Đề thi Ngữ Văn – Góc nhìn của những người khác chuyên môn

Nguyễn Ngọc Chu

11-8-2020

Giáo sư toán học Lê Dũng Mưu có nhắn tin, lo lắng về đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó là trích đoạn từ bài thơ “Đất nước”, có câu từ lủng củng, sai nghĩa, lại được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy mẫu, và chọn làm đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Học văn là học làm người. Cho nên môn văn là môn học quan trọng bậc nhất trong chương trình giáo dục phổ thông.

Vì thế, nỗi lo của GS Lê Dũng Mưu thật đáng trân trọng. Và đó là nỗi lo đúng – ít nhất là theo quan điểm của GS Lê Dũng Mưu và tôi.

Dưới đây là một vài nhận xét sơ bộ của tác giả, sau khi xem qua đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2020. Không có ý định áp đặt cách nhìn của tác giả cho người khác.

1. THAM LAM

Có thể đối với các thầy cô dạy văn, vì là chuyên ngành, có thể làm bài thi rất nhanh, nên không thấy đề thi tham lam. Còn với nhận thức của tác giả, là người khác chuyên môn, thì đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT là một đề thi tham lam.

Văn khác với toán. Không phải đánh dấu vào câu trả lời đúng là được. Không phải giải đúng là được. Câu trả lời của đề thi văn không phải là “ánh xạ 1-1”.

Thí dụ như câu 1 (2,0 điểm) trong phần II. LÀM VĂN:

“Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.

Trước hết, đề thi môn ngữ văn có nên dùng “200 CHỮ” không? Hay là nên dùng “200 TỪ ĐƠN”?

Tiếp đến, đây là một đề nghị luận. Có người viết chỉ trong vòng 10 phút. Nhưng có người viết 100 phút. Tuy cùng 200 từ đơn, nhưng giá trị rất khác nhau. Lấy gì làm thước đo để cho 2 bài cùng 2,0 điểm?

Tham lam không chỉ vì quá dài. Tham lam vì đưa quá nhiều nội dung lớn. Trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2020 có đến 3 đề nghị luận. Mà mỗi đề, để có một câu trả lời hay, thì mỗi câu trả lời là một bài nghị luận cần đến cả trăm phút. Đó là:

– Câu 4 của phần I. ĐỌC HIỂU: Anh/Chị có đồng tình với nhận định của tác giả “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”? Vì sao?

– Câu 1 (2,0 điểm) trong phần II. LÀM VĂN:

“Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.

– Câu 2 (5,0 điểm) trong phần II. LÀM VĂN: Phân tích tư tưởng Đất nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sau “Em ơi em… thần thoại”.

Trong một đề thi, mà có đến 3 câu, mỗi câu là một đề nghị luận với các nội dung lớn, thì làm sao có thể có những bài nghị luận sâu sắc được?

Những người bảo vệ đề thi sẽ biện luận rằng, nói đề thi tham lam, sao học sinh không kêu, vẫn làm hết bài, và đều được điểm cao?

Làm hết bài là vì văn không như toán, viết thế nào cũng xong. Cũng vì thế mà không kêu. Được điểm cao là do cách cho điểm. Nhưng chắc chắn hai điều dưới đây là đúng:

– Không thể có cách cho điểm công bằng cho các bài nghị luận.

– Mà quan trọng hơn, là rất ít những bài nghị luận hay, sâu sắc.

2. VỀ ĐỌC HIỂU

Kỳ thi ngữ văn tốt nghiệp THPT là để kiểm tra kết quả học tập môn ngữ văn sau 12 năm. Như đã lưu ý ở trên, học văn là học làm người. Cho nên phải để cho các em thể hiện mức độ trưởng thành nhân văn của học sinh.

Bởi thế, theo thiển nghĩ của tác giả, thì các câu hỏi về đọc hiểu không nên có trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT. Đọc hiểu phải là kỹ năng chuẩn mực sơ đẳng của học sinh sau 12 năm học phổ thông, giống như biết đọc biết viết, mà không cần thiết phải kiểm tra cuối kỳ thi THPT.

Phải dành toàn bộ thời gian trong môn thi ngữ văn tốt nghiệp THPT cho các em nghị luận về một đề tài lớn, trong đó các em toàn quyền trình bày quan điểm, nhận thức, và phô diễn kiến thức của bản thân. Qua bài viết sẽ thể hiện sự trưởng thành nhân văn của các em.

3. VỀ ĐỀ THI ĐỌC HIỂU

Đoạn văn trích trong phần ĐỌC HIỂU của tác giả Inamori Kazuo có chứa đựng những điều chưa logic, dẫn đến sự ĐỌC HIỂU không đồng nhất. Từ đó câu trả lời sẽ khác nhau.

Ví như đoạn “Có lẽ chúng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt sắp tới và phó thác sinh mạng mình cho tự nhiên. Rõ ràng là chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm”.

Gấu thì mới có kỳ ngủ đông. Gấu bắc cực thì mới “chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt”. Mà đó là do di truyền. Còn các loài thực vật thì không có suy nghĩ để đối phó với mùa đông. Chúng phát triển theo quy luật tự nhiên. Chúng không biết sắp tới là mùa đông. Nên chúng làm sao mà biết “thực sự sống hết mình cho hiện tại”? Làm sao chúng có thể “ảo tưởng” “phân tâm” được? “Sống hết mình cho hiện tại”, “ảo tưởng” “phân tâm” là suy nghĩ của tác giả, không phải suy nghĩ của cỏ cây bắc cực.

Lấy cỏ cây phát triển theo quy luật tự nhiên để nhắc nhủ con người phải sống hết mình là một lập luận khập khiễng. Lấy vô tri để áp đặt cho hữu tri là không logic.

Chủ ý “sống hết mình cho hiện tại”, “phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày” của phần ĐỌC HIỂU trên, có lẽ gần hơn, chẳng hạn, là lời nói nổi tiếng của Paven Korchagin trong “Thép đã tôi thế đấy” của Nhicolai Oxtropskii:

“Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”.

Nói ra như vậy, không có nghĩa là phải trích dẫn lời của Paven Korchagin. Mà đó là để minh hoạ, rằng lấy hữu tri để nói về hữu tri thì mới phù hợp với logic. Có cả ngàn thí dụ phù hợp khác để trích dẫn.

4. VỀ TRÍCH ĐOẠN THƠ “ĐẤT NƯỚC” LÀM ĐỀ TÀI PHÂN TÍCH

Vì không thuộc chuyên môn, nên không dám lạm bàn về đoạn thơ trích dẫn từ “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Xin dành cho các nhà thơ, nhà văn, các nhà lý luận phê bình văn học, và các thầy cô giáo dạy văn bàn luận. Nhưng đọc thơ thì ai cũng có quyền. Vì vậy, xin có vài nhận xét sơ lược sau với tư cách là một “người tiêu dùng” của thơ.

Đồng tình với GS toán học Lê Dũng Mưu, rằng có những câu lủng củng, sai nghĩa. Chẳng hạn: “Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Đất Nước không thể làm ra. Hay câu: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”. Không hay.

Một cách tổng quát, đoạn trích trên lấy làm mẫu giảng dạy văn học trong sách giáo khoa là một câu hỏi? Lấy làm đề bài thi ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT lại cộng thêm một câu hỏi? Bởi vì có những đoan thơ văn khác xứng đáng hơn trong diễn đạt tư tưởng Đất Nước là của Nhân Dân.

Thơ, đọc qua một lần không thuộc 1 câu thì không phải là thơ. Thơ, đọc qua vài lần, cố thuộc mà khó thuộc, thì càng xa lạ với thơ. Đừng khoác áo trường phái, sáng tạo, tìm tòi.

5. VỀ MỘT XU HƯỚNG CẦN NGĂN CHẶN TRONG BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA MÔN NGỮ VĂN Ở CẤP TIỂU HỌC

Nhân đề cập đến trích đoạn “Đất Nước”, lại giật mình liên hệ đến môn ngữ văn đang được biên soạn ở bậc tiểu học.

Bậc tiểu học là bậc quan trọng nhất trong tiếp thu tri thức và hình thành nhân cách của mỗi người. Vì thế, luân lý và văn học được hoà quyện hữu cơ mà truyền dạy cho trẻ em ngay từ khi mới ra đời. Cũng như thế là thơ ca âm nhạc thanh nhạc. Cũng như thế là các phép tính cộng trừ nhân chia.

Cho nên, những luân lý kinh điển, những điển tích kinh điển, những án văn hay nhất, những bài thơ hay nhất, những bài hát hay nhất, những bản nhạc hay nhất, đều được truyền dạy cho con người từ thơ ấu. Hãy nhớ đến lời ru của mẹ. Hãy nhớ đến tục ngữ ca dao…

Minh chứng điển hình của sách giáo khoa thời phong kiến, dạy cho cả vua chúa, thánh hiền lẫn dân thường lúc bắt đầu đi học là cuốn Tam Tự Kinh. Học Tam Tự Kinh biết được rất nhiều điều.

Không hoài cổ. Thời nay khác xa thời phong kiến. Nhưng khoa học và giáo dục luôn có tính kế thừa. Không thể đối xử với khoa học và giáo dục như “cách cái mạng”.

Trong biên soạn sách giáo khoa ngữ văn cấp tiểu học có hiện tượng cần phải ngăn chặn. Đó là quan niệm cho rằng trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức, nên không dạy những điều cao xa.

Trẻ nhỏ, chưa đủ nhân thức về thức ăn thì không được ăn ngon ư?

Trẻ nhỏ, chưa đủ nhân thức về vẻ đẹp thì không được mặc đẹp ư?

Trẻ nhỏ, chưa đủ nhân thức về thơ thì không được nghe thơ hay ư?

Trẻ nhỏ, chưa đủ nhân thức về thanh nhạc thì không được nghe hát hay ư?

Trẻ nhỏ, chưa đủ nhân thức về âm nhạc thì không được nghe bản giao hưởng du dương ư?

Đó là một quan niệm sai lầm. Từ đó, những bài thơ hay, những áng văn hay đều chia phần dành cho các lớp trên để học, để phân tích.

Kết cục, là xẩy ra hiện tượng, có tác giả biên soạn sách giáo khoa ngữ văn cho cấp tiểu học tự sáng tác ra các đoạn văn, các bài thơ, các câu chuyện, đưa vào sách giáo khoa làm mẫu để giảng dạy môn ngữ văn.

Đây là tai hoạ của môn ngữ văn.

Kho tàng văn học của loài người và của Việt Nam không thiếu văn thơ để trích dẫn cho sách giáo khoa ngữ văn bậc tiểu học nói riêng, và bậc phổ thông nói chung. Tại sao phải học văn thơ và truyện của tác giả biên soạn sách giáo khoa?

Cấm tuyệt đối.

Bất cứ bài thơ, đoạn văn, câu chuyện nào đưa vào sách giáo khoa phải có nguồn dẫn tác giả. Quan trọng hơn nữa, phải là những bài thơ, đoạn văn và câu chuyện kinh điển nổi tiếng – đã được in, đã được truyền đời.

Những bài thơ hay, những áng văn hay, những điển tích hay, những câu chuyện hay, những bài hát hay – phải được học từ bậc tiểu học. Có những bài thơ hay, đoạn văn hay, tác phẩm hay – có thể được dạy nhiều lần ở các lớp khác nhau.

Học một bài thơ hay 10 lần còn hơn học 10 lần 10 bài thơ không hay.

Hiện tượng tự sáng tác nêu trên đã tồn tại lác đác. Cần phải cấm tuyệt đối. Để học sinh phổ thông thực sự được học văn.

Nói đến học văn lại nhớ về tuổi thơ. Từ lúc chưa biết đọc nhưng nhờ mẹ nhờ bà mà thuộc nhiều thơ ca, trong đó có Chinh phụ ngâm. Đến bây giờ vẫn văng vẳng bên tai:

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Chín lần gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
…

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liền mong tiến bệ rồng,

Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

…Áo chàng đỏ tựa ráng pha,

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.

…Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang…

Trong khi đó, cả cấp 1, đến bây giờ không nhớ được bài thơ nào. Các bài thơ còn nhớ là nhờ mẹ, nhờ bà, nhờ dân gian truyền lại, nhờ tự đọc.

Có lẽ chính mình đã không được học ngữ văn? Nhưng vẫn được học văn.

Học văn để đọc hiểu và viết đúng ngữ pháp chỉ là thoát nạn mù chữ. Học văn là để thành người.

Bởi thế, học văn không phải để trả lời theo lời người khác. Học văn là để thể hiện quan điểm của chính mình.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đất nước của nhân dân, khác chi đất đai sở hữu toàn dân. Đó là loại ngôn ngữ của lũ đánh tráo khái niệm và lương tri.
    Hai chữ nhân dân đã nói lên tấm bình phong mà hình ảnh người dân nông công thương sĩ binh làm bước đệm cho thứ chủ nghĩa xã hội mơ hồ dẫm đạp.
    Đất nước của nhân dân mà nhân dân muốn biểu lộ tình yêu đất nước luôn luôn bị lũ chó Ba Đình áp chế.

Leave a Reply to Bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây