Tại sao chuyến thăm Berlin của ngoại trưởng TQ Vương Nghị lại là chuyến đi khó khăn?

Handelsblatt

Tác giả: Moritz KochTorsten Riecke

Hiếu Bá Linh, biên dịch

31-8-2020

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đến thăm Paris vào thứ Hai tuần này. Ông ta đang trên đường đến Đức. Nguồn: AP

Đức và Trung Quốc đang tranh cãi. Ngay khi chưa đến nơi, ngoại trưởng TQ Vương Nghị đã tỏ ra hung hăng, công kích Cộng hòa Séc: Nước này sẽ phải trả một “giá đắt” cho việc một phái đoàn Séc đến thăm Đài Loan.

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tiếp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Berlin vào ngày mai thứ Ba 1-9-2020, sẽ có những cuộc biểu tình. Người biểu tình sẽ tụ tập trước trụ sở chính của Bộ Ngoại giao Đức.

Với phương châm của cuộc biểu tình “Nhân quyền là không thể thương lượng”, các nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức và những nhà hoạt động kêu gọi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phải can đảm nói thẳng với Trung Quốc về những sự khác biệt. Họ yêu cầu như thế. Tuy nhiên, sẽ không có cuộc đối đầu trực diện với những người biểu tình. Hai Ngoại trưởng sẽ gặp nhau tại nơi khác: Biệt thự Borsig, một trụ sở của Bộ Ngoại giao bên bờ Hồ Tegel ở Berlin.

Cuộc nói chuyện này sẽ là khó khăn. Mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đức hiện đang căng thẳng. Đức bực tức vì bị tổn hại do việc Trung Quốc muốn tự dàn dựng mình như một vị cứu tinh trong cuộc khủng hoảng virus corona đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như Ý. Tranh cãi về sự tham gia của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei trong việc phát triển mạng di động 5G của Đức, cũng là một gánh nặng cho mối quan hệ.

Ngoại trưởng Maas (thuộc đảng SPD) và khối nghị sĩ đảng SPD trong Quốc hội Liên bang Đức coi công ty Huawei là không đáng tin cậy. Điều này khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh không hài lòng. Tất cả càng trở nên trầm trọng hơn bởi thái độ ngày càng quyết đoán của các nhà ngoại giao Trung Quốc, bởi cuộc đàn áp của chế độ đối với phong trào dân chủ ở Hồng Kông và bởi sự đàn áp có hệ thống đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.

Do đó mà có các cuộc biểu tình. “Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tự loại trừ mình là đối tác chiến lược vì hành vi ngày càng hung hăng. Đó là việc giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, đó là việc vi phạm công khai luật pháp quốc tế ở Hồng Kông, đó là việc ngoại giao chiến binh sói mà thay vì trao đổi ngoại giao, Bắc Kinh lại dùng cách thức đe dọa, tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch”, bà Margarethe Bause, Nghị sĩ Đảng Xanh, một trong những người đồng tổ chức cuộc biểu tình trước Bộ Ngoại giao, nói với báo Handelsblatt.

Đối với bà Bause thì rõ ràng: “Cạnh tranh hệ thống với Trung Quốc là cạnh tranh giữa chế độ độc tài và chế độ dân chủ. Vì vậy, các thiết chế quốc tế và pháp quyền, cũng như tính phổ quát của nhân quyền phải được bảo vệ kiên quyết hơn trước“.

Chinh phủ Đức tránh tranh cãi về ý thức hệ

Từ lâu, chính sách của Đức về Trung Quốc chú trọng ưu tiên vào chính sách kinh tế. Các vấn đề như nhân quyền và dân chủ, cũng được Thủ tướng Angela Merkel đề cập trong các cuộc nói chuyện ở cấp cao nhất. Nhưng Chính phủ Liên bang Đức đã tránh một cuộc tranh luận ý thức hệ với nhà nước độc đảng Trung Quốc. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Đức dường như là quá quan trọng.

Ngày càng khó để duy trì đường lối này. Trung Quốc ngày nay là một đất nước khác so với mười năm trước. Dưới thời của người đứng đầu nhà nước và đảng, Tập Cận Bình, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở nên đàn áp hơn, ý thức quyền lực hơn và sẵn sàng hơn cho xung đột. “Chuyến thăm của Vương Nghị là một nỗ lực để tạo dựng một hình ảnh của Trung Quốc ở châu Âu trở nên tích cực hơn“, Mikko Huotari, Giám đốc Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc (Merics) ở Berlin nói.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền ở Bắc Kinh đang đi chệch khỏi các lập trường cơ bản của mình. Huotari chỉ trích: “Cho đến nay, châu Âu vẫn chưa tìm ra câu trả lời và vẫn còn xa một chiến lược chung đối phó với Trung Quốc”. Tài liệu gọi là “tầm nhìn chiến lược” của EU đối với Trung Quốc mới chỉ được thử thách một phần dưới áp lực.

Giám đốc Viện Merics cho rằng một hiệp định đầu tư “không thể nào” sẽ được ký kết trước cuối năm nay như kế hoạch. Nhiều nhất là có thể sẽ thống nhất với nhau về một tuyên bố ý định chính trị.

Chính sách về Trung Quốc của Đức phải được thay đổi vì nhiều xung đột – Berlin dần dần nhận thức được điều này. “Chúng tôi chờ đợi chính phủ Trung Quốc ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào nền dân chủ ở Hồng Kông“, chính trị gia về nhân quyền Frank Schwabe của đảng SPD nói. Đạo luật An ninh Hồng Kông, được thông qua vào cuối tháng 6 vừa qua, mà nó hình sự hóa việc đấu tranh cho tự do, phải được rút lại ngay lập tức.

Tranh chấp về Đài Loan

Chính quyền Trung Quốc không chấp nhận những chỉ trích vì cho đó là “can thiệp vào công việc nội bộ“. Trước khi đến Berlin, tại Rome và Paris, Vương Nghị luôn luôn từ khước thẳng thừng các câu hỏi về tình hình Hồng Kông. Mặc dù chuyến đi của ông đến châu Âu được cho là thực sự nhằm mục đích làm giảm căng thẳng, nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc lại gây ra những tranh cãi.

Đầu tiên, ông đặt câu hỏi liệu đại dịch virus corona có thật sự bắt nguồn từ Trung Quốc hay không. Vương Nghị ám chỉ rằng đã có tường thuật virus xuất hiện ở các nước khác trước đó. Nhưng ông ta không trưng ra được bằng chứng.

Trái lại, ở Paris, ông ta cố gắng thu hút châu Âu liên minh với Trung Quốc để chống lại Mỹ. Nhưng ông ta đã gây ra sự xáo động lớn nhất với lời đe dọa chống lại Cộng hòa Séc. Vương Nghị cho rằng, chuyến thăm theo kế hoạch của một phái đoàn cấp cao Séc tới Đài Loan là một “sự khiêu khích” mà Praha sẽ phải trả một “giá đắt“. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dị ứng với bất kỳ dấu hiệu độc lập nào.

Các nước thành viên của EU công nhận chính sách một Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyến thăm Đài Loan phải có khả năng được thực hiện, kể cả hợp tác như trong việc chống lại đại dịch cho thấy điều đó“, ông Norbert Röttgen (đảng CDU), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Đức đối đáp lại.

Việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm Đức, đích thân đe dọa một quốc gia EU khác và một nghị sĩ, không chỉ là một sự xúc phạm ngoại giao mà còn là một sự sỉ nhục nền dân chủ.

Cả Chính phủ Liên bang Đức, lẫn các nghị sĩ của chúng tôi không được phép để yên chuyện này“, ông Röttgen đòi hỏi. “Đài Loan không phải là một vết trắng trên bản đồ, mà là một thực thể mà chúng ta phải ứng xử“. Châu Âu cần khẩn trương thống nhất với nhau về một đường lối chung bảo vệ các quốc gia thành viên riêng lẻ trước sự trả đũa của Trung Quốc.

Các nhà chỉ trích Trung Quốc có thể cảm thấy được xác nhận. Tại Quốc hội, họ đã thành lập một nhóm gồm nhiều đảng phái, nhóm này đã liên kết với các nghị sĩ từ các quốc gia dân chủ khác. Liên minh Nghị viện về Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi diễn ngôn về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Vứt bỏ giáo điều “thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị“, để hướng tới một chính sách coi Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Những cuộc biểu tình như trên thì rát đáng ngưỡng mộ khi nhắc nhở chính quyền
    nước sở tại đừng vì quyền lợi vật chất mà quên đi giá trị nhân quyền đang là khát
    vọng của người dân ở các nước CS.như Tàu cộng.Đồng thời nó cũng cảnh cáo chế
    độ CS.nếu đàn áp qúa tay thì sẽ bị thế giới tẩy chay và trừng phạt.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây