Hẩm hiu phận người (Phần 1)

Ngô Anh Tuấn

12-90-2020

– Sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm đêm mồng 8, rạng sáng mồng 9/01/2020, đúng vào ngày rằm tháng Chạp, trước Tết cổ truyền dân tộc. Những ngày này chúng ta thường hay thắp hương cúng ông bà và nghe dân gian đồn rằng, những người chết vào ngày này thường rất thiêng. Các chiến sỹ chết oan, hãy chỉ rõ những ai đã khiến mình phải chết để pháp luật xử lý.

Cụ Kình cũng vậy, cụ giúp các chiến sỹ những việc đó và giúp pháp luật xử lý những kẻ đã gây nên cái chết của cụ và nổi đau cho người dân quê cụ. Cụ thừa biết, người trực tiếp giết chết cụ chưa chắc đã là kẻ thù của cụ vì họ chỉ làm theo mệnh lệnh; họ không bắn thì sẽ có người khác sẽ bắn cụ thôi.

– Ngoài người trực tiếp góp phần gây nên cái chết cho 3 chiến sỹ là bị cáo Lê Đình Chức, 28 người còn lại phần lớn không liên quan, không hay biết gì về việc có chết người xảy ra nhưng 25/29 người bị truy tố về tội giết người. Thế nên, việc kiểm sát chuyển đổi tội danh trong quá trình xét xử là sự phù hợp theo quy định của pháp luật chiếu theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi chứ không phải chỉ dựa vào tính khoan hồng của pháp luật như lý giải của các vị ấy hay như truyền thông nhà nước đưa tin. Cứ hiểu nôm na thế này cho dễ: nếu ông A cầm dao giết người nhưng là giết do có lỗi của nạn nhân thì có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông chứ không thể chuyển tội danh cho ông thành cố ý gây thương tích được.

– Trong vụ án này, không phải chỉ mỗi cụ Kình bị bắn mà con trai cụ là Lê Đình Chức cũng bị bắn, ông Bùi Viết Hiểu cũng bị bắn vào chân và vào ngực, bà Bùi Thị Nối cũng bị bắn vào ngực. Những người bị đánh tôi xin phép không nêu vì có lẽ thống kê không được và cũng khó có cơ sở xác minh. Lê Đình Chức đổ xăng đốt người khác nên bị bắn là chuyện bình thường có thể xảy ra. Cụ Lê Đình Kình, nếu cầm lựu đạn định ném thật cũng có thể bị bắn (nhưng phải chứng minh khoa học). Còn ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Thị Nối đã làm gì để đến mức phải bị bắn? Theo hồ sơ, lúc xảy ra sự kiện và bị bắt, họ chẳng làm gì cả! Vậy có hay không việc dùng súng tuỳ tiện của lực lượng chức năng? Có hay không việc triệt hạ những người “khó bảo” nhất ở Đồng Tâm vì sau cụ Kình, những người kế tiếp ắt hẳn là ông Hiểu, bà Nối – liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào lớn đến mức ấy không khi mà tất cả họ đều trúng đạn?

– Một phép so sánh nhanh và đơn giản: Bà Nguyễn Thị Dung bị truy tố và bắt tạm giam vì đã có hành vi mà theo bà khai là bị một chiến sỹ dùng tay đánh vào đầu nên dơ tay lên đỡ (tay bà cầm liềm cắt cỏ) nên làm xước da đồng chí ấy. Lê Đình Hiển không nghe lệnh dừng xe của những người thi hành công vụ, nhảy xuống xe văng tục một câu cũng bị bắt tạm giam về tội danh tương tự bà Dung. Trần Thị Phượng và một số người khác bị bắt tạm giam cũng chỉ vì cái miệng mà ra…

Tuy nhiên, bà Nối bị bắn vào ngực, ông Hiểu bị bắn vào chân, vào ngực, ông Chức bị bắn vào đầu (theo lời khai của ông với Ls trong trại giam), cụ Kình bị bắn vào ngực thì hoàn toàn không có ai chịu trách nhiệm. Cụ Kình thì còn được giám định nguyên nhân chết do đâu, còn những người khác thì không được xem xét nguyên nhân của những vết thương hoặc kết luận vết thương không rõ nguyên nhân. Chứng cứ không biết nói dối, vết thương để lại trên con người họ không thể đổ oan cho ai được, họ cũng không có súng để tự tay bắn vào mình.

Tại phiên toà, tôi đã đề nghị ông Hiểu cởi áo ra cho HĐXX xem vết thương của mình nhưng ông chủ tọa không đồng ý. Như vậy, chưa đánh giá tới tính công vụ của những người tham gia vào sự kiện ấy, cũng chưa cần xét tới bất kỳ một thuyết âm mưu nào, rõ ràng đã có sự phân biệt lớn mênh mông giữa tính mạng, sức khỏe của người dân thường và những công bộc của dân, nó đi ngược lại với lý thuyết mà chúng ta đang được nghe.

– Trong phiên toà, để bảo vệ bản thân mình, những người nông dân sẵn sàng “đấu tố” cụ Kình với lời lẽ không được hay ho cho lắm, dù có thể, trong lòng họ nghĩ khác. Ngoại lệ, có vài người như bà Nguyễn Thị Dung, bà Bùi Thị Nối vẫn giữ vững được lập trường, suy nghĩ và dám nói lên điều mình muốn nói mà không cần suy nghĩ tới mức án mà mình có thể phải gánh chịu. Có vẻ như vì xem những người kia là những tên tội phạm hay họ dính dáng tới những tên tội phạm đã phạm tội “tày trời” nên người ta nghĩ những kẻ đó thì không còn xứng đáng được đối xử như một con người.

Do vậy, quy trình tố tụng để kết tội họ chỉ cần thực hiện qua loa, miễn có là được; những kẻ ấy được sống đã là một đặc ân rồi… Không ít bị cáo trong vụ án này có cùng suy nghĩ ấy khi mà được viện kiểm sát đề nghị chuyển đổi tội danh cho mình. Họ xem đó là sự khoan hồng, sự ban ơn. Họ sẵn sàng nói lời từ chối luật sư một cách không thương tiếc như một lời mớm có sẵn từ ai đó nhưng họ quên rằng, phần việc của luật sư tại phiên toà đã kết thúc trước khi họ nói lời cuối cùng rồi…

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Thị Nối đã làm gì để đến mức phải bị bắn? Theo hồ sơ, lúc xảy ra sự kiện và bị bắt, họ chẳng làm gì cả! Vậy có hay không việc dùng súng tuỳ tiện của lực lượng chức năng?”
    -Vậy là lại phát sinh thêm vụ án lực lượng chức năng đã cố sát hay ngộ sát?
    “Trong phiên toà, để bảo vệ bản thân mình, những người nông dân sẵn sàng “đấu tố” cụ Kình với lời lẽ không được hay ho cho lắm”
    -Việc ““đấu tố” cụ Kình với lời lẽ không được hay ho cho lắm”” có lẽ là do yếu tố họ phải mang tâm trạng rất lo lắng về việc gia đình, ng thân với tương lai sẽ bị thể chế phân biệt đối xử trong việc làm ăn sinh sống; trong sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội; trong giáo dục, y tế, hành chính dân sự …vv…& vv…Sự phân biệt đối xử của thể chế đối với họ có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thế nữa. Vậy rất mong dân Việt trong & ngoài nc cùng chung tay giúp đỡ họ vượt qua khó khăn này. Thời gian giúp đỡ có thể kéo dài đấy dân Việt ơi. Việc giúp ko phải là vật chất mà là làm sáng tỏ sự thật trong vụ việc Đồng Tâm để nếu họ có tội thì phải xử theo Hiến pháp, Luật pháp. Ai ko có tội thì dc minh oan. (Cụ Kình).

  2. Cùng là “đồng pham” theo quy kết của toà án CS.nhưng tại sao đa số quay ngược
    mà đấu tố cụ Kình nặng nề,chỉ trừ ra 2 nữ lưu “anh hùng” là bà Nội,bà Dung ?
    Thử lý giải là những người phản cụ Kình làm vậy vì đã được “động viên” ngọt ngào
    hay dụ dỗ là nếu đấu tố cụ Kình thì sẽ được giảm tội ? Họ OK ngay.Đây là”cái bẫy”
    vì họ nhận mình có tội theo đúng ý Công An điều tra áp đặt.Do đó,họ phải cố gắng
    đổ tội hết cho cụ Kình để được giảm án chăng ?

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây