Nền pháp trị phọt phẹt thì tất cả đều phọt phẹt (Phần 2)

Trần Quân

31-7-2020

Tiếp theo phần 1

Để lâu quá rồi, hôm nay mới có cơ hội viết phần 2 của bài về phọt phẹt, gọi là thể chế phọt phẹt, đảng phọt phẹt, quốc hội phọt phẹt, chính phủ phọt phẹt và dân càng phọt phẹt hơn. Giờ là đạo phọt phẹt, coi như toàn phần.

Có một thực tế, dưới thời cộng sản cầm quyền gần một thế kỷ qua, người ta đã đơn giản và ngô nghê đánh đồng đạo với các tôn giáo. Đó là hệ quả của sự ngu tối, thói kiêu ngạo vô lối và tệ lười nhác, thậm chí vô trách nhiệm trong thực thi bổn phận với dân nước. Có 3 vấn đề/3 căn nguyên chính yếu của thực trạng này.

1- Sai lầm trong thức nhận dẫn tới xã hội loạn chuẩn. Đây chính là chỗ tệ hại và kém cỏi nhất của mô hình/ thiết chế xã hội cộng sản nói chung và ở Việt Nam bấy lâu nói riêng. Khi thủy tổ cộng sản là Mác coi tôn giáo là thuốc phiện đối với quần chúng, thì để bài trừ tôn giáo – người ta vì thế mà diệt luôn cả đạo.

Nên nhớ – đạo/ đạo gốc vốn là toàn bộ các chân lý, nguyên lý và quy luật của vũ trụ, mang tính trùm phủ và chi phối tất thảy mọi hoạt động sống của cả tự nhiên và xã hội. Cho nên, thuận thảo thì hanh thịnh, nghịch ngược là suy bại- khó tránh. Còn tôn giáo chỉ là dụng/ phương tiện của đạo mà thôi – ví như con thuyền chở đạo đến cho nhân gian, hoàn toàn do con người tao ra và đắp đổi qua nhiều thời mà nên, thành ra mới sinh lắm mối nhiều đường.

Vậy ở một mức độ nào đó, có thể coi tôn giáo thuộc về đạo/ là một thành tố của đạo, nhưng tuyệt nhiên không phải là đạo, thậm chí còn lỗi đạo và khiến rối rắm cả đạo và đời. Những người cộng sản đã không nhận chân được vấn đề, nên ngay từ trong trứng nước đã xa rời đạo gốc, thậm chí dẫm đạp lên nó – nên thể chế rơi vào nghịch ngược và xã hội không có chân đế/ nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững.

Thực tế đã cho thấy quá rõ về điều đó – với sự sụp đổ của hệ thống đã diễn ra vào thập niên cuối của thế kỉ 20 và một dự báo không hề sáng sủa gì cho vài ba mống còn sót lại – thực sự đổ đốn bằng sự giả dối, bạo quyền và xa rời với các giá trị nhân bản cùng các nguyên tắc sống còn của dân chủ – dân sinh. Đó là con đường phi nhân, dẫn tới tội ác và họa lụy khôn cùng.

2- Về bản chất, cộng sản là vô thần, nên quá trình bài trừ tôn giáo dưới chiêu bài chống mê tín dị đoan càng trở nên gay gắt hơn, mà thực chất mê lầm như trên đây càng khiến cho đạo gốc bị tàn diệt nhanh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức dân tộc suốt mấy thập kỉ qua không dễ phai mờ vết bầm đấu tố trong cải cách ruộng đất năm 1954 – khi đạo lý luân thường bị đảo lộn hoàn toàn, ươm mầm cho một thực trạng xấu ác và nuôi lớn bè lũ tiểu nhân đắc chí lên ngôi – càng ngày càng trở nên tồi tệ và u ám hơn.

Nói chính xác thì hơn 70 năm qua, dân tộc ta đã không có một nền giáo hóa chuẩn mực và ngay lành theo cách thiện – từng là chỗ dựa vững chắc cho công cuộc giữ nước và dựng nước suốt hàng ngàn năm lịch sử, đảm bảo cho sự trường tồn và triển nở lành mạnh nòi giống. Đặc biệt dưới chính thể này, các tôn giáo đã không làm tròn được phận sự chở đạo chân chính của mình, thậm chí còn là tầm gửi/ sống dựa vào thể chế là chính, không đủ sức nêu gương và nhiếp hóa chúng sinh trên đường diệt khổ tìm vui.

Trên thực tế, dân chúng xem ra rất mộ đạo và sính lễ lạt, nhưng đó thực không phải là sùng đạo-đạo gốc, mà chỉ là bám víu mãi vào con thuyền chở đạo phọt phẹt, tức mải miết với phương tiện, chứ không phải là tìm tới/ đạt tới cứu cánh-mục đích. Cho nên càng thấy sính lễ, càng thấy chùa to, tượng lớn, chuông bự… thì đời sống con người và xã hội càng trở nên vô cảm, vô định và vô nghĩa lý. Đó không gì khác, chính là thực cảnh xa đạo, thậm chí vô đạo.

Mà đời một cá nhân, cho đến cả cộng đồng dân tộc – đã vô đạo thì sao mà lập đức và tôn đức cho được, nghĩa là tất sẽ ít phúc/ mạt phúc/ vô phúc. Mà đã bất đức-bất phúc thì sao có thể vun đắp nên phẩn giá-nhân cách-liêm sỉ cho được. Mà người xưa đã dạy rồi – người không có liêm sỉ thì không bằng loài vật và không xứng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Cũng vì thế mà chính khí – nguyên khí bị suy kiệt, tà khí lên ngôi và lấn lướt, khiến cảnh sống như ao tù nước đọng.

Đó là bức tranh toàn cảnh về một xã hội ít nhân tính, lấy đua chen, giành giậ, tham bẩn, vị kỷ làm đầu và không thể che đậy, thì hãy nhìn vào đảng và bộ máy công quyền, cùng đời sống xã hội dân nước hiên thời xem có gì oan sai không? Giống như trên đường tu chứng nhiệm màu- phải có dũng khí tỏ tường sự thật một cách thỏa đáng như thế, chúng ta mới mong có tinh tấn và giải thoát viên mãn. Đó là chính pháp và là con đường sáng, còn không- thảy đều là tà giả, tăm tối và lụy khốn mà thôi.

3- Điều đáng nói nữa, chính từ bản chất và sự thức nhận sai lầm như thế mà những người cộng sản càng lún sâu vào những điều tối kị, khiến thành hư đạo và nát tục. Trên thực tế, với đầy rẫy những thất bại và sai lầm chiến lược mang tính đường lối như thế, cả về nội trị và quan hệ quốc tế, nhất là để rơi vào vòng lệ thuộc kẻ thù truyền kiếp, xem ra càng gỡ càng bí, càng chống đỡ càng rối hơn – ví như cảnh đốt lò chống tham nhũng của cụ Tổng có cháy đấy, thậm chí cháy to hẳn hoi, nhưng dân gian dạy rồi: “Đố ai quét sạch/ cũng như đốt sạch lá rừng. Để tôi ngăn gió – gió đừng rung cây…” . Bởi một xã hội đã vô đạo rồi thì những giải pháp như thế mới chỉ là phần ngọn, chưa tới gốc thì rất khó thành.

Mà cả trên đường đạo lẫn đường đời, cốt tủy phải trông vào nền giáo hóa theo chuẩn đạo, mà giáo hóa thì cốt ở thân giáo-nêu gương sống. Mà sống đây là phải biết sống cho ra sống – cả với mình và với đời, như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ dạy: “Nhân vô bổ thế trượng phu tàm”- có nghĩa: Sống mà không giúp ích gì cho đời thì không đáng mặt trượng phu.

Vậy thử hỏi – những người cộng sản, nhất là những ông nọ bà kia có chức quyền, cả lớn bé – giờ có bao người biết xả thân vì đại cuộc dân nước, hay đa phần chỉ lo vơ vét, thậm chí cam tâm vì đại cuộc với kẻ thù truyền kiếp mà bất chấp cả hại nước hại dân? Không khác được đâu – phải lập đạo, có đạo và giữ đạo thì mới mong thịnh ổn được.

Trần tôi tin là những người cộng sản đã thấy được, nhưng cái khó là để làm được như thế thì phải thành tâm/ nhất tâm. Bởi trước đạo và với đạo – xin nhớ là đạo gốc của trời đất nhé, chứ không phải là các tôn giáo thuần túy, thì tối kỵ là vờ vịt – như Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ dạy: “Miệng rằng tin, lòng lại lỗi”. Trần tôi dám chắc – không vị lãnh đạo cộng sản nào ở ngôi mà dám báng bổ thánh thần đâu, thậm chí còn tín mộ hơn người, nhưng họ vẫn phải làm ra vẻ vô thần và nói lời không thật. Vậy đã là bất thiện rồi.

Vả đa phần là giao phó việc ấy cho vợ con, mà các vị này rất dễ bị các loại thầy bà thực dụng vây bủa và lôi kéo vào mê lộ tâm linh, với đủ loại mục đích tư lợi vị kỷ, thậm chí cả tham vọng can thiệp vào công việc triều chính hẳn hoi. Thế là kính chẳng bõ phiền, từ cá nhân đến xã hội thành nửa đời nửa đoạn, nửa dơi nửa chuột mà nên nỗi – sao có được công quả linh ứng nhiệm màu – cho mình và cho dân nước?

Duy nhất sau đợt đầu chiến thắng ôn dịch Vũ Hán-Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã xuống chùa Viên Minh của đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ ở ngoại thành phía nam Hà Nội mà không ồn tạp bầu đoàn này nọ, thực đã là chỉ dấu của sự thấy biết thuần thành – đáng quý và đáng mừng. Tuy nhiên, điều tốt đẹp và chuẩn đạo như thế phải được lan tỏa mạnh mẽ ra cả đội ngũ và toàn dân – theo đúng nghĩa giương lên ngọn cờ chính đạo và chính pháp, mở cuộc hồi đầu – gột rửa tâm/ chuyển hóa tâm rốt ráo, thì mới hi vong công cuộc cải nghiệp sớm được tinh tấn và như ý. Đó là nghiệp lớn và phúc lớn.

Nhân đây không thể không nói đến một thực tế, hay nói cách khác là cung cách quản lý tôn giáo bằng cài cắm lực lượng nghiệp vụ an ninh vào giới tu hành. Phải nói ngay – thể chế nào và quốc gia nào thì cũng ít nhiều đều áp dụng như thế cả, bởi suy cho cùng thì đạo-đời là quy như thôi. Đó là cần, nhưng phải đủ và nên nhớ – đạo và đời tuy hai mà một và tuy một lại là hai. Và như thế, nó đòi hỏi những con người mang vác sứ mạng đạo-đời trên cả hai vai như thế phải được dạy bảo đúng mức và trau rèn chỉn chu, tức dứt khoát phải biết tự nỗ lực tu tập và mẫn cán hơn người, để hoàn mãn phận sự và ân hưởng phúc báu có thật, tức phải chỉn chu cả phần căn nghiệp hoằng pháp độ sinh-cứu khổ cứu nạn cao quý, chứ không phải là kẻ ngoại đạo ghé vào để lợi dụng, tệ hơn là phường tà đạo-mang theo con sóng đời thường uế trược – dự phần bung phá con thuyền chở đạo và con đê hộ đời bình yên.

Sự mất nết và hư đốn trong giới tu hành – vốn đã có sẵn (gọi là ma phật liền kề), nay lại càng xảy ra đậm đặc hơn – như dân gian gọi là các thầy tu giả cầy hay hổ mang… là có một phần lỗi rất nặng từ cuộc chơi này. Nó càng cho thấy thực trạng thể chế đương thời không chỉ không thấu suốt ngọn ngành chân lý đạo-đời, khiến coi nhẹ vị trí và vai trò sống còn của đạo – thông qua các tôn giáo, mà ở Việt Nam nhất là Phật giáo, thậm chí cả dấu hiệu phá đạo – cũng chính là tự phá đi các giường mối tinh thần cao trọng cho công cuộc dân nước lớn lao vậy.

Dân tộc và vận nước đang cần một cuộc đại chấn hưng – gọi là thay đổi hay là chết, trong đó dứt khoát phải sớm chấn chỉnh các chính sách và cung cách hành xử với tôn giáo, mở đường vãn hồi thực sự sức mạnh tinh thần từ cội nguồn đạo gốc – nhân bản và yêu thường, mới có thể sớm thúc đẩy tiền đồ hưng thịnh thành hiện thực.

Bài học lịch sử và căn cốt này – không thể không tôn vinh thế kỉ 13, thời nhà Trần vẻ vang. Đặc biệt là “Con đường Phật hoàng”, với tư tưởng lớn khai giải nội lực con người và dân tộc, mà khai giải nguồn trí tuệ và tinh thần là trọng yếu, để làm cuộc hưng thịnh Đại Việt đương thời và có ích cho muôn đời. Nên nhớ, Trần Nhân Tông khởi sự cho công cuộc chấn hưng Đại Việt như thế, chính là chọn điểm hỏa vào địa hạt Phật giáo đã trở nên quá thối nát từ cuối Lý sang đầu Trần.

Chính sự dấn thân cao cả – chấn hưng Phật giáo và giương cao ngọn cờ tư tưởng lớn của Thiền Việt Trúc Lâm Yên Tử, mà Người đã làm nên cuộc quật khởi toàn dân tộc, mở ra một hình mẫu đạo-đời hoàn mãn, làm tươi tốt lại nền giáo hóa chuẩn mực giàu truyền thống theo cách thiện, ghi dấu ấn về một thời cực thịnh-vàng son trong lịch sử nước nhà.

Nhưng bóng ma căn nghiệp cộng đồng lại hiện về và triều Trần suy vi. Thì căn nguyên chính cũng là do các thế lực ở ngôi sau đó đã không giữ được đạo cả chính, tức đánh mất các rường mối căn bản của đạo trị, sa vào ham hố danh lợi phàm trần, khiến tan đổ cả cơ đồ. Chính vua Trần Nghệ Tông đã lưu bút để cảnh thức hậu thế, rằng: “Tự hận nhi tôn tham bão noãn. Bất tùy sung mật báo thâm ân”, có nghĩa: Tự hận cháu con ham lợi lộc. Không theo nghĩa cả báo ơn dày.

Câu chuyện bại thành muôn đời chỉ có thế mà thôi. Cho nên một khi đã vô đạo, hoặc có đấy mà để rơi vào tình trạng phọt phẹt, thì họa lụy là khôn lường và suy vi đã nhãn tiền, chứ không phải đơn thuần chỉ là vấn đề chính đảng và thể chế.

Ta nói, vào thời điểm khắc nghiệt này, cần một cuộc hồi đầu – đảng hồi đầu, quốc hội hồi đầu, chính phủ hồi đầu và cả dân tộc hồi đầu, để kịp nâng đón lấy cơ vận ngàn năm có một, mở cuộc sang sông lớn thịnh cường là thế và không mong gì hơn thế. Bởi một khi đã bước lên đài hùng cường, thì không chỉ là hạnh phúc trong tầm tay đối với 96 triệu dân Nam đang khát cháy, mà chúng ta sẽ có cơ hội để làm được những điều ngàn lần lớn lao hơn thế- đó là nỗ lực thu về những gì đã mất vào tay kẻ thù truyền kiếp trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nỗi, đặc biệt là thời của nhứng người cộng sản u tối, đớn hèn và vô đạo.

Phàm đã nói và bàn về đạo lớn thì mặc nhiên đã là chí thành và chí nghĩa vì đại cuộc và tin mong cho đại cuộc dân nước tất thành. Mô Bụt!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây