“Cậu bé” cách đây 75 năm

Kim Anh

7-8-2020

Ngày 6/8/1945, trái bom nguyên tử đầu tiên của thế giới thả xuống Hiroshima. Thật trớ trêu, thứ vũ khí khủng khiếp này có biệt danh là Little Boy.

“Cậu Bé”, tên gọi lẽ ra là yêu thương, là chăm chút, là nâng như trứng, hứng như hoa vì đó là mầm mới, là tương lai của nhân loại. Đã làm người thì ai cũng biết rằng mình sẽ chết, thế hệ này sẽ qua đi để nhường chỗ cho những em bé sắp tới. Thế mà…! Loài người này sẽ ra sao khi người ta cài sẵn trên đường những trái bom hủy diệt?

Năm 1975, tức ba mươi năm sau “Cậu Bé”, các nước đã đua nhau cài thêm hàng loạt ‘cậu bé’ khác, lơ lửng trên đầu loài người. Giới khoa học lúc ấy đã chỉ ra rằng, số vũ khí hạt nhân mà loài người sở hữu đã đủ để nổ tung, không phải một thành phố mà là cả Trái Đất, và không chỉ một lần mà đến bảy lần.

Đến hôm nay thì sao? Người ta không cần máy bay bỏ bom nữa. Những hoả tiễn liên lục địa đã hoàn toàn có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công vào hàng loạt những thành phố đông dân khắp mặt đất. Một thế chiến nếu xảy ra lần nữa, thì, theo nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của bom nguyên tử, loài người sẽ trở lại thời tiền sử, chỉ biết lượm đá mà săn thú và ném nhau.

Thế hệ sinh sau thế chiến thứ hai, càng lâu ngày càng quen và càng quên, hết còn ý thức về mối họa hủy diệt đó. Người ta vui vẻ sống với viễn cảnh sung túc thịnh vượng nhờ khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão cách diệu kỳ.

Các cường quốc lại đua nhau giành cho mình quyền “first”. America First, China First, Russia First… bất kể cảnh lầm than đói khổ vẫn tràn lan ở các nước nghèo.

Và các anh nghèo, như Bắc Hàn chẳng hạn, chẳng cam chịu bị chèn ép, vẫn có “chiêu” của mình: Cũng đầu đạn hạt nhân, cũng hỏa tiễn tầm xa. Giàu mới sợ chết chứ nghèo thì còn ngán gì? Ngon thì chết chung! Anh nghèo khác như “Nhà nước Hồi giáo” chẳng hạn, thì có chiêu khủng bố: một mạng đổi trăm mạng.

Muốn thế giới bình an và loài người còn có tương lai, thì điều hiển nhiên là đừng đẩy ai vào đường cùng. Tấm bánh tài nguyên của Trái Đất này phải là của chung. Không thể để tình trạng kẻ ăn không hết người lần không ra, vì đó là mầm mống của xung đột.

***

Năm thứ 20 của thiên niên kỷ thứ ba, tức là năm nay, 75 năm sau “Cậu Bé”, loài người chưa chịu tỉnh ngộ, thì… “Cô Bé” xuất hiện.

Cô Bé mang tên Coronavirus. Sự hủy diệt lần này chậm rãi, âm thầm, như vô hình vô thanh, không ầm ĩ như những trái bom hạt nhân nhưng cứ lùi lũi tiến tới làm cả loài người chưng hửng và tê liệt! Chết như rạ! Và đó chỉ mới là “đợt một”! Chưa hết, và chưa biết khi nào mới chấm dứt!

Chỉ có thể có được hoà bình, để được sống mà tiếp tục nền văn minh này, khi nhân loại coi nhau như anh chị em một nhà, ngôi nhà chung Trái Đất. No đói có nhau. Ngọt bùi chia nhau. Khi tối lửa tắt đèn biết tương trợ đùm bọc. Một đứa trong nhà “mắc dịch” thì anh chị em xúm nhau cứu giúp chứ không đổ thừa nó mang bệnh vào nhà.

Chỉ có thể tồn tại khi và chỉ khi biết thương yêu, nhường nhịn, cưu mang, đùm bọc nhau. Sức mạnh hạt nhân, đại dịch virus, kinh tế tê liệt, nạn đói, thất nghiệp, hỗn loạn xã hội… chưa hết, còn biến đổi khí hậu với hậu quả khôn lường nữa.

Bao giờ loài người mới tỉnh ngộ?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Loài người ta ơi, hãy cắn răng chịu đựng tí nữa cho đến khi có thế giới đại đồng, mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, cả trái đất sẽ là một thiên đường từ hoang tàn Amazon đến mọi góc nẻo Châu Phi. Đến lúc đó, con người dù không muốn sướng nữa, liệu có được không ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây