“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”

Võ Xuân Sơn

10-8-2020

Trong không khí hồ hởi phấn khởi khi sáng nay, Bộ Y tế công bố không có ca lây nhiễm mới nào, facebook tràn ngập những lời hoan hỉ, vui mừng. Có người còn nghĩ đến một tương lai sáng lạn đang chờ đón chúng ta sau vài ba tuần nữa.

Còn nhớ mới cách đây có vài tuần, có người còn bảo, dứt khoát không để cho bệnh nhân Covid-19 chết. Thế là, 13 cái chẩn đoán phải được diễn giải rất chi là lòng thòng, cứ như là cái con virus Wuhan chỉ tình cờ xuất hiện trên những bệnh nhân tử vong vì những nguyên nhân hiển nhiên khác.

Mới chỉ chưa đầy 1 tháng trước đây, chúng ta đang rất chi là hồ hởi, phấn khởi, cứ như Việt Nam là pháo đài bất khả xâm phạm mà dịch cúm Tàu không thể nào tấn công được. Đến nỗi mà bao nhiêu bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng cũng không thèm làm xét nghiệm. Vì chúng ta đã tự ám thị đến mức không thể nào tin được, là lại có thể có ca nhiễm virus Wuhan ở trên đất nước này. Để phải xét nghiệm đến 5 lần mới chịu công bố.

Ngay cả khi đó là một cuộc khủng bố sinh học, nếu chúng ta không chủ quan, nếu chúng ta không mê mải với thành tích 99 ngày không có ca lây nhiễm, thì bây giờ dịch có bùng phát mạnh như thế này hay không? Bao nhiêu bác sĩ phải xa gia đình lao vào tâm dịch, bao nhiêu chuyên gia phải chạy ra chạy vào, hết vô Trung lại ra Bắc, là vì cái gì, nếu không phải vì sự chủ quan, xuất phát từ căn bệnh thành tích ăn sâu vào xương tủy của rất nhiều người, trong đó có đội ngũ lãnh đạo, của Việt Nam?

Ngay bây giờ, khi chúng ta vẫn cứ tự hào nhắc tới nhắc lui là 99 ngày không có ca nào lây nhiễm trong cộng đồng, chúng ta giỏi, chúng ta hơn người, mà không thấy ai đặt vấn đề, rằng trong khoảng hơn 20 ngày cuối (theo kết luận của Bộ Y tế, còn theo tôi thì lâu hơn), dịch đã âm thầm lây lan tại Đà nẵng. Có nên tự hào về con số 99 ảo đó không?

Vừa mới có một buổi sáng thông báo không ghi nhận ca nào, là lại chứng nào tật ấy. Lại hồ hởi, phấn khởi, lại ca ca tụng tụng… Không thông báo vào buổi sáng thì thông báo vào buổi chiều, không thông báo vào hôm nay thì thông báo vào ngày mai. Hồ hởi phần khởi nỗi gì? Vấn đề không phải là thông báo bao nhiêu ca. Vấn đề là thực sự có bao nhiêu ca bị nhiễm, và khi nào thì chúng ta thực sự khống chế được dịch?

Từ cái niềm tin ấy, chúng ta vẫn cứ tổ chức kì thi, vẫn tổ chức các đại hội, ngay cả khi có những người tham gia đại hội bị nhiễm. Vì cái niềm tin ấy, mà ở rất nhiều chỗ, người ta không mang khẩu trang, vẫn chen lấn, kề sát vào nhau. Những thói quen mang khẩu trang, đứng cách xa nhau mà chúng ta có được hồi hơn 3 tháng trước đã gần như không thể phục hồi, kể cả khi mỗi ngày có mấy chục ca nhiễm mới, và có đến 13 ca tử vong.

Tôi chợt nhớ tới câu thơ: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Mặc dù tin là Xuân Diệu nói đến cái huy hoàng thật, nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận kiểu sống với những thứ phù du. Vậy mà bây giờ, người ta chẳng ngại ngùng gì để cổ súy cho cái huy hoàng ảo.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ khi nào mấy triệu đảng viên và bọn côn an nhiễm và chết hết thì mới nên vui mừng, hân hoan, hớn hở.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây