Chuyện không chỉ của riêng bạn tôi

Tạ Duy Anh

1-8-2020

Chuyện tranh chấp phần ngõ của 7 gia đình với công ty Hà Thành, chủ đầu tư công trình nhà 9 tầng tại số 69 phố Lạc Trung, thuộc loại tranh chấp dân sự. Mỗi bên đều có những căn cứ pháp lý của mình, để khẳng định mình đúng. Việc bênh vực bên này hay bên kia đều từ cảm tính. Trong một nhà nước pháp quyền thì loại vụ việc thế này cần phải được giải quyết tại tòa án dân sự.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy. Chủ đầu tư, sau khi không thuyết phục được các gia đình chấp nhận vị trí mốc giới mà họ nói đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công nhận, đã huy động hàng chục xe ba bánh, xe nào cũng xưng là thương binh, chọn những khung giờ ít người quan tâm, đến hò nhau “đòi đất của tao?”. (Không biết “của tao” là của ai, chắc chắn không phải của những người trực tiếp đòi?).

Trong tình hình ấy, các gia đình, với tinh thần cảnh giác cao độ, nhanh chóng huy động nhân lực chống lại. Một bên tìm mọi cách dựng hàng rào bằng các lá tôn, một bên hùa nhau đẩy đổ. Thế là chửi bới, dọa nạt, vu cáo bằng đủ thứ ngôn từ tục tĩu nhất, khiến làm náo loạn cả một khu phố của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hiện chính quyền Phường Vĩnh Tuy đã vào cuộc. Công an trật tự, bao gồm cả cảnh sát 113 đã vào cuộc. Bên các gia đình cũng đã gom tiền thuê luật sư. Chủ tịch phường Vĩnh Tuy thì nhanh chóng cử người đến bảo vệ dân và cam kết, trong khi chờ vụ việc ngã ngũ, sẽ “hốt sạch” bất cứ hàng rào nào được chủ đầu tư tạo ra nếu nó cao quá 20 cm! Người dân có vẻ đã thấy an tâm và bình tĩnh chờ đợi sẽ có một tiến trình pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp.

Ăn sáng với anh bạn từng là cựu quân nhân, từng là Phó hiệu trưởng một trường đào tạo của Ngân hàng Nhà nước và là một trong bảy gia đình đang có tranh chấp với chủ đầu tư, nghe anh kể và tận mắt thấy hiện trường, thấy những cái xe ba bánh vẫn nằm ngổn ngang phía ngoài đường, xe nào cũng dán hai chữ “thần tốc” bên cạnh ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cảm thấy tột cùng đau đớn và hổ thẹn. Cứ như chính mình đang bị làm nhục!

Đất nước có luật, chính quyền được tổ chức đến tận tổ dân phố, mà sao lại có thể để xảy ra chuyện các bên tranh chấp tự ý giải quyết theo cách của mình! Giả sử bên các gia đình cũng có đủ tiền để thuê “những thương binh khác” và vì thế mà xảy ra đổ máu, thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Và có đáng phải như vậy không!

Đây là những câu hỏi dành cho chính quyền.

Nhưng có những câu hỏi khác đành chỉ biết hỏi vu vơ: Nếu tất cả các thương binh kia đều là thật (xét tuổi tác thì các anh chỉ có thể là thương binh chống Tầu, chống Khơ-me Đỏ), thì vì lẽ gì các anh lại đứng về phía chủ đầu tư?

Vì các anh nghèo đói, cần tiền sinh sống? Chả lẽ xã hội lại đã đến mức khốn nạn như vậy khi bỏ rơi những người từng không tiếc cả máu xương bảo vệ đất nước, khiến họ phải kiếm ăn khổ sở, không những nguy hiểm mà còn thất đức như vậy?

Còn nếu chỉ là thương binh giả, thì họ thực chất là ai, thuộc về thế lực nào mà có quyền lớn tiếng dọa nạt và sẵn sàng xuống tay với người dân, ngay trước mắt chính quyền?

Chuyện này không hề là chuyện nhỏ và rõ ràng không chỉ liên quan đến bạn tôi và các hàng xóm của anh.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Hơn bốn năm về trước,
    Ở Tiên Lãng, Hải Phòng,
    Đoàn Văn Vươn nổ súng
    Bảo vệ khu ao đồng.

    Đối tượng ông nhắm bắn
    Là đại diện chính quyền.
    Là công an đủ loại,
    Trang bị súng tiểu liên.

    Hai mươi tháng sau đó
    Ở thành phố Thái Bình,
    Nông dân Đặng Ngọc Viết,
    Do oan ức, bất bình

    Vì đất đai tranh chấp,
    Giải tỏa và bồi thường,
    Cầm súng vào công sở,
    Bắn bốn người trọng thương.

    Đó là một thực tế
    Đau lòng ở nước ta.
    Không ai mong muốn nó,
    Nhưng nó đang xẩy ra.

    Vì sao nên nỗi ấy?
    Vì sao hai dân thường
    Chống chính quyền bằng súng,
    Nhận kết quả đau thương?

    Vì họ, rất đơn giản,
    Quá uất ức, tủi hờn,
    Không còn tin công lý.
    Không biết làm gì hơn.

    Vì chịu nhiều oan trái,
    Vì họ, người dân thường,
    Bị chặn hết đường sống
    Và dồn vào chân tường.

    Giờ thì vụ Yên Bái.
    Một vụ quan bắn nhau,
    Mà bắn quan đầu tỉnh,
    Trực diện, dí sát đầu.

    Tức là cũng một dạng
    Thể hiện cái bất bình
    Vì chức tước, tiền bạc,
    Vì gian dối, bất minh…

    Tức là quan, thậm chí,
    Cả quan chức rất cao,
    Không tin cái công lý
    Giờ trở nên tầm phào.

    *
    Đất nước đang gặp khó.
    Niềm tin đã không còn.
    Không còn cả công lý,
    Đe dọa sự trường tồn.

    Vụ thảm sát Yên Bái
    Là bài học xót xa
    Và tiếng chuông cảnh tỉnh
    Để lãnh đạo nước ta

    Suy ngẫm về công lý,
    Về nỗi khổ dân tình,
    Để cứu dân, cứu nước
    Và cũng tự cứu mình. TBT

  2. Trong sách Ly Lâu Thượng,
    Mạnh Tử đã luận bàn
    Những dấu hiệu cho thấy
    Một chế độ sắp tàn.

    “Trên không có đạo lý,
    Dưới pháp luật bất minh.
    Vua chúa phạm luật nghĩa.
    Quan chức phạm luật hình”.

    Cứ theo đó mà xét,
    Thì Trung Quốc và ta
    Cái kết của chế độ
    Có vẻ cũng không xa. TBT

  3. Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    *
    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra. TBT

Leave a Reply to CÁCH MẠNG Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây