Single-issue voter

Trịnh Hữu Long

13-8-2020

Lần đầu tiên tôi thực sự chú ý tới thuật ngữ “single-issue voter” là hồi năm ngoái, khi ngồi với một chị người Mỹ gốc Trung Quốc. Single-issue voter là cử tri chỉ quan tâm tới một đòi hỏi chính trị, ứng cử viên nào thỏa mãn được đòi hỏi đó thì giành được phiếu của họ. Từ đó nó sinh ra single-issue politics.

Chị bạn tôi là người dễ thương và tốt bụng, có học thức, là cử tri lâu năm của Đảng Dân chủ Mỹ, bỏ phiếu cho Obama hai lần, và lần gần nhất bỏ phiếu cho Hillary Clinton.

“Nhưng giờ tôi chỉ quan tâm tới việc chống Trung Quốc thôi. Tôi không chịu được nữa. Tôi tin rằng Trump đang làm tốt việc đó”, chị nói.

Single-issue voter bỏ qua và thỏa hiệp trong mọi thứ khác để chỉ tập trung vào một vấn đề cốt tử, tiên quyết. Đó là một loại não trạng chính trị. (Từ não trạng ở ta hay bị hiểu theo nghĩa tiêu cực, nhưng từ đó chỉ có nghĩa là một lối suy nghĩ thôi.)

Não trạng này có ở những người nhìn đâu cũng thấy Trung Cộng. Có người nhìn đâu cũng thấy Việt Cộng. Có người nhìn đâu cũng thấy công an. Có người nhìn đâu cũng thấy rác nhựa. Có người nhìn đâu cũng thấy Trump.

Lăng kính chính trị của họ, do vậy, loại bỏ đi những yếu tố họ không quan tâm. Họ chỉ nhìn thấy và/hoặc chỉ muốn thấy một thứ. Họ có thể nhận thức được các vấn đề khác, nhưng sẵn sàng bỏ qua và thỏa hiệp.

Chuyện này không nhất thiết là tốt hay xấu. Nó tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cụ thể.

Trên thế giới giờ cũng có xu hướng lập các đảng phái đấu tranh cho một vấn đề, mà điển hình nhất là các đảng xanh (green party) đấu tranh cho môi trường.

Nhưng nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, khi có người đủ năng lực hấp dẫn quần chúng đi theo một cái gì đó một cách mù quáng. Trong thời hiện đại thì chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thượng đẳng thường là phương tiện đạt được điều đó, như các chế độ phát xít và cộng sản đã làm. Mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” có thể là một ví dụ tốt cho chuyện này.

Single-issue politics, theo tôi hiểu, khá là tiện lợi, vì nó thường không đòi hỏi người ta phải tiêu hao quá nhiều năng lượng cho quá nhiều vấn đề, nối kết các vấn đề đó với nhau, và tìm ra điểm cân bằng hợp lý.

Xã hội đang đi xuống đáy như Việt Nam chắc chắn là mảnh đất màu mỡ của single-issue politics, nơi mỗi người đều đang chịu đựng những tấn bi kịch khổng lồ và hiện hữu ngay trước mắt cần phải giải quyết. Các nhóm khác nhau chịu những bi kịch khác nhau. Họ sẵn sàng bỏ qua và thỏa hiệp mọi thứ để giải quyết được cái tấn bi kịch của bản thân mình. Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy, nhưng single-issue politics nhiều khả năng sẽ chiếm sóng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không hẳn vậy. Thuốc, thường có kèm theo những tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn, nhưng cũng có thể bỏ qua để được… cái tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây