Tách, nhập và… nuôi báo cô!

Blog VOA

Trân Văn

18-9-2020

Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ, vừa loan báo: Những sở, ngành mà chính quyền các tỉnh, thành phố từng tổ chức sáp nhập chưa phải… tách ra (1)! Ý tưởng và nỗ lực sáp nhập các sở, ngành theo một nghị định mà chính phủ Việt Nam ban hành hồi 2014 (Nghị định 24/2014) đã bị một nghị định khác cũng của chính phủ Việt Nam khai tử hồi tháng trước (Nghị định 107).

Năm năm sau khi Nghị định 24/2014 ra đời, năm nào Việt Nam cũng phải đối diện với bội chi (chi nhiều hơn thu) vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền quá cồng kềnh, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động quản trị, điều hành) chiếm đến 70% tổng chi ngân sách hàng năm nên không còn tiền để đầu tư thích đáng cho giáo dục, y tế và nền tảng của phát triển… cuối năm ngoái, việt Nam bắt đầu hợp nhất một số sở, ngành cấp tỉnh.

Chẳng hạn, Lào Cai đã sáp nhập Sở Giao thông – Vận tải và Sở Xây dựng thành một cơ quan. Bạc Liêu đã hợp nhất Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch với Sở Thông tin – Truyền thông thành một, Sở Khoa học – Công nghệ với Sở Giáo dục. Hà Giang đã hợp nhất một số sở với một số cơ quan cùng chức năng của tổ chức đảng đồng cấp: Gộp Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy làm một, gộp Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ…

Theo hướng đó, Quảng Ninh và Yên Bái dự tính theo chân Hà Giang: Gộp Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đắk Nông dự tính gộp Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy. Đắk Nông và Yên Bái cũng dự tính sẽ hợp nhất Sở Giao thông – Vận tải với Sở Xây dựng thành một như Lào Cai… Nỗ lực sắp xếp lại bộ máy chính trị, công quyền vốn dĩ hết sức cồng kềnh như thế đột nhiên khựng lại vì… Bộ Chính trị không… thích!

Sau khi Bộ Chính trị ra lệnh dừng thí điểm sáp nhập, hợp nhất sở, ngành tại các tỉnh, thành phố, tháng trước chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 107. Theo đó, tất cả các tỉnh, thành phải… có đủ 17 sở (Văn phòng UBND, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Thông tin – Truyền thông, Lao động – Thương binh – Xã hội, Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Khoa học – Công nghệ, Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Thanh tra tỉnh) và tùy “đặc thù” địa phương, có thể… thành lập thêm bốn sở nữa (Du lịch, Ngoại vụ, Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Dân tộc). Về nhân sự, chính phủ không còn hạn chế số lượng Phó Giám đốc Sở như trước. Riêng Hà Nội và TP.HCM, mỗi sở có thể có tới… mười Phó Giám đốc (2)!

***

Nghị định 107 sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 11 sắp tới và đáng ngạc nhiên là bất kể nghị định này đã định tính, định danh, định lượng về số sở của chính quyền các tỉnh, thành rõ ràng, cụ thể như thế nhưng ông Tân lại bảo rằng: Ban Tổ chức của… Ban Chấp hành Trung ương đảng (BCH TƯ đảng) sẽ “tổng kết thí điểm sáp nhập, hợp nhất tám loại sở, ngành tại một số địa phương” (?).

Tại sao không… nghiên cứu kỹ về “hợp nhất, sáp nhập” mà chỉ… “thí điểm”? Tại sao chưa “tổng kết” đã quyết định dừng… “thí điểm”? Tại sao đã ngưng… “thí điểm”, ban hành một văn bản pháp quy hết sức chi tiết như Nghị định 107 mà còn tiếp tục… “tổng kết” và úp mở là sẽ… đánh giá, phân tích những mặt được, mặt còn hạn chế của việc thí điểm rồi mới quyết định có tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất sở, ngành nữa hay không (?). Nếu tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất sở, ngành thì phải bãi bỏ Nghị định 107, bãi bỏ như thế có khác gì xác nhận chính phủ hành xử y hệt trẻ con trong việc soạn – ban hành văn bản pháp quy, kể cả những văn bản pháp quy có tính chất nền tảng trong việc xác lập cơ cấu, hoạt động của hệ thống công quyền? Một chính phủ như thế có thể dẫn dắt quốc gia, dân tộc tới đâu?

Đó là chưa kể theo sau những sáp nhập, hợp nhất, thí điểm, tổng kết, hủy bỏ luôn luôn là những khoản chi khổng lồ. Bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng bội chi năm sau cao hơn năm trước, thuế – phí liên tục được nâng lên nhưng nguồn thu vẫn không đủ để nuôi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, thành ra phải liên tục vay mượn cả bên trong lẫn bên ngoài để nuôi công bộc thuộc đủ mọi cấp, mọi ngành (3)?

Vì sao đầu năm ngoái, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khẳng định sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mệnh lệnh và quyết tâm chính trị (4) nhưng ngay sau đó, Bộ Chính trị lại ra lệnh ngưng sáp nhập, hợp nhất các tổ chức đảng với các cơ quan công quyền đồng cấp, cùng chức năng? Phải chăng tỉ lệ số dân góp tiền nuôi một… công bộc (trung bình là 9/1) (5) vẫn còn quá cao nên Bộ Chính trị muốn hạ tỉ lệ số dân phải nuôi một công bộc xuống mức thấp hơn?

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bo-truong-noi-vu-cac-so-nganh-da-sap-nhap-chua-phai-tach-ra-ngay-674346.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-phu-chot-khong-sap-nhap-bat-cu-so-nganh-nao-674059.html

(3) https://www.thesaigontimes.vn/161391/Bo-may-dang-duoc-nuoi-nhu-the-nao.html

(4) https://nld.com.vn/thoi-su/giam-ganh-nang-ngan-sach-20190105225946484.htm

(5) https://plo.vn/thoi-su/9-nguoi-dan-phai-nuoi-1-nguoi-huong-ngan-sach-789475.html

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Sợ thật, một dân tộc
    Gần một trăm triệu người,
    Không ngăn được một đảng
    Khoảng ba, bốn triệu người

    Chúng ta đang đắc tội
    Với thế hệ tương lai.
    Tội dung túng, đồng lõa
    Với chế độ độc tài. TBT

  2. Nhập lại để 1 số sếp tỏ thành sếp nhỏ, 1 số sếp nhỏ thành lính trơn, để cho chúng nó chịu không nổi tự động xin nghỉ bớt.
    Sau đó tách ra để có nhiều ghế, có thế thì mới bán được chứ.

  3. Trong Lú nó bảo là dân nuôi báo cô cán bộ chưa đủ nên phải còng lưng nuôi thêm bọn ất ơ dốt nát này thêm để chúng nó trau dồi tư duy.

Leave a Reply to HoWanShit Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây