Hằn lên những khắc khổ

Trung Bảo

15-9-2020

Những hình ảnh được cắt ra từ clip của cháu nội cụ Lê Đình Kình cho thấy ở Đồng Tâm, có những người không xem cụ là “cường hào ác bá”.

Chỉ thấy những người đàn bà lam lũ khóc nghẹn trước ngôi mộ vừa xanh cỏ của một đảng viên bị bắn chết. Họ đến khóc với ông sau phiên toà tuyên xử hai con ông án tử hình và cháu nội ông án chung thân. Nghĩa trang là nơi họ đến kêu khóc chứ không phải một cơ quan đại diện cho công lý.

Không ai phân tích luật pháp hay hơn các luật sư trong phiên toà vừa qua. Họ giúp công chúng nhìn thấy những điểm mờ của cáo trạng, thấy sự bất phục nhân tâm của các bản án. Họ giúp người dân, không chỉ sống ở Đồng Tâm, hiểu được cái giá trị của công lý trên đất nước này. Và, họ đã giúp nhà cầm quyền hiểu được lòng dân ở đâu sau những bản án nặng nề.

Chúng tôi đã nhắc đến nguồn cơn của bi kịch ở Đồng Tâm, cho cả người dân lẫn lực lượng cảnh sát, đó là quyền sở hữu đất đai.

Nhưng, cao hơn hết thảy những luật pháp do con người đặt ra và cố gắng tranh cãi để phân thắng thua, đó là luật Tự Nhiên. Luật ấy tự nhiên quy định rằng con người được phép sở hữu đất đai từ ông bà tổ tiên của mình. Luật ấy cũng tự nhiên hướng con người tìm đến đúng nơi mà họ muốn bày tỏ nỗi lòng. Với người dân Đồng Tâm là nghĩa trang, nơi họ chôn cất vị trưởng lão của mình, cũng là nơi họ chôn cất hy vọng công lý như cách cụ Kình mang theo niềm tin vào chế độ xuống tuyền đài khi lần cuối cùng nhìn thấy ánh lửa loé lên từ nòng súng.

Những khắc khổ trên gương mặt của người nông dân từ vùng đồng bằng Cửu Long đến châu thổ Sông Hồng chưa khi nào nguôi. Giờ đây, trong ánh đèn chập chờn bên ngôi mộ của một người già chết vì súng đạn, tiếng khóc người nông dân càng hằn lên khắc khổ của phận người. Nhưng, trong tiếng khóc nấc ấy làm sao phân biệt đâu là tiếng khóc cho người, đâu khóc cho công lý?

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Sau khi bị Bá Kiến
    Tống vào tù bảy năm,
    Trở về làng Vũ Đại,
    Trong lòng đầy hờn căm,

    Chí Phèo thường uống rượu,
    Mỗi lần hắn uống say
    Lại đến nhà Bá Kiên,
    Kẻ hại mình trước đây.

    Ném cho vài đồng lẻ,
    Bá Kiến khuyên Chí Phèo
    Hãy cố sống lương thiện
    Và cam chịu cảnh nghèo.

    Chí Phèo đáp: “Muốn lắm.
    Nhưng ‘chúng nó’ không cho.
    ‘Chúng nó’ chặn đường sống,
    Dù bữa đói bữa no”.

    ‘Chúng nó’ là Bá Kiến
    Và chức sắc trong làng.
    Chúng đã đẩy anh Chí
    Vào khốn cùng, lang thang.

    “Ai cho tao lương thiện.
    Sống có lý, có tình?”
    Chí Phèo đâm Bá Kiến
    Rồi đâm chết chính mình.

    *
    Các cụ xưa đã dạy:
    Đáng sợ hơn anh hùng
    Là những kẻ khốn khổ
    Bị dồn vào đường cùng.

    2
    Gần đây, bị cướp đất,
    Đặng Văn Hiến hận đời,
    Đã dùng súng hoa cải
    Bắn chết những ba người.

    Sau đấy còn bắn tiếp.
    Mười hai người bị thương.
    Vì bị triệt đường sống,
    Bị dồn vào chân tường.

    Đó là chuyện mới nhất
    Xẩy ra ở Đắc Nông.
    Trước đấy, như ta biết,
    Là anh Vươn, Hải Phòng.

    Rồi anh Đặng Ngọc Viết
    Ở thành phố Thái Bình.
    Nhằm bắn năm cán bộ
    Gây oan sai cho mình.

    Tất cả đều do đất,
    Do bị dồn cùng đường.
    Người dân phải cầm súng,
    Và hậu quả đáng thương.

    Họ, dân bị cướp đất
    Ăn bữa đói bữa no,
    Rất muốn sống lương thiện,
    Nhưng chính quyền không cho.

    Các dân oan Dương Nội
    Không rỗi hơi đấu tranh,
    Nếu không bị cướp đất
    Và được sống yên lành.

    Không ai thích tù tội,
    Cả chị Cấn Thị Thêu,
    Nếu chính quyền tử tế
    Và cư xử biết điều.

    Càng không ai dùng súng
    Bắn vào người chính quyền.
    Dân bị chèn ép mãi,
    Sớm muộn cũng vùng lên. TBT

  2. Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối
    Và dại khờ là những lũ người câm
    Trên đường đi như những bóng âm thầm
    Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng.

    Đời ta đã chứa bao nhiêu cay đắng
    Bao nhiêu xương, bao nhiêu máu oan hồn
    Chưa vừa ư, những xác không mồ chôn
    Những thi thể khô gầy đương mòn mỏi!

    Đời đói lạnh bởi không hề đòi hỏi
    Ngậm căm hờn mà chuốc những ưu tư
    Nẻo đường ra đã vạch tự bao giờ
    Mời chân bước mà vẫn còn e ngại!

    Quyết chiến đấu! Nào, ta liên hiệp lại
    Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
    Ngày mai đây, tất cả sẽ là chung
    Tất cả sẽ là vui và ánh sáng!

    Nguồn: Tố Hữu.

    • “Ngày mai đây, tất cả sẽ là chung”
      Sợ lắm…sợ câu này lắm!
      Anh có biết “chung” tiếng Tây là gì không? Commun, vâng, từ commun đẻ ra communisme, chung sản tức cộng sản đấy.
      Cho em xin, phải kiểm duyệt thơ của ngài nầy, cs gộc đấy!

  3. Ơn đảng ơn bác ” người cầy có ruộng” , nay đảng cần đảng lấy, không trả đảng bòm.
    1, 2 năm nữa, Lú đã về vui thú điền viên làm ” người Tử tế” sẽ có kẻ khác thay, nước mắt cá sấu lưng tròng run run đọc Sám hối như cha già của chúng sau C C R Đ thía là Trí Lợ lại vỡ òa sung sướng. Vòng ” luân hồi” luẩn quẩn cứ thế bám riết bám mãi vào dân Việt

  4. *
    “…Nghĩa trang là nơi họ đến kêu khóc chứ không phải một cơ quan đại diện cho công lý.”
    Ôi đau quá nhận định nầy!
    Một câu nói xoáy vào tim óc làm ứa nước mắt, có sức tố cáo bằng bao khẩu hiệu hô hào phản kháng.
    Trái tim của tác giả Trung Bảo hẳn phải đau đớn cùng cực mới thoát ra được những lời rớm máu thế nầy!

    *
    “…cao hơn hết thảy những luật pháp do con người đặt ra và cố gắng tranh cãi để phân thắng thua, đó là luật Tự Nhiên. Luật ấy tự nhiên quy định rằng con người được phép sở hữu đất đai từ ông bà tổ tiên của mình.”

    Vâng chính xác như thế.
    Từ thuở khai thiên lập địa của loài người, đâu có đất đai nào có sẵn hoa màu, tiện nghi cư trú cho sự sống của riêng ai, cho đến khi chính con người phải tự thân lao động, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chiến đấu đổ máu để bảo vệ mảnh đất tự khai phá, chống thú dữ chống kẻ cướp xâm lấn, mới có đất đai giá trị cho cuộc sống đến ngày nay.
    Vì thế, từ bao đời, kể cả phong kiến thực dân đế quốc, chính quyền luôn luôn tôn trọng quyền tư hữu đất đai có được bằng khai phá, bằng dùng vàng tiền mua lại, đổi chác, để có được quyền sở hữu. Chưa có chế độ nào cướp cạn đất đai của người dân, trừ phi dưới thời Bắc thuộc(?), và hiển nhiên nhất là khi chế độ cs ghi trên bản “hiến pháp” điều 53, 54 bắt đất nước nầy phải cam chịu mất hết đất đai Tổ Tiên để lại!

    “…nghĩa trang, nơi họ chôn cất vị trưởng lão của mình, cũng là nơi họ chôn cất hy vọng công lý như cách cụ Kình mang theo niềm tin vào chế độ xuống tuyền đài khi lần cuối cùng nhìn thấy ánh lửa loé lên từ nòng súng.”

    Nói cách khác, nhân danh một nơi quái đản, vạn bất đắc dĩ để người dân phải tìm đến vái lạy than thở với Tổ Tiên, trút nổi đau khổ cùng cực, tìm niềm an ủi cho sự bất lực tứ cố vô phương cầu cứu, thì… chế độ hiện nay chưa bằng một nghĩa trang!
    Quê hương đất nước nầy chỉ thấy họng súng, trở thành nơi tuyệt vọng cho những người mong tìm công lý, công bằng, tình người và sự tử tế. Chỉ còn nghĩa trang!

    Chỉ những ai đang sống thoả mãn với hiện tại, dửng dưng với đau khổ của người dân, chỉ cần tiền tài danh vọng, khoái lạc và tự do sống phần con quên đứt phần người, sẵn sàng ngậm miệng bịt tai tung hô chế độ, ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của quyền lực…mới phản bác nhận định về thực trạng nầy của đất nước.

    *
    “Những khắc khổ trên gương mặt của người nông dân từ vùng đồng bằng Cửu Long đến châu thổ Sông Hồng chưa khi nào nguôi. Giờ đây, trong ánh đèn chập chờn bên ngôi mộ của một người già chết vì súng đạn, tiếng khóc người nông dân càng hằn lên khắc khổ của phận người.”
    Vâng, đó chính là sự mỉa mai cay đắng nhất- gương mặt khắc khổ, những chiếc lưng còng dưới gánh hàng rong, những làn da đen sạm không thể phân biệt kinh thượng, những chuyện phi nhân thương luân bại lý giữa cha mẹ con cái vợ chồng thầy trò bạn bè…một phần lớn vì nghèo đói túng quẩn “ăn thịt” nhau hoặc nhảy lầu, nhảy cầu…- là một bãi nước bọt khổng lồ nhổ toẹt vào những tiêu ngữ tốt đẹp xảo trá, những khẩu hiệu tuyên truyền ai cũng biết là vô hồn, láo khoét.

    Đồng bằng Cữu long nơi nuôi sống cả nước cũng là nơi bị bỏ đói văn hoá phần lớn trong gần 1/2 thế kỷ nay so với cả nước.
    Nhưng may thay, ở hiền gặp lành, trời cho mưa thuận gió hoà, đất đai màu mỡ, bão táp tránh xa…khiến người dân bị bỏ đói chữ nhưng bàn tay nuôi họ không hề để gia đình bao đời của họ đói cơm cá rau quả…
    dẫu kẻ thù trung cọng có xây đập ngăn mùa nước nổi hàng nghìn năm nay trên sông Cữu long;
    dẫu tỷ lệ dân không được đến trường cao nhất nước vì không đủ trường đủ thầy đủ sách vở bàn ghế…
    đường sá vẫn là thô sơ, cầu khỉ vẫn còn quen mắt…
    Là ý đồ lâu nay của ai đó!

    …ngược lại, châu thổ sông Hồng của BÊN THẮNG CUỘC
    lại phải đau khổ vì đấu tranh giành giựt trong xã hội vốn giỏi lý luận hơn tình người nhân hậu, lại mạnh được yếu thua…
    Âu cũng là sự cân bằng sinh thái giữa các khái niệm phước lộc với trí trá ranh ma, của nhân nào quả đó.

    Đảng không có mắt có tim, thì Trời sẽ cứu. Tin đi!

Leave a Reply to Ai cho dân lương thiện? Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây