Ngày 31/7/2020 và điều 25 Hiến pháp

Nguyễn Khả Thành

1-8-2020

Biểu tình là quyền của công dân được quy định tại điều 25 Hiến Pháp. Thông tư 09/2005 của Bộ Công an hướng dẫn: Những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường… nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước… nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đều phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thời gian tiến hành các hoạt động đó chỉ được phép diễn ra trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Trường hợp tập trung đông người trái phép…, nhưng diễn ra có trật tự thì đại diện chính quyền, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng phải giải thích, hướng dẫn để mọi người tự giải tán và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, về bảo đảm trật tự công cộng.

Không có bất cứ qui định Pháp luật nào tham gia biểu tình phải ra tòa mà chỉ có điều 167 Bộ luật hình sự: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm thì bị hoặc phạt tù, mức hình phạt có thể lên đến 5 năm.

Ngày 10/6/2018 các bị cáo Hạnh (1976), Vang (1966), Hóa (1968), Cương (1979), Lộc (1976), Dũng (1969), Phương (1975), Hồng (1983) tham gia biểu tình phản đối dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu (không biết có phải tác động từ cuộc biểu tình này cho đến nay tháng 8/2020 Luật Đặc khu vẫn chưa được thông qua). Sau đó các bị cáo dự định ngày 4/10/2018 sẽ đi biểu tình thêm lần nữa. Nhưng trước ngày 4/10 tất cả các bị cáo đã bị bắt giữ.

Sau tạm giam gần 02 năm, sáng hôm qua, 31/7/2020, Tòa án TP. Hồ Chí Minh xét xử, với tội danh: “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự và mức hình phạt:

1. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: 8 năm tù và 3 năm quản chế

2. Hoàng Thị Vang: 7 năm tù và 3 năm quản chế

3. Đỗ Thế Hóa: 5 năm tù và 2 năm quản chế

4. Hồ Đình Cương: 4 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế

5. Lê Quý Lộc: 5 năm tù và 3 năm quản chế

6. Ngô Văn Dũng: 5 năm tù và 2 năm quản chế

7. Trần Thanh Phương: 3 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế

8. Đoàn Thị Hồng: 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế.

Chiều 31/7/2020 Sài Gòn bỗng đổ mưa lớn, hình như trời cũng muốn chia xẻ những giọt nước mắt, nỗi nhớ nhà của ba bị cáo nữ vì phải bỏ các đứa con còn quá nhỏ trong một thời gian dài, chỉ vì họ lỡ tin rằng biểu tình là quyền hiến định tại điều 25 Hiến pháp. Trong các vật chứng lưu giữ cũng có một cuốn Hiến Pháp để chứng minh tội trạng của họ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây