Bốn ngày dằn vặt

Khải Đơn

8-9-2020

Ngày thứ nhất: Thây ma

Ba cảnh sát, một người dân thiệt mạng.

Một người bạn gửi tin nhắn riêng cho tôi hình cái xác người co cụm cháy đen trên khung sắt. Anh ta được kéo lên như con gián bị dính kẹt trên chiếc bẫy ngang tường. Bức ảnh vài chục kilobyte nhân danh lương tri để trở thành căn cứ của tội ác.

Tôi học cách quen với những điều chỉnh trắng thay đen, đổi lương tri lấy sự dàn xếp trong tâm trí. Chúng ta thường ức uất trong sâu kín riêng mình, và cố tìm lý do để dàn xếp sự không yên tâm.

Nếu chút lấn cấn lương tâm có hình hài khúc da bị cào chảy máu, thì bức ảnh cháy đen là miếng gạc trắng khỏa lấp tức thì. Ta sẽ ngủ ngon đêm ấy, vì người nông dân Đồng Tâm ta từng khắc khoải uất ức thay – hóa ra có thể giết người.

Ý nghĩ xếp ngay ngắn phức cảm trước bất công và tim gan lộn xòng cào xé.

Thôi giờ không phải ngồi trước bàn phím để bảo vệ kẻ bất lương. Ta đóng máy tính rời văn phòng sau đầu tuần việc ngập tràn và con yêu đang chờ đón ở cổng trường. Toan lo nặng người hơn thắc thỏm về sự không lành của người xa lạ.

“Các đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt”, thứ trưởng công an Lương Tam Quang nói. Lời được dẫn trên vài chục tờ báo lớn. Cùng một câu, giống hệt nhau chấm xuống hàng và dấu phẩy. Thời đại của chúng tôi làm báo không cần gợn tâm khắc khoải với câu hỏi đúng sai và khả thể lạ lùng của đời sống. Hãy bấm Ctrl+C bên trang web Bộ Công An, báo Pháp Luật, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Vietnamnet, hãy bấm Ctrl+V sản xuất một đường link trên trang web mình.

Người đọc cho tờ báo địa vị xã hội – địa vị người cấp tin. Giờ là lúc sử dụng chúng. Hãy dùng tin mớm vào miệng người đọc. Sự hồ nghi lặp lại một ngàn lần sẽ là sự thật. Lời nói dối chồng lên sự mơ hồ sẽ được tin tưởng trọn vẹn tâm can. Hai dối trá chập lại thành một sự thật.

Tôi hỏi: “Lý do anh gửi cho em bức ảnh này làm gì?” – Người gửi ảnh mất hồi lâu để viết dòng tin nhắn: “Anh không muốn em sập bẫy phản động!”

Tôi lầm rầm khấn nguyện. Những thân ma rạp mình xuống cỏ và lửa, xuống cát và đá, chúng khác nhau ra sao? – Thây người sẽ vụn thành tro trong lò thiêu, (chúng ta vẫn làm vậy với tổ tiên, ông bà tạ thế). Trên bình tro cốt ấy, ta dán tờ giấy ghi “anh hùng”, hoặc vò nhàu tờ giấy nhổ nước bọt và viết “phản động”. Vậy chắc là chúng sẽ khác nhau chăng?

Tro cốt không biết nói. Chúng có thể pha nước rồi đem uống như người xưa để trừ tà diệt quỷ, hoặc hiện đại là len lén chụp bức hình tung lên Facebook, đăng dưới những “group kín” ngàn mem hăm hở. Ở đó, ta tưởng tượng về các mô hình đốt, thiêu, nướng, làm thịt (vốn đa số có kinh nghiệm từ đọc trinh thám và các vụ án giết người trên an ninh thế giới). Lạ lùng thay, một thế giới ai cũng nhiều kinh nghiệm giết người để trơn tru nói về tội ác mà họ không hề chứng kiến. (Thế giới đó làm tôi rùng mình lạnh giá).

Hết hôm ấy, cô giáo tôi comment: Em đi nước ngoài đã lâu. Em biết gì về Việt Nam mà nói? – Cô biết không, chúng ta đều đang sống ở nước ngoài. Chúng ta sống ở “nước ngoài” trong vỏ ốc tự tạo của mình. Ta che tai và mù mắt trước sự đớn đau của đồng loại. Ta ngồi xa xôi trên cao ốc văn phòng thơm mát lạnh, để tưởng tượng về cái chết của người khác được tuồn từ bức hình đen thui độ phân giải thấp không tên tuổi ngọn ngành. Ta ngay ngắn kết luận người khác là kẻ giết người.

Cô biết không, đời sống nặng như dao nhọn, ở chỗ khi ta mù lòa trước đớn đau của đồng loại, và tìm cách đi bịt miệng người khác muốn cất lên tiếng nói về sự đớn đau đó.

Cô biết không, chúng tra sống bằng tiêu chuẩn kép. Ta yên tâm khao khát cuộc sống an lành, nhưng có thể phớt lờ khao khát an lành của người khác. Ta bỏ tiền tỷ mua đất để làm nhà, nhưng ta không chịu hiểu vì sao có người chịu bị bắn vào ngực để giữ miếng đất cuối cùng – nơi tổ ấm của họ sắp thành tro bụi.

Hôm ấy tôi ngủ trong ác mộng dài thăm thẳm: Tôi đứng bên vỉa hè, nhìn người đàn bà quỳ lạy trước cổng đoàn quốc hội, tay ôm mớ giấy tờ nhà cửa đã hóa thành tro bụi. Tôi nhìn thỏa mắt và bỏ đi. Tôi muốn yên thân. Giống hệt cô dạy. Chúng ta chỉ là các phiên bản đớn hèn giống nhau, copy và nhân lên thêm nhiều thế hệ.

Thật vậy.

Ngày thứ hai: người không can dự

“Khi thấy lực lượng ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa” – ông Lương Tam Quang nói và khẳng định “không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn”.

Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn.

Chân dung kẻ ác hình thành thật đầy đủ. Chúng sẵn lựu đạn trong tay. Dù bị bắn chết vẫn ôm lựu đạn. Người cộng sản là thiên tài tiểu thuyết thế kỷ 20. Họ viết vô vàn tiểu thuyết về những ông tướng học nhờ đom đóm mà giờ thành tướng công an. Họ viết anh hùng cầm khẩu AK-47 hạ gục cả giàn máy bay chiến đấu. Họ tự viết về mình, ca ngợi mình đẹp trai anh minh sáng sủa lồng lộn. Tôi đang học viết tiểu thuyết, và nghĩ mình sẽ học theo họ: Chân dung vai phản diện phải đầy đủ ác từ tâm tới máu.

Các bị cáo trong vụ án /// Ảnh: Đình Trường
Ảnh: internet

Nếu gã chết, thế là tốt. Nhưng cái chết thì phải chính danh. Chính danh ở sự đáng chết là chuẩn bị tấn công. Vậy sự tấn công thể hiện ở đâu – rõ ràng tay cầm lựu đạn.

Hôm ấy tôi nghĩ về người phóng viên làm y tế tôi từng quen. Họ thường xuyên đi đó đây và khoe quen nhiều bác sĩ khắp toàn thành khắp phố. Quen trưởng khoa và quen viện trưởng. Chắc họ biết phỏng vấn câu người chết tay còn cầm nắm lựu đạn được không? – Không ai hỏi gì, vai kẻ ác không nên mang hồ nghi. Kẻ ác phải duy mỹ như phim trinh thám, nơi đồng chí công an hi sinh là xứng đáng vì anh tiêu diệt kẻ thù (già và liệt gãy chân).

Hôm ấy tôi google lại bức ảnh ông Nguyễn Đức Chung về làng để giải cứu 19 cán bộ chiến sĩ trong ngày 15/4 bị thôn Hoành bắt. Ông Chung viết tay cam kết: “khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

Thứ ba, cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm) theo quy định của pháp luật.”

Ảnh: Báo Zing

Hôm ấy người đàn ông già lãnh đạo ngôi làng thả những thanh niên trai trẻ cho về. Trong ảnh của Zing News tôi nhận xét những người trai ấy thật trẻ đẹp. Họ trẻ đẹp và khỏe ở tuổi 20-30. Ở tuổi người ta sẽ ném sự trẻ trung ra trận. Sự chết trẻ làm nên bản hùng ca. Sự sống trẻ đủ sức để thúc dùi cui vào ngực người khác. Sống hay chết, cứ trẻ là đẹp.

Những người trẻ ấy, tôi trộm nghĩ, họ chắc lớn lên cũng như tôi, từ những ngôi làng có bến nước bờ sông, có ba má quày quả làm ăn cho bữa cơm ngon ấm nhà. Họ lớn lên mang theo khát vọng gì? – Khát vọng giấu kín sau bức mặt nạ trẻ trung ta thường lượng thứ cho dại dột và điên rồ. Nhưng khao khát có thể bao biện cho cơ bắp khỏe mạnh và mái tóc húi cao nam tính tự nhiên xông vào ngôi làng của người nông dân lem luốc quày quả như cha mẹ họ?

Những người của lực lượng chức năng được dân Đồng Tâm thả ra. Nguồn: Zing

Rồi tôi đặt giả định chắc họ không có mẹ cha nào làm nông dân – trắng mắt đói hết mùa giáp hạt để bừng lên chút sáng sủa tin thương khi mùa vừa thuận tay hái. Vì vậy họ không biết người nông dân đổ máu trên đất mình để giữ lấy cột nhà rường cửa. Mọi thứ tạo hình từ đất, thì sẽ mủn đi thành cát vô hình. Người nông dân không nộp mình cho thứ gì khác ngoài đất. Khi ấy, bụi tung mù lên trong chiếc video quay giữa đêm 2017.

Ông Nguyễn Đức Chung ngày 22/4/2017 mặc sơ mi trắng và tóc chẻ ngôi bên. Gương mặt ông tươi cười như sau trận cầu sôi nổi. Những người công an ra về như bức tranh trẩy hội. Hãy quay lại với người trẻ – họ quay về sau ngày làm con tin – tim chắc chẳng dợn gì suy nghĩ.

Chúng ta sống quá lâu trong sự nông cạn cuốn kéo đi theo dòng thời gian không kìm giữ nổi, không có cả thời gian tự vấn mình về lương tri hiện hữu hay xước mẻ tâm can. Ta bận sống quá đỗi đến mức không thể vấn vương cái chết của người khác.

Như mọi lãnh đạo, tôi biết sau sự tươi cười ông Chung nói dối. Ông kịp vào tù sau vài trăm vài chục tỷ dây máu ăn phần với tội phạm mà không kịp thỏa thuận với đồng chí ông. Lãnh đạo sau không có nhu cầu giữ lời hứa của lãnh đạo trước. Chúng có liên hệ gì nhau? – Lời nói, giấy viết tay, truyền hình, VTV, Zing News… chỉ là giấy vụn vứt bỏ xó sau bản tin thời sự ngày 22/4/2017.

Người này không liên quan trực tiếp đến vụ án – chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn nói. Vậy là ông Chung sẽ không xuất hiện nhân danh một chính quyền đã hứa hẹn về tranh chấp đất đai. Bọn vào tù rồi thường chính quyền bảo không liên quan gì đến họ. Như đảng viên nếu lỡ ngủ với nhân viên trong văn phòng, thì kịp bị tước thẻ đảng để không làm đảng dơ dáy (trên giường).

Ông Lê Đình Kình cũng kịp thành tàn tro. Đầu gối ông bể nát. Vết đạn trên ngực. Vết đạn sau lưng phải. Người chết và người ở tù không biết nói. Công lý là chiếc huân chương đeo trên ngực kẻ thắng cuộc.

Như chưa hề có cuộc gặp gỡ sôi nổi tươi cười hôm ấy.

Ngày thứ ba: Lương tri và tiêu chuẩn kép

Hãy nói về lương tri – tôi thường nói quá nhiều về điều mình không biết – như cách hình thành dần ý tưởng để biết nó là gì.

Có lần tôi ngồi ngoài hàng rào sân nhà chơi. Con mèo màu xám của tôi cắp về nhà một bé con mèo vàng. Nó gầy rộc. Co ro. Đi lảo đảo trong sân. Mèo màu xám nhìn tôi chất vấn: “Thế chị có nuôi nó không thì bảo?”

Mẹ tôi cho phép mèo con ở lại. Mỗi bữa ăn nó bớt dần lảo đảo. Rúc vào ngực mèo xám ngủ buổi trưa. Thuở đó tôi 12 tuổi, nghĩ lương tri hẳn là thứ sờ nắm được như con mèo và sự cho phép của mẹ. Có độ bông và nhịp thở.

Nhưng rồi lương tri phức tạp hơn diễn ngôn đơn sơ thẳng thớm về sự sống.

Một mùa nọ, tôi thức dậy và thấy video người mình quen biết qua đời. Nước mắt rơi xuống thảm như mồ hôi buổi chiều tập nặng. Người yêu tôi hỏi: “Vì sao em khóc?” – “Vì bạn em qua đời!” – “Khi em sống thật lâu và già như anh em sẽ không khóc nữa. Chúng ta dần quen với cái chết như con đường phải đến. Rồi họ đợi ta ở bên kia. Em sẽ gặp lại họ.”

Chúng ta diễn ngôn về cái chết để khỏa lấp nỗi sợ mà nó bóp mình ngạt thở. Bức ảnh ông Lê Đình Kình trên thân thể với vết đạn gần trên ngực khiến ta rùng mình tự điền mặt mình vào đó. Cái chết mang theo dụ ngôn của sự làm gương thầm thì áp chế: Nếu chúng mày hành động tương tự, số phận hẳn không khác gì.

Nguồn: VNN

Dụ ngôn đủ mạnh để người xa xôi rùng mình tránh dạt. Chúng ta không liên quan đến thảm kịch của người khác trong thứ tranh chấp riêng tư không dính đến mình. Ta có căn hộ gió lộng trên tầng cao chung cư, để thưởng trà trong chiều muộn và nhìn hoàng hôn rụng dần xuống dòng sông.

Học cách phớt lờ tiếng khóc của đồng loại là bài học an trú trong đời. Chỉ có kẻ mình đồng da sắt hoặc rắn đầu cứng cổ mới phơi thây ra cho cuộc hành hình ngoạn mục. Tôi thường tưởng tượng cái chết hiện diện trên nửa thân mình. Rữa nát ra sau nhát dùi cui nện. Hay bàn tay to đấm thẳng từ trên đầu xuống.

Thuở nhỏ trong lớp thể thao, thầy giáo dặn hãy ôm đầu nếu ai đó dùng dùi cui nện thẳng vào đầu. Em muốn cảm ơn thầy vì đã tưởng tượng ra cảnh học trò ngày nào đó có kẻ địch sa sầm xông tới. Bài học khiến tưởng tượng nhiều màu sắc, rõ hình nét và rùng mình.

Chừng đó dữ liệu đủ giúp tôi tháo lương tri xuống, vùi liếm trong cát và thẳng lưng đi tới chân trời. Vô can. Sạch trơn. Hay còn gọi là không ngu dốt trong vòng xoáy của tranh luận vô nghĩa lý giữa đất đai của người khác hay đất đai của quân đội cũng của người khác. Tôi tập sống cuộc đời của riêng mình trong tổ ấm ngoài biển xa và núi cao quảng đại.

Nhưng tôi không biết lương tri là bệnh ung thư. Nó làm mình dần ghê tởm người mình từng trân trọng (hay đau thấu tâm can khi nghe cô giáo tôi bình phẩm). Cá thể ta dự với cuộc đời bằng những sợi dây vô hình trì kéo nhau không nguôi ngoai. Chúng tồn tại chẳng vì nghĩa lý gì, chỉ để hành hạ lý do ta nhìn nhau và gọi nhau là người, chứ không phải thằng, là chúng, là anh hùng, là phản động.

Là người – lương tri thường cào cấu.

Nhưng là người có nhiều phiên bản.

“Vẫn biết chúng ta đang có một nền tư pháp có rất ít khả năng cung cấp công lý; nhưng, không vì thế mà chúng ta thủ tiêu khát vọng công lý.

Vẫn biết các vị thẩm phán rất khó “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”; nhưng, nếu không chỉ tuân theo pháp luật thì đâu cần một phiên tòa.

Vẫn biết các vị không có quyền lựa chọn chỗ ngồi xét xử hôm nay; nhưng, nên nhớ, quý vị có quyền lựa chọn chỗ ngồi của quý vị trong lịch sử.

Chắc chắn phiên tòa xử các nông dân Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử.”

Ông Huy Đức viết trên Facebook của ông. Diễn ngôn của người cộng sản tiêu chuẩn kép thường như vậy. Tuy ta biết tòa không có công lý, nhưng ta vẫn phải đặt cược cục khát khao của mình vào ấy. Tuy ta biết chẳng có độc lập gì trong phiên tòa ấy, nhưng ôi cứ phải ra tòa đã. Cho đủ thủ tục. Cho vừa thông lệ. Pháp luật do kẻ vô liêm sỉ đặt ra thì nó vẫn tên là pháp luật. Trong sách viết thì làm người nên tuân theo pháp luật. Vậy nên ta cũng phải ngồi đấy đợi thẩm phán tròng lên cổ ta chiếc gông pháp luật.

Tài liệu, văn bản viết v.v, giống như con cá trên tấm phản của người bán cá. Nhà sử học thu thập chúng, mang chúng về, nấu và dọn lên bằng bất cứ phong cách nào họ thích”. Edward Hallett Carr định nghĩa về lịch sử.

“Nhưng không hẳn mọi con cá đều nằm trên thớt, chúng như cá bơi trong vùng nước rộng và đôi khi ngoài biển khơi xa, và những gì nhà sử học bắt được còn tùy thuộc, một phần là vô tình, nhưng chủ yếu là tùy theo vùng biển nào mà ông chọn đánh bắt và cách đánh bắt ông chọn là gì”, Carr viết thêm một đoạn như vậy.

Tôi tưởng tượng cảnh ông Huy Đức đánh bắt lịch sử của ông bằng các cụm từ tiêu chuẩn kép về tư pháp – bất công, về thẩm phán – và sự vô luật, về chỗ ngồi – và lịch sử. Người đánh cá khéo ngon không chọn vùng biển hung tàn, nơi sóng cào và đá quật vỡ xương chân. Ngư phủ khôn ngoan ôm bè trên sông lặng, đợi bầy cá lao nhao ngợi ca đớp mồi, cảm thông trước nỗi niềm sâu kín thăm thẳm của ngư ông, và đớp mồi ngọt lịm – để dọn lên bàn cho thẩm phán ăn.

Chiếc bàn của lịch sử, là nơi người nông dân gọn gàng nhận tội và chúng ta cố gắng vờ tin tưởng vào công lý.

Nếu giả vờ đủ tốt, ta lại đủ tiêu chuẩn làm người – và còn có cả lương tri.

Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Ngày thứ tư: Tiểu thuyết online

Chủ mưu vụ án ở Đồng Tâm xin hưởng khoan hồng – Vnexpress

Vụ án Đồng Tâm: Bị cáo hối hận xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an hi sinh – Tuổi Trẻ

Nhiều bị cáo Đồng Tâm hối lỗi, mong được khoan hồng – Thanh Niên

“Chúc dùng chậu xăng đổ nhiều lần xuống hố, cứ 03-05 phút thì đổ một lần làm lửa bùng cháy.”

“Chức cầm can xăng đổ ra chậu và đổ nhiều lần xuống hố làm lửa bùng cháy lớn, vừa đổ vừa nói: “Cho chết mẹ mày đi”. Hải ngồi cạnh Chức nói: “Thơm nhở.”

Người cộng sản không chỉ có tiêu chuẩn kép. Họ nói về hiện thực như quyển tiểu thuyết nhiều màu sắc và hành động khốc liệt.  Họ tận tình làm người thư ký lịch sử, đứng bên cạnh thầm thì lắng nghe hội thoại kẻ thủ ác, bình phẩm thơm hôi mùi thịt người. Khoan nào, họ không bận tâm cứu đồng đội đang hóa thành tàn tro bên dưới hố. Câu thoại trong cáo trạng quan trọng hơn sinh mạng của kẻ hóa vàng làm nạn nhân. Người thư ký lịch sử đứng đó bận tâm ghi cáo trạng, chứ không màng cứu vị anh hùng ngã xuống hố sâu.

Và họ thích nhìn kẻ đối đầu xin tha thứ. Phức cảm lo lắng mình thua cuộc, phức cảm thắc thỏm sợ mình làm kẻ ác khiến họ muốn màn kịch trọn vẹn. Trong tiểu thuyết chương hồi, kẻ thua cuộc luôn cúi đầu xin tha trước đấng trượng phu võ hiệp. Người cộng sản cũng vậy – họ muốn nhân danh công lý để chiến thắng (chứ không phải không có công lý mà vẫn chiến thắng).

Tháng 1/2020, Facebook tràn đầy hình ảnh ba người chiến sĩ. Facebook cá nhân của vợ họ trở thành chốn an táng trê mạng (đi kèm khóc thương còn có cả post bán hàng online). Vợ trẻ con thơ hóa thành nước mắt. Áo quan hóa vàng và huân chương vinh danh. Nào bạn hãy dừng trang viết tại đây, nhắm mắt lại cùng tôi, bao nhiêu người trong chúng ta nhớ được anh chiến sĩ qua đời có hình sắc ra sao? – Họ được thổi đồng như thầy pháp nhập làm hồn ma đại diện chính nghĩa. Sắc phong anh hùng. Và họ chìm vào dĩ vãng trong sự quên bấy không chút bụi vương.

Chính quyền xây tạo từ máu xương. Xưa là xương nông dân. Giờ là xương công an. Xương nào cũng là xương. Người nào cũng là máu đỏ tim hồng. Có người được dùng làm công cụ đấu tố online (thường vòng đời kéo dài vài ngày đến một tuần), biến mất sau khi quảng cáo dầu gội đầu chạy ad mạnh mẽ. Người trở thành khiên chắn cho công lý vờ vịt, được vẽ bích họa và tranh cổ động nhiều lần. Nhưng rồi cũng biến mất sau quảng cáo khẩu trang bán mùa dịch chạy ad đúng target. Giữa chiến trận online, máu xương chỉ dừng ở vài bức ảnh phân giải thấp – có thể khiến người dự phần hóa đen thành trắng trở mặt.

Cứ mỗi bị cáo được xướng tên là lại có ngay một clip nhận tội được trình chiếu.

Phải mất bao công lao để nhà tiểu thuyết đứng trên mái nhà ghi câu thoại? – Cũng dày công tốn sức như người kỹ thuật viên dựng video nhận tội hùng hồn. Phiên tòa thú vị như vụ xử nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl. Valery Legasov đủ dũng cảm nhìn những đồng nghiệp nhà khoa học, nuốt nước bọt và nói hết diễn giải về tội ác khoa học đã làm ra thảm họa hạt nhân khốc liệt nhất lịch sử loài người. Legasov rời khỏi nhà máy và treo cổ trên xà nhà. Khi con mèo của ông đang ngồi trên ghế chờ bữa tối.

Sự thật bóp chết người giữ nó trong ngực. Legasov mang lời nguyền của sự thật – như nàng Kassandra trong thần thoại Hy Lạp. Nàng có thể tiên tri sự thật, nhưng loài người sẽ không bao giờ tin, thần mặt trời Apollo nguyền rủa vậy. Legasov tự kết liễu đời mình sau khi phun tất cả sự thật vào lịch sử. Ông chọn cách ngạt thở – dụ ngôn yêu thích của lời nguyền.

Nhưng cũng có những thứ không phải sự thật. Chúng không hút cạn không khí và tròng thòng lọng vào cổ. Ngược lại, chúng thổi đầy chướng khí vào ngực, và khiến tim người loạn nhịp khi nhìn thấy dối trá lên ngôi. Dối trá trong video. Dối trá trong lời phán. Dối trá trong “công khai”. Sự dối trá có thể công khai vì đa số không tin vào sự thật. Dối trá có thể công khai khi những trí thức hùng hồn kêu gọi ta nộp mình cho công lý giả hiệu.

Công lý giả hiệu đẹp như cành hoa loa kèn mùa hạ. Nó đĩnh đạc căng tròn trên chiếc bình, thẳng tưng dáng vóc như mỹ nhân kiêu sa. Nó giúp căn phòng lương tâm không rùng rục cựa mình và sụp đổ nát tan. Cứa viên đá vào mặt ta và lưỡi miệng dối gian. Công lý giả hiệu vừa đủ, mịn màng, sang trọn, gọn gàng. Cành hoa loa kèn mọc ra từ lưỡi.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Chiếc bàn của lịch sử, là nơi người nông dân gọn gàng nhận tội và chúng ta cố gắng vờ tin tưởng vào công lý.

    Nếu giả vờ đủ tốt, ta lại đủ tiêu chuẩn làm người – và còn có cả lương tri”

    Ậy, cái đó là đ/v những người giả vờ . Tác giả hổng tính tới những người thật sự tin vào cái tiêu chuẩn làm người kiểu này & kết quả là lương tri cũng theo cái “tiêu chuẩn” đó lun, thậm chí gọi chúng là “chân ní cụ thỉa”. Niềm tin đó đủ mạnh để họ có thể tích cực đóng góp vào quá trình dọn những người nông dân thấp cổ bé họng lên chiếc bàn gỗ quý của thẩm phán .

  2. Vâng,người CS.là thiên tài tiểu thuyết 2 thế kỷ tiếp nối,chứ không chỉ thế kỷ
    20.Muốn viết được tiểu thuyết thì phải có tài tưởng tượng để hư cấu cho hay
    nhưng họ còn có tài bịa đặt để kết án người dân cho đúng kịch bản.
    Đó là kịch bản “sát nhất nhân vạn nhân cụ” (dù sự thật là vài nguời ở trong
    làng Đồng Tâm bị giết) hay vở kịch “vu oan giá hoạ” dân đen !

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây