Những người về từ cõi chết

Chuyện của Thịnh

21-8-2020

Mọi người chắc vẫn nhớ ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã lĩnh án chung thân vì tội “giết người” và chỉ được minh oan sau 10 năm ngồi tù khi hung thủ ra tự thú.

Ông Chấn nói trong quá trình lấy cung, cán bộ điều tra đã bắt ông phải diễn, và họ còn làm mẫu cho ông diễn. Ông phải diễn đi diễn lại những động tác sát hại nạn nhân. Đến khi ông diễn thành thục, thì họ dựng lại hiện trường, chụp ảnh, ghi hình…

Trong hồi ức bập bõm, ông Chấn kể: ông phải làm cảnh cầm chai bia đập vào đầu nạn nhân, chạy theo nạn nhân rồi dùng dao đâm liên tiếp vào lưng nạn nhân, nạn nhân vẫn còn thở nên ông lấy gối bịt mặt nạn nhân cho tới chết. Nếu không làm, ông bị đánh.

Trong chuyến về thăm ông tại xóm Me, Bắc Giang, tôi đã nhờ ông Chấn làm lại những động tác giết người mà ông phải diễn hơn 10 năm trước -những hình ảnh được dùng như chứng cứ để chống lại ông, để khẳng định rằng ông là kẻ thủ ác.

Về sau này, khi mọi việc được làm sáng tỏ, thì dư luận cũng rõ rằng trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tư pháp khi đó cũng đã mắc phải nhiều sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến cho kết quả điều tra sai lệch căn bản.

Luật sư Nguyễn Hồng Phong đã viết trên trang cá nhân của mình rằng: “Chuyện công dân sau khi bị đưa về trụ sở công an làm việc vì nghi vấn có liên quan đến hành vi phạm pháp nào đó, rồi ra về với nhiều vết thương, dấu hiệu bị đánh đập trên cơ thể. Hay thậm chí bị công an dùng nhục hình đánh đến chết rồi kêu người nhà tới nhận xác, là một thực tế không còn là cá biệt và đó là điều hết sức đáng lo ngại trong hoạt động của lực lượng công an hiện nay.

Đó là dấu hiệu thể hiện sự yếu kém, vi phạm pháp luật của công an, cho thấy quyền được an toàn, tự do về thân thể, sức khỏe, quyền bào chữa của công dân – vốn được Hiến pháp quy định, đã và đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng.”

Để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, chỉ còn bấu víu vào cái tâm và sự tôn trọng pháp luật của người công an. Nhưng điều đó hoàn toàn không đủ. Điều cần phải làm và có ý nghĩa quyết định chính là phải có sự tham gia giám sát, và thậm chí là ngăn chặn, “chống lại” từ phía những người thực hiện và bảo vệ quyền bào chữa cho bị can, bị cáo. Đó chính là luật sư.”

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Trong hệ thống tư pháp Việt Nam, vẫn còn tồn tại xu hướng tiến hành tố tụng (trong đó có xét xử) theo nguyên tắc suy đoán có tội. Đã nghi ngờ ai, thì mọi chứng cứ, mọi lời khai đều được thu thập và diễn giải theo hướng người đó có tội. Điều này không chỉ đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội mà cả thế giới văn minh theo đuổi (và Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng đã đề ra), mà còn rất dễ dẫn đến tình trạng kết án oan, sai trái.

Từ vụ án của ông Chấn, tôi suy nghĩ về những vụ án khác như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự chính xác và công tâm của bản án, cũng như sự đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra, truy xét các vụ án này. Liệu rằng việc ép cung, dùng nhục hình bắt nhận tội có diễn ra với những người này hay không? Theo tôi, việc để những án oan như vậy xảy ra còn là một tội ác lớn hơn: hung thủ thực sự vẫn nhởn nhơ bên ngoài, còn người vô tội và cả gia đình họ bị đẩy vào vòng xoáy tang thương: xã hội dèm pha, cô lập, thậm chí là khuynh gia bại sản.

Trong đoạn phim của mình, tôi dùng băng đen che mắt ông Hiến. Tôi muốn mọi người hãy thử nhìn ông khi đứng từ góc nhìn của cán bộ điều tra. Liệu có phải rằng sau khi xác định được đối tượng, thì mọi bằng chứng ngoại phạm của người đó, mọi suy đoán vô tội về người đó, đều không được bên điều tra chấp nhân? Liệu có phải rằng khi mục tiêu đã được đề ra thì người ta sẽ làm mọi cách để dìm một người vô tội đến chết? Liệu có phải rằng lúc đó, trong mắt họ, anh không phải là một con người nữa mà chỉ hoàn toàn là một đối tượng?

Tôi đã xin phép ông Chấn dùng những hình ảnh này để góp một tiếng nói vào việc đòi hỏi những bản án công tâm với những tử tù khác như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh. Họ đều có bằng chứng về việc đã bị tra tấn, ép cung như thế nào để bị buộc nhận tội giết người. Tôi tin rằng cũng như tôi, rất nhiều người vẫn còn niềm tin và kì vọng vào năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ nắm giữ quyền lực tư pháp của đất nước, và đều hi vọng rằng những bản án oan như đối với Nguyễn Thanh Chấn sẽ không tiếp tục lặp lại.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở các nước pháp quyền như Đức, họ chả cần có camera ghi hình và có luật sư thì thường bao giờ cũng tốt hơn không có, nhưng ngay cả khi không có luật sư thì lời khai của nghi phạm, bị can, bị cáo cũng không bị coi thường như ở Việt nam – nếu nhớ vụ anh Chấn, ra Tòa khai vị nhục hình bị thẩm phán cho qua, vì cho là bịa đặt (ngay ông Nguyễn Hòa Bình vừa rồi cũng khẳng định chắc nịch Hồ Duy Hải không bị bức cung, nhục hình!). Theo tôi câu 1 của tác giả (TG) „Để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, chỉ còn bấu víu vào cái tâm và sự tôn trọng pháp luật của người công an“ rất yếu hay không thể được, khi nhân viên điều tra KHÔNG CÓ TÂM VÀ CŨNG KHÔNG CẦN TÔN TRỌNG PHÁP LUẬT VÌ XEM RA CHẢ SỢ BỊ TRỪNG PHẠT – chưa kể Bộ luật hình sự cũ 1999, ví dụ Đ. 299 Khoản 1 chỉ phạm tội khi KHAI SAI SỰ THẬT – và như thế trái thông lệ luật pháp tiến bộ thế giới vì như thế vô hình chung luật đã „khuyến khích bức cung“ (thời gian lấy cung Hồ Duy Hải) mà với BLHS 2015 đã phải thay đổi! Còn vì sao nhân viên điều tra VN tích cực để tiến lên mức „phá án giỏi thuộc loại nhất thế giới“ thì có nhiều nguyên nhân như: áp lực cấp trên (do cấp trên cũng thích thành tích) và sau đó cấp dưới cũng thích thành tích để trước hết sau khi phá án lớn: ĐƯỢC THƯỞNG NÓNG BẰNG TIỀN, KHEN THƯỞNG ẦM Ĩ VÀ SAU ĐÓ LÊN QUÂN HÀM, LÊN LƯƠNG … (nhiều nước pháp quyền không có thưởng nóng bằng tiền như VN – vì việc phá án là nhiệm vụ hiển nhiên của cảnh sát). Còn liên quan tới bức cung, nhục hình thì để không có tình trạng như ở Việt Nam thì phải làm cách mạng, thay đổi cả hệ thống luật pháp từ Hiến pháp phải chuẩn mực bảo đảm quyền con người (như quyền của người bị bắt giữ), quyền độc lập của thẩm phán, sau đó luật pháp hình sự, tố tựng hình sự cũng cần chuẩn mực, được tiêu chuẩn hóa quốc tế, sau đó là hệ thống các cơ quan quản lý giam giữ cũng minh bạch, hợp lý (công an không thể quản tù nhân, vì đó là 1 điểm yếu chết người, khi trong tay họ thì công an vào đánh tù nhân lúc nào cũng được – nếu nhớ vụ Nguyễn Thanh Chấn bị tra tấn ngày đêm, cho dù có camera buồng lấy cung) VÀ CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ KHÁC NHƯ PHẢI TÔN TRỌNG THỰC SỰ LUẬT SƯ, CHỨ CÓ LUẬT SƯ MÀ RA TÒA THẨM PHÁN CŨNG KHÔNG THEM NGHE LUẬT SƯ THÌ OAN SAI VẪN HOÀN OAN SAI NẾU CÓ LUẬT SƯ!

Leave a Reply to 1 sự thật Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây