Biếm: Giáo thứ thành dân oan

Chu Mộng Long

9-8-2020

Mời đọc lại: Giáo thứ trả nhà

(Tiểu thuyết dài kỳ. Chuyện hư cấu về thế thái nhân tình, không liên quan đến ai. Chỉ là vui để chống dịch).

Cả ngày giáo Thứ đứng ngồi không yên. Chờ mãi không thấy bên quản lý nhà công vụ đến làm thủ tục. Đi qua đi lại mỏi chân, chị ngả người trên ghế bành, chiếc ghế trước đây ở cơ quan, mỗi khi mỏi mệt chị cũng ngồi như vậy. Chỉ khác là bây giờ chị ngồi một mình. Không có ai điếu đóm. Ôi cái thân ngựa già của ta!…

Bất giác chị nhìn lên tường. Nào bằng khen, danh hiệu, huy chương, câu đối người ta tặng cho chị. Mắt chị bỗng dán vào cái chữ một anh đồ ở cơ quan tặng chị lúc nghỉ hưu. Chữ Hưu 休. Hồi đó chị không biết cái nghĩa sâu xa của nó là gì. Lúc nghỉ hưu mà có người tặng chữ thì quý hóa quá. Bây giờ nghiệm lại lời giải thích của anh ta mới thấy cay đắng. Nó tặng cái chữ vẽ hình một người dựa gốc cây, tức là mất ghế, mất nhà. Vừa thâm vừa đểu thật!

Giáo Thứ đứng dậy giật phăng cái chữ kia ném thẳng tay xuống sàn. Tấm kính vỡ toang từng mảnh tung tóe, kêu loảng xoảng lạnh tanh. Khung gỗ văng ra mỗi cạnh một nẻo. Cái chữ nát cùng mảnh giấy, các đường nét tả tơi ra, không còn hình thù gì.

Đúng lúc đó, chuông cửa reo. Chị giáo không buồn dọn dẹp, cứ để vậy mà ra mở cửa. Thì ra là tốp người bên quản lý nhà công vụ. Chị vui như Tết, niềm nở rước khách vào phòng bên.

– Đây là số tiền mẹ con chị đã kê khai cả đêm đó đa – Chị giáo cố sức cất giọng ngọt ngào Nam Bộ – Các em xem rồi làm thủ tục nhanh cho chị nhen. Chị bám trụ ở đây đã mấy tháng rồi. Mai chị còn về tỉnh…

Bất ngờ người quản lý nhà công vụ không thèm nhìn số tiền cả trăm tỷ trong đó, vội xua tay bảo chị cất đi. Họ giải thích, rằng chuyện bồi hoàn tiền cơi nới, tiền giữ nhà là không thể, vì không biết căn cứ vào luật nào. Nghe vậy thì mặt giáo Thứ đang vui vẻ bỗng như nhúng chàm. Cái mặt tròn như quả bưởi của chị giáo bỗng méo mó hẳn:

– Chúng mày làm ăn cái giống chi vậy? Mới hôm qua bảo thống nhất phương án rồi, nay lại thay đổi? Vậy chúng mày muốn tao chi lại bao nhiêu? 30% được không?

– Không được chị ạ. – Người quản lý trả lời.

Thấy vẻ dứt khoát của người quản lý, chị giáo ngồi bệch xuống đất mà cò kè:

– Vậy thì bao nhiêu? 50%, 60% hay 70%?

– Thưa chị, có là 100% cũng không được. Chúng tôi không muốn làm trái luật rồi vào lò…

Nói đoạn người quản lý xin phép được kiểm kê tài sản, kê biên tài sản công lẫn tài sản riêng của giáo Thứ và yêu cầu trong vòng một tháng phải trả nhà.

Biết là có cò kè thêm bớt bao nhiêu cũng không được, giáo Thứ nước mắt lưng tròng. Chị hỏi:

– Làm như vậy thì có phải dí mẹ con tôi vào chân tường không? Một tháng tôi vừa mua nhà mới vừa dọn nhà? Nhà ở đâu có sẵn mà mua dễ dàng vậy?

Người quản lý trả lời nhanh, không cần nghĩ:

– Chị không nhớ là bên quản lý nhà công vụ đã gửi công văn cho chị mấy năm rồi không?

Nói đoạn, người quản lý nhắc nhở, rằng chị là nhà giáo với đủ loại danh hiệu cao quý, chị phải làm gương cho đúng với danh hiệu cao quý đó, đừng để thiên hạ chê cười. Đến nước này thì chị phát cáu lên:

– Cao quý cái giống gì? Vậy nếu tao trả các loại danh hiệu cao quý đó thì chúng mày có đòi nhà tao không? Chúng mày bức bách quá, tao sẽ khởi kiện và ra đứng đường làm dân oan đấy!

Nói đoạn chị giật luôn tấm bằng danh hiệu cao quý ném thẳng xuống sàn. Lại tiếng kêu loảng xoảng. Lại mọi thứ nát tươm…

Tình thế hết sức căng thẳng. Người quản lý phải gọi điện cho cấp trên xin chỉ đạo. Cấp trên nói qua điện thoại: “Nếu giáo Thứ có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn thì nhà nước sẽ hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành“.

Người quản lý trao đổi lại đúng tinh thần chỉ đạo. Chị giáo hỏi:

– Nhà xã hội là cái giống gì vậy?

– Là nhà dành cho người nghèo, chị ạ! – Người quản lý đáp.

Chị giáo nổi cơn tam bành:

– Tao có nghe lộn không đấy? Một nhà giáo cao quý như tao mà ở chung với bọn nhà nghèo?

Người quản lý vẫn hết sức nhã nhặn:

– Giá hỗ trợ, rất rẻ, thậm chí được trả góp, chị ạ. Chị không ở thì có thể bán lại cho người khác, lãi cũng đến gấp dăm bảy lần vốn bỏ ra…

Giáo Thứ suy nghĩ mất mấy giây. Cơn tức giận hạ xuống tận đáy lòng. Chị xả hơi một phát rồi đồng ý ngay. Chị gọi điện hỏi chồng ở quê, chồng cũng đồng ý. Chị đề nghị làm thủ tục ngay và luôn. Tưởng thế là ổn, bỗng người quản lý lại nói:

– Nhưng theo Luật nhà ở hiện hành, trường hợp của chị phải chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá chật chội thì mới được hưởng chính sách nhà ở xã hội chị ạ.

Giáo Thứ chợt nghĩ đến cái biệt phủ đồ sộ, mênh mông mà lâu nay vợ chồng chị làm thúi móng tay mới có được. Bây giờ vì nó mà đến cái chính sách nhà ở xã hội chị cũng không được hưởng. Đến nước này thì chị giáo phải thốt lên cái ngôn ngữ mà bao nhiêu năm công vụ ở thủ đô chị mới học được:

– Cái lề gì thốn? Chịch mẹ, vậy là tao phải bán cái biệt phủ vợ chồng tao đang ở ngoài tỉnh thì mới mua được nhà ở xã hội ở thủ đô à?

Người quản lý hết gãi đầu rồi gãi tai:

– Mong chị bớt giận mà giúp chúng em hoàn thành nhiệm vụ. Đến Tổng thống Mỹ khi hết nhiệm kỳ cũng phải trả nhà công vụ, chị ạ!

Giáo Thứ nghe vậy thì không còn nước mắt để khóc. Chị dạng chân ra, chống nạnh lên mà nói:

– Bảo tao phải học tập và làm theo gương Tổng thống Mỹ thì tao hỏi mày, cả nhà, cả họ tao tham gia đánh đuổi đế quốc Mỹ để được gì? Giời ơi là giời….

Trong lúc chị tru tréo lên thì người quản lý và đám tay chân đến làm thủ tục lặng lẽ lui ra và chuồn thẳng. Như bọn đế quốc và tay sai đã chuồn khi chấp nhận thua cuộc sau chiến tranh…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hihi, Thầy chỉ giỏi ” sỏ lá, ba que” nhưng hay
    ” anh muốn ôm cả đất, em muốn ôm cả trời” chí khí Kếch mệnh con cháu bác Hồ cao như vậy thì thèn dân sống ở đâu dưới gầm trời nhà Đảng Trí lợ

  2. Nhà giáo Chu Mộng Long viết gi cũng hay tuyệt! Bọn nó chui ra từ đâu mà tham lam quá vậy hở trời ?

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây