Thế nào là giáo dục chất lượng cao?

Chu Mộng Long

21-9-2020

Những ngày đầu ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ tuyên bố: “Học phí thấp thì khó đòi hỏi giáo dục chất lượng cao!

Lý thuyết này đúng tinh thần kinh tế thị trường, dù là thị trường giáo dục, tôi không cãi. Tôi chỉ hỏi ngược, rằng lâu nay chất lượng giáo dục thấp là do học phí thấp? Và thời tôi đi học cũng như các ông đi học, dân không đóng học phí thì chất lượng bằng không? Chưa kể nhiều quốc gia văn minh như Đức và Bắc Âu, người dân của họ được miễn học phí hoàn toàn, chất lượng bằng không ư?

Nay các trường thi nhau tăng học phí, tăng thu đủ các loại, kể cả tăng giá sách giáo khoa, dù đã vay nợ cho dân trả 34 ngàn tỷ đồng, ắt đã có một nền giáo dục chất lượng cao? Nhiều giáo sư tiến sĩ ăn theo nói leo Bộ trưởng để biện hộ rằng, dân phải có trách nhiệm đóng nhiều tiền, trong đó có sách giáo khoa vì các ông đã xây dựng được một nền giáo dục, cụ thể là sách giáo khoa chất lượng cao thật sự!

Bây giờ thì tôi phải hỏi thế nào là “giáo dục chất lượng cao”? Ông Nguyễn Minh Thuyết đã khoe chương trình tổng thể của ông ấy đảm bảo dạy học phát triển năng lực, sách giáo khoa do ông ấy làm tổng chủ biên in đẹp, chất lượng hơn các sách trước đây (cũng do bàn tay ông ấy làm ra!).

Cứ cho ông Thuyết nói đúng đi thì việc tiêu ngân sách 34 ngàn tỷ và thu giá sách gấp bốn lần trước đây thì phải trả lời nghiêm túc rằng chất lượng đã tương đương với giá cả chưa?

Riêng cá nhân tôi, bằng sự miệt mài tìm hiểu giáo dục thế giới nhiều năm, tôi hiểu giáo dục chất lượng cao không phải như các ông đã hiểu và làm. “Cao” mà nói đại khái như các ông thì không định lượng được, không chừng giáo dục kinh viện ngày xưa cũng tự hào là chất lượng rất cao.

Theo tổ chức Đối tác giáo dục thế kỷ 21 (Partnership for 21st century learning, với các thành viên sáng lập gồm các tập đoàn hàng đầu như Apple Computer, Cisco System, Microsoft, AOL Time Warner… và là đối tác của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ), một nền giáo dục hiện đại (không dùng khái niệm cao – high) là đảm bảo những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 để tạo ra công dân thế kỷ 21. Có ba kỹ năng: 1) Kỹ năng sống và Kỹ năng nghề nghiệp, 2) Kỹ năng học tập và sáng tạo, 3) Kỹ năng thông tin, truyền thông và kỹ thuật. Các kỹ năng này gắn kết, hỗ trợ cho nhau để tạo ra thế hệ công dân thích ứng với kinh tế thị trường cạnh tranh bằng năng lực.

Trên nền phục vụ ba lõi kỹ năng đó, cần xây dựng 1) Chuẩn đầu ra và Đánh giá thích hợp, 2) Chương trình dạy học và hướng dẫn học tập để đạt được Chuẩn đầu ra, 3) Phát triển nghề nghiệp, 4) Xây dựng môi trường học tập tương thích.

Nghị quyết Trung ương 8 chỉ nói chung: “Chuyển dạy học truyền thụ kiến thức thành dạy học phát triển năng lực” thì các ông phải hiểu đó là năng lực gì. Ắt đó là năng lực của ba lõi kỹ năng trên.

Bây giờ hãy xem Chương trình tổng thể và các bộ sách giáo khoa đã làm gì? Chuẩn đầu ra theo kỹ năng, nội dung kiến thức, phương tiện, phương pháp dạy học hiện đại có cả, nhưng hiện đại kiểu gì, có giống ai không?

Một là, đa dạng sách giáo khoa, nhưng người dạy và học không được quyền tự do lựa chọn là đã sai từ gốc.

Hai là, kiến thức có bắt buộc, có lựa chọn nhưng lại mở ngoặc “lựa chọn bắt buộc” thì cũng đồng nghĩa với không được lựa chọn. Người dạy và học giống như con gái ngày xưa có quyền chọn chồng với điều kiện cha mẹ đã chọn sẵn cho rồi!

Ba là, kiến thức hiện đại bị các ông đồng nghĩa với thật khó, thật cao ngay ở cấp học thấp nhất. Chẳng hạn, lớp Một chưa biết chữ đã phải biết đọc 23 đầu sách (thậm chí chỉ có 9 đầu sách như Bộ trả lời cũng không thể chấp nhận). Nhiều kiến thức người ta học ở đại học bị ném xuống phổ thông, như có loại toán cao cấp khá trừu tượng; tiếng Việt thì đủ loại ngữ pháp, từ ngữ pháp cấu trúc đến ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, Văn học thì không ra văn mà pha trộn, gọi là tích hợp, đủ loại chính trị, đạo đức lởm khớm và hoang tưởng hơn cả mê tín dị đoan; Lịch sử thì lấy Đảng, cách mạng đè lên quá khứ; Địa lý thì ngoài học hình thể núi sông, địa danh, còn đẻ ra đủ các loại thống kê và tính toán với những con số lỗi thời và thành tích bịa đặt; Vật lý, Hoá học, Sinh học thì là những bài cho nhà nghiên cứu hơn là cho người ứng dụng… Đạo đức là rèn luyện hành vi, không là kiến thức nhưng cũng biến thành kiến thức để học bài trả bài, chẻ ra nhiều thứ, từ đạo đức công dân, quốc phòng – an ninh, phòng chống tham nhũng đến chính trị Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh… Tôi không phủ nhận những món ấy, nhưng sao lại bắt buộc phải học ngay cả ở cấp học đầu tiên khi trong tiềm năng, trong tư duy và trải nghiệm của trẻ em chưa thể với tới, ngoài chỉ biết thuộc lòng hay bắt chước làm theo như cái máy?

Bốn là, về kỹ năng thì áp đặt thứ bài tập hoặc thực hành máy móc như trắc nghiệm hoặc bài tập đánh đố, hoặc bịa thêm thứ học trải nghiệm chẳng gắn gì với cuộc sống và nghề nghiệp tương lai. Môn học trải nghiệm bắt học sinh học trái buổi để rồi xem nó là cái gì? Tôi chưa biết sách này sẽ ra sao nhưng khi nghe ông Thuyết nói sẽ giao cho Đoàn Đội thì có thể hình dung theo cái đang có: Học đi trên mẻ chai để chai chân, nếu cần chai cả mặt, thậm chí học nắc đít, nắc bong bóng, mút táo, táp dưa leo… thay hoạt động sinh dục như các tổ chức đoàn, hội đang làm? Bài tập thực hành máy móc theo mẫu hay đáp án có sẵn, hoặc trắc nghiệm tràn lan, thì tôi hỏi các ông, đó là kỹ năng gì cho cuộc sống và cho nghề nghiệp, và sáng tạo nằm ở đâu trong đó? Thảo nào, chỉ có mỗi cụm từ “Trải nghiệm sáng tạo” mà chính các ông cãi một hồi rồi cắt luôn hai chữ “sáng tạo” để biến trẻ em chỉ biết trải nghiệm máy móc như một thứ công cụ, tức một thứ kỹ năng làm nô lệ thuần thục!

Năm là, chưa cần nói các điều kiện khác, chỉ nói môi trường học tập thôi đã phát khóc cho cái gọi là “chất lượng cao” của các ông. Môi trường học tập gồm cơ sở vật chất, phòng học, âm thanh, ánh sáng, không khí học tập… đã có gì chưa hay chỉ bạ đâu thu đó để mua sắm đối phó rồi hô chất lượng cao? Tôi chỉ nói không khí học tập ở nghĩa tinh thần: dân chủ, cởi mở, đã khó có thể thực hiện, huống hồ là hô to nhân văn, khai phóng hay lấy người học làm trung tâm…

Một nền giáo dục như vậy là phục vụ cho cuộc sống và nghề nghiệp tương lai của học sinh hay phục vụ cho thành tích của các ông, cái thành tích mà chính miệng ông Nguyễn Minh Thuyết nói là có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế? Có quốc gia nào đánh giá năng lực bằng các thành tích đó không? Tất tần tật, cái gì cá nhân các ông học lỏm hay nghiên cứu được đều nhồi hết xuống phổ thông, kể cả trẻ con chưa biết chữ, thì là dạy học phát triển năng lực gì, năng lực ứng phó với hoàn cảnh sống và phát triển nghề nghiệp hay năng lực nghiên cứu rồi bốc phét để thành giáo sư tiến sĩ như các ông?

Riêng đánh giá năng lực học sinh thì cho đến nay vẫn khư khư đánh giá toàn diện, chẳng khác gì bắt con cá phải leo cây như A. Einstein đã mắng thẳng cánh vào nền giáo dục kinh viện trước đó.

Trong khi giáo dục của người ta, dựa trên kết quả nghiên cứu về trẻ em, kiến thức được phân chia theo vùng, như Vùng phát triển gần (Vygosky) hoặc theo tiềm năng và mức độ tiếp nhận và sáng tạo (Piaget). Vygotsky đề xuất giáo dục đánh thức tiềm năng vốn có của trẻ em (gồm bản năng thích nghi sinh tồn và cả tiềm năng sáng tạo), đi từ Vùng phát triển gần đến Vùng phát triển xa, tức tương lai nghề nghiệp của chúng. Piaget chia rõ từng cấp độ kỹ năng: Vận động cơ thể và cảm xúc (từ 1 đến 2 tuổi), Thay thế từ thực thành ảo, tức hình ảnh, biểu tượng trực quan cấp độ 2 (từ 2 đến 7 tuổi), Hình thành khái niệm trừu tượng (từ 7 đến 12 tuổi), Phát triển logic và hệ thống (từ 12 đến 15 tuổi). Tôi nói thêm, năng lực phát triển theo thiên hướng cá nhân, không có chuyện tất cả mọi trẻ em đều phát triển năng lực giống nhau. Các ông nhồi hết từ kiến thức đến kỹ năng vào đầu con trẻ, bất luận ở lứa tuổi nào, cá nhân nào thì phát triển được năng lực gì mà gọi là chất lượng cao?

“Cao” đến mức tiếp theo Chương trình và sách giáo khoa mới, các ông đẻ ra ngay một Chương trình bồi dưỡng khổng lồ mà tất cả các giáo viên phổ thông, dù là giáo viên giỏi nhất, cũng buộc phải đào tạo lại mới dạy được thì trẻ em làm sao có thể học nổi, trừ phi phải đi học thêm để thi tủ?

Các ông mở miệng là bảo “Tiền thấp thì đừng đòi hỏi chất lượng cao!”. Nhưng chính tôi thăm dò dư luận, chưa thấy một ai “đòi hỏi chất lượng cao” như các ông đã tưởng tượng và làm ra. Kể cả nhu cầu xã hội nói chung cũng không cần thứ chất lượng cao ấy, trừ phi đó là nhu cầu của kẻ thống trị bắt người học phải quy phục và phụng sự tối đa cho các lợi ích của quyền lực. Trừ những kẻ bòn vét của dân với đống tiền thừa thãi thì đã đầu tư cho con em mình du học nước ngoài, còn sự thực, người dân với thu nhập bằng mồ hôi nước mắt, họ chỉ cần một nền giáo dục hợp lý cho con em họ có được phẩm chất và năng lực để sống và làm việc đàng hoàng, thoát khỏi sự nghèo đói đeo đẳng suốt bốn ngàn năm lịch sử. Vậy thôi, các ông có hiểu không? Không hiểu thì tập trung lại, tôi dạy cho có đầu có đuôi và hứa miễn phí!

Mô hình kỹ năng thế kỷ 21 do Tổ chức đối tác giáo dục thế kỷ 21 và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công bố.
Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Không biết nền giáo dục hiện nay có được “đàn anh vĩ đại” chăm sóc không, như đã từng chỉ đạo thời Xô viết Nghệ Tĩnh, thời Cải cách ruộng đất”, như đã được nói chi li trong
    “Thư của ông Chu Đình Xương gởi BCH Trung ương đảng CSVN tháng 2/1983”…
    Trích:

    “…Từ vài chục năm nay, khi nhắc đến thiệt hại to lớn của cải cách ruộng đất ai cũng nghĩ rằng trách nhiệm ghê gớm này chỉ thuộc về 1 vài cá nhân đ/c nào đó. Theo tôi thì hoàn toàn không phải thế. Trách nhiệm này đã thuộc về toàn Đảng, nhưng như vậy cũng sai…”

    (Sao vậy nhỉ? Vậy lỗi tại ai? SK)

    “…thằng Mao Trạch Đông nó bảo gì nghe nấy.

    Nó bảo:

    Liên Xô là chủ nghĩa thực dân mới trá hình để bóc lột các nước anh em, cũng vâng.

    Nó bảo:

    Chính trị là thống soái, trí thức không bằng cục phân. Dạ đúng quá.

    Nó bảo:

    Phải tự lực cánh sinh để công nghiệp hóa thì mới không mất độc lập chủ quyền – cũng vâng, như thế mới thật sự cách mạng.

    Thậm chí nó bảo:

    Tất cả chi bộ ở nông thôn Việt Nam đều là chi bộ của địch mà tôi cũng chấp nhận được – Nhưng nếu chỉ chấp nhận không thôi cũng là quá xấu xa rồi. Đàng này tôi đã chấp nhận cái nhận định vừa độc ác vừa quá phi lý ấy để vác ba lô lên vai, đi xuống xã tham gia việc bắn giết đồng chí minh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mấy thằng cố vấn Trung Quốc…” (hết trích)

    Ôi trời!
    Tất cả những ngu xuẩn phi lý trong “sự nghiệp” giáo dục đào tạo lâu nay có hơi hướm gì giống chuyện ông Chu nói không nhỉ.
    Cứ kiểu giáo dục thế này…thì trẻ con không ngu cũng thành điên luôn…chứ còn gì là tế bào não trẻ thơ nữa!
    Và khi nhận thức được sau trăm năm nữa, lại sẽ có một ông Chu khác vạch trần bộ mặt những tên biệt kích văn hoá đã được cài đặt vào đất nước ngoan ngoãn này để làm méo mó sưng tấy đầu não cả một dân tộc, như chuyện đã rồi nữa chăng?!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây