Bản tin ngày 21-7-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Về tàu hải cảnh Zhongguohaijing 5402, ông Phạm Thắng Nam cho biết, hôm nay tàu này đã xâm phạm trái phép vào khu vực lô dầu khí 06-01 của Việt Nam lần thứ 6. Ông Nam viết:

Tàu rời vùng biển phía dưới bãi Tư Chính lúc 5h37′ sáng, đi thẳng đến lô khai thác dầu khí 06.01 và quay trở về vùng biển dưới bãi Tư Chính lúc 10h16′ sáng cùng ngày. Hiện tàu đỗ ở một vị trí phía dưới bãi Tư Chính, cách đảo Côn Sơn 168.1 NM, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN“.

Tàu Zhongguohaijing 5402 xâm nhập lô 06.01 lần thứ 6. Ảnh: Phạm Thắng Nam

Vụ Việt Nam hủy hợp đồng với Noble mà theo GS Carl Thayer nói, VN đã “đóng thêm một chiếc đinh lên cỗ quan tài trong nỗ lực phát triển nguồn trữ lượng khí ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam“, ông Phạm Ngọc Hưng bình luận:

Sau khi Rosneft Vietnam huỷ hợp đồng thuê tàu khoan Noble Clyde Boudreaux, thì dường như số phận ngành dầu khí Việt Nam đã an bài: nó sẽ chết sau khi bể Nam Côn Sơn đã cạn. Bởi dễ hiểu là dưới áp lực của TQ, sẽ không có mũi khoan nào chạm được vào đáy biển“.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Quan chức cấp cao Đông Á kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp ở Biển Đông. Vẫn không rõ quan chức nước nào ở Đông Á, chỉ thấy bài viết dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao VN, nói: “Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế công nhận“.

Đây rồi, bài trên VietNamNet nói rõ hơn: Việt Nam đề nghị các bên kiềm chế, không quân sự hóa Biển Đông. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh lập trường nguyên tắc đã nêu tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, “đề nghị các bên cần đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình“.

Vẫn không rõ Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các bên nào kiềm chế, Trung Quốc hay Mỹ, Úc, Nhật, Ấn? Có vẻ như ông Dũng muốn nói tới Trung Quốc, nhưng ông vừa đ… vừa run?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: VNN

Mỹ, Nhật, Úc cùng tham gia tập trận ở vùng biển Philippines hôm 19/7, trang web của Chỉ huy Hạm đội 7 đưa tin. Tin cho biết, hai ngày trước, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF), Lực lượng phòng vệ Úc (ADF) và nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan bắt đầu một cuộc tập trận ba bên ở biển Philippines.

Chỉ huy Sakano Yusuke của Nhật, thuộc Đội Hộ tống 4 (Escort Division 4) nói: “Tôi tin rằng việc tăng cường hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Úc là vô cùng quan trọng đối với Nhật, và cũng đóng góp cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng“.

Còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ thì tập trận với Ấn Độ ngày 20/7, dự kiến kéo dài đến chiều nay. Rời biển Đông, tàu sân bay Mỹ tập trận chớp nhoáng với Ấn Độ, báo Người Lao Động đưa tin. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu, đã tập trận với tàu chiến Ấn Độ ở khu vực gần quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, khi trên đường từ biển Đông đến Trung Đông.

Mời đọc thêm: Vì sao Mỹ thay đổi lập trường về biển Đông? (TP). – Vì sao Mỹ ra tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông vào thời điểm này? (TG&VN). – Diễn biến trên thực địa ở Biển Đông gây quan ngại (LĐ). – Malaysia tái khẳng định lập trường đối thoại trong vấn đề Biển Đông (Tin Tức). – Việt Nam và khả năng ‘chọn phe’ trên Biển Đông (VOA).

Đường dây đưa người Trung Quốc vào Việt Nam trái phép

Sau vụ tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng chục người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp, không chỉ riêng Quảng Nam, mà ở Đà Nẵng cũng phát hiện 27 người “bổng dưng” lưu trú ở đây, báo Thanh Niên đưa tin. Các nhà chức trách đặt nghi vấn, có thể có một đường dây đưa người trái phép từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Công an TP Đà Nẵng cho biết: Bắt 3 nghi can đưa 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, theo Zing. Cơ quan điều tra ở Đà Nẵng đã bắt khẩn cấp 3 nghi can, gồm 1 người Trung Quốc và 2 người Việt Nam trong đường dây đưa 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”, theo Điều 348, Bộ luật Hình sự.

Mời đọc thêm: “Nghi án” đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng-Quảng Nam? (GT). – Hàng chục người Trung Quốc chạy tán loạn: Nghi vấn đường dây đưa người trái phép (TN). – Người Trung Quốc ở Quảng Nam, Đà Nẵng: Có đường dây đưa người vượt biên? (NLĐ). – Xử phạt thế nào vụ nhiều người Trung Quốc ‘không biết bằng cách nào’ lưu trú Quảng Nam và Đà Nẵng? (DV).

Tin nhân quyền

Tin từ Facebooker Tụ Tinh Thần cho biết, hôm nay mẹ của blogger Lê Anh Hùng đã vào nhà thương điên để thăm ông, nhưng bà không được gặp con mình. Facebooker này cũng cho biết, kể từ khi những hình ảnh của ông Lê Anh Hùng được đưa lên mạng, những thông tin về ông bị kiểm soát hoàn toàn.

Bà Trần Thị Niêm, mẹ của blogger Lê Anh Hùng. Ảnh: FB Tụ Tinh Thần

Luật Khoa có bài viết của tác giả Y Chan kể về quá trình chuyển biến nhận thức của anh khi lúc đầu còn “dị ứng” với những thông tin mà nhà nước Việt Nam liệt vào dạng “phản động”. Tuy nhiên, bằng cách độc lập kiểm chứng thông tin và đối chiếu với thực tế, tác giả nhận ra rằng, “Lỗ hổng lớn nhất lại nằm trong chính cái đầu mình”. Và anh đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, hôm nay, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm Đặng Thị Huệ (Huệ Như) – “người chống nhiều BOT bẩn khắp Bắc Trung Nam. BOT bẩn nhất và bị chị chống nhiều nhất là BOT Bắc Thăng Long Nội Bài”. Nhưng đến 9h15 thì tòa lại thông báo hoãn xử, dự kiến 29/7 xử, ông Danh thông báo.

Theo ông Danh, sở dĩ trạm BOT Bác Thăng Long – Nội Bài được gọi là “BOT bẩn” vì để hợp lý hóa việc kiếm chác, người ta đã tìm ra một cái cớ, đó làm một đoạn đường tránh TP Vĩnh Yên vô thưởng vô phạt, sau đó đặt trạm BOT này và nói thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh này. Việc đặt trạm còn vô lý ở chỗ khi người dân không đi qua tuyến tránh Vĩnh Yên nhưng vẫn phải nộp phí qua trạm BOT.

Mặc dù sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhưng các gia đình Việt Nam vẫn muốn có con trai nhiều hơn con gái, dẫn tới mất cân bằng giới tính. VOA có bài: Bất bình đẳng giới: ‘Trọng nam khinh nữ’ vẫn tồn tại ở Việt Nam.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi trẻ mới sinh ra ở Việt Nam cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Quỹ Dân số LHQ cảnh báo, nếu mọi việc không thay đổi, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đối mặt với một viễn cảnh tồi tệ: Số lượng đàn ông sẽ vượt xa số lượng phụ nữ 10% hoặc hơn.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng do những quan niệm Nho giáo ‘thích con trai hơn con gái’ sẽ khiến Việt Nam thiếu hụt phụ nữ trầm trọng, gây nên những hậu quả khôn lường cho xã hội cũng như dẫn tới những bất ổn về kinh tế“.

RFI đưa tin: Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế. Báo Libération phỏng vấn một nữ giáo viên người Duy Ngô Nhĩ đang sống lưu vong ở châu Âu. Bà kể lại chi tiết những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương: “Bắt giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai… chứng tỏ chính sách đồng hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng“.

Hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ bị cạo trọc, bị bịt mắt và bị bắt quỳ gối trong một nhà ga. Ảnh cắt từ clip của BBC

Ông Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu người Đức đã đưa ra ánh sáng nhiều việc làm mờ ám của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, đã bị Bắc Kinh trực tiếp đe dọa, cho biết, Bắc Kinh sợ bài báo trên Washington Post đăng ngày 6/7, với tựa đề: “Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng“. Lần đầu tiên, hai tập thể người Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Mời xem lại clip của BBC: “Bên trong các trại ‘chuyển đổi tư tưởng’ của Trung Quốc”:

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Anh về vấn đề Hồng Kông tiếp tục gia tăng. Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, Anh đã đình chỉ ngay lập tức hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Để trả đũa, Trung Quốc cảnh báo sẽ ‘phản công mạnh’ nước Anh về vấn đề Hong Kong, VOA dẫn nguồn từ Reuters cho biết.

Reuters dẫn lời ông Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ “đáp trả các hành động sai trái” của Anh. Ông Wang kêu gọi London “hãy từ bỏ hoang tưởng rằng họ vẫn có ảnh hưởng tới Hong Kong như thời thực dân và lập tức sửa chữa những hành động sai trái”.

Mời đọc thêm: Phiên tòa phúc thẩm xử 2 người dân “chống BOT bẩn” hoãn lần thứ hai (RFA). – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tìm cách duy trì hoạt động (VOA). – Luật an ninh quốc gia Hồng Kông: Công cụ đe dọa những ai chống Bắc KinhBắc Kinh dọa Luân Đôn gánh “hậu quả” vì đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông (RFI). – Cựu sĩ quan Hải Quân Mỹ bị an ninh đánh tới tấp trên đường phố Portland (NV).

Tin môi trường

Trận mưa đêm 20, rạng sáng 21/7/2020 ở tỉnh Hà Giang đã làm cho thành phố này chìm trong biển nước. Ngoài thiệt hại về hoa màu, tài sản, hiện ghi nhận đã có người thiệt mạng. Tại sao một thành phố vùng cao mà chỉ mưa trong vài tiếng, đã bị ngập nặng nề như vậy?

Theo Facebooker Jang Kều, ngoài nguyên nhân rừng đầu nguồn bị tàn phá, thì “theo phân tích của các nhà khoa học còn có một nguyên nhân rất quan trọng, là từ những sai lầm nghiêm trọng do QUY HOẠCH”. Hà Giang cũng như một số thành phố khác đang đẩy mạnh phát triển du lịch, các dự án mọc lên như nấm, không theo quy hoạch một cách khoa học, chắn hết đường thoát nước.

Việc người dân bị hạn chế tiếp cận thông tin và thiếu vắng tiếng nói phản biện, cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Còn nhớ hồi đầu năm 2017, khi người dân lên tiếng về việc phá rừng đầu nguồn, thì Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã đối phó bằng cách bắt thớt để… bảo vệ rừng.

Tổ tuần tra Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, bắt giữ ông Giàng Mí Lầu vận chuyển 2 tấm thớt trái phép. Ảnh: Báo Đất Việt

Dự án lấn biển Cần Giờ tiếp tục gây sự chú ý của công luận. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tổng hợp số lượng người dân tham gia ký bản kiến nghị “xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” đến ngày 21/7 lên tới gần 6 ngàn người.

Kiến nghị nhắc lại việc Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường (ĐTM) “chưa được đánh giá khách quan, toàn diện. Đặc biệt, những vấn đề quan trọng nhất đã chưa được đánh giá đầy đủ trước khi phê duyệt, như: tác động của việc thực hiện dự án đến Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vấn đề xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án, các biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực của dự án”.

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên có bài viết: Chúng ta biết gì về dự án lấn biển Cần Giờ? Theo ông Kiên, với quy mô dự án, dân số dự kiến và lượng khách du lịch đến đây tăng gấp 40 lần con số hiện tại thì nước thải, rác thải sẽ được xử lý ra sao?

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Hải – vụ trưởng Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho rằng “dự án chỉ sử dụng phần bãi và biển, cách xa các tuyến đường thủy hiện tại và dài hạn, không ảnh hưởng đến phần đất liền, các di tích khảo cổ”.

Trên BBC, tác giả Khải Đơn có bài: Dự án Cần Giờ: Đừng để có lỗi với nhân dân, đặt ra rất nhiều câu hỏi cần giải đáp. Theo tác giả, do khoảng cách từ nơi dự án tới lõi rừng chỉ 18km, nên việc nói không ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ cần phải xem xét lại.

Mời đọc thêm: Mưa lũ tại Hà Giang: Hàng loạt ôtô chìm trong biển nước trên đường phố (LĐ) – 2 người tử vong vì mưa lớn gây sạt lở đất ở Hà Giang (CA) – Mưa lớn ở Hà Giang, hàng loạt xe hơi trôi bồng bềnh trong nước (TT) – Hà Giang ngập sâu sau mưa lớn (VNE). – Dự án lấn biển Cần Giờ: Giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng quy định (TT). – Bộ TN-MT đã rất thận trọng khi phê duyệt ĐTM dự án Cần Giờ (TN). – Đại diện Tổng cục Môi trường: Dự án Cần Giờ tác động không đáng kể rừng ngập mặn (TP). – Tác động của Dự án lấn biển Cần Giờ đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn (CAND).

***

Thêm một số tin: Đề án hỗ trợ phát triển KTXH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An: Ai thẩm định số tiền 12 tỷ đồng để xây…’chuồng bò hạng sang’? (TP). – Khởi tố thêm một giám đốc trong đường dây xăng giả của Trịnh Sướng (Zing). – Cận cảnh tháo dỡ nhà xưởng mọc như nấm, có dấu hiệu bảo kê tại quận Hà Đông —  Người lính già và ngôi mộ ở nghĩa trang: ‘Đồng chí nào nằm dưới mộ thay tôi thế’ (TP). – 1.500 câu hỏi của nông dân chờ Thủ tướng giải đáp tại hội nghị đối thoại lần 3 (DV). – Thượng úy công an hy sinh khi bắt trộm được công nhận liệt sĩ (Zing). – Covid -19: Tổng thống Trump bị bắt bẻ trên đài Fox NewsDonald Trump: “Đeo khẩu trang là yêu nước” (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây