Má ơi, má có phải loài ôn dịch không?

Chu Mộng Long

17-8-2020

Vừa xem xong truyền hình, tôi hỏi má:

– Má ơi, đài truyền hình quốc gia công khai nói, những người bán hàng rong là “ký sinh trùng”, tức loài ôn dịch. Má thấy thế nào?

Má tôi đã trên 80. Má nói:

– Tao bán hàng rong từ thời Việt Nam Cộng hòa. Cả ngày với chiếc áo dài lóc cóc đôi guốc đi khắp phố rao bán đậu hũ. Bán sạch sẽ, văn minh. Bán xong ghé mua đậu về xay đến nửa đêm. Ba giờ sáng đã dậy nấu rồi gánh đi bán. Mỗi ngày đổi mồ hôi lấy được mấy đồng mua gạo nuôi các con. Lại còn giấu gạo nuôi cán bộ, lại còn lén lút rải truyền đơn rồi đi biểu tình… Có ăn bám của ai đâu mà bảo là ký sinh trùng?

Những điều má nói tôi biết cả. Tôi còn biết có ngày má không bán hết, mấy anh em tôi phải ăn đậu hũ thay cơm. Và tôi nhớ nhiều hơn, cái cảnh thời hợp tác xã ngăn sông cấm chợ để nhà nước độc quyền thu mua nông sản, tôi gánh khoai giúp má đi chợ phiên từ lúc 3 giờ sáng. Hôm nào đến 5 giờ chưa bán xong thì bị thuế vụ rượt đuổi và cả gánh khoai bị họ giẫm đạp lên nát bét. Và cảnh má tôi ngồi nhìn khoai nát bét mà khóc…

Chợt má tôi nói:

– Có lẽ truyền hình quốc gia không cố tình đâu, con ạ.

Má tôi nhân hậu, nhưng tôi thì không nhân hậu với những kẻ gọi má tôi là loài “ký sinh trùng”. Tôi dứt khoát:

– Theo con biết, đó là một phóng sự đã được kiểm duyệt trước khi phát sóng. Trên một kênh khác, một thằng khác cũng đọc phóng sự này, nó chỉ bỏ chữ “trùng” và vẫn gọi má là sống “ký sinh”, tức ăn bám như giun như sán. Như vậy, không thể là lỗi của một thằng mà lỗi hệ thống. Không ngẫu nhiên mà trước đó, trong chiến dịch dẹp hàng rong ở Sài Gòn, không ít tờ báo nói dân bán hàng rong dơ bẩn, mất vệ sinh, lại còn đăng lời một đại gia có tên Nguyễn Văn Đực đòi đuổi dân bán hàng rong ra khỏi thành phố văn minh của chúng. Chúng xem dân bán hàng rong là ôn dịch đấy má.

Má tôi thở ra một cái và nói:

– Nếu thời chiến tranh mà chúng nó nói công khai như vậy thì má đã không tiếp tế lương thực cho chúng nó…

Tôi an ủi má và hỏi:

– Có lẽ cha mẹ nó không nói mà để dành cho con cháu chúng nó bây giờ nói. Nếu thời đó, cha mẹ chúng nó nói vậy thì má cũng không phải đi bán hàng rong, vì đã đi bán hàng rong thì thường phải làm nhiệm vụ cách mạng giao cho. Vậy không gánh hàng rong thì má phải làm gì để tiếp tế cho cán bộ?

Mặt má tôi đanh lại. Má chỉ nói một câu gọn lỏn:

– Má đi gánh cứt!

Gánh hàng rong thời Việt Nam Cộng hòa
Gánh hàng rong thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thằng đeo kính gọi người bán hàng rong là “ký sinh trùng”
Thằng tóc dựng ngược gọi người bán hàng rong là “sống ký sinh”. Nhưng chung quy thằng chịu trách nhiệm cao nhất là Ủy viên trung ương đảng, Tổng giám đốc truyền hình Trần Bình Minh.
Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. @ Chu Mộng Long,
    Mẹ của anh trước đây có nuôi giấu cán bộ hả, nếu chuyện anh viết bên trên là thật thì xin chúc mừng anh và gia đình nhé, khi không rước cái của nợ vào nhà và bây giờ thì…cả nước Xếp Hàng Cả Ngày và Xuống Hố Cả Nút. Chán

    • Tên Việt giả Hàn là một tâm hồn giả trá, có giác quan quen dọ tìm đánh hơi nghi ngờ như loài cầy…thì không nên bàn chuyện chính trị. Chính sự đố kị kỳ thị nầy đã làm cho nhân tâm ly tán, hận thù dân tộc mãi còn, làm suy tàn đất nước, mịt mờ tương lai, tiếp tay cho tà quyền tồn tại hoành hành, ngoại bang có dịp xâm lấn đè nén. Hãy xuống địa ngục đi, loài Việt gian trá! Tại sao phải là Choi, là Djong, đồ dlv nguỵ trang phá phách!

      • Không sai, lời văn của cái thằng Hàn giả Cầy mang văn phong miền Bắc XHCN. Sớm hay muộn thì Tàu+ cũng bị Huê Kỳ cô lập ra khỏi Thế giới Văn minh là tụi nó không còn chỗ dựa, buộc phải nương theo Huê Kỳ. Giờ còn có con Corona virus nữa, tụi nó đang chết khiếp khi thấy dân đen miền Bắc thờ ơ, cho virus lây lan thoải mái, cái ngày định hướng XHCN cũng tới lẹ thui.

  2. Những gánh hàng rong

    Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất

    Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê

    Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê

    Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi

    Đừng đuổi!

    Xin đừng rượt đuổi!

    Họ chỉ là nạn nhân

    Đô thị mở rộng họ mất nơi cày cấy

    Đô thị văn minh họ không chốn nương thân

    Những mảnh đời lam lũ

    Từng gánh gánh nặng chiến tranh

    Nay gánh gánh nặng hòa bình

    Sống thời nào cũng thiệt

    Thiếu cả lời kêu than

    Đừng thấy họ hiền mà bắt nạt

    Đừng thấy họ nghèo mà khinh

    Bao thứ hôm nay có được

    Vốn từ họ mà ra

    Họ chính là ân nhân! HXP

  3. “má ơi” chấp gì thằng “trùng sinh ký” nguyễn anh quang và đồng bọn! “má” đã một thời che chở, đùm bọc chúng … đau xót quá “má ơi”!

  4. Có một điều quái dị…họ xuất thân từ vô sản, nếu bây giờ họ không vô sản nữa, thì cha chú họ cũng từng vô sản, hoặc ông ngoại, nội mấy đời siêu vô sản…
    Hoặc nếu trong số họ có người từng thuộc giai cấp tạch tạch sè (dân gọi đùa, tiểu tư sản), thì mấy vị tts nầy cũng từng cật lực hoan hô tôn vinh vô sản… gọi giai cấp vô sản là nòng cốt của cách mạng
    “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều sẽ suy tàn và tiêu vong”(Mác-Ăngen).
    V.I Lê-nin cũng khẳng định: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản”.
    « Prolétaires de tous pays, unissez-vous ! », par Karl Marx et Friedrich Engels, 1848, tiré du Manifeste du Parti Communiste
    ( “Vô sản tất cả các nước, hãy đoàn kết lại!”, lời hô hào của Các-mác và Ăngen năm 1848, trích từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.)

    Thế rồi, họ ca vang khắp thế giới…”toàn nô lệ vùng đứng lên đi, nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình! (trích International, lời Việt)

    Thế rồi, họ thành công…1917, 1949, 1954…
    Vì lợi quyền đã qua tay họ, như bài hát hứa hẹn, họ trở nên giai cấp thống trị, giàu có, tư bản đỏ, quý tộc đỏ…thơm tho, sang trọng, tối tân, đúng mode, đẳng cấp thời thượng…bắt đầu nhăn mặt với dơ bẩn, hôi hám, củ kỷ, lộc cộc te tua!

    “Mọi đồng chí và nhân dân đều bình đẳng. Nhưng một số đồng chí, nhân dân bình đẳng HƠN những đồng chí, nhân dân khác”
    (nhại theo lời con lợn Napoleon trong Animal Farm, George Orwell)
    Hệ quả của cách mạng thành công, quyền lợi tất qua tay mình…là cấm xe ba gác, xich lô, cấm bán hàng rong, cấm ăn xin (đói quá thì về các vùng sâu vùng xa, thị trấn nghèo mà ở), cấm sinh hoạt buôn bán vỉa hè, cấm không cho xe máy làm lại pít tông bạt, ép zên, hàn lại sườn, (tức xe quá “đách”) chạy rong trong thành phố lớn. Đà nẵng đáng sống không cho phép sống những bọn vé số, ve chai, đánh giày, ăn xin. Dân giao hàng có cái xe cà tàng kiếm cơm phải khóc thét. Những xe đẩy bán đủ thứ vặt vảnh để cho con miếng ăn, đóng phí đầu năm, đi bv…nguyền rủa, chửi thề, khóc thầm…

    Đúng là đổi đời, kết thúc cái mạng.
    Thôi thì…ai đó hãy bắt chước Mác Ăngen gào lại thần chú, “vô sản toàn quốc hãy…” đi,

    xem cuộc đời có ra cơm cháo gì không!

  5. Vâng,không phải ngẫu nhiên mà tên này dám nói như vậy bởi vì cán bộ và
    quan chức nhà nước CS.được “đào tạo” trong hệ thống luôn khinh thường
    người dân,thậm chí xem dân như rơm rác nên ngoác mồm ra là chúng quen
    thói sỉ nhục miệt thị người dân như thế !
    Câu miệt thị này làm nhớ lại thòi trước 1975,khi chưa cướp được chính quyền
    ở miền Nam thì ngược lại chúng không dám nói vậy mà luôn lên tiếng o bế và
    bệnh vực người dân sống bằng nghề bán hàng rong nào là nếu cách mạng cs.
    thắng lợi thì xã hội công bằng,vô giai cấp,nào là chĩ chế độ tư bản mới bóc lột
    nhân dân thậm tệ,chứ cách mạng thì không v.v. Hoá ra những rất lời êm ái dịu
    ngọt thế này đã thành công trong việc dụ dỗ rất nhiều người dân hy sinh mạng
    sống mình cho chúng hưởng hết đặc quyền đặc lợi như ngày nay !
    lại công bằng

Leave a Reply to Đừng đuổi ân nhân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây