Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 6)

Nghiêm Huấn Từ

9-8-2020

Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5: Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm

3- Buộc phải tổ chức phiên giám đốc thẩm

a- Đây là sự kiện thứ 3, nhưng được thảo luận chi tiết hơn – so với hai sự kiện đầu – vì tầm quan trọng của nó.

Đó là: Vị chánh tòa tối cao buộc phải mở phiên tòa giám đốc thẩm; mặc dù trước đó, chính ông này cứ khăng khăng từ chối tới 3-4 lần, để bảo vệ bản án phúc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Nhưng lần này, chính cái bản án được ông hết lòng bảo vệ này lại bị đưa ra mổ xẻ trước một phiên tòa.

Chúng ta hiểu được tâm trạng của người từng quyết liệt bao che nó, nay chính mình phải đứng ra xét xử nó. Từ tâm trạng này, chúng ta cắt nghĩa được hành vi và động thái của vị chủ tọa phiên tòa. Ví dụ, ông đã đưa ra tới 4 câu hỏi (để lấy biểu quyết) mà lẽ ra chỉ cần MỘT câu hỏi mà thôi.

b- Phiên tòa chỉ giải quyết một câu hỏi

Như trên đã nói, phiên tòa giám đốc thẩm không xét xử con người, mà xét xử các bản án đã tuyên (tức là đã có hiệu lực pháp luật). Cụ thể, đây chính là bản án phúc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Nó bị đặt trước vành móng ngựa. Muốn tiếp tục bao che nó, chỉ có cách… tiếp tục phạm luật.

– Tại phiên giám đốc thẩm, luôn luôn có một (và chỉ có một) câu hỏi mà thôi. Đó là: Việc tạo thành bản án này có vi phạm các quy định trong Luật tố tụng hình sự hay không (vi phạm)? Câu trả lời, do vậy cũng chỉ một mà thôi: CÓ, hoặc KHÔNG.

Nếu câu trả lời khẳng định là “không” (vi phạm), thế thì bản án không có tội, nó được phép sống, tức là nó vẫn có giá trị thi hành. Nếu ngược lại, câu trả lời là “có” (vi phạm), nó phải… chết (gọi là hủy án). Phải tạo ra bản án mới thay thế nó (gọi là điều tra lại, xử lại). Mời bạn đọc bình luận câu: “Tuy có một số sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.

c- Đương nhiên, tranh luận sẽ gay gắt

Trước tình huống Sống/ Chết của bản án, tất nhiên cuộc tranh luận sẽ rất căng thẳng và phải đi tới cùng, chỉ để giải đáp MỘT câu hỏi. Chúng ta hiểu vì sao phiên giám đốc thẩm vừa qua, do đồng chí Nguyễn Hòa Bình chủ tọa, KHÔNG THỂ có tranh tụng (nói chi tranh tụng “tới cùng”).

Tiện thể, nói thêm: Nếu phiên tòa xử vụ Lê Đình Kình cũng không có tranh tụng… thì đó là dấu hiệu một phiên tòa phi lý. Đấu tranh đòi có tranh tụng (đúng nghĩa) hiện nay phải là mục tiêu số 1.

d– Ai đưa bản án ra tòa?

Trước hết, đó là những người kiện nó. Bởi lẽ, họ là nạn nhân oan ức của nó. Do vậy, không ai khác, mà chính là hai vị luật sư Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong, đã gửi những lá đơn xin giám đốc thẩm cho vụ này. Về hình thức, đó là “đơn xin”, nhưng thực chất, đó là “đơn kiện”. Hai câu nói đồng nghĩa trong dân gian: “Tôi kiện anh” và “Tôi đưa anh ra tòa”.

Luật sư Đạt đã 43 lần gửi đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm cho Hải. Qua đó, ta thấy sự chây ỳ của nền tư pháp nước nhà đến mức nào. Nhưng, rồi tới lúc nó cũng phải giật mình khi luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải có các lá đơn khác nhau: Không những đơn kiện vụ án (tức đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải mà còn kiện những con người tạo ra vụ án đó (tức làm sai lệch hồ sơ vụ án), đồng thời có đơn tố cáo một người thật sự là nghi phạm của vụ án.

Tuy nhiên, theo Luật của nước ta, trường hợp này phải là cơ quan tư pháp “tối cao” mới có quyền kháng nghị. Đó là nguyên nhân khiến mọi “đơn kiện” của hai vị luật sư đều rơi vào hư vô trong thời gian quá dài. Lẽ ra (vâng, lẽ ra), Luật của ta phải có điều khoản (ví dụ) “nếu có chứng cứ vững chắc nói lên sự vi phạm trong quá trình tạo ra bản án, thì cơ quan tư pháp phải kháng nghị giám đốc thẩm”. Nhưng, đây chuyện sửa luật, bổ sung luật – nhằm để các cơ quan tư pháp không thể lộng hành. Tiếc thay! Ở đây và lúc này chưa phải chuyện để bàn thảo.

e– Bị cáo nào cũng phải có luật sư bảo vệ

Dù ở phiên tòa cấp nào: sơ thẩm, phúc thẩm. Và trường hợp này là phiên tòa giám đốc thẩm. Dù “bị cáo” chỉ là một tệp giấy (tức là một Bản Án) cũng phải có người bảo vệ.

Đúng như đã có một tác giả nói: Bản án bị đưa ra tòa xét xử, nhưng nó không biết cãi (mà nó cũng chẳng cần cãi, hoặc cóc thèm cãi). Nhưng những người tạo ra nó (gồm Điều Tra, Kiểm Sát và Thẩm Phán) sẽ bị liên lụy vì nó. Bởi vậy, tại phiên giám đốc thẩm, chính họ phải đóng vai luật sư, tức là trở thành bên “gỡ tội” cho cái bản án (đứa con đẻ) do chính họ sinh ra. Tất nhiên, họ sẽ đem hết năng lực ra biện hộ cho bản án, không khác gì biện hộ cho chính họ.

Ngược lại, luật sư, bị cáo và cơ quan kháng nghị (sinh ra để gỡ tội)… nay lại trở thành phía “buộc tội” cái bản án mà họ coi là phi pháp. Rất dễ hình dung, cuộc tranh tụng sẽ hết sức quyết liệt – nhưng phải kèm chữ “nếu”. Đó là: NẾU tòa giám đốc thẩm nghiêm chỉnh thi hành luật tố tụng mới (2015). Sự đổi vai ở tòa giám đốc thẩm nói lên: Đây là phiên tòa đúng nghĩa. Tiếc thay (và nhục thay) cái phiên giám đốc thẩm vừa qua chưa thể hiện điều này.

Lẽ ra (lại “lẽ ra”) VKS – nơi kháng nghị – phải hợp tác với luật sư và bị cáo Hải để tăng sức mạnh và đòi được tranh luận tới cùng với đối phương. Nhưng họ không biết đường làm, ví dụ, khi luật sư Phong bị “mời” (đuổi) ra khỏi tòa, các vị VKS chỉ phản đối lấy lệ.

f– Vai trò luật sư Trần Hồng Phong tại phiên tòa

Rõ ràng đây là người theo đuổi vụ án này bằng tất cả tâm huyết, tài trí và nỗ lực, do đó phải được coi là nhân vật chủ chốt đã “kiện” cái bản án nọ. Do đã nghiên cứu rất tỉ mỉ hồ sơ vụ án, có thể nói luật sư Phong là người hiểu rõ nhất những lỗi phi pháp của nó, đủ điều kiện và xứng đáng trở thành mũi chủ công trong cuộc tranh tụng. Lần này, hẳn là ông chuẩn bị nhiều chứng cứ mới; bởi lẽ từ nhiều năm trước dư luận đã biết có nhiều bút lục quan trọng bị loại bỏ ra khỏi hồ sơ. Nhưng lần này ông mới kịp trình bày hai chứng cứ đầu tiên.

Tại buổi khai mạc (sau đó còn 5 buổi nữa) ông được trình bày 20 phút, phiên tòa thảo luận về hai chứng cứ này khoảng trên 60 phút, mà không tranh tụng cho ngã ngũ. Giả sử, nếu có tranh tụng, thì câu hỏi hai bên phải trả lời sẽ là (ví dụ): Liệu hai chứng cứ này đã đủ để hủy bản án phúc thẩm hay chưa – do Hội Đồng thẩm phán (đóng vai trọng tài) đưa ra. Đến đây, chúng ta hiểu thêm vì sao không thể có tranh tụng. Bởi lẽ, chủ tọa phiên tòa và tư pháp Long An có chung lợi ích.

Cuối buổi, LS Trần Hồng Phong bị “mời” cút hẳn khỏi phiên tòa. Một bài báo mô tả như sau: thông báo của chủ tọa, luật sư đã hoàn thành việc trình bày các chứng cứ mới, do vậy từ những phiên xét xử sau, luật sư không cần tham dự nữa.

Việc này rất khó hiểu, vì giấy mời LS Phong “dự suốt những ngày diễn ra phiên tòa“. Có ý kiến nói, đó là do vị chủ tọa nhận ra vai trò nguy hiểm của vị LS này. Cuối cùng, LS Phong và Hội của ông phải có đơn xin, ông mới được trở lại dự nốt phần còn lại.

g– Về hai chứng cứ mới do LS Phong đưa ra

– Đầu tiên, đó là Hồ Duy Hải không chỉ nhận tội, mà rất nhiều lần kêu oan. Chứng cứ nhiều và chắc nịch. Cần xem xét rất thấu đáo những lời kêu oan này. Vì không được tranh tụng cho tới khi có kết luận, do vậy sau đó (ngày 16-6-2020, tức là phiên giám đốc thẩm đã kết thúc được 38 ngày) ông Nguyễn Hòa Bình trong dịp được trình bày trước quốc hội đã tự tiện nêu 2 ý: a- Hồ Duy Hải không kêu oan; b- ngược lại, Hải toàn là nhận tội (và nhận tội tới 25 lần). Kinh chưa?

– Thứ hai, đó là chứng cứ do nhân chứng Đinh Vũ Thường khai. Ông Thường nói: KHÔNG nhìn rõ số biển của chiếc xe máy (mà hồ sơ coi là xe của Hải); vậy mà người ta dám “bịa” ra số xe (cho khớp với xe của gia đình Hải), và ngang nhiên điền thêm vào tờ khai nói trên… Đây chính là tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, nhưng cũng không được tranh tụng để đi tới kết luận.

Luật sư Phong nhận định về phiên tòa này, với báo chí: “Xuyên suốt phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Đại diện Viện KSND Tối cao và bên CQĐT tỉnh Long An có quan điểm và ý kiến trái ngược hoàn toàn. Viện KSND Tối cao cho rằng các vấn đề, yếu tố then chốt chưa được làm rõ của vụ án là rất nghiêm trọng“.

  1. Một ví dụ nhỏ về cách hành xử dân chủ của HĐ thẩm phán

– Nếu giả sử, một nhóm 18 người, chỉ có một người lương thiện, sinh hoạt theo nguyên tắc dân chủ (thiểu số tuân theo đa số) sẽ ra sao? Xin mời mọi người bàn tiếp câu chuyện “giả sử” này.

– Còn ở đây, xin nêu chuyện có thật. Báo Người Lao Động đăng tin hôm 8-5-2020 (ngày kết thúc phiên giám đốc thẩm) như sau (trích nguyên văn):

Sáng 8-5, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải bước sang ngày thứ 3. Phiên xử kéo dài quá trưa cùng ngày với việc đưa ra biểu quyết và thống nhất, không chấp nhận kháng nghị. Theo đó, Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung…”

Bàn: Cả 17 người đã “thống nhất quan điểm” thì người thứ 18 (vắng mặt tại phiên tòa) vẫn phải tuân theo đa số. Đó là nguyên tắc dân chủ.

– Một tin tương tự: Cả Hội Đồng nói thay Hồ Duy Hải về chuyện có bị ép cung hay không. Xem ở đây

– Đề thi Ngữ Văn lớp 6. Câu nói dân gian: “bị đánh hội đồng”. Em hãy cắt nghĩa câu này và cho ví dụ.

2- Liệu có ý đồ muốn chặn phiên tái thẩm?

a- Trong vụ Hồ Duy Hải, phía buộc tội mong vụ án kết thúc sớm và gọn. Phiên giám đốc thẩm vẫn được hình thành là thất bại của họ. Để cứu vãn, họ đành phô bày công khai những vi phạm diễn ra ngay trong phiên xử này. Một ví dụ: Về việc có bức cung hay không, rõ ràng bất cứ ai cũng không thể nói thay Hồ Duy Hải. Vậy mà ở phiên tòa giám đốc thẩm, toàn thể Hội Đồng thẩm phán vẫn sưng sưng phán rằng vụ án này “không có bức cung” (đã nói ở trên).

Chính do vậy, ngay khi kết thúc phiên tòa, đã có hàng trăm bài báo phê phán nó; vậy mà, đối đáp lại chỉ có vài bài trên báo của công an và của tòa án và vài vị thẩm phán phát biểu chống đỡ. Dư luận khiến quốc hội phải thảo luận toàn hội trường về vụ này và phải sử dụng tới “quyền giám sát tối cao”.

b- Từ nay, mạng sống của Hồ Duy Hải chỉ còn trông đợi vào phiên tòa tái thẩm. Nhưng liệu nó có diễn ra hay không?

Có một số động thái khiến mọi người nghĩ rằng chúng liên quan tới ý đồ ngăn chặn phiên tòa tái thẩm. Chỉ riêng việc 4 lần thể hiện sự nhất trí, công khai và tuyệt đối, của 17/17 thẩm phán đã được coi là thông điệp: “Sự nhất trí tới mức này, thì phiên tái thẩm là không cần thiết nữa”. Còn nhiều ví dụ cụ thể. Việc đồng chí Nguyễn Hòa Bình (từng 3 phen ở cương vị “tối cao” tán thành bản án giết Hồ Duy Hải) nhưng nay vẫn quyết không từ chối vai trò này – bằng cách tự ra Quyết Định – để chính mình làm chủ tọa phiên giám đốc thẩm, là một ví dụ.

Việc huy động toàn bộ thẩm phán cao cấp tham gia phiên giám đốc thẩm (luật quy định: 5 vị là đủ) được coi là có mục đích tước quyền của họ tham gia phiên tòa tái thẩm, cũng được coi là một ví dụ khác. Nó đặt ra tình huống: Nếu định lập phiên tái thẩm thì kiếm đâu ra thẩm phán (!). Chưa nói tới chuyện họ đều là cấp dưới của đồng chí chánh án, nhất là cấp dưới về mặt đảng. Tương lai, số phận của họ phụ thuộc vào sự đánh giá của đồng chí bí thư TƯ đảng Nguyễn Hòa Bình.

Bốn câu hỏi để lấy biểu quyết (quá thừa, không cần thiết – như đã phân tích ở trên) được coi như sản phẩm của tập thể, khiến toàn thể 16/16 vị tác giả từ nay phải liên đới trách nhiệm với đồng chí Nguyễn Hòa Bình. Việc lấy biểu quyết tới 4 lần, đều giơ tay (công khai) là thông điệp gửi tới toàn xã hội: Mời mọi người coi chúng tôi nhất trí tuyệt đối đây.

c- Đủ thấy: chặng đường tới phiên tái thẩm không dễ dàng.

Tuy nhiên, phản ứng của phía gỡ tội vẫn đủ sớm, đủ mạnh và đầy tự tin. Ở đây chỉ xin đưa ra hai ví dụ:

*) Về dư luận, chúng ta có thể tham khảo một bài báo, trong đó tác giả tống hợp rất đầy đủ, rất chi tiết… mọi vi phạm – từ nhỏ tới lớn – trong hồ sơ vụ án, chỉ nhằm đưa ra luận chứng “phải có phiên tòa tái thẩm”. Đây là bài rất đáng được đọc kỹ để hiểu thấu đáo về vụ án này. Nó cũng xứng đáng được lưu thành tư liệu cá nhân.

**) Về văn bản chính thức: Luật sư Trần Hồng Phong đã kịp soạn thảo một ĐƠN KÊU OAN CHO BỊ ÁN HỒ DUY HẢI & TỐ GIÁC LÀM SAI LỆCH HỒ SƠ VỤ ÁN (ghi ngày 3-7-2020) với 2 mục tiêu: Phải có phiên tòa tái thẩm và phải trừng trị tội làm sai lạc hồ sơ vụ án.

Văn bản này xứng đáng được mọi người tham khảo, nhất là những ai quan tâm tới số phận Hồ Duy Hải; và rộng hơn nữa, là quan tâm tới tình trạng hiện nay của nền tư pháp nước nhà.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Liệu loạt bài này đã sắp kết thúc chưa?
    Chưa đâu. Vụ này oan thấu Trời.
    Hết bài này phải có bài khác.
    Dư luận và những tiếng nói Công Chính phải vạch mặt, cho tới khi bọn gây oan phải đứng trước tòa.

Leave a Reply to Cong Anh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây