Tù Lao Động ở Mỹ

Nghĩa Bùi

8-9-2020

Năm 1866, một năm sau khi Tu Chính Án thứ 13 được thông qua chấm dứt chế độ nô lệ trên toàn quốc, các tiểu bang miền Nam như Alabama, Texas, Louisiana, Arkansas, Georgia, Mississippi, Florida, Tennessee, North và South Carolina khởi động việc cho mướn lao động — tiếng Anh gọi là ‘peonage’, từ các nhà tù của tiểu bang. ‘Peonage’ đến từ chữ ‘peon’, là người làm công hay đày tớ để trả nợ, tiếng Việt hay gọi là ở đợ.

Tù lao động ở miền Tây bang North Carolina cuối thế kỷ 19. Nguồn: Unknown

Hình thức cho tù nhân đi ở đợ này sanh ra kỹ nghệ tù lao động mà nạn nhân hầu hết là người da Đen. Các tiểu bang miền Nam nói trên đặt ra một lô các luật lệ gọi là Black Codes, cho phép bỏ tù người da Đen một cách hợp pháp. Những hành vi bị cho là “phạm pháp” trong Black Codes có thể chỉ là vô gia cư, không có việc làm, ăn nói to tiếng gần nơi có người da Trắng tụ tập v.v. Đại để bất cứ điều gì nhà cầm quyền có thể nghĩ ra.

Thời bấy giờ có rất nhiều người da Trắng được mướn làm cảnh sát chỉ để đi bắt dân Đen vi phạm Black Codes. Một khi vào tù, những người da Đen ấy — có cả đàn bà và trẻ em, được cho thuê để đi lao động tại các đồn điền bông vải, thuốc lá, mía… hoặc làm việc trong các mỏ than hay xây dựng đường xe lửa v.v. Chủ doanh nghiệp trả công cho chính quyền tiểu bang tính theo đầu người. Tất nhiên những tù nhân lao động này không nhận được đồng nào, và người chủ doanh nghiệp không phải lo lắng cho sức khoẻ của nhân công như trước kia. Đây là một hình thức nô lệ mới, xem ra còn đỡ tốn hơn nô lệ cũ. Các sử gia ước lượng có khoảng 800,000 người cựu nô lệ đã bị bắt ở đợ sau khi Tu Chính Án 13 ra đời. Chế độ nô lệ mới này kéo dài 6-7 thập niên sau Nội Chiến, đến đầu Đệ Nhị Thế Chiến (1940) mới hết.

Tù lao động trẻ em. Photo by Everett

Tu Chính Án 13 cấm mọi hình thức nô lệ hay lao động cưỡng bách “trừ trường hợp là hình phạt đối với những tội nhân đã được xét xử bởi toà án.” Và đó chính là lỗ hổng pháp lý dẫn đến chế độ peonage, giúp các chủ đồn điền có nguồn lao động rẻ thay thế những người nô lệ vừa được tự do. Chính quyền Liên Bang vì muốn lấy lòng các bang miền Nam đã làm ngơ trước các đạo luật vô lý họ đặt ra để tiếp tục bóc lột người da Đen.

Chẳng hạn như ở Louisiana, mục sư da Đen không được thuyết giảng cho giáo dân nếu không có giấy phép có chữ ký của cảnh sát trưởng. Nếu vi phạm, người mục sư sẽ bị phạt tiền rất nặng; nếu không có tiền trả ông ta phải ngồi tù (và bị bắt ở đợ để trả nợ).

Ở South Carolina, nếu cha mẹ bị cho là vô gia cư, chính phủ có quyền bắt giữ con cái họ và cho các chủ lao động quanh vùng “mượn để dạy nghề”. Con trai bị giữ đến tuổi 21, con gái đến tuổi 18. Và nếu chúng không vâng lời hoặc tìm cách trốn, người chủ có quyền trừng phạt chúng theo ý họ, chính quyền sẽ không can thiệp.

Đa số tù lao động tại Angola, Louisiana, không được trả lương. Photo: Gerald Herbert

Ở đợ là một trong nhiều ví dụ của nạn kỳ thị có hệ thống — systemic racism, ở Mỹ. Tuy nước Mỹ ngày nay không còn Black Codes, nhưng không có nghĩa nạn bóc lột hay đàn áp người da màu đã chấm dứt. Tù lao động vẫn còn tiếp tục, và hiện nay là một kỹ nghệ không nhỏ, trị giá nhiều tỉ đô la hàng năm. Chẳng hạn như khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tù nhân ở Missouri được mướn may khẩu trang và quần áo bảo vệ với mức lương trung bình $0.50/giờ — tương đối cao so với nhiều công việc khác.

Một số tổ chức đã từ lâu lên tiếng kêu gọi loại bỏ Tu Chính Án 13 khỏi Hiến Pháp để chấm dứt tình trạng lao động bất công này, nhưng có lẽ rất khó để thành công.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Viết về tù lao động của nước Mỹ thời xa xưa để làm gì trong khi chế độ lao tù hiện nay của ncq/csVN là một chế độ lao tù đầy bất công, cưỡng bức lao động xảy ra hàng ngày ! Người tù bị cưỡng bức làm những công việc nặng nhọc nhưng bị đối xử không hơn một con vật, ăn không đủ no, mặc không đủ che thân, ốm đau không có thuốc men…?! Chưa kể một hệ thống tòa án bắt bớ, xét xử tùy tiện không hề theo qyi định của luật pháp mà do tiền bạc lo lót, chạy chọt…!

  2. Phân biệt chủng tộc và kỳ thị người da đen là đặc sản của Mỹ, kể cả hiện tại chứ ko chỉ trong lịch sử.

  3. Móc từ đống tro tàn lịch sử Mỹ hàng trăm năm trước ra để viết vào lúc nầy, thời điểm quá khứ xa lắc duy nhất được nêu ở đầu bài, còn thì để cho thiên hạ tưởng anh đang nói về thời sự nước Mỹ u tối kỳ thị da màu…ngày nay phải không?

    Chắc Trung cộng nó thích bài anh đấy, nó đặt hàng cho anh viết chăng?
    Để đối trọng lại với việc thế giới lên án TC về sự kiện dân Duy Ngô Nhĩ ĐANG BỊ KHỔ SAI hành hạ tại thiên đường trung cộng chăng?

Leave a Reply to Phuongnau Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây