Bản hòa tấu Thủ Thiêm

Đoàn Kiên Giang

10-8-2020

“Nhà” của dân oan Thủ Thiêm. Ảnh: Hữu Khoa

Thủ Thiêm lại đang dậy sóng vì án kỷ luật đối với các cán bộ “chủ chốt” gây nỗi oan khuất gần 20 năm với cư dân bán đảo. Và mưa, ngập, càng khiến đời sống người dân thêm cùng quẫn.

Năm 2018, rộ lên vụ nhà hát Opera Thủ Thiêm. TP.HCM khi đó muốn xây một nhà hát opera, mơ bước lên tầm cao của nghệ thuật nhân loại, nhưng đáp lại là nhiều sự quay lưng.

Ai đã xem “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, sẽ dễ ấn tượng với nhận xét “Hà Nội như một cái làng lớn”; các di tích đa phần thấp bé và chẳng mấy hấp dẫn về nghệ thuật và kiến trúc. Người ta vẫn thương, vẫn nhớ, bởi bề sâu, dày văn hóa Hà Nội. Cũng bởi, ai sinh ra cũng đều có một vùng đất để hướng về.

Sài Gòn ngoài 300 tuổi, hút hồn người nhờ những công trình kiến trúc Pháp thâm trầm, cổ kính. Nhưng Sài Gòn – TP.HCM non nửa thế kỷ qua vẫn chưa tự xây được những công trình có tầm vóc đáng kể về kiến trúc, nghệ thuật. Thậm chí, TP còn làm hao hụt đi những di sản, nứt vỡ không gian xưa, cho thấy tầm nhìn hạn hẹp trong quy hoạch, phát triển đô thị, mà có lẽ chỉ lịch sử mới chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm.

Về dự án nhà hát giao hưởng 1.700 chỗ dự tính sẽ hết 1.508 tỷ đồng sẵn từ tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm có nói đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu… Nguyên ĐBQH Trần Du Lịch, khi được hỏi, thì rằng: Bây giờ ta không quyết định làm thì đợi đến thế hệ nào mới làm được?

Đúng là như ý ông Trần Du Lịch, làm những thứ thuộc về giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn, thật khó đặng đừng. Chẳng đặng đừng, người Ấn mới có lăng Taj Mahal, người Úc có Opera Sydney, người Bhutan làm nên tu viện Paro Taktsang trên vách núi kỳ vĩ,…

Thêm nữa, khi đánh giá sự văn minh, thế giới sẽ nhìn vào các bảo tàng, nhà hát, hay chùa chiền, chứ ít xem trọng mấy cao ốc như nêm cối, xám xịt, lạc lõng với không gian Sài Gòn vốn dĩ phải hài hòa cũ – mới, xưa – nay.

Nhưng nguồn lực đâu để xây dựng thay cho thế hệ mai sau?

TP.HCM có vẻ vẫn chưa bước ra khỏi “vết xe đổ”, khi phát triển đô thị còn dựa nhiều vào đất. Mà hiện tại, mỗi thửa đất nội đô sau bán/đổi, sẽ không mọc lên công viên, thư viện, thay vào đó sẽ là cao ốc, tiếp tục khiến kẹt xe, ngập nước ô nhiễm thêm trầm trọng.

Nhà hát Opera vẫn chưa được xây, giữa lúc nhân dân đương đánh vật với ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước sớm chiều.

Và ở Thủ Thiêm, đang có một “bản hòa tấu” khác, mà tôi tin những hữu trách trung ương và địa phương, những doanh nhân, cư dân sẽ không dửng dưng, mặc kệ nó ủ ê, ai oán năm này qua năm khác…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Đồng ý cao với bài về giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn, nhưng khó để kỳ vọng vì những con người chai sạn vì đồng tiền, danh vọng và thứ chủ nghĩa mơ hồ dẫn dắt tập thể.
    Đừng hy vọng về những nhân vật Du Lich, Quyết Tâm, Thiện Nhân mang tính đảng không mang tính người. Di sản SG để lại không thuộc về người CSBV. Những gì của SG thật đáng để trân trọng, hai chữ SG cũng không bao giờ mất. CS chỉ nên học hỏi và bảo tồn, càng xây càng lạc hậu và chỉ để gặm nhấm vào công quỹ.

Leave a Reply to CƯỚP Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây