Những đòn trừng phạt của Mỹ không thể tạo nên một sự đồng thuận chống Trung Quốc

Asia Times

Tác giả: Richard Javad Heydarian

Dịch giả: Dương Lệ Chi

2-9-2020

Một tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: Facebook

Hoa Kỳ một mình thực hiện việc trừng phạt các công ty và quan chức Trung Quốc, liên quan đến quân sự hóa ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

MANILA – Hành động của Mỹ trừng phạt các tập đoàn công ty và cá nhân người Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm quân sự hóa Biển Đông, đã gây chia rẽ giữa các đối thủ tranh chấp trong khu vực và cuối cùng có thể làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt mà họ nhắm tới.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, trong đó có Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation), công ty đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt mà họ nhắm tới, gồm lệnh cấm đi lại đối với các quan chức Trung Quốc có tên cụ thể, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và có khả năng là các thành viên trong gia đình họ, vì bị cáo buộc tham gia vào việc gia tăng quân sự hóa các đảo do Trung Quốc cải tạo trong vùng biển tranh chấp.

Các nhà phân tích gợi ý rằng, các lệnh trừng phạt tài chính có mục tiêu có thể xảy ra sau đó. Hành động trừng phạt diễn ra trong bối cảnh gia tăng sự đe dọa binh đao trên tuyến đường thủy chiến lược, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều tiến hành các cuộc tập trận lớn, khiêu khích, trong những tuần gần đây.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ với các tranh chấp trên biển, khi nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên phạm vi rộng theo đường chín đoạn là “bất hợp pháp”. Kể từ đó, ông đã cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các nước Đông Nam Á đang tranh chấp.

Vùng biển đang tranh chấp ngày càng được coi là sân khấu quan trọng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới chớm nở, nơi các nước Đông Nam Á thấy mình bị lọt ở giữa, bấp bênh và chịu áp lực nhất định trong việc lựa chọn phe giữa các siêu cường.

Nhưng trong khi Philippines, Việt Nam, Malaysia, còn Indonesia thì ở mức độ thấp hơn, đều phàn nàn về sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, các nước này không có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ, do lo ngại Bắc Kinh sẽ trả thù, thông qua các đòn trả đũa thương mại, viện trợ và đầu tư.

Các biện pháp trừng phạt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ “hạn chế xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao các mặt hàng (trong nước)” bởi các công ty Trung Quốc được nhắm tới, những công ty “được cho là có liên quan hoặc có nguy cơ đáng kể khi tham gia vào các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tuyên bố về các biện pháp trừng phạt: “Hoa Kỳ, các nước láng giềng của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã lên án các tuyên bố chủ quyền của đảng Cộng sản TQ đối với Biển Đông và lên án việc xây dựng các đảo nhân tạo cho quân đội Trung Quốc”.

Các công ty bị trừng phạt gồm các tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm cả sự liên doanh mới của Công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc và Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc. Các công ty China Communications Construction Company Dredging Group Co Ltd, China Communications Construction Company Shanghai Waterway Bureau, và China Communications Construction Company Guangzhou Waterway Bureau, cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Mặc dù cũng bị xáo trộn bởi các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận, các nước Đông Nam Á chủ yếu gồm Indonesia và Singapore giữ khoảng cách lành mạnh với các chính sách lên tiếng cứng rắn và đối đầu hơn của Washington đối với Bắc Kinh.

Việt Nam cố gắng thúc đẩy một sự đồng thuận cứng rắn hơn trong khu vực, chống lại Trung Quốc, nhưng với tư cách là đương kim Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã phải vật lộn với các đồng minh trung thành của Bắc Kinh như Campuchia, vốn thích cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, Philippines, một đồng minh trong hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ, nổi bật với những bất đồng ngày càng công khai giữa các quan chức hàng đầu, một số quan chức đứng về phía Mỹ, trong khi một số khác đứng về phía Trung Quốc.

Trong tuần qua, ông Teodoro Locsin Jr, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã “mạnh mẽ” khuyến nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty cụ thể của Trung Quốc, trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte kiên quyết giữ vững quan điểm ngoại giao thân thiện với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Locsin thúc giục chính phủ làm theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ bằng cách chấm dứt bất kỳ hợp đồng nào mà Philippines có với 24 công ty nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ. Ông cũng ủng hộ một phản ứng cứng rắn hơn và phối hợp chống lại Trung Quốc.

Nếu tôi nhận thấy bất kỳ công ty nào trong số đó đang làm ăn với chúng tôi, thì tôi thật sự khuyên chúng ta nên chấm dứt mối quan hệ với công ty đó”, Ngoại trưởng Locsin nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 28 tháng 8 với truyền thông Philippines.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. Ảnh: AFP / Andrew Harnik

Nhà ngoại giao thẳng tính của Philippines này là người đã nhiều lần nhấn mạnh sự vô hiệu của các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trên vùng biển theo luật pháp quốc tế, đã chỉ trích các công ty Trung Quốc “dưới bất kỳ hình thức nào [đã từng] tham gia vào việc khai hoang [các đảo trên Biển Đông], thì chúng ta phải dứt khoát chấm dứt bất kỳ hợp đồng nào với họ”.

nhiên, vì hợp đồng đã được ký kết nên họ có thể kiện chúng tôi về điều đó nhưng… tôi rất cẩn thận về việc xác thực bất cứ điều gì mà Trung Quốc làm bằng cách không hành động”, ông Locsin nói thêm. Từ đó, ông thừa nhận sự cần thiết phải phối hợp với các cơ quan chính phủ của các nước khác, trước khi thực hiện bất kỳ hành động mang tính quyết định nào.

Ví dụ, Tổng công ty Xây dựng Sân bay Trung Quốc (CACC), một công ty con của một trong những công ty Trung Quốc mà Mỹ liệt kê, là đối tác chính trong dự án sân bay quốc tế Sangley, trị giá 10 tỷ đô la ở Philippines.

Băn khoăn trước lập trường cứng rắn của Manila ở Biển Đông, Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã bảo vệ các hợp đồng của Trung Quốc và nhắc lại cam kết của nước ông trong việc hỗ trợ sáng kiến ​​phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines.

Nhà ngoại giao Trung Quốc này nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh: “Hợp tác thực dụng giữa Trung Quốc và Philippines luôn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và kết quả đôi bên cùng thắng, và tất cả các dự án đều được tiến hành tuân theo các quy định và luật pháp hiện hành”.

Ông cáo buộc Washington can thiệp “thô bạo” vào công việc nội bộ của Trung Quốc, cũng như tạo ra “một cái nêm giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực“.

Tôi tin rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại sự hợp tác kinh tế bình thường giữa Trung Quốc và Philippines, sẽ không bao giờ thành công”, nhà ngoại giao Trung Quốc này cảnh báo.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) nâng ly trong bữa tiệc cấp nhà nước tại Phủ Tổng thống Malacanang ở Manila, ngày 20/11/2018. Ảnh: AFP / Pool / Mark R Cristino

Cho đến nay, Tổng thống Duterte vẫn phản đối các khuyến nghị của chính nhà ngoại giao hàng đầu của mình.

Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống [Duterte] nói rõ hôm 1/9 rằng, “người Mỹ có thể đưa vào danh sách đen các công ty Trung Quốc trên lãnh thổ của họ ở Mỹ và có thể trong các căn cứ quân sự thuộc quyền của họ”, nhưng ông Duterte “sẽ không tuân theo chỉ thị của người Mỹ vì chúng tôi là người tự do và quốc gia độc lập và chúng tôi cần những khoản đầu tư đó từ Trung Quốc”.

Chúng tôi không phải là một quốc gia chư hầu của bất kỳ thế lực nước ngoài nào”, phát ngôn viên của ông Duterte nói thêm, biến vấn đề này thành sự khẳng định lại nền độc lập của Philippines khỏi đồng minh chiến lược thân cận nhất là Mỹ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to nguyễn Nhân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây