Giữa đại dịch Covid-19, nên công bố, chia sẻ thông tin người bệnh? (TN). – Sau Covid-19 sẽ là cuộc chiến về quyền riêng tư (VNE).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Còn về “hiệu quả” của cách làm ở VN, con số 35 ca tử vong vì Covid-19, cùng với 3 ca tử vong sau khi đã âm tính, đã khiến giọng tuyên truyền rằng VN “thắng dịch” hầu như vắng bóng.”
    -VN phòng chống Đại dịch virus corona tốt, nhưng so sánh về tỷ lệ tử vong thì cũng tương đương với Mỹ. Cụ thể, khi Đại dịch virus corona bùng phát tại Đà Nẵng, tính đến ngày 6/9/2020, số ca tử vong tại Đà Nẵng là 31, ứng với số ca nhiễm là 394, tỷ lệ tử vong tại Đà Nẵng là 31/394 = 7.87%. Cũng tính đến ngày 6/9/2020:
    *Tại Tiểu bang New York, số ca tử vong là 33,072, số ca nhiễm là 471,867, tỷ lệ tử vong là 33,072/471,867 = 7.01%.
    *Tại Tiểu bang New Jersey, số ca tử vong là 16,091, số ca nhiễm là 197,520, tỷ lệ tử vong là 16,091/197,520 = 8.15%.
    -Nhiễm virus corona dù dc cứu sống thì với thanh niên sức khỏe giảm xuống còn 70~90%, ng lớn tuổi sức khỏe giảm xuống còn 60~80%, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động cũng như về già. Vậy nên, tốt nhất là tuân thủ phòng chống dịch theo khuyến cáo của CDC.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây